• Hình động trên cùng 1

Đây là kho tư liệu quý hiếm về lịch sử văn hóa độc đáo của Việt Nam, không phải là trang “web” bình thường; hiện có hàng trăm tư liệu quý chưa đưa lên mạng. Xin thử coi vào mục “tưởng niệm”, hiện đã có những phim phỏng vấn những người nổi tiếng như Văn Cao, Phùng Quán, Phạm Duy, Trần Văn Khê và sẽ tiếp tục đưa lên nhiều tư liệu quý nữa. Hay thử coi mục “Giáo dục” đã thử đưa lên một vài bài về nghiên cứu giáo dục từ “phương pháp dạy và học” đến “Chân dung người thầy thế kỷ XX”, nhất là về “lương sư hưng quốc”. Cũng nên quan tâm đến bốn chương trình cùng nhau: "Cùng nhau quảng bá sự thật lịch sử chủ quyền ra thế giới"; "Cùng nhau quảng bá Bếp Việt ra thế giới"; "Cùng nhau đem dân ca - hát thơ vào trường học" và cùng nhau xây dựng chương trình "Ngàn thanh niên thế kỷ XXI", mỗi người một kế hoạch nhỏ góp phần xây dựng Việt Nam thành cường quốc biển.

Trang mạng này đang cần nhiều sự hỗ trợ về tài chánh và nhân lực để đưa lên nhiều tài liệu quý vốn đã có cũng như cho “Quỹ Văn hóa Giáo dục” có nhiều học bổng khuyến học về “Hoàng Sa học” cũng như làm luận văn, luận án tiến sĩ…

QUỸ VĂN HÓA GIÁO DỤC HÃN NGUYÊN NGUYỄN NHÃ ĐỒNG HÀNH CÙNG HIỆP HỘI ẨM THỰC VÀ DU LỊCH VIỆT NAM VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN NGHỆ NHÂN ẨM THỰC DÂN GIAN VIỆT NAM THAM GIA ĐẠI HỘI ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ THẾ GIỚI - CHI TIẾT TẠI AMTHUC.NET.VN

Thứ tư, 16 Tháng 7 2014 15:19
User Rating: / 1
PoorBest 
Share on Facebook

Nhằm góp thêm tiếng nói quảng bá hồ sơ tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, báo Tuổi Trẻ cùng Công ty sách Phương Nam phối hợp tổ chức giao lưu trực tuyến: “Sự thật không thể chối cãi về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa” từ lúc 9g - 11g30 ngày 17/07/2014 với các khách mời: Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã, Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, Thạc sĩ Hoàng Việt (Giảng viên ĐH luật, thành viên ban nghiên cứu luật biển thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam)

hathochuquyenamthuc resized

 

Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ đã thay mặt tòa soạn tặng hoa cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian giải đáp một cách đầy đủ và khoa học những câu hỏi xung quanh các vấn đề quan tâm của độc giả như: giá trị của bản đồ "An Nam Đại quốc họa đồ", vai trò của các đội dân binh Hoàng Sa và thủy quân Hoàng Sa xác lập chủ quyền mang tính cách nhà nước, giá trị khoa học của chuyến khảo sát Hoàng Sa của Viện Hải dương học Nha Trang năm 1926, ý nghĩa của hiệp thương thống nhất hai miền đối với chủ quyền, sự phi lý của bản đồ đường lưỡi bò và bằng chứng ngụy tạo của Trung Quốc dưới cái nhìn của luật pháp quốc tế, tham vọng thực sự của Trung Quốc thông qua việc đưa giàn khoan 981 xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, những cách thức hòa bình hợp lý để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, vai trò của nhà trường trong việc giáo dục nhận thức và ý thức bảo vệ chủ quyền, sự cần thiết của việc truyền thông sự thật về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cho thế giới trong đó có nhân dân Trung Quốc...

Trước câu hỏi về gợi ý cách nói ngắn gọn, dễ hiểu với người Trung Quốc để họ hiểu rằng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Thạc sĩ Hoàng Việt với kiến thức vững vàng về luật quốc tế đã cho rằng: “Nếu phía Trung Quốc chắc chắn về chủ quyền của họ trên Hoàng Sa và Trường Sa, thì chính quyền Trung Quốc hãy cùng chính quyền Việt Nam đem vấn đề này ra giải quyết tại một cơ quan tài phán quốc tế.”

Là một quan nhân từng trải qua nhiều sự kiện liên quan đến chủ quyền biển đảp, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm đã kể lại kỷ niệm cá nhân về tinh thần cảnh giác bảo vệ chủ quyền của tập thể quân nhân miền Bắc đã cẩn thận trao đổi và từ chối lời mời tham gia buổi tiệc do chính quyền Trung Quốc tổ chức mừng việc xâm lược thành công quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền phía Nam Việt Nam.

Cụ thể hơn, các khách mời cũng cũng giới thiệu lại cho độc giả quan tâm tìm đọc các quyển sách "Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa" (TS. Nguyễn Nhã chủ biên) và quyển "Hoàng Sa - Trường Sa trong thư tịch cổ" (Đinh Kim Phúc biên soạn) hoặc tập hồ sơ tư liệu bằng tiếng Anh hơn 500 trang về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa - Trường Sa hiện đã tạm thời đưa lên trang mạng www.hannguyennguyennha.com. Ngoài ra, bình luận về việc chuẩn bị xuất bản lại Tập san Sử Địa trong thời gian tới, TS. Nguyễn Nhã cho rằng đó là một thông điệp rất quý cho giới trẻ về chất men yêu nước để tiếp nối việc xây dựng nội lực đất nước hùng cường là phương pháp tốt nhất để tăng cường năng lực bảo vệ chủ quyền quốc gia để không còn bị xử ép ở biển Đông như hiện nay. Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cũng cho rằng việc có những độc giả hỏi về mang thông tin sự thật chủ quyền vào trường học là những tín hiệu đáng mừng về sự quan tâm của người dân.

Đặc biệt, 5 độc giả có câu hỏi thú vị nhất do khách mời bình chọn đã được tặng bộ sách quý “Hoàng Sa, Trường Sa trong thư tịch cổ” vừa được nhà sách Phương Nam phát hành.

Nhân có một độc giả tên Hoài Lâm hỏi về Hội nghị Hòa bình San Francisco 1951, TS. Nguyễn Nhã cũng xúc động nhớ lại giây phút xem chương trình Gương mặt Thân quen mà nghệ sĩ Hoài Lâm đã hóa thân thành nghệ sĩ Thanh Nga và Thanh Sang trong một vở diễn kinh điển tràn đầy tinh thần dân tộc gây xúc động mạnh vào thời điểm giàn khoan 981 đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

TS. Nguyễn Nhã là Sáng lập viên Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã với chương trình "Cùng nhau quảng bá sự thật chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa ra thế giới" đúc kết từ nhiều công trình nghiên cứu lịch sử chủ quyền Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa từ trước năm 1975 với số đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa của Tập san Sử Địa và mới đây nhất là tập hồ sơ tư liệu bằng tiếng Anh hơn 500 trang về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa - Trường Sa hiện đã tạm thời đưa lên trang mạng www.hannguyennguyennha.com.

 
 

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến “Sự thật không thể chối cãi về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa” ngày 17/07/2014 do báo Tuổi Trẻ cùng Công ty sách Phương Nam phối hợp tổ chức  từ lúc 9g - 11g30 ngày 17/07/2014 với sự tham gia của: Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã, Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, Thạc sĩ Hoàng Việt (Giảng viên ĐH luật, thành viên ban nghiên cứu luật biển thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam)

alt


TTO - * Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc có thể cho biết mục đích và ý nghĩ của cuốn sách “Hoàng Sa, Trường Sa trong thư tịch cổ” vừa xuất bản thời gian qua không? (Minh Phương, 41 tuổi, phuongduoc@....)

5 độc giả có câu hỏi thú vị nhất sẽ được tặng bộ sách quý “Hoàng Sa, Trường Sa trong thư tịch cổ”

 

Nhằm góp thêm chứng cứ trong công cuộc khẳng định chủ quyền biển đảo của VN, từ lúc 9g - 11g30 ngày 17-7 báo Tuổi Trẻ cùng Công ty sách Phương Nam phối hợp tổ chức giao lưu trực tuyến: “Sự thật không thể chối cãi về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa”.

Khách mời tham gia buổi giao lưu gồm:

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm

Tiến sĩ Nguyễn Nhã - nghiên cứu lịch sử chủ quyền Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa. Chủ biên tập san Sử Địa.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, chủ biên cuốn sách “Hoàng Sa, Trường Sa trong thư tịch cổ"

Thạc sĩ Hoàng Việt - Giảng viên ĐH luật, thành viên ban nghiên cứu luật biển thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Dịp này, khách mời sẽ lần lượt giải đáp một cách đầy đủ và khoa học những câu hỏi xung quanh các vấn đề đáng quan tâm như: Chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được khẳng định như thế nào qua các chứng cứ lịch sử trong nước lẫn nước ngoài? ; Đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương đưa ra, dưới cái nhìn của Luật pháp quốc tế ra sao? Thông qua việc đưa giàn khoan Hải Dương xâm phạm  vào vùng đặc quyền kinh tế của VN, Trung Quốc thể hiện tham vọng gì?...

alt
Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Tăng Hữu Phong (bìa trái) trao hoa cho các khách mời tham gia buổi giao lưu - Ảnh: Thanh Đạm
alt
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm đang trả lời câu hỏi của bạn đọc - Ảnh: Thanh Đạm
alt
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc - Ảnh: Thanh Đạm
alt
TS Nguyễn Nhã - nhà nghiên cứu lịch sử - Ảnh: Thanh Đạm
alt
ThS Hoàng Việt - giảng viên trường ĐH Luật TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

NỘI DUNG GIAO LƯU:

* Thưa thạc sĩ Hoàng Việt, việc tàu cá và tàu kiểm ngư của Việt Nam bị tấn công và đâm chìm như thế có bị xem là tội ác chưa? Hành động đưa cả tàu quân sự vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam của Trung Quốc có vi phạm luật pháp quốc tế hay không?(Được, 51 tuổi, duocnguyenphuoc@....)

- Thạc sĩ Hoàng Việt: Việc đâm chìm tàu cá và tàu kiểm ngư trên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng ta thì theo luật hình sự Việt Nam, có dấu hiệu vi phạm luật hình sự. Tuy nhiên việc có phải là tội phạm hay không cần sự điều tra và phán quyết của một tòa án tại Việt Nam.

Hành động đưa tàu quân sự vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì trong công ước luật biển năm 1982 có quy định tàu thuyền có quyền đi qua không gây hại trong vùng đặc quyền kinh tế. Nhưng với sự cố đâm tàu hoặc xịt vòi rồng thì không phải là đi qua không gây hại. Và điều đó đã vi phạm tới nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình được quy định trong điều 2 hiến chương Liên hiệp quốc và điều 279 công ước luật biển.

* Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc có thể cho biết mục đích và ý nghĩ của cuốn sách “Hoàng Sa, Trường Sa trong thư tịch cổ” vừa xuất bản thời gian qua không? (Minh Phương, 41 tuổi, phuongduoc@....)

 - Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Chính phủ Trung Quốc, cũng như các nhà khoa học Trung Quốc đều khẳng định họ có chủ quyền lịch sử trên biển Đông cũng như cái gọi là "Tây Sa" và "Nam Sa" ít nhất là 2000 năm nhưng họ không đưa ra được bất cứ một sử liệu hoặc một chứng cứ pháp lý nào để minh họa cho quan điểm của họ. Từ đời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Trung Quốc có 24 bộ chính sử (Nhị thập tứ sử), phương chí và địa đồ Trung Hoa tính đến trước năm 1909 thì đều chứng tỏ biên giới cực Nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở Huyện Nhai, đảo Hải Nam.

Trong quyển "Hoàng Sa Trường Sa trong thư tịch cổ", PGS. Tiến sĩ Trịnh Khắc Mạnh đã công bố nhiều tư liệu lưu trữ rất quý của Viện Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ và Tiến sĩ Nguyễn Xuân Viện đã trình bày một tư liệu rất quan trọng có giá trị pháp lí. Đó là tờ lệnh ở Lý Sơn của dòng họ Đặng. Qua tờ lệnh này, chúng ta thấy Nhà nước Việt Nam lúc bấy giờ đã thực thi chủ quyền của mình trên vùng biển Đông và quần đảo Hoàng Sa. Những tư liệu như thế này Trung Quốc không thể có để minh họa cho cái gọi là chủ quyền lịch sử của họ ở biển Đông.

Một loạt bài rất quan trọng của tác giả Hồ Bách Thảo đã phản bác toàn bộ cách ngụy tạo chứng cứ lịch sử của Trung Quốc và đã chỉ rõ, Trung Quốc chưa bao giờ làm chủ ở biển Đông và trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Quyển "Hoàng Sa Trường Sa trong thư tịch cổ" với nhiều tư liệu lịch sử quan trọng đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ rất lâu đời, muộn nhất là từ thế kỉ XVII. 

* Mình có nhiều chứng cứ, lý lẽ, tại sao Philippines lại đệ đơn kiện Trung Quốc trước. Đến giờ Việt Nam mới chỉ tuyên bố sẽ kiện, vậy đến lúc nào thì kiện? (Lê Thanh Bình, 45 tuổi, Đống Đa Hà Nội)

- Thạc sĩ Hoàng Việt: Quyết định kiện Trung Quốc của Philippines là một quyết định dũng cảm. Nhưng cần phải hiểu rõ hơn về các tình tiết của vụ kiện. Tiến trình của vụ kiện kéo dài mất khoảng vài năm, và cho đến nay vẫn chưa ai dám chắc về khả năng thắng kiện của Philippines. Cho nên về phía Việt Nam, Chính phủ Việt Nam vẫn còn đang cân nhắc và tham vấn ý kiến của các chuyên gia quốc tế cho khả năng khởi kiện. Còn quyết định kiện sẽ thuộc về các lãnh đạo cao cấp của chúng ta.

* Xin cho biết, giá trị khoa học của chuyến khảo sát Hoàng Sa của Viện Hải dương học Nha Trang năm 1926? (Hội, 54 tuổi, nguyenhoi@....)

NNC Đinh Kim Phúc: Cuộc khảo sát ở quần đảo Hoàng Sa vào năm 1926 của Sở Nguyên cứu Hải dương và Nghề cá Đông Dương đã có một kết luận rất quan trọng: "Quần đảo Hoàng Sa nằm trên một cao nguyên chìm dưới biển và dính liền với lục địa Việt Nam". Đây là một bằng chứng khoa học càng làm sáng tỏ hơn giá trị lịch sử về chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Đúng như lời kết luận của Tiến sĩ Krempt, Giám độc Viện Hải dương học Đông Dương: "Về phương diện địa chất, những đảo Hoàng Sa là một phần của Việt Nam".

* Nhân dân Trung Quốc đến giờ này vẫn nghĩ rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của họ. Xin cho biết bằng cách nào để giải bài toán này? Pháp Luật quốc tế có bảo vệ chủ quyền VN được hay không nếu như Trung Quốc tiếp tục làm "dữ"? (Nguyễn Thị Nghĩa, 36 tuổi, nguyenthinghia@)

- Thạc sĩ Hoàng Việt: Để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ như trường hợp Hoàng Sa và Trường Sa thì cho đến nay biện pháp giải quyết hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế là biện pháp được ưu tiên. Pháp luật quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp pháp lý để các quốc gia dựa vào đó mà thực hiện. Tuy nhiên, việc bảo vệ chủ quyền lại cần rất nhiều lĩnh vực cả về kinh tế, chính trị, quân sự...

* Các tác giả đã suy nghĩ đến việc đưa các tư liệu về Trường Sa và Hoàng Sa như thế này vào trường học để học sinh tiếp cận hay chưa? (Trầm Thanh Tuấn, 31 tuổi, caotramtuan198456@...)

- NNC Đinh Kim Phúc: Báo Tuổi Trẻ đã có một loạt bài chỉ ra cho chúng ta thấy rằng Trung Quốc đã sử dụng sách giáo khoa từ bậc phổ thông cho đến bậc đại học như là một công cụ để tuyên truyền cho cái gọi là chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở biển Đông cũng như cái gọi là "Tây Sa" và "Nam Sa". Đây là một việc làm rất nguy hiểm vì nó làm cho người dân Trung Quốc và thế hệ trẻ Trung Quốc không hiểu rõ được sự thật của lịch sử và không thấy rõ được chính sách bá quyền của nhà nước Trung Quốc. Do đó, việc đưa các kiến thức về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào trong hệ thống sách giáo khoa Việt Nam từ bậc phổ thông đến bậc đại học là một việc làm rất quan trọng, rất cần thiết và cần phải làm ngay. Trách nhiệm này thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu không làm được điều này, chúng ta sẽ mất chủ quyền từ trong nhận thức cho đến thực địa.

* Trung Quốc và ta đều đưa ra những bằng chứng chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa từ thời phong kiến nhưng tính pháp lý quốc tế của những bằng chứng này có thật sự được xác nhận hay không? (Binh Hung, 36 tuổi, lhungbinh@....)

- TS Nguyễn Nhã: 

* Đối với Trung Quốc:

Ngoài những bằng chứng thời phong kiến còn có 5 bằng chứng thời hiện đại đều không có giá trị pháp lý quốc tế.

- Thứ nhất là cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (1909) khi chính quyền Quảng Đông bắt đầu tranh chấp chủ quyền cho rằng Paracel là đất vô chủ thì pháp lý quốc tế phải là chiếm hữu thật sự mang tính nhà nước, hòa bình và liên tục. Cũng như Hiến chương Liên Hợp Quốc cấm không được sử dụng vũ lực và Công ước về Luật biển (1982) quy định rất rõ về lãnh hải về vùng đặc quyền kinh tế...  

- Thứ hai là Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) mà Trung Quốc đã ký, là cơ sở pháp lý hùng hồn nhất phản bác 5 bằng chứng của Trung Quốc mới đưa ra. Bởi Hiệp định Giơ-ne-vơ đã quy định rất rõ là lãnh thổ phía Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống do chính quyền phía Nam quản lý.

Tất cả những bằng chứng đó chỉ mang tính chính trị và ngoại giao trong thời kỳ Nam - Bắc đối đầu. Các chính quyền phía Nam có trách nhiệm từ bỏ hoặc có trách nhiệm bảo vệ, thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa - Trường Sa. Đến khi thống nhất, thì đã có Hiệp thương hai chính quyền Nam Bắc thống nhất và ngay tháng 9 - 1975 thì chính quyền Việt Nam thống nhất đã đặt vấn đề chủ quyền tại Hoàng Sa - Trường Sa, năm 1979 đã có "Sách trắng" của chính quyền Việt Nam thống nhất khẳng định chủ quyền của Việt Nam và phản bác những luận điểm của Trung Quốc tại Hoàng Sa - Trường Sa. Và suốt từ thời chúa Nguyễn, nhà Nguyễn, thời Pháp thuộc, thời chiến tranh, và Việt Nam thống nhất chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền, như vậy đã thể hiện sự khẳng định liên tục và hòa bình chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa - Trường Sa. Tất cả những bằng chứng cứ của Trung Quốc từ thời phong kiến chỉ có tính chất suy diễn bởi nó không có thật trong lịch sử, khi thì nói là thời Minh, khi thì nói thời Tống, khi thì nói thời Đường, khi thì nói thời Hán như vừa qua ông Phó tổng Tham mưu của Trung Quốc. Như thế sẽ có nhiều nước như Hy Lạp, Ý cũng sẽ nói chủ quyền của họ ở các đảo và biển Địa Trung Hải... Ngay cả cái tên Tây Sa và Nam Sa thì cũng chỉ có sau 1907 - 1909 và Nam Sa khi thì chỉ ở Trung Sa, khi thì chỉ quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện nay.

* Đối với ta:

Có quá nhiều tài liệu từ chính sử, sách địa chí, sách điển chế nhất là các "châu bản" nói rất cụ thể nhà nước đã sai đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải đi khai thác sản vật ở Hoàng Sa - Trường Sa mà còn sai thủy quân đi cấm cột mốc, dựng bia chủ quyền, đào giếng xây, miếu, trồng cây tại Hoàng Sa - Trường Sa nhất là từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836) thành lệ hằng năm.

Cụ thể những bằng chứng này nằm trong quyển sách "Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa" và quyển "Hoàng Sa - Trường Sa trong thư tịch cổ" hoặc trong tập hồ sơ tư liệu bằng tiếng Anh hơn 500 trang về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa - Trường Sa hiện đã tạm thời đưa lên trang webwww.hannguyennguyennha.com.

* Chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được khẳng định không thể chối cãi. Nếu Trung Quốc  tiếp tục đưa giàn khoan trở lại vùng biển của VN thì VN có kiện họ ra Toà án Quốc tế không? Nếu kiện mà không giải quyết được thì VN sẽ làm gì tiếp theo? (LÊ BẢO, 30 tuổi, lebao256@..)

- Thạc sĩ Hoàng Việt: Tôi cho rằng, hiện nay mặc dù Trung Quốc đã cho rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện việc chuẩn bị cho khởi kiện hành vi này của Trung Quốc ra tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của công luật biển, chứ không cần đợi tới việc Trung Quốc kéo giàn khoan lại lần nữa. Tuy nhiên, việc phán quyết của một tòa quốc tế nó có tác dụng về mặt chính nghĩa, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, chứ không bắt buộc thi hành được đối với Trung Quốc. cho nên biện pháp pháp lý chỉ là một trong nhiều biện pháp mà chúng ta cần phải làm để bảo vệ được chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông. 

* Hoàng Sa là của Việt Nam, đó là điều tất nhiên không ai có thế chối cãi. Bị Trung Quốc xâm chiếm năm 1956, 1974 thế tại sao mãi đến năm 2010 mới được Thủ tướng Việt Nam nói công khai trước Quốc Hội và đến bây giờ mới được công khai trước thông tin đại chúng và toàn thế giới? (Vũ Văn Quế, 58 tuổi, vuvanque1956@)

- Thạc sĩ Hoàng Việt: Vấn đề này cũng đã được công khai từ lâu, từ năm những năm 1950, đại diện của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã có những phát biểu chính thức về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa trước cộng đồng quốc tế. Sau năm 1975 Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng cho ban hành sách trắng về chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa.

* Việc Trung Quốc vừa di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có ý nghĩa như thế nào hiện nay? Các đánh giá của các khách mời về hành động này ra sao? Trung Quốc có toan tính gì thêm trong bước đi tiếp theo không? Chính phủ Việt Nam sẽ có những bước đi tiếp theo như thế nào? (Hoài Bảo, 34 tuổi, baonghi@....)

- Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Từ 2-5-2014 đến 15-7-2014 Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây nên một sự xáo động rất lớn tại biển Đông. Việc làm đó của nhà cầm quyền Trung Quốc không những gây bất bình trong toàn dân Việt Nam mà còn khiến dư luận thế giới và chính khách các nước lớn trên thế giới đều cảm thấy Trung Quốc ngày càng hung hăng, đơn phương áp đặt ý đồ chính trị của mình lên các nước nhỏ trong khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã cùng với toàn dân Việt Nam từ trong nước cũng như ngoài nước dùng mọi biện pháp (trừ quân sự) đấu tranh đòi nhà cầm quyền Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 cùng với lực lượng bảo vệ hơn 100 tàu các loại, có 4 đến 7 tàu hảu quân và không quân ra khỏi vùng biển mà Trung Quốc cố tình xâm phạm của Việt Nam.

Ngày 15-7-2014 lợi dụng tình hình biển Đông có bão Trung Quốc tuyên bố đã hoàn tất việc khảo sát thăm dò tại vùng biển mà họ ngang nhiên đưa giàn khoan 981 vào đặt trong hơn 2 tháng nay trên vùng biển của Việt Nam. Giàn khoan Hải Dương 981 đã được nhà cầm quyền Trung Quốc di chuyển về đảo Hải Nam của họ.

Sau vụ việc cố ý áp đặt và chèn ép của người láng giềng Trung Hoa đối với nhân dân Việt Nam, họ còn làm những gì tiếp theo thì chúng ta phải luôn luôn cảnh giác theo dõi mỗi động tĩnh từ chiến lược đến chiến thuật của Trung Quốc hiện nay.

* Xin TS Nguyễn Nhã cho biết rõ hơn về đội dân binh Hoàng Sa, thủy quân Hoàng Sa thế kỷ 17 đến những năm 1816. Hai đội quân này là một hay 2 đội khác nhau? Nếu là 2 đội khác nhau thì những điểm khác nhau đó là gì? (Hoài Nam, 47 tuổi, nghipham@...)

- TS. Nguyễn Nhã: Đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải với Thủy quân có sự khác nhau:

Một là khác nhau về giai đoạn lịch sử, đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải từ đầu thế kỷ thứ 17 đến năm 1816, trải qua thời chúa Nguyễn, thời Tây Sơn và đầu thời Nguyễn. Còn thủy quân thì bắt đầu từ thời vua Gia Long (1816) đến thời Pháp thuộc.

Hai là, khác nhau về nhiệm vụ, đội dân dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải có nhiệm vụ khai thác sản vật tại Hoàng Sa - Trường Sa nhất là vàng bạc, súng ống nên đã được chính quyền có chính sách hỗ trợ rất tích cực như cấp 6 tháng lương thực, miễn sưu dịch, thuế má. Về sau, cai đội hay đội trưởng Hoàng Sa kiêm quan thủ ngự cửa biển Sa Kỳ nên có nhiệm vụ chống cướp biển, bảo vệ an ninh biển. Và sau 1816 thì có nhiệm vụ hỗ trợ thủy quân nhà Nguyễn từ lái tàu đến hướng dẫn thủy trình. Và như Nguyễn Thông đã nói: "Đội Hoàng Sa đã bãi bỏ từ lâu".

Thủy quân có nhiệm vụ đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, đào giếng, xây miếu, trồng cây... tại Hoàng Sa - Trường Sa. Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1816) thì thành lệ hằng năm.

* Trung Quốc không từ một thủ đoạn nào để chứng minh cho cái gọi là chủ quyền của họ trên biển Đông như vừa qua có dự định đăng ký "Con đường tơ lụa trên biển" với Liên Hiệp Quốc. Tại sao Việt Nam không có hành động tương tự, bởi từ xa xưa nước ta đã có giao thương với nhiều quốc gia thông qua đường biển. Mặt khác Việt Nam cũng là 1 điểm quan trọng của “con đường tơ lụa trên biển”, nên chăng chúng ta công nhận lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ hội di sản cấp quốc gia và làm hồ sơ đề cử lên UNESCO? (Lê Thái Dũng, 36 tuổi, lehungphong@...)

- Thạc sĩ Hoàng Việt: Câu hỏi này xin dành cho các nhà quản lý của Việt Nam. Tôi chỉ là một nhà nghiên cứu không có khả năng để trả lời câu hỏi này.

* Việc VN và Philippines kiện tòa trọng tài hoặc tòa Công lý quốc tế. Khi có phán quyết của tòa thì tổ chức nào phụ trách thực hiện thi hành án. (Đinh Hoàng Trọng, 49 tuổi, dinhhoangtrong@..)

Thạc sĩ Hoàng Việt: Một hạn chế của việc sử dụng luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ đó là phán quyết của tòa án quốc tế không có một cơ chế bắt buộc để thi hành phán quyết đó.

* Xin cho biết giá trị pháp lý của “Công hàm ngày 14-9-1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng”? (Nguyễn Văn Thiệu, 65 tuổi, nguyenvanthieu@...)

- Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Hiệp định Geneve 1954 về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương, trong đó có Việt Nam, là một văn bản pháp lý quốc tế rất quan trọng mà chúng ta cần phải tham khảo để hiểu rõ giá trị pháp lý của Công hàm ngày 14-9-1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Điều 4, điều 24 của Hiệp định, cũng như điều 6 trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneve thì vĩ tuyến 17 chỉ là một giới tuyến tạm thời để chuyển quân tập kết, Việt Nam vẫn là một quốc gia thống nhất nhưng do Hiệp định Geneve năm 1954 không được thi hành, đất nước bị chia cắt, hai miền có hai thực thể chính trị khác nhau, đó là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa, sau đó tại miền Nam xuất hiện thêm Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Sau năm 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc sự quản lí của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Cộng Hòa đã hành xử chủ quyền của mình một cách liên tục phù hợp với công pháp quốc tế. Bất cứ một tuyên bố nào của một phía trái với những nội dung của Hội nghị Geneve đều vô hiệu.

* Nếu chúng ta đưa ra đầy đủ bằng chứng chứng minh chủ quyền của việt nam ở Hoàng Sa nhưng Trung Quốc cứ lặng im nhưng và vẫn chiếm đóng Hoàng Sa thì Việt Nam sẽ làm gì để lấy lại? (nguyễn cao bằng,  caobang7705@)

- Chuẩn dô đốc Lê Kế Lâm: Đã từ lâu Việt Nam và các nước có liên quan đến biển Đông và Đông Nam Á đều biết Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Về những chứng cứ lịch sử mà Việt Nam cũng như trong các thư tịch tại các bảo tàng các nước như Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... đều đã được các cơ quan truyền thông báo chí và các học giả Việt Nam cũng như thế giới công bố. Thiết nghĩ ở đây không thể lặp lại. Có điều mọi người Việt Nam cần nhớ: Trung Quốc đã kiên trì và âm thầm tuyên truyền trong nhân dân Trung Quốc về đường lưỡi bò lúc đầu là 11 đoạn, sau đó có tin thủ tưởng Chu Ân Lai bỏ đi 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ từ những năm 50 của thế kỷ 20. Mãi đến năm 2009 Trung Quốc mới công khai đưa hải đồ biển Đông (biển Nam Trung Hoa) trình lên Liên Hiệp Quốc. Qua đó thể hiện âm mưu chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc là không phải mới có bây giờ.

Năm 1956, Trung Quốc dùng lực lượng vũ trang bí mật chiếm cụm phía Đông quần đảo Hoàng Sa đến năm 1974 lại dùng lực lượng quân sự gây nên cuộc hải chiến với hải quân Việt Nam Cộng Hòa - là người trực tiếp quản lý quần đảo Hoàng Sa lúc đó. Từ đó toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào tay Trung Quốc, họ đã dốc tiền của và sức lực vào việc tăng cường lực lượng chiếm đóng Hoàng Sa. Từ những năm Trung Quốc vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa của nhân dân Việt Nam, Việt Nam đã liên tiếp có tuyên bố phản đối.

Năm 1974, ngoài chính phủ Việt Nam Cộng Hòa kịch liệt phản đối, chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam lúc đó cũng ra tuyên bố phản đối. Nhưng trên thực tế đấu tranh chiếm hữu và chống chiếm hữu các đảo và nhóm đảo trne6 thế giới là cuộc đấu tranh hết sức phức tạp gay ro phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.Vì vậy không thể đặt vấn đề tại sao Việt Nam không đánh giải phóng Hoàng Sa hoặc đến bao giờ Trung Quốc trả Hoàng Sa cho Việt Nam. Nhưng có một điều nhất quán và luôn luôn khẳng định trong lòng nhân dân Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa mãi mãi thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trên thực tế việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông (trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa) là tranh chấp có tính chất song phương và đa phương.

Để giải quyết vấn đề này theo tôi, tất cả những bên tuyên bố có tranh chấp phải trên cơ sở lấy luật pháp quốc tế chủ yếu là luật biển Liên Hiệp Quốc UNCLOS-1982, có tinh thần tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết và cùng có lợi, dung hòa lợi ích các bên, tôn trọng lịch sử và tập quán làm ăn lâu đời của nhân dân các nước trên ven bờ biển Đông để bàn bạc giải quyết.

* Trong hồ sơ pháp lý của Việt Nam thì dữ liệu nào là quan trọng nhất chứng minh chủ quyền của mình trên 2 quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa? (Nguyễn Văn Hảo, 45 tuổi, nguyenvancong@...)

- Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Việc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa năm 1956 và cưỡng chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa vào tháng giêng năm 1974 cũng như việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm một số đảo của quần đảo Trường Sa vào tháng 3-1988 là một hành vi xâm lược, vi phạm Điều 2 khoản 4 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, có nghĩa là dùng vũ lực đánh chiếm lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền. Những hành động kể trên của Trung Quốc đi ngược lại luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào trong khu vực đặc quyền kinh tế thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm Công ước quốc tế về luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia kí kết.

* Thưa TS Nguyễn Nhã! Đặc san “Hoàng Sa, Trường Sa” trong tập san sử địa xuất bản trước đây có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm đó? Những phân tích kèm chứng cứ trong đó có giá trị ra sao trong giai đoạn hiện nay? Và ông có nghĩ rằng quyển đặc khảo ấy nếu được giới thiệu lại trong giai đoạn hiện nay không? (Hoài Ân, 41 tuổi, annguyencong@....)

- TS Nguyễn Nhã: Khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa đã tạo động cơ thúc đẩy những nhà nghiên cứu sử học tìm hiểu đâu là sự thật chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Và nổ lực đi tìm sự thật của các nhà sử học thực sự đã tạo một chất men yêu nước khi mọi người đã biết rõ sự thật chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa - Trường Sa qua công trình "Đặc khảo về Hoàng Sa - Trường Sa". Công trình này rất có giá trị đã tập hợp những nhà nghiên cứu Việt Nam tại Pháp, Nhật, Ấn Độ và Việt Nam. Số đặc biệt này đã ra mắt trong buổi lễ khai mạc triển lãm những sử liệu minh chứng chủ quyền ở Hoàng Sa tại Thư viện Quốc gia do ba tổ chức: Ủy ban vận động xây dựng đền thờ Quốc tổ Hùng Vương do Giáo sư Ngô Gia Hy đại diện ; Vovinam - Việt võ đạo do võ sư Trần Huy Phong đại diện; cùng tôi đại diện cho Nhóm chủ trương Tạp san Sử Địa với sự hiện diện chủ tọa của 5 quốc lão, trong đó có nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải. Mọi người đã xúc động ôm nhau khóc ròng.

Nội dung của Tập san Sử Địa số 29 - Đặc khảo về Hoàng Sa - Trường Sa, khá đầy đủ về những bằng chứng chủ quyền từ tài liệu của Việt Nam, của phương Tây và phản bác rất công phu các luận điểm của Trung Quốc. Sau này các tài liệu chỉ bổ sung một số tài liệu mơi, đặc biệt là châu bản và sách giáo khoa thời Tự Đức.

Số Đặc khảo này sắp được ra mắt trong thời gian tới, giống như là một quyển sách Khảo cứu, hơn 350 trang với các phụ bản trong đó có An Nam Đại Quốc Họa Đồ rất có giá trị, mà tôi là chủ biên cũng rất cần cho giới khảo cứu hiện nay. Cũng như là một thông điệp rất quý cho giới trẻ về chất men yêu nước để tiếp nối việc xây dựng nội lực đất nước hùng cường không còn bị xử ép ở biển Đông như hiện nay.

* Xin hãy cho tôi biết cách nói ngắn gọn, dễ hiểu với người Trung Quốc để họ hiểu rằng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. (Mai Xuân Thủy, 29 tuổi, dinhlely@...)

-Thạc sĩ Hoàng Việt: Theo tôi, nếu muốn nói ngắn gọn nhất, anh chị hãy nói: Nếu phía Trung Quốc chắc chắn về chủ quyền của họ trên Hoàng Sa và Trường Sa, thì chính quyền Trung Quốc hãy cùng chính quyền Việt Nam đem vấn đề này ra giải quyết tại một cơ quan tài phán quốc tế. 

* Sau năm 1975 Việt Nam có trao đổi vởi Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa hay không? (Nguyễn Lê Tiến, 31 tuổi, nguyenletien9@...)

- Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Ngày 7-8-1979, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam đã ra tuyên bố về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, trong đó tái khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam.

Tại các cuộc thảo luận tổ chức ngày 24-9-1975 của phái đoàn Đảng và Nhà nước Việt Nam trong chuyến thăm Trung Quốc, phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình đã thú nhận rằng có sự tranh chấp giữa hai bên về vấn đề quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và hai bên sau đó nên bàn thảo với nhau để giải quyết vấn đề.

* Chúng ta đã biết Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Sau này chúng ta có thể kiện đòi lại được 100% quần đảo này được không (không thỏa thuận phân chia - vì đó là của ta mà)? Thực tế từ trước đến nay, có nước nào đã đòi được chủ quyền khi bị nước khác dùng vũ lực đánh chiếm chưa? (Phạm Văn Cường, 34 tuổi, vancuong1212@...)

- Thạc sĩ Hoàng Việt: Theo các quy định của luật pháp quốc tế về lãnh thổ và tranh chấp lãnh thổ, thì việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974, trái với quy định về nghĩa vụ giải quyết tranh chấp hòa bình của điều 2 Hiến chương Liên Hiệp Quốc, cũng như nghị quyết 2625 của Liên hiệp quốc về việc cấm sử dụng biện pháp quân sự để xâm chiếm lãnh thổ. Chính vì vậy, hành vi sử dụng vũ lực của Trung Quốc để chiếm Hoàng Sa năm 1974 là không được thế giới chấp nhận.

Tuy nhiên, để đòi lại đượcc quần đảo này là một việc hết sức khó khăn. Chính vì thế, không thể nói trước được về việc chúng ta sẽ đòi được bao nhiêu phần trăm của quần đảo này. Về mặt thực tế, để đòi được chủ quyền sau khi bị một quốc gia khác xâm lược, chiếm đóng là một công việc rất khó khăn, vụ tranh chấp lãnh thổ của Israel và Palestine là một ví dụ cụ thể.

* Xin cho biết, Hội nghị Hòa bình San Francisco 1951 có những nội dung nào liên quan đến HS-TS? (Hòai Lâm, 19 tuổi, nguyenhoailam@....)

- TS Nguyễn Nhã:  Bạn Hoài Lâm là nghệ sĩ tham gia chương trình Gương mặt thân quen? Vậy Hoài Lâm đã nhận được quà mà tôi đã gửi tặng chưa?

Nội dung của Hội nghị Hòa bình San Francisco 1951 có 2 điểm mang tính pháp lý quốc tế rất có giá trị:

Một là: Tuyệt đại bộ phận các thành viên tham gia Hội nghị đã không đồng ý đề nghị của Liên Xô giao Hoàng Sa - Trường Sa mà Nhật đã tạm chiếm trước đó cho Trung Quốc.

Hai là: Lời tuyên bố của Thủ tướng Trần Văn Hữu - Chính phủ Quốc gia Việt Nam: "Chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa đã có từ lâu và không có gì tranh cãi", không có thành viên có ý kiến phản đối về ý kiến này.

* Báo chí có giới thiệu về "An nam đại quốc họa đồ", trong đó có đề cập đến "bãi cát vàng" (tức Hoàng Sa), nhưng tôi lại thấy trong bản đồ đó không hề có Trường Sa, vậy khi ta trưng bày giới thiệu tấm bản đồ đó có ảnh hưởng gì đến chủ quyền của ta không? (Ngô Hoàng Hải, 20 tuổi,  JLIB_HTML_CLOAKING )

- Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Bản đồ "An Nam đại quốc họa đồ" đã được giới thiệu khi ra số 29 đặc khảo về Hoàng Sa Trường Sa của tập san Sử Địa. Bản đồ này rất có giá trị do Giám mục Taberd in năm 1838 trong cuốn từ điển Latin An Nam. Bản đồ có tọa độ và ghi rõ Paracel seu Cát Vàng. Seu tiếng Latin có nghĩa là "hay là". Chỉ duy nhất có bản đồ này và tài liệu khác ghi Paracel seu Cát Vàng (Kát Vàng) chứ không có ghi Paracel seu bất cứ tên nào khác như Xi Sha. Và như thế đã hùng hồn phản bác luận điểm của các học giả Trung Quốc cho Cát Vàng hay Hoàng Sa ở ven bờ biển Việt Nam. Việc các chấm Paracel theo quan điểm xưa của Việt Nam cũng như phương Tây, Paracel và Spratly là một và chạy dài dọc theo bờ biển miền Trung của Việt Nam.

Ngoài ra trong khung của bản đồ "An Nam đại quốc họa đồ" không có các chấm ở phía Nam vì vị trí của nó ngoài khung. Như vậy, giới thiệu tấm bản đồ này là quan trọng bậc nhất, khách quan khoa học, không ảnh hưởng gì đến chủ quyền của Việt Nam. Và việc thời xưa, đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải, đội Hoàng Sa phía Bắc và đội Bắc Hải phía Nam tới Côn Lôn Hà Tiên và xứ Bắc Hải, các tài liệu Trung Quốc cũng xác định đó là khu vực Nam Sa hiện nay.

* Chúng ta đã tạo điều kiện như thế nào đối với những nghiên cứu sinh chọn Hoàng Sa Trường Sa là đối tượng nghiên cứu cho luận án tiến sĩ? (Trầm Thanh Tuấn, 31 tuổi, JLIB_HTML_CLOAKING )

- TS Nguyễn Nhã:

+ Thứ nhất, các trường các thầy cô phải phát hiện và khuyến khích các sinh viên, nghiên cứu sinh làm luận văn luận án như Trung Quốc đã có hơn 400 luận văn, luận án về biển Đông, trong khi luận văn, luận án của mình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Buồn hơn nữa, có sinh viên làm luận văn Thạc sĩ bảo vệ rất thành công đã gặp tôi xin lỗi không tiếp tục làm luận văn Tiến sĩ vì có một vị Giáo sư khuyên đừng tiếp tục đi vào vấn đề "nhạy cảm" mà khổ thân. Trong một hội nghị quốc tế về biển Đông ở Việt Nam cũng có học giả nói những vấn đề "nhạy cảm" trước đây không còn "nhạy cảm" nữa. Cũng trong một Hội thảo về biển Đông ở Việt Nam tôi cũng đã phát biểu thêm một "k" nữa là "k không sợ" đó là trong "8 k chỉ đạo" (kiên quyết, kiên định, không manh động...). Chỉ có không "sợ bóng, sợ gió" như thế thì mặt mạnh nhất của Việt Nam về sự thật xác lập chủ quyền của Việt Nam mới được quảng bá rộng rãi trên thế giới kể cả giới học thuật cũng như nhân dân các nước. Có như vậy Việt Nam không cô đơn và không còn chuyện cá lớn nuốt cá bé ở Biển Đông nữa.

+ Thứ hai, nhà trường và nhà nước phải có chính sách hỗ trợ các nghiên cứu sinh cũng như các nhà nghiên cứu khác tiếp tục ra đời hàng trăm luận văn, luận án và công trình nghiên cứu về biển Đông và đặc biệt là phải gấp rút đào tạo các thẩm phán tham gia các tòa án quốc tế và như học giả Mỹ Jerom Cohen, Việt Nam phải tích cực tham gia tố tụng để Trung Quốc phải đối đầu với luật pháp Quốc tế chứ sự phản đối và ngoại giao chưa đủ và dù phán quyết của Tòa án Quốc tế thế nào cũng phải buột Trung Quốc phải suy nghĩ vì bất cứ một cường quốc nào cũng không thể đứng ngoài Luật pháp quốc tế bởi như thế giới sẽ mất trật tự hòa bình thế giới và có nguy cơ hủy diệt cả nhân loại vì hiện nay có hàng ngàn vũ khí hạt nhân - vũ khí hủy diệt hàng loạt mà nhiều nước kể cả Trung Quốc sở hữu. 

Tôi cho câu hỏi này là hay nhất, còn các bạn thì sao?!

... Chỉ trong buổi sáng, gần 200 bạn đọc đã gửi câu hỏi tới buổi giao lưu. Thời gian không cho phép trả lời hết sự quan tâm thật sự của bạn đọc. Buổi giao lưu đã kết thúc lúc 11g30. Mong gặp các bạn trong một dịp khác.

Đặc biệt, 5 độc giả có câu hỏi thú vị nhất sẽ được tặng bộ sách quý “Hoàng Sa, Trường Sa trong thư tịch cổ” vừa phát hành.

TUỔI TRẺ ONLINE

hjh

 

Lắng nghe các bài hát được phổ nhạc trích từ "Trường ca Giáo dục Gia đình và Văn hóa Quốc đạo"

Tải về HN3Portal
(ứng dụng di động miễn phí dành cho Android)

Tải về ứng dụng di độngTải về ứng dụng di động

để luôn cập nhật thông tin về Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã mọi lúc mọi nơi.

Số lượng truy cập

We have 137 guests and no members online

931892
TodayToday136
YesterdayYesterday158
This WeekThis Week360
This MonthThis Month3429
All DaysAll Days931892
Highest 02-01-2024 : 4228

Free counters!