Lời nhận xét của Giáo sư Phan Huy Lê nhân dịp ấn hành lại trọn bộ 29 tập của Tập san Sử Địa.
Năm 1975 sau khi miền nam được giải phóng, tôi cùng một số nhà khoa học từ Hà Nội được vào công tác ở Sài Gòn. Đây là cơ hội đầu tiên tôi được tiếp xúc với trí thức miền Nam, đặc biệt là một số nhà sử học mà tôi đã biết tên tuổi qua một số công trình khoa học. Tôi cũng tranh thủ thời gian này mua một số ấn phẩm sử học của các đồng nghiệp miền Nam, trong đó tôi đặc biệt quan tâm đến tập san Sử Địa.
Rất tiếc lúc đó tôi chưa được gặp nhà sử học Nguyễn Nhã, Chủ nhiệm kiêm chủ bút tập san này. Mấy năm sau tôi mới được gặp ông Nguyễn Nhã và ngày càng có nhiều dịp trao đổi với ông, nhất là từ khi ông tham gia những hoạt động của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và được bầu vào Ban Chấp hành trung ương Hội từ khóa II đến nay. Mối quan hệ bạn bè đồng nghiệp giữa tôi và ông ngày càng gắn bó với những dịp ông ra Hà Nội nghiên cứu về văn hóa Thăng Long - Hà Nội hay tôi vào công tác, dự hội thảo khoa học ở TP. Hồ Chí Minh và cùng trao đổi về trà đạo và cách uống trà Việt Nam cũng như sự phổ biến hát ca trù và hát thơ ở miền Nam, về luận án tiến sĩ “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của ông. Những quan hệ bạn bè đồng nghiệp đó được bắt đầu trong tình cảm của tôi khi tôi thu thập và đọc kỹ Tập san Sử Địa.
Tập san Sử địa ghi rõ trên trang bìa “do một nhóm giáo sư, sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn chủ trương” và “nhà sách Khai Trí bảo trợ”. Sau này qua tư liệu của TS Nguyễn Nhã, tôi biết được tập san này đã được chuẩn bị từ phong trào sinh viên những năm 1963 - 1964. Lúc đó anh Nguyễn Nhã cũng một số sinh viên thành lập một câu lạc bộ ngoại khóa lấy tên “Nhóm Sử Địa Đại học Sư Phạm Sài Gòn" thường tổ chức các hoạt động du khảo, diễn thuyết, báo chí. Câu lạc bộ mời các giáo sư của Đại học Sư phạm Sài Gòn và Đại học Văn Khoa, trong đó có giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, Nguyễn Đăng Thục du khảo, diễn thuyết và ra nội san “Tin Sử Địa” in ronéo. Trên cơ sở đó, được sự bổ trợ của nhà sách Khai Trí, ngày 27/2/1966, Tập san Sử Địa số 1 ra đời, do ông Nguyễn Nhã làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút. Theo ông Nguyễn Nhã lúc đầu ông mời GS Tôn Thất Dương Kỵ làm chủ bút và được giáo sư nhận lời, nhưng chỉ ít lâu sau, ông bị chính quyền Sài Gòn trục xuất ra miền Bắc.
Tập san Sử Địa là tam cá nguyệt san được 29 số, từ số 1 năm 1966 đến số 29 năm 1975. Ngoài các số thường kỳ, tập san đã ra được 3 số đặc khảo về Tây Sơn: “Quang Trung” (số 9 và 10), “Chiến thắng Đống Đa” (số 13), “200 năm phong trào Tây Sơn” (số 21), 3 số đặc khảo về các nhân vật lịch sử: “Trương Công Định” (số 3), “Nguyễn Trung Trực” (số 12), “Phan Thanh Giản” (số 7 và 8), một số đặc khảo về “phong tục Tết Việt Nam và các lân ban” (số 5); về “Việt kiều tại Thái - Miên - Lào” (số 16).
Ban chủ biên gồm nhiều nhà khoa học có tên tuổi của miền Nam như Nguyễn Thế Anh, Bửu Cầm, Phan Khoang, Lâm Thanh Liêm, Phạm Cao Dương, Phù Lang, Nhất Thanh, Đặng Phương Nghi, Quách Thanh Tâm, Tạ Chí Đại Trường, Thái Công Tụng, Nguyễn Huy, Trần Anh Tuấn… Đặc biệt tập san đã nhận được sự cộng tác của nhiều nhà khoa học nổi tiếng ở trong và ngoài nước như Hoàng Xuân Hãn, Chen Hing Ho (Trần Kinh Hòa), Tạ Trọng Hiệp, Nguyễn Đăng Thục, Phạm Văn Diêu, Bửu Kế, Lê Thọ Xuân…
Tập san Sử Địa để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc về tinh thần khoa học và ý thức dân tộc của những người chủ trương tập san và các tác giả bài viết. Tính khoa học và tính dân tộc là đặc điểm bao trùm của tập san. Nhiều bài viết trên tập san thật sự là những công trình nghiên cứu có giá trị cao, sưu tầm tư liệu công phu, xử lý thông tin khoa học, thái độ khách quan trung thực và nhất là góp phần dấy lên tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và nêu cao các giái trị văn hóa dân tộc. Đặc biệt số nào cũng có bài viết của giáo sư Hoàng Xuân Hãn với những tìm tòi, khám phá đặc sắc của tác giả. Tập san đã tập hợp được nhiều trí thức có tinh thần yêu nước và bằng những công trình khoa học của mình, đóng góp vào việc nâng cao nhận thức về lịch sử, địa lý, văn hóa và phát huy những giá trị đó trong hoạt động của giới sinh viên, trí thức và cuộc sống xã hội vào những năm tháng đấu tranh quyết liệt vì độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Được sự đồng ý của người từng đứng ra xin phép xuất bản Tập san Sử Địa, cũng là nguyên chủ nhiệm và chủ bút Nguyễn Nhã, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Viễn Đông bác cổ Pháp (Centre de l’Ecole francaise d’Extrême – Orient, EFEO) in lại toàn bộ 29 số Tập san Sử Địa với mục đích ghi lại dấu ấn một thời hoạt động sôi nổi của một số sinh viên, trí thức Sài Gòn và đồng thời cung cấp tài liệu tham khảo bổ ích cho các nhà khoa học đang quan tâm nghiên cứu về lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam.
GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam