Ông sinh năm 1907 tại thành phố Nam Định. Ông tự học, tự nghiên cứu về nhiếp ảnh qua các tạp chí nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế và nhanh chóng trở thành một trong những người tiên phong trong phong trào nhiếp ảnh lúc bấy giờ. Khởi đầu chơi ảnh từ năm 1923, đến năm 1932 ông đã có triển lãm riêng tại thành phố Nam Định. Ông dự thi các cuộc thi ảnh, triển lãm ảnh nghệ thuật tại Hà Nội từ năm 1933 và liên tục đoạt được nhiều giải thưởng. Ông là một trong những người sáng lập Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam và làm Hội Trưởng từ năm 1952.
Nói về Phạm Văn Mùi, tức là nói về phù thủy kỹ thuật phòng tối. Chính công thức hai nước thuốc để trị độ tương phản do ông khám phá vào cuối thập niên 50 đã được ông áp dụng vào bộ ảnh "Suối tóc", giúp ông đoạt được nhiều huy chương danh tiếng thế giới. Ông cũng là một nhà phê bình, biên khảo và lý luận sắc bén, một họa sĩ tài hoa, một thi sĩ với lòng yêu quê hương, tổ quốc nồng nàn.
Phạm Văn Mùi từ trần vào ngày 25 tháng 11 năm 1992 (tức ngày 2 tháng 11 năm Nhâm Thân) tại California(Mỹ) trong thời gian ông thăm con cháu, chưa kịp trở về nước như ước nguyện của ông, đã để lại muôn vàn thương tiếc cho giới nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam trong và ngoài nước.
Bộ ảnh “Suối tóc” chụp suốt mười hai năm, từ 1961 đến 1973, trong đó có “Duyên dáng”, đoạt 12 giải thưởng các loại trong và ngoài nước. “Duyên dáng” được in lại trên hàng trăm tờ báo hoặc tạp chí Việt Nam và thế giới kèm theo hàng trăm bài giới thiệu. Hình ảnh mái tóc chảy dài lượn sóng của hai nữ sinh Việt Nam đã trở thành một vẻ đẹp vừa dân tộc vừa cổ điển, hiện đại và lãng mạn.
“Duyên dáng” được trưng bày vĩnh viễn tại bảo tàng Mỹ Thuật Brazil từ năm 1963.
Suối tóc
Duyên dáng
Suối tóc 2
Theo truyền thụ của Phạm Văn Mùi qua cuốn sách ảnh kỹ thuật, và truyền miệng với học trò, muốn chụp được ảnh này phải chụp dư 2 khẩu độ để phần đen bắt được sáng. Khi tráng phim bớt thời gian hiện "ảnh" trên phim âm bản để không bị cháy sáng. Lúc rọi ảnh phải che bớt ở phần sáng và thui (rọi lâu một vùng nào đó). Các bạn chú ý những phần đen xung quanh 2 cô gái tấm đầu và cuối, đựơc "thui" thêm để áo dài trắngcủa cô gái lên được ảnh các nếp áo. Việc này bây giờ không khó như vậy. Tấm “Suối tóc” ở giữa được học trò thích nhất, và nếu tôi nhớ không nhầm nó có tên nguyên gốc do cụ Mùi đặt tên là "Tơ vương", hay "Khắc khoải", diễn tả cái nội tâm rối tơ vò của cô gái dậy thì.
Vườn Cau
Thiếu nữ và nón bài thơ
Thiếu nữ và hoa
Hạ Long mù sương
Nắng soi
Tác phẩm ‘Nát óc’ đoạt giải Victory Trophy của Hồng Kông năm 1961
Ngân hà
Mục tử lại cô thôn
Phơi lưới
Tìm sống
Ước mơ hòa bình
Giáo sư Trần Văn Khê đã dùng những từ đẹp nhất để nói về sáng tác của người bạn đã đi xa ... “Tôi như nghe thấy tiếng nhạc, đọc thấy thơ trong từng bức ảnh của Phạm Văn Mùi. Với những tấm ảnh đen trắng, đẹp như tranh thủy mặc của Phạm Văn Mùi lấy cái đơn sơ, giản dị mà làm rung động lòng người. Một thứ ánh sáng dường như là của riêng Phạm Văn Mùi. Đẹp rực sắc và mơ màng của nắng sớm mai trên biển Phước Hải, trên vịnh Hạ Long; đẹp thanh khiết và tràn sức sống trong sắc nắng xuyên qua đám lá tre; thứ ánh sáng chói chang khô rát cháy bỏng trên đồi cát Mũi Né; hay thứ ánh sáng đẹp mỏng manh, huyền ảo của đêm trăng trên đồng ruộng... Nhưng trong thế giới ánh sáng của Phạm Văn Mùi, dù có thiên biến đến đâu vẫn luôn là thứ ánh sáng ấm áp, bao trùm, quấn quít và tôn thêm vẻ đẹp của con người, thiên nhiên.Những bức ảnh của Phạm Văn Mùi sẽ là bài học lớn cho thế hệ những nhà nhiếp ảnh hiện đại. Vì ngày xưa máy ảnh chỉ làm 20% công việc. Còn người cầm máy phải làm tới 80%”.