• Hình động trên cùng 1

Đây là kho tư liệu quý hiếm về lịch sử văn hóa độc đáo của Việt Nam, không phải là trang “web” bình thường; hiện có hàng trăm tư liệu quý chưa đưa lên mạng. Xin thử coi vào mục “tưởng niệm”, hiện đã có những phim phỏng vấn những người nổi tiếng như Văn Cao, Phùng Quán, Phạm Duy, Trần Văn Khê và sẽ tiếp tục đưa lên nhiều tư liệu quý nữa. Hay thử coi mục “Giáo dục” đã thử đưa lên một vài bài về nghiên cứu giáo dục từ “phương pháp dạy và học” đến “Chân dung người thầy thế kỷ XX”, nhất là về “lương sư hưng quốc”. Cũng nên quan tâm đến bốn chương trình cùng nhau: "Cùng nhau quảng bá sự thật lịch sử chủ quyền ra thế giới"; "Cùng nhau quảng bá Bếp Việt ra thế giới"; "Cùng nhau đem dân ca - hát thơ vào trường học" và cùng nhau xây dựng chương trình "Ngàn thanh niên thế kỷ XXI", mỗi người một kế hoạch nhỏ góp phần xây dựng Việt Nam thành cường quốc biển.

Trang mạng này đang cần nhiều sự hỗ trợ về tài chánh và nhân lực để đưa lên nhiều tài liệu quý vốn đã có cũng như cho “Quỹ Văn hóa Giáo dục” có nhiều học bổng khuyến học về “Hoàng Sa học” cũng như làm luận văn, luận án tiến sĩ…

QUỸ VĂN HÓA GIÁO DỤC HÃN NGUYÊN NGUYỄN NHÃ ĐỒNG HÀNH CÙNG HIỆP HỘI ẨM THỰC VÀ DU LỊCH VIỆT NAM VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN NGHỆ NHÂN ẨM THỰC DÂN GIAN VIỆT NAM THAM GIA ĐẠI HỘI ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ THẾ GIỚI - CHI TIẾT TẠI AMTHUC.NET.VN

Thứ năm, 22 Tháng 5 2014 09:28
User Rating: / 1
PoorBest 
Share on Facebook

Bức thư thứ tư Nguyễn Nhã gửi cho các học trò trong loạt bài "Những bức thư xây dựng chân dung người thầy giáo Việt Nam thế kỷ XX".qcchinh

Ngày 11 tháng 01 năm 1999, lần đầu tiên trong đời làm thầy, thầy trằn trọc khó ngủ sau khi nghe GS. Ngô Gia Hy kể lại trong dịp gặp Ông T.T.S nói rằng: “Có sinh viên cho rằng Ông Nhã là người có ý đồ xây dựng lực lượng, tôi không tin...”

Lại có ý kiến cho rằng thầy không nên dạy môn “Cơ sở Văn hóa Việt Nam” nữa vì “môn này dính dáng nhiều đến chính trị và như vậy sẽ rất bất lợi cho trường Đại học Hùng Vương cũng như đối với bản thân thầy”. Trong khi tại trường Cao đẳng Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, ngoài môn “Phương pháp dạy học lịch sử”, trong gần 20 năm, thầy đã từng dạy môn “Lịch sử Việt Nam” và môn “Văn hóa Làng xã”!

Ngày 29 tháng 12 năm 2004, lần thứ hai trong đời, sau khi chứng kiến sự kiện xảy ra tại trường Đại học Hùng Vương, tất cả những người đầu tư, những người sáng lập, những người thâm niên, có nhiều công lao với trường, kể cả đại diện tổ chức xin thành lập trường bị loại ra khỏi cơ cấu Hội đồng Quản trị Lâm thời, lại một lần nữa thầy trằn trọc khó ngủ! Có ý kiến cho rằng sở dĩ đã xảy ra sự kiện trên là cho rằng đằng sau trường Đại học Hùng Vương là Mỹ mà thầy là người phải chịu trách nhiệm! Trong khi hai ngày trước đó, thầy đã đọc được báo Khởi Hành (California), số 97, tháng 11 năm 2004, tác giả Nguyễn Tài Cúc đã tố cáo thầy đủ thứ, nào là “tự thú cộng sản nằm vùng trước 1975” và tự khoe là đi “công tác” sau khi Bộ chính trị đưa ra nghị quyết chính sách đối với người Việt ở nước ngoài và có nơi ở Mỹ ra lệnh không được đón tiếp thầy! Vậy là thế nào? Thật là một bi kịch cho một trí thức như thầy!

Chính vì vậy, thầy phải viết lá thư này để giải bày Tâm Sự Một Người Thầy. “Cái tôi bao giờ cũng rất đáng ghét”, vậy mà giờ này đây thầy lại phải kể lể về mình, thì đó là điều vạn bất đắc dĩ vậy!

Các em thương mến,

Thầy là người có ý đồ ư? Có chứ, song ý đồ duy nhất của thầy là muốn mãi là người thầy có hoài bão đào tạo ra những người học trò có khả năng và tâm huyết xây dựng nước Việt Nam trở thành một nước không thua kém những nước nhỏ bé song đã trở thành cường quốc như Nhật Bản, Anh Quốc...

Thầy không bao giờ muốn học trò của thầy cam tâm làm thân cẩu trệ, tay sai cho bất cứ ngoại bang nào và thầy cũng không muốn các học trò bị bất cứ ai kể cả thầy lợi dụng cho ý đồ riêng, cho quyền lợi của mình mà phải vì quyền lợi của các em hay quyền lợi chung của đất nước.

Thầy cùng với thầy Ngô Gia Hy và thầy Trần Huy Phong, ba người chủ chốt đầu tiên sáng lập trường, sau có mời thêm GS.TS. Nguyễn Chung Tú và 5 người khác nữa, đã lấy tên trường là Hùng Vương, thể hiện ước vọng xây dựng tinh thần đoàn kết dân tộc, bọc trăm trứng, tinh thần bánh chưng bánh dầy, tinh thần Phù Đổng Thiên Vương, tinh thần An Tiêm...

Nguyện vọng chủ yếu của ba người thầy này là làm sao xây dựng một trường đại học với sứ mạng, tôn chỉ, mục tiêu giáo dục mà trong bức tâm thư của GS. Ngô Gia Hy gửi cho các sinh viên và cựu sinh viên trường Đại học Hùng Vương Tp.HCM đề ngày 09/09/2004, cùng ngày hoàn tất bản di chúc về lãnh đạo bền vững cho trường Đại học Hùng Vương, đã được ghi âm, cũng đã được nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nhắc lại trong bài báo viết trên báo Phụ nữ Tp.HCM ngày 15/10/2004. Nhà nghiên cứu họ Trần đã coi những lời dặn dò trước khi ra đi của GS Hy như một tham luận với báo cáo của chính phủ về giáo dục sắp trình Quốc hội nay mai, đã trình bày rất rõ như sau:

“Đó là sứ mạng đi đầu trong việc giữ gìn truyền thống đại học cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, coi trọng chất lượng đào tạo, luôn đi tiên phong trong việc đổi mới trong nghiên cứu khoa học và dạy học.

Đó là luôn luôn thực hiện phương châm: khoa học - phát triển - đạo đức và theo tôn chỉ bất vụ lợi!

Đó cũng là từng bước đạt được mục tiêu giáo dục của trường: góp phần vào việc xây dựn giáo dục đại học toàn diện, vừa mang tính Việt Nam, vừa mang tính hiện đại, sánh với các đại học tiên tiến trên thế giới, trước hết với các nước Đông Nam Á. Phát huy tối đa năng lực của sinh viên, tinh thần đồng đội (teamwork) và gia đình Hùng Vương. Kết hợp chặt chẽ lý thuyết với thực hành, đáp ứng nhu cầu của đất nước, cộng đồng xã hội và tiến bộ của thế giới.”

Các mục tiêu giáo dục trên cũng đã được ghi rất rõ tại Bản Quy chế Tổ chức của trường. Thầy Hy cũng đã nhiều lần nói rằng trường Đại học Hùng Vương là trường của thầy và trò mà phải là những người gắn bó, chia sẻ tôn chỉ, mục tiêu giáo dục của trường!

Không chỉ bằng ước nguyện và lời nói, trong thời gian 6 năm lãnh đạo, quản lý trường, những người sáng lập chủ chốt đã bằng việc làm thể hiện cụ thể sứ mạng, tôn chỉ, mục tiêu giáo dục nêu trên.

Ngày 18/01/2003, khi bảo vệ luận án tiến sĩ “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, thầy cũng đã nói rõ lý do: ngoài mong muốn đi tìm sự thực của một người nghiên cứu, còn ước vọng được học suốt đời, muốn học thực, dạy thực và mong có sự hòa giải, đoàn kết dân tộc thực sự để đất nước hùng mạnh lấy lại những lãnh thổ đã mất. Muốn đoàn kết thực sự thì như lời thầy Hoàng Xuân Hãn đã nói: “Bớt phần lý tưởng, thêm phần yêu thương. Bớt nghi kị, bỏ lọc lừa”. Dù bị đối xử tệ bạc như thế nào, thầy cũng quyết làm theo lời thầy Hoàng Xuân Hãn!

Khi xưa thầy Chu Văn An từ quan, về nhà mở trường dạy học, còn thầy không được như thầy Chu Văn An, không có quan mà từ, chỉ có trường được mở, có lớp được dạy! Đến nỗi như thế này, chắc thầy phải từ bỏ trường, từ bỏ lớp để đi ngao du thiên hạ, tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu của mình vậy!

Ngày 31 tháng 12 năm 2004 có thể là ngày dạy học cuối cùng của đời thầy! Buổi dạy học đó gồm giờ dạy môn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” tại lớp 03CT với thực sự áp dụng đổi mới phương pháp dạy học và giờ dạy môn “Phương pháp học tập đại học” tại lớp 04DL mà các em sinh viên mới vào trường đã đều cho rằng chỉ qua một buổi dạy đầu tiên đã thấy rất ấn tượng về trường Đại học Hùng Vương!

Ngày 10 tháng 01 năm 2005, lần đầu tiên có người mời thầy đi ngao du đất Ba Tri ở Bến Tre, thăm khu mộ thầy Võ Trường Toản, cụ Đồ Chiểu! Rồi đây không biết có ai mời thầy đi đâu nữa hay không?

Thầy quyết sống cho hoài bão trên! Có lẽ với hoài bão như thế, thầy dễ bị hiểu lầm! Cái tâm của thầy thật rõ như ban ngày, nếu có ai theo dõi, hiểu biết thầy suốt 40 năm trong nghề!

Thầy còn nhớ như in trong đầu, vào dịp cuối năm âm lịch (1974), trong một trại Về Nguồn giành cho học sinh lớp 12 của trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức thuộc Đại học Sư phạm Sài Gòn, có nấu bánh chưng, các trò chơi cổ truyền, đến khuya rồi mà một số các em trai vẫn chạy rần rần, không chịu ngủ, làm mất trật tự. Thầy bực quá, đến sáng ra làm lễ bế mạc trại, thầy phát biểu, mà nước mắt chảy dàn dụa.Thầy nghĩ rằng thầy đã phí công, bỏ mọi công việc chuẩn bị Tết ở nhà, nhất là vì Thầy phải vắng mặt trong thời điểm quan trọng, làm lỡ việc phát hành báo xuân Tập san Sử Địa mà thầy làm chủ nhiệm khi mới có 27 tuổi. Tổ chức trại là cốt rèn luyện các em có đời sống tập thể, có kỷ luật, thế mà các em vô trật tự thì còn ý nghĩa gì nữa! Đến khi trở về, thầy trò ngồi cùng xe buýt, các em truyền tay đến thầy một miếng giấy có ghi hàng chữ: “Nếu bảo rằng em yêu ai, rằng em là yêu ba, rằng em là yêu má, rằng em là em yêu Thầy nhất ...”

Qua ánh mắt hối hận cùng những lời viết của các em, lòng thầy như dịu lại, hết cả buồn phiền. Có người thân nói thầy nhẹ dạ. Nếu nhẹ dạ vì các em, thì thầy cũng sẵn sàng chấp nhận. Thầy không có con, nên thầy đã nhận một người cháu làm con và thầy coi các em như những người con của thầy, chính vì thế đã có nhiều em gọi thầy cô là “thầy me”.

Không những đối với học trò của thầy mà với bất cứ học trò nào xuất sắc, có triển vọng cho tương lai đất nước là thầy không nề hà trợ giúp. Chẳng hạn như hồi năm 1989, đọc các báo cho biết tại Quảng Nam - Đà Nẵng có một em mới 6 tuổi tên Nguyễn Chất Phát, một năm học 5 lớp có thể giải được toán lớp năm. Thầy mừng lắm đã gửi cho báo Sài Gòn Giải Phóng một bức tâm thư và gửi tặng 100.000đ (một số tiền không nhỏ hồi ấy). Ít lâu sau, ông Nguyễn Vạn Hồng, một phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn ba em Nguyễn Chất Phát đến cám ơn, thầy thấy hoàn cảnh khó khăn, nên đã nhận lời nuôi dưỡng trong 6 năm, hàng ngày đưa rước đi học cho đến khi học hết lớp Tám, khi ấy gia đình em Phát nhờ cưu mang đã trở nên khá giả.

Thầy chỉ muốn là một người thầy đứng lớp hay hướng dẫn sinh hoạt, nên năm 1980, thầy Cao Minh Thì khi ấy là Hiệu phó trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh, đã ba lần mời thầy làm Hiệu phó trường Trung học Thực hành, khi ấy trực thuộc Đại học Sư phạm, thầy đã từ chối và nói rằng không phải bây giờ mà từ trước 1975, thầy rất ghét làm công tác quản lý. Ngay tại trường Đại học Dân lập Hùng Vương, thầy cũng đã từ chối không làm Hiệu phó mà chỉ nhận chức Trợ lý Hiệu trưởng mà thôi!

Thầy luôn luôn tự nhủ theo gương Phù Đổng Thiên Vương làm mà không cần báo công, suốt nhiều năm từ 1984 đến 1994, năm nào thầy cũng được bình bầu chiến sĩ thi đua tại Khoa Sử Chính trị, trường Cao đẳng Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, song lần nào cũng tìm cách từ chối. Cho đến lần cuối, trong khoa chỉ có một mình thầy được bầu làm chiến sĩ thi đua mà Tổ Giáo học pháp Sử do Thầy làm tổ trưởng lại được cứu xét danh hiệu “Tổ Xã hội Chủ nghĩa”, dù không đăng ký danh hiệu hồi đầu năm học, nên mọi người thuyết phục kể cả Phòng Tổ chức trường yêu cầu thầy chấp nhận. Thầy đã tuân thủ làm thủ tục, song cuối cùng Thầy vẫn ghi nguyện vọng của mình theo truyền thống không cần báo công của Phù Đổng Thiên Vương. Một cán bộ trong phòng tổ chức nói rằng “anh em trong trường thì biết anh, song hồ sơ này lên Sở Giáodục & Đào tạo, không ai biết anh thì không thể chấp nhận được”. Việc này đến tai lãnh đạo trường, có hỏi lãnh đạo khoa khi đó là thầy Lê Hoàng Quân, rằng có phải thầy là người bất đắc chí gì hay không, thầy Quân nói rằng từ lâu tính thầy là như thế, vẫn làm việc rất tốt. Như thế nếu hiểu thật rõ con người vốn có của thầy rồi, thì không bao giờ hiểu lầm về thầy nữa!

Trước khi về trường Cao đẳng Sư phạm Tp.HCM, hồi đó các trí thức tại chỗ gặp nhiều khó khăn, nhiều người phải đi vượt biên, thành phố cấp tiền trợ cấp khó khăn, thầy nhất định không nhận. Đến năm 1981, trường Trung học Thực hành bị giải thể, dù GS. Lê Văn Sáu yêu cầu thầy ở lại công tác với khoa Sử trường Đại học Sư phạm, song không được, do ông Cao Minh Thì, Phó Hiệu trưởng sang làm Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm, đã đưa một số giáo viên trong đó có thầy sang bên trường Cao đẳng Sư phạm.

Sau này chính thầy Lê Hoàng Quân, chủ nhiệm khoa Sử trường Cao đẳng Sư phạm đã nói với thầy Lê Vinh Quốc, chủ nhiệm khoa sử trường Đại học Sư phạm rằng “sai lầm của các anh là không giữ được anh Nhã ở lại với khoa sử bên các anh”!

Sau nhiều lần trao đổi yêu cầu thầy phải nhận số tiền trợ cấp khó khăn ấy. Thầy từng nói với ông Lê Hữu Lương, Hiệu trưởng trường Trung học Thực hành, sau này là Trưởng Phòng Đào tạo trường Đại học Sư phạm rằng: “Tôi có khó khăn thật, song chừng nào mọi người khó khăn như tôi đều được trợ cấp, tôi mới xin nhận. Chính các anh đâu phải không khó khăn”. Sau đó thì trường Đại học Sư phạmđã mua một chiếc xe đạp hiệu Trung Quốc, cho xe chở đến tận nhà tặng thầy. Đại loại như thế, nên cô Bảnh, công tác ở “Căng tin” trường Cao đẳng Sư phạm, hồi còn chế độ phân phối nhu yêu phẩm, đã nói với thầy rằng “sao thầy thờ ơ với quyền lợi của mình thế!”

Chắc các em cũng vậy thôi. Thầy là người ưa việc làm có hiệu quả và nghiêm túc ở bất cứ nơi nào đã làm việc. Từ hồi công tác tại trường Đại học Hùng Vương, ít ra thầy đã làm được một số công việc chính có hiệu quả, tỉ như trong việc xây dựng thư viện. Năm đầu tiên thầy chỉ cần lấy ở trường 2 triệu rưỡi đồng để mua sách mà thầy đã có hơn 3000 cuốn sách cùng các máy photocopy, máy vi tính, máy in đầy đủ để hoạt động. Lúc đầu chỉ cần một biên chế rưỡi mà thư viện có thể mở cửa từ 8 giờ sáng đến 8 giờ rưỡi tối và sáng ngày Chủ Nhật. Phòng sinh viên vụ chỉ có một ngưòi mà có thể điều động một số công tác rất lớn, lấy Đoàn trường làm lực lượng nồng cốt, lấy sinh viên làm cộng tác viên, được hưởng thù lao... Thầy không muốn kể tiếp nữa, mặc dù còn rất nhiều việc làm tương tự như thế, âm thầm suốt gần 40 năm qua.

Thầy là một nhà nghiên cứu sử học, song từ gần 30 năm nay, thầy đang say mê nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Việt Nam đã có một nền văn hóa có bản sắc riêng, song chưa đậm đà, vì hoàn cảnh oái oăm, hơn ngàn năm “đô hộ giặc Tàu”, một trăm năm “đô hộ giặc Tây”, văn hóa dân gian thì rất đậm đà dân tộc, văn hóa bác học thì chưa! Bởi giáo dục nước nhà vẫn chuộng ngoại lai hay đúng hơn không giáo dục thế hệ trẻ đâu là bản sắc riêng, đâu là những nét độc đáo của văn hóa Việt Nam! Thầy hết sức tâm đắc về việc xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và định bụng sẽ đem hết sức mình nghiên cứu bản sắc văn hóa Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực văn hóa…Thầy đã đứng ra tổ chức và báo cáo đề dẫn trong Hội nghị khoa học “Bản sắc Việt Nam trong ăn uống” mà GS. Trần Quốc Vượng đánh giá là hội nghị quy mô đầu tiên tầm cỡ quốc gia về văn hóa ẩm thực tại khách sạn Majestic năm 1997 cùng với Saigon Times Group và Saigon Tourist bảo trợ, rồi đến các hội thảo khoa học khác như “Ẩm thực trị liệu”; “Tiệc cưới, tiệc đãi quốc khách Việt Nam” tại khách sạn Kỳ Hòa. Từ đó đã có sáng kiến xây dựng Trà đài, khác với trà thất ở Nhật Bản hay ở Trung Hoa. Sau đó, năm 1998, thầy đứng ra tổ chức hội thảo khoa học “Bản sắc Việt Nam trong âm nhạc”. Từ đó đem chương trình âm nhạc truyền thống lần đầu tiên vào dạy cho sinh viên Khoa Du lịch do GS.TS. Trần Văn Khê giảng dạy. GS.TS. Trần Văn Khê đã nhiều lần công khai tuyên bố cám ơn trường Đại học Hùng Vương, cám ơn GS. Ngô Gia Hy đã giúp giáo sư Khê thực hiện được ước mơ từ lâu “được dạy âm nhạc truyền thống Việt Nam cho sinh viên Việt Nam tại nước Việt Nam, bằng tiếng Việt Nam sau khi đã dạy hàng chục trường đại học khắp thế giới”! Cũng từ đó thành lập câu lạc bộ Ca trù rồi thầy khởi xướng “nghệ thuật Hát thơ” mà GS.TS. Trần Văn Khê cho đây là “một thử nghiệm đầy dũng cảm và nếu được xã hội chấp nhận thì đây sẽ là sáng tạo tuyệt vời”! Ngoài ra đang có đề án đem hát thơ vào trường học vì học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 học rất nhiều thơ mà GS. Hoàng Như Mai đã phát biểu rằng “đó là sáng kiến cực kỳ hay của ông Nhã”! Qua môn Tiếng Việt hay Văn học, có thể cho học sinh nghe hàng trăm làn điệu dân ca, ca cổ và hát được hàng chục điệu dân ca, ca cổ 3 miền! Như có người nói đó là “chiến lược giáo dục trở về nguồn cho thế hệ trẻ”!

Giáo sư Trương Công Cán, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Khóa 1, trường Đại học Hùng Vương có lần đã nói với thầy rằng “Tôi đã đi từ Nam chí Bắc, tôi chưa thấy một người thầy nào như Ông Nhã với cả hai vợ chồng hăng say tận tình với sinh viên như thế!”

Thầy Đặng Đức Thi, nguyên là Bí thư Chi bộ và Chủ nhiệm Khoa Sử Chính trị, trường Cao đẳng Sư phạm Tp.HCM, cũng đã nhận xét có ghi trong biên bản họp Tổ Giáo học pháp Sử năm học 1993-1994, ngày 06/06/1994 rằng “Thầy là người tận tâm với nghề, với học sinh... có tài năng ở nhiều mặt về giáo dục, dạy học, các hình thức hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực đặc biệt trong động viên, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu... được đồng nghiệp kính phục, sinh viên quý mến...”

Sự nghiệp của cuộc đời thầy là làm thầy, cũng như nghiên cứu văn hóa Việt Nam!

Đến đây chắc hẳn các em đã hiểu cho lòng thầy. Thầy thấy không còn gì để nói thêm nữa!

Chào thân ái,

Mùa Xuân năm 2005

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, tiến sĩ sử học

Lắng nghe các bài hát được phổ nhạc trích từ "Trường ca Giáo dục Gia đình và Văn hóa Quốc đạo"

Tải về HN3Portal
(ứng dụng di động miễn phí dành cho Android)

Tải về ứng dụng di độngTải về ứng dụng di động

để luôn cập nhật thông tin về Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã mọi lúc mọi nơi.

Số lượng truy cập

We have 109 guests and no members online

913336
TodayToday205
YesterdayYesterday187
This WeekThis Week1202
This MonthThis Month4572
All DaysAll Days913336
Highest 02-01-2024 : 4228

Free counters!