BBT: Bức thư thứ hai Nguyễn Nhã gửi cho nhà nghiên cứu Nhất Thanh, tác giả “Đất lề quê thói”, nằm trong loạt bài "Những bức thư xây dựng chân dung người thầy giáo Việt Nam thế kỷ XX".
Ngày 10 tháng 8 năm 1985
Bác Nhất Thanh kính mến,
Vào hàng con cháu của Bác, song được Bác thương, đối xử như người bạn vong niên, tôi thật là đại hạnh. Là một người thày giáo tiêu biểu, vừa hấp thụ Tây học, vừa chịu ảnh hưởng Nho học, Bác còn giữ được “đất lề quê thói” như Bác đã viết thành tác phẩm.
Qua bức thư này, tôi xin được mạn phép trao đổi với Bác về một số vấn đề mà Bác và tôi từng quan tâm.
Đọc cuốn hồi ký "Từ Yên Bái đến Côn Lôn (1930-1945)" của Ký Thân Nguyễn Hải Hàm, có đoạn thuật lại chuyện đấu khẩu giữa hai phe quốc cộng trong Banh II (Bagne II) ở Côn Lôn như sau:
“- Một hôm mấy chú Cộng Sản thấy vài anh em Quốc Dân Đảng đi qua đã buông lời nhạo báng:
“Tụi nó thì làm nên trò trống gì… Ôm khư khư lấy thằng Khổng Tử thì học đòi cách mạng nỗi gì?"
Thế là anh em Quốc Dân Đảng đã chẳng chịu thua:
“Tụi mầy vài thằng đi nước ngoài về ăn cắp được vài mẩu lý thuyết của thằng Mác Xít mà cũng đòi dạy ai.”
Rõ ràng từ khi người Pháp sang xâm lược nước ta hồi giữa thế kỷ thứ XIX, cả lối học cũ Nho học chỉ chú trọng về luân thường đạo lý, triết lý văn chương, coi thường sự phát triển khoa học kỹ thuật, thực nghiệp đã trở thành cổ hủ, khiến đất nước yếu hèn, bại vong. Rõ ràng có sự mâu thuẫn, phân hóa trong xã hội Việt Nam, có nhiều xu hướng khác nhau. Khởi đầu cuối thế kỷ XIX có những sĩ phu thức thời, tiếp thu văn hóa tư tưởng phương Tây, tiêu biểu như Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ, phản ứng ôn hòa, điều trần lên vua yêu cầu canh tân. Sang đầu thế kỷ XX, theo luồng gió cách mạng văn hóa tư tưởng Tàu, Nhật, lôi kéo sĩ phu Việt Nam làm cách mạng văn hóa tư tưởng. Song giới sĩ phu Việt Nam lúc ấy lại phân hóa thành hai xu hướng chính. Một xu hướng hoàn toàn theo mới, theo văn hóa tư tưởng Âu Tây, tiêu biểu như cụ Phan Chu Trinh. Một xu hướng dung hòa lối học cũ, tức cái chân triết lý Á châu thuở xưa với cái học mới tức là cái khoa học kỹ thuật tối tân, thiết thực hiện đại tiêu biểu như cụ Phan Bội Châu. Xu hướng cách mạng văn hóa tư tưởng theo Âu Tây cũng dần dần phân hóa theo đà phân liệt tư tưởng văn hóa phương Tây khởi đầu từ thế kỷ XIX tràn sang với xu hướng truyền thống dân chủ tư sản, tiêu biểu như nhóm Nhất Linh, Hoàng Đạo, đối chọi với xu hướng chuyên chính vô sản, tiêu biểu là nhóm cộng sản do Nguyễn Ái Quốc đứng đầu. Sự phân hóa ngày càng phát triển, tế phân thành những xu hướng khác biệt ít nhiều về văn hóa tư tưởng và chính trị. Sự phân hóa các xu hướng văn hóa tư tưởng nhất là chính trị đưa đến những mâu thuẫn càng ngày càng gay gắt, ban đầu còn đấu khẩu, sau dùng tới bạo lực giải quyết, thanh toán nhau ngay trong nhà tù của thực dân đế quốc và rồi lồng vào trong những cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ tiền đồn của “thế giới chủ nghĩa khác biệt”, thực chất là cuộc chiến tranh ý thức hệ, triền miên, vô cùng bi thảm, bế tắc, không lối thoát.
Bác Nhất Thanh kính mến,
Suốt cuộc đời của Bác đã và đang chứng kiến có khi đã nhập cuộc trong cuộc mâu thuẫn, tranh chấp gay gắt ác liệt, bi đát giữa các xu hướng văn hóa tư tưởng trên. Cho đến nay, xu hướng văn hóa tư tưởng, chính trị cộng sản đã thắng thế, đã nắm được quyền lực ở đất nước này và đang tiến tới việc thiết lập sự thống trị tuyệt đối của tư tưởng văn hóa chính trị cộng sản Xô Viết.
Song lịch sử luôn vận động không ngừng, văn hóa luôn có tính chất kế thừa. Tư tưởng nào dùng bạo lực để thống trị hoặc dựa vào quyền lực để độc tôn thì thường bị thăng trầm theo sự thăng trầm của chế độ, của chính quyền liên hệ. Tư tưởng Nho học từng trở thành công cụ của chế độ chuyên chế phong kiến, được các chính quyền phong kiến biến thành độc tôn, đã không thoát khỏi quy luật trên. Song những tinh túy của Nho giáo, có tính chất văn hóa, thì vẫn tồn tại tuy đã biến thể. Chính trị luôn nhất thời, văn hóa luôn trường cửu cũng như quan thì nhất thời, dân thì vạn đại.
Thật lấy làm lạ sao đất nước này chưa thấy xuất hiện những nhà tư tưởng lớn mà chỉ thấy “những nhà truyền bá tư tưởng nước ngoài kiệt xuất”. Không phải ta có tinh thần dân tộc hẹp hòi gì, song ta phải tự nghiêm khắc, cần có sự phấn đấu sáng tạo đóng góp vào gia tài văn hóa chung của nhân loại, chứ đừng mãi ỷ lại, vay mượn, hưởng thụ, mãi nghĩ nhờ, thở mượn. Dân tộc ta đâu phải thiếu sức sống mãnh liệt, khả năng Việt hóa sáng tạo đâu phải yếu kém. Vậy mà, ngay cả đến tư tưởng Mác Xít truyền bá sang Nga thì đất nước Nga có Lê Nin - Nga hóa tư tưởng Mác, sang đến đất nước Trung quốc có Mao Trạch Đông - Trung Quốc hóa tư tưởng Mác; còn đất nước Việt Nam thì chỉ ở mức độ “bảo vệ sự trong sáng” của tư tưởng Mác - Lê Nin mà thôi. Vậy là thế nào? Chắc có cái gì đã lấn cấn khiến đưa tới tình trạng như vậy.
Thưa Bác, nếu ta cố gắng phân tích nguyên nhân sâu xa, khách quan hay chủ quan dẫn đến tình trạng như thế, thì hẳn nhiều người thấy nhiều yếu tố từ địa lý đến lịch sử, từ văn hóa giáo dục đến xã hội, chính trị, kinh tế…. Đất nước ta đất không rộng, nằm ở vị trí ngã tư giao lưu quốc tế giữa các luồng văn hóa tư tưởng tất phải chịu những áp lực ảnh hưởng của các luồng văn hóa tư tưởng nước ngoài. Lịch sử nước ta lại là lịch sử bị xâm lược và chống xâm lược hàng ngàn năm hết Tàu đến Tây, nên tất phải chịu áp lực đồng hóa văn hóa tư tưởng từ các thế lực thống trị ấy. Đất nước ta lại luôn xảy ra chiến tranh, hết ngoại xâm lại đến nội chiến, thời nào cũng lo dốc vào chiến đấu sống còn, ít khi thật ổn định lâu dài để lo đến chuyện lâu dài phát triển văn hóa tư tưởng. Hậu quả của chiến tranh không những tàn phá các di sản vật chất mà còn các di sản tinh thần, chỉ lo đào tạo các chiến sĩ giỏi mà ít quan tâm đến đào tạo người xây dựng giỏi. Do đấy, đất nước này sản sinh ra vô số các đại anh hùng dân tộc mà chưa thể sản sinh những nhà đại tư tưởng, đại văn hóa, đại văn hào, đại khoa học… Lại nữa ách nô lệ kéo dài hợp cùng di hại của chiến tranh, nghèo nàn lạc hậu đưa tới một tâm lý xã hội phức tạp như “bụt nhà không thiêng”, “nôm na là cha mách qué”, “ăn xổi ở thì”, “chụp giật nhất thời”, nhiều mặc cảm, sợ phục quá đáng. Lại nữa, thường sau khi giành quyền độc lập tự chủ rồi các nhà cầm quyền, các tri thức Việt Nam thường hay phạm vào những sái lầm chiến lược, ít quan tâm đến độc lập tự chủ về văn hóa tư tưởng. Hàng ngàn năm độc lập tự chủ phong kiến Việt Nam vẫn trọng Hán học, dùng chữ Hán, coi thường quốc ngữ chữ Nôm, thậm chí có thời như Trịnh Cương cũng năm 1718 còn cấm in ấn, tàng trữ, lưu hành các truyện Nôm, hoặc suốt thời phong kiến, các triều đại phong kiến Việt Nam loại quốc sử trong các kỳ thi hương thi hội, chỉ cho thi Bắc sử (sử Tàu). Đặc biệt nền giáo dục nước ta từ hàng ngàn năm đến nay phải chịu trách nhiệm lớn lao đã kìm hãm sự phát triển thực học, khả năng sáng tạo của dân tộc. Theo tôi đấy là sai lầm chiến lược của các nhà cầm quyền cũng như giới học thuật Việt Nam.
(Ngoài ra “người Việt xấu xí”, trong đó tính hay bôi lọ, nói xấu nhau không thương tiếc, thiếu liên kết, thiếu đoàn kết, thiếu xây dựng, thiếu tâm, thiếu tầm, thiếu hiểu biết, thiếu khôn ngoan ở trong nước cũng như hải ngoại đã phát triển đến mức chưa từng có, đã làm thui chột những nỗ lực sáng tạo, chỉ vì tư lợi hay chánh kiến khác nhau, dù có tâm có tầm đến mấy của bất cứ ai, ngay cả những người dành cả cuộc đời cũng chẳng tha, chứ đừng kể đến sáng tạo của những giới trẻ mới bắt đầu vào đời. Tôi cùng nhà thơ Mai Trinh đã thi hóa mười đặc điểm của người Việt Nam trong “Trường ca giáo dục gia đình và văn hóa quốc đạo” và tôi sẽ viết tác phẩm “Người Việt xấu xí” để người Việt nhất là giới trí thức Việt Nam ở trong và hải ngoại phải bừng tỉnh. - Tác giả mới bổ sung tháng 4 năm 2014)
Với lối giáo dục khoa cử từ chương, từ kiểu cũ đến kiểu mới, với lối truyền thụ nhồi nhét giáo điều kiểu cũ hay kiểu mới, trong khi ấy truyền thống “tôn sư trọng đạo” hầu như trở thành một huyền thoại thì người thầy giáo Việt Nam làm thế nào có thể đào tạo được những nhân tài xuất chúng có khả năng sáng tạo! Cùng lắm thì cũng chỉ có thể sản sinh ra những con người thông minh ham học hỏi hay lại trở thành lưu manh, khôn lỏi mà thôi.
Song dù cho bị kìm hãm khả năng sáng tạo, dù cho có nhiều nguyên nhân xa gần dẫn đến tình trạng như vậy, thì sức sống dân tộc này qua hàng ngàn năm lịch sử đến nay vẫn luôn chứng tỏ vẫn khá mãnh liệt; khả năng sáng tạo vẫn còn, tuy không có những biểu hiện phát tiết nơi từng cá nhân con người xuất chúng, song lại bàng bạc nơi dân gian ở mọi thời đại. Kho tàng sáng tạo dân gian, đại chúng không phải là nhỏ, song ta cần phải định hình, hệ thống, phát huy. Gần đây khi nghiên cứu kho tàng tư tưởng dân gian qua ca dao tục ngữ, tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy kho tàng này càng ngày càng thêm phong phú, chứa đựng những tư tưởng Việt Nam hết sức sâu sắc. Ở đó có hết thảy những nguyên lý tư tưởng, đường lối, sách lược, đạo lý dân tộc… Cho nên, người thầy giáo Việt Nam hiện nay nếu như chưa phải là ông thầy muôn thuở có tư tưởng riêng của mình thì ít ra phải nắm được những tư tưởng Việt Nam qua các thời đại, ít nhất trong kho tàng tư tưởng dân gian Việt Nam.
Bác Nhất Thanh kính mến,
Được biết Bác cũng rất quan tâm nghiên cứu kho tàng ca dao tục ngữ, xin Bác nhận xét, cho biết ý kiến về một số nhận định thô thiển sau đây của tôi, trình bày một vài nét hay, đẹp trong muôn vàn cái hay đẹp của kho tàng văn học dân gian.
Trước hết, về những tư tưởng lớn dân tộc, tôi thấy tư tưởng “Đại Hòa Đồng” thật hết sức rõ nét.
“Bầu ơi, thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”
Tuy bầu bí khác giống nhau, song sống chung cùng một giàn, giàn cộng đồng quốc gia hay cả giàn trái đất, ở chung cùng một nơi thì phải thương lấy nhau, nói lên tư tưởng hòa đồng. Dù có sự khác biệt lớn lao như thế nào chăng nữa, thì cũng như bầu bí, người ta cũng có thể chung sống hòa bình, thương yêu nhau. Đại hòa trên cơ sở “chí nhân”, “thương người như thể thương thân”, luôn chủ trương “lấy chí nhân mà thay cường bạo”.
Để thực hiện lý tưởng tốt đẹp đại hòa ấy, thì con người phải thực hiện cái nguyên tắc “logic”:
“Nêu cho đúng, luận cho cùng, tóm cái chung, dung cái mới”
Trong khi ấy, ta phải phê phán:
“Bất cập thái quá là ngả suy tàn. Luật cân bằng có tính phổ biến trong tự nhiên cũng như xã hội”
Và ta phải quan niệm:
“Mâu thuẫn trộn lẫn cho nhau”
Hoặc: “Muốn hòa phải vượt lên cao
Như trời ôm cả muôn sao mới đồng”
Trong khi ấy tư tưởng “vật đổi sao dời” đã nói lên niềm tin của người Việt Nam cho rằng mọi sự vật đều biến đổi không ngừng. Người Việt Nam luôn thừa nhận “vô thường”, “dịch biến”, “vận động không ngừng” là quy luật chung của mọi sự vật.
Người Việt Nam cũng luôn quan niệm rõ ràng về luật tương đối “nhân vô thập toàn”, bất cầu toàn, “đúng ngày mai sai ngày mốt”, “dở phần này, hay phần khác”, “đúng nhiều sai ít, đúng ít sai nhiều, chẳng có cái gì toàn đúng toàn sai”. Bởi vì người Việt Nam cho rằng:
“Mình tin chưa hẳn người tin
Bởi vì do mỗi cái nhìn khác nhau”
Và “Mười người suy điều gì cũng rõ
Mười người nghĩ kỹ hơn một người”
Như thế, luật “cân bằng”, luật vô thường “vật đổi sao dời”, luật tương đối “nhân vô thập toàn”, là cơ sở vững chắc xây dựng khuynh hướng, lý tưởng sống “đại hòa đồng” của người Việt Nam. Cân bằng tránh được thiên lệch, quá khích dễ hòa đồng, vô thường tránh được sự cứng nhắc, bất biến cũng dễ đến hòa đồng, tương đối cũng tránh được tuyệt đối hóa, cứng nhắc cũng dễ tiến tới hòa đồng.
Tôi chưa dám đi sâu vào hệ thống tư tưởng triết lý Việt Nam qua kho tàng tư tưởng dân gian, song tôi tin rằng kho tàng tư tưởng dân gian chứa đựng rất nhiều những nguyên lý tư tưởng, làm kim chỉ nam cho chúng ta tư tưởng.
Về sách lược của dân tộc, đường đi của đất nước, chúng ta thấy không thiếu những tư tưởng hay như:
“Làm nên hóa, biết nên hòa”
Hoặc “Hòa giải cái tôi mở lối mà ra”
“trước yêu nhà sau hòa lối xóm”
Hoặc: “Văn hóa làm nền, chính quyền làm nóc”
“Khéo chuyển thế người, ngồi chơi thủ lợi”
Hoặc: “Giữ chính danh để giành thiên hạ
Lấy chí nhân làm thành lũy
Đem đại nghĩa làm biên cương”
“Biết thoái đổi lại thành hay”
Muốn giữ nước ta phải:
“Lấy nghĩa kết đời, lấy thời kết thế”
Hoặc “Lấy ngắn đánh dài, lấy dài đánh chóng”
“Lấy đoản binh chống trường trận”
Hoặc “Yêu nhà mới qua yêu nước
Giữ nước phải trước giữ nhà”
“Đoàn kết là hết nguy nan”
“Đoàn kết thì sống chia rẽ thì chết”
Hay “Chiếc bèo mặt nước lẻ loi
“Hợp nhau sóng gió cũng coi làm thường”
Và ta phải nên nhớ rằng:
“Lợi mau sau hại chớ dại mà làm”
“Vững tin là nghìn thắng lợi”
Hay “Trở ngại muôn nghìn tự tin cũng vượt”
“Tự tôn, tự ty làm gì cũng hỏng”
“Tự tin mới nhìn thấu suốt”
“Niềm tin hợp lý hợp tình
Lợi người lợi mình cứ vững mà đi”
“Muốn tin phải nhìn cho tỏ, chớ có nhắm mắt mà tin”
Muốn xây dựng đất nước hùng mạnh thì:
“Được dân tin khó nghìn cũng vượt”
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong”
Hay “Được lòng dân muôn phần thắng lợi”
Muốn dân tin thì nhất thiết phải giữ chữ tín, bởi:
“Khoác lác là bác bất tài”
“Ba hoa là cha ngu dốt”
“Giả dối là cội ngu si”
Trong xây dựng, ta phải đấu tranh, song đấu tranh thì phải:
“Đấu tranh để giành cái phải, để cải cái hư để trừ cái xấu”
chứ không phải đấu tranh để gây bạo lực, hận thù…
khi đấu tranh, ta phải cân nhắc:
“Được từng xu chẳng bù mất mớ”
“Thâu cái nhỏ để bỏ cái lớn”
“Hiểu rộng, nhìn xa, tùy ta tùy người, tùy thời định việc”
Trong xây dựng ta sẵn sàng học hỏi, tiếp thu cái hay của người một cách chọn lọc:
“Hãy nhận cái hay chớ vay cái xấu”
“Nhìn người đi trước để bước cho vững”
Trong xây dựng ta phải bao dung rộng lượng, đừng hẹp hòi nhất là khi dùng người:
“Oán cừu nên cởi, tội lỗi nên tha”
“Người ta mỗi tính mỗi tài, hiểu rộng, nhìn dài dùng hết chẳng dư”
Giữ nước cũng như dựng nước, luôn phải tính lâu dài, trường kỳ:
“Để trước mở đầu, đời sau làm tiếp
Gieo nhân khắp nơi, đợi thời hái quả”
Về đạo lý dân tộc, trước hết:
“Trai thì tiến dũng làm đầu
Gái thì nhân tín làm câu giữ mình”
Nhà thơ Phạm Thiên Thư và nhiều người khác trong đó có tôi đang lượm lặt và tạo ra được nhiều tư tưởng Việt rất hay…
Nhân, tín, tiến, dũng là những đức tính truyền thống của con người Việt Nam.
Nhân là lòng thương người, “thương người như thể thương thân”, lấy "chí nhân mà thay cường bạo, đem đại nghĩa mà thắng hung tàn". Thương người là thương yêu cha mẹ ông bà, anh em, họ hàng, thầy cô, bạn bè, đồng bào, làng nước. Mà "chí hẹp lo thân, chí nhân lo nước", nên phẩm chất cao nhất của đạo nhân, đạo lý làm người Việt Nam là “yêu nước thương nòi”. Trong đạo lý Việt Nam, chữ tình nghĩa rất coi trọng. “Sống có tình một mình chẳng chết”, “Tình nghĩa thì bù, tình thù thì cởi”, “bao dung là cùng chia sẻ”, “ăn ở cho hiền, chớ nên chèn ép”. Được như vậy thì “ích mình lợi người, sống đời thanh thản”. Quan niệm về chữ “nhân” của người Việt Nam là nhân đức để lại âm đức cho con cháu, “giúp người đời là nơi giữ của”, mà “giúp người chẳng phải tiền thôi, một câu thăm hỏi cũng vơi được lòng”
Tín là tin cậy. “Niềm tin phải gìn phải giữ”, “không tin là nghìn nghi ngại”. “Tạo được niềm tin tiễn nghìn nghi ngại”. “có sau có trước để phước cho con”, “vợ chồng tin nhau chẳng giàu cũng sướng”. “Đức tin hơn nghìn tri thức”. Muốn để người tin phải xin làm trước. “Thật lòng, vững chí, bền bỉ mà làm”. Mất niềm tin là mất tất cả. Trong một thời đại mà thủ đoạn, bá đạo, dối trá lên đến tột cùng thì chữ tín mới thấy quý giá.
Tiến là tiến bộ về tri thức, khoa học kỹ thuật cũng như về nhận thức, tinh thần đạo đức. “Muốn hiểu cho sâu, biết đầu biết cuối”. “Muốn biết cho cao phải vào cảnh ngộ” “muốn làm phải liệu, muốn biết phải làm”. Muốn biết phải học. “Học cho sâu, thâu cho gọn, chọn cho đúng, dụng cho hay”. Có thế mới thật là tiến bộ. Sự hiểu biết, trí tuệ tập thể luôn có sức mạnh lớn lao. “Dân trí sâu bền là nền vĩnh cửu”.
Tiến bộ về nhận thức, đạo đức là không lạc hậu, phải trong sạch giản dị.
Dũng là dũng khí, khí phách, dám nghĩ, dám nói, dám làm. Dũng khí là do ý chí “ý chí phải rèn, muốn quen phải tập” có thử gian lao mới cao ý chí. Dũng khí có được là do ta không sợ gian khổ, không sợ đau đớn, không sợ thiệt thòi, không sợ chết. Người dũng khí là người không tham danh úy tử, có quan niệm đúng đắn về sự sống và cái chết, về danh dự và trách nhiệm…
Nếu người ta cho rằng “sống là mệt, chết là nhàn, ai cũng có một lần chết thì đâu có sợ chết”, “lúc sanh lúc chết giống hệt nhau”; “đời sống qua mau, trước sau cũng chết”, “chết từng dây chớ đầy đọa nhau”, “đang chết từng giây chớ gây thù oán”, “thà chết vinh còn hơn sống nhục”, “sống danh dự, tử vinh quang”, “chết vinh quang là đàng bất tử”. trong khi ấy, người có dũng khí cũng phải biết trọng danh dự. “Danh dự do tự bản thân”, “danh dự do tự việc làm”, “tiền bạc một thời, đời đời danh dự”, “dù quyền dù thế, chẳng để nhơ danh”, “nghèo thơm danh hơn anh trọc phú”, “cái tham bao hàm cái nhục”, “mua danh một đời, bán danh một phút”.
Con người có dũng khí còn là người có tinh thần trách nhiệm cao, “thấy bất bình thật tình can thiệp”, không hèn nhát, cầu an, chỉ biết đồng ý nhất trí, vỗ tay hoan hô.
Con người có đủ nhân, tín, tiến, dũng là người hiền. Người có tiến dũng hơn người, có tài năng khí phách tài năng hơn người là kẻ anh hùng. Anh hùng là mẫu người luôn được nhân dân ta ngưỡng mộ, tôn vinh, các đại anh hùng dân tộc được coi như bậc thánh. Khắp nơi đều có đền thờ các anh hùng dân tộc. “Ở đời muôn sự của chung, hơn nhau hai tiếng anh hùng mà thôi”, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Đi vào cụ thể, đạo lý truyền thống dân tộc cốt ở làm tròn “nợ nước tình nhà”. Không biết bao nhiêu những lời thơ ý đẹp nói về tình nghĩa gia đình của người Việt Nam. Tình cha con như:
“Mắm ơi có mặn có nồng
Khoai ơi còn có ruột trong vỏ ngoài
Mà cha lòng một không hai
Thương con sợi tóc sầu dài theo mưa”.
Tình con với cha thì:
“Cha ở trên và ở trong
Trên đời có một trong lòng không hai
Con không thể nói bằng lời
Chữ không đủ ý lời không đủ từ
Ngữ ngôn không đủ tâm tư
Nấu nung cạn máu chín nhừ tim con.”
Tình mẹ với con thì:
“Đêm nằm nước mắt mẹ lăn
Đôi tay quờ quạng mấy nhành lau khô
Ai ơi kín nước Tây Hồ
Để cho tôi rửa mắt mờ nhớ con.”
Tình con với mẹ thì:
“Chiều chiều ra đứng chân đê
Thấy ai nón lá não nề nhớ nhung
Đêm về ôm bốn chân giường
Âm thầm khóc mẹ nắm xương rã rời.”
Tình vợ chồng thì:
“Gối chăn miếng muối hạt đường
Vai kề má tựa lửa hương trọn đời
Dẫu cho bình vỡ gương rơi
Cũng xin gượm lại những lời yêu xưa.”
Tình anh em thì:
“Anh em như thể tay chân”
Hay “Anh em như mai mùa xuân
Như sen mùa hạ, như ngần các hoa?
Là mùa đông với mưa sa
Làm trăm trụ cột mái nhà tổ tông.”
Đối với tình quê hương đất nước cũng không thiếu những câu thơ đẹp như:
“Ở đâu cũng tổ cũng đình
Sao thiêng bằng được bằng tình quê hương
Ở đâu cũng chiếu cùng giường
Sao êm ấm nổi ổ rơm quê nhà
Ở đâu cũng lá cũng hoa
Sao tha thiết quá tre ngà võng đây”
Người thầy giáo Việt Nam phải là người biết cảm thụ những tư tưởng tình cảm truyền thống tốt đẹp ấy, là người thấm nhuần sâu sắc đạo lý truyền thống ấy.
Bác Nhất Thanh kính mến,
Bác vốn là một nhà phong tục học, chắc hẳn Bác có nhiều suy nghĩ băn khoăn về bảo tồn những thuần phong mỹ tục, gìn giữ quốc hồn quốc túy. Xã hội Việt Nam đã trải qua nhiều biến động, thuần phong mỹ tục, quốc hồn quốc túy, tất cũng nhiều đổi thay. Làm thế nào vẫn giữ được cái cốt cách, bản sắc riêng Việt Nam, như tinh thần “Bình Ngô Đai Cáo”:
“Như nước Việt ta từ trước đến nay
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Sơn hà cương vực đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác”
Có được tinh thần như thế đã là điều đáng quý, mà thực hiện tinh thần ấy vào trong cuộc sống thực tế một cách tích cực lại là một điều đáng quý hơn, dĩ nhiên khó khăn hơn. Làm thế nào tránh được vết xe cũ, đã có tinh thần “phong tục tàu ta cũng khác”, mà kẻ học thức nước ta khi xưa cứ câu nệ rặp khuôn theo lễ ký của Trung Hoa. Hồ Sĩ Dương đã cố gắng lập ra “Thọ mai gia lễ”, song vẫn chưa thoát được khuôn khổ lễ nghi Trung Hoa. Như thế định hình đúng thật sự những gì là quốc hồn quốc túy, cái cốt cách, bản sắc riêng dân tộc trong nếp sống, phong tục tập quán là công việc không phải dễ dàng. Trong xã hội phong kiến xưa tương đối ổn định, phong tục tập quán đã vào khuôn khổ, ấy vậy cũng có kẻ theo lễ nghi Thọ Mai gia Lễ, có người theo Chu Văn Công của Tàu. Từ thời Pháp thuộc đến nay, càng ngày càng có nhiều khác biệt, kẻ muốn giữ lại nếp cũ người muốn theo mới, kẻ theo cũ mới lẫn lộn. Thật mỗi người mỗi phách. Lễ nghi khác nhau của các tôn giáo Thiên chúa, Cao Đài, Phật giáo lại càng làm tăng sự hỗn độn rối mù về phong tục tập quán. Người cho việc giữ lại nếp cũ vốn ảnh hưởng Trung Hoa là việc làm bảo vệ quốc hồn quốc túy, kẻ cho ảnh hưởng nếp sống Âu Mỹ là lai căng, giữ lại vốn ảnh hưởng Tàu Tây là dân tộc, hoặc nếp sống gốc tư bản là lai căng đồi trụy, gốc thế giới xã hội chủ nghĩa là hiện đại tiến bộ. Vậy thì, ta phải dựa vào cơ sở nào để định hình tính dân tộc bây giờ. Dĩ nhiên không nhất thiết những gì thuộc vốn cũ đều mang tính dân tộc, hay những gì mới du nhập đều lai căng. Quan điểm, lập trường chính trị, tôn giáo riêng biệt tất có ảnh hưởng đến góc độ xem xét định hình. Thực tế khó mà loại bỏ triệt để những cái lăng kính trên được. Song nếu ta loại bỏ bớt, cố gắng đứng trên quan điểm, lập trường dân tộc thuần túy, vì lợi ích dân tộc thực sự, biết trân trọng những truyền thống, bản sắc riêng dân tộc, những độc đáo, đặc sắc của dân tộc nhất là những sáng tạo xuất hiện từ đất nước, con người Việt Nam thì sẽ được định hình mới thật đúng đắn, tính dân tộc mới thực sự cao.
Tính dân tộc không phải tự nhiên mà có, mà được nhào nặn kết hợp từ hoàn cảnh địa lý, hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh chính trị, kinh tế, xã hội. Song tính dân tộc có rõ nét, có tác dụng tốt hay không một phần do ý chí con người. Tính dân tộc sẽ mãi mãi bàng bạc, không rõ nét, nếu người ta không muốn định hình, hệ thống tô đậm, phát huy. Từ trước đến nay, không phải người Việt Nam không có ý muốn định hình hệ thống, tô đậm, phát huy những bản sắc Việt Nam, song ý muốn ấy chưa thật mạnh mẽ hơn việc thực hiện ý muốn chưa thực sự nhiều. Tính dân tộc có rõ nét rồi thì cũng không phải bất biến vì hoàn cảnh thay đổi luôn, song truyền thống bao giờ cũng được kế thừa và phát huy. Rõ ràng cho đến nay, nếp sống phong tục của người Việt Nam đang có nhiều biến đổi, phức tạp, hình như không được định hướng hoặc không chấp nhận theo định hướng chung nhất. Chính trị, tôn giáo đã và đang có những ảnh hưởng nhất định đến việc định hướng, song đều hạn chế, khó chung nhất trong thực tế. Tuy vậy, nếu chính trị, tôn giáo biết dựa vào văn hóa truyền thống, thì có khả năng đạt tới những gì chung nhất. Văn hóa truyền thống dân tộc để lại những sắc thái nào trong nếp sống, phong tục Việt Nam hiện nay? Hẳn là không ít, song ta có thể kể một số tiêu biểu sau:
Trước hết là Hội, hội nước, hội làng, hội nhà. Hội nước như Hội Đền Hùng, giỗ Tổ Hùng Vương (10 tháng 3 âm lịch), hội, giỗ Đức thánh Trần (20 tháng 8 âm lịch). Hội làng như hội mùa hoặc kỷ niệm Thành hoàng, chủ yếu là các anh hùng dân tộc như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng… Hội nhà là ngày kị, giỗ tổ tiên…
Ngày hội là ngày vui hoặc kỷ niệm của nước, làng, gia đình, gia tộc, là sinh hoạt văn hóa mang nhiều sắc thái dân tộc, có nhiều nét tương đối độc đáo, sâu sắc. Chúng ta phải nghiên cứu, định hình, hệ thống, tô đậm, phát huy những sắc thái dân tộc của Hội. Nếu biết trân trọng, bảo lưu, phát huy thì mãi mãi Hội là sinh hoạt đặc sắc của dân tộc ta. Thật hiếm có dân tộc nào có ngày hội nước như hội Đền Hùng, giỗ Quốc tổ Hùng Vương. Thế giới ngày nay, nước nào cũng theo Tây phương có ngày lễ Quốc khánh, ngày hội nước kỷ niệm ngày thành lập chế độ mới hoặc ngày giành độc lập cho đất nước… còn nước Việt Nam ta còn có nhiều ngày hội nước khác như ngày giỗ Quốc tổ rất độc đáo. Độc đáo là vì ý nghĩa sâu xa của nó. Người Việt Nam ta có quan niệm rằng dân tộc như một đại gia đình, đồng bào trong nước coi nhau như anh em một nhà, rằng đại gia đình dân tộc có một ông tổ chung, con cháu Lạc Hồng, con cháu Rồng Tiên, con cháu Vua Hùng. Vua Hùng có công dựng nước là Quốc tổ. không như Tây phương thường trọng ngày sinh, người Việt Nam cũng như người dân Á Đông rất trọng ngày mất, ngày giỗ. “Khuynh hướng gia đình hóa xã hội”, coi xã hội như đại gia đình, “thương người như thể thương thân”, “người trong một nước phải thương nhau cùng” là cơ sở vững chắc cho chủ nghĩa nhân đạo của dân tộc Việt Nam, phát sinh tư tưởng đại hòa của dân tộc ta. Thương nước như thương nhà, làm cho lòng yêu nước của người Việt Nam đậm đà, nồng nàn biết bao! Độc đáo còn là vì tính toàn cục của nó, tính truyền thống lâu đời, hơn 4000 năm dựng nước, hơn 4000 năm văn hiến. Thật là tuyệt vời cho đất nước này khi gặp thời hoạn nạn bị phân hóa hay mất nước, ngày giỗ Quốc tổ là ngày đoàn kết dân tộc, chất men, kích thích lòng yêu nước sâu sắc và âm thầm. Độc đáo còn bởi nội dung ngày lễ, ngày hội cũng như bởi hình thức tổ chức ngày lễ ngày hội. Khác với lễ nghi tổ chức ở nhà thờ, chùa, mang sắc thái tôn giáo riêng biệt, lễ nghi ngày giỗ Quốc tổ được tổ chức ở đình, đền, mang sắc thái truyền thống, chung cho mọi người trong nước. Từ lễ vật “bánh chưng bánh giầy”, “trầu cau” mang sắc thái dân tộc đậm đà và ý nghĩa triết lý sâu sắc đến nghi thức cổ truyền. Ngày hội Đền Hùng còn có nhiều sinh hoạt vui chơi thể thao truyền thống ca nhạc truyền thống, đậm nét dân tộc. Nếu biết gạn lọc bớt những ảnh hưởng Trung Quốc trong nghi thức ca nhạc truyền thống thì hội Đền Hùng, giỗ Quốc tổ sẽ là ngày hội dân tộc thuần túy. Mong sao rồi đây ngày giỗ quốc tổ, ngày hội đền Hùng sẽ được bảo lưu, phát huy về cả chiều sâu, cả chiều rộng, tính dân tộc sâu đậm hơn, tổ chức rộng rãi hơn khắp nơi trong và ngoài nước.
Ngày hội kỷ niệm các anh hùng dân tộc, hội nước hay hội làng là điểm rất đặc sắc của dân tộc. Thật hiếm hoi có dân tộc nào nhiều anh hùng dân tộc như thế, bởi lịch sử dân tộc ta là lịch sử đấu tranh chống xâm lược, thời đại nào cũng xuất hiện những anh hùng kiệt xuất. Thời nào anh hùng ấy, thật hiếm hoi có dân tộc sùng bái anh hùng dân tộc như thế, coi đại anh hùng dân tộc như thần, như thánh, lập đền thờ như đền thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo), đền thờ Hai Bà Trưng khắp nơi hoặc vô số đền thờ các anh hùng khác các vùng, ở một số ít làng. Sự nghiệp anh hùng và sự thờ phụng sùng bái anh hùng dân tộc đã góp phần xây dựng truyền thống anh hùng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa anh hùng dân tộc. Hội đền thờ các anh hùng, ngày hội lễ, kỷ niệm các anh hùng dân tộc đã phản anhs tinh thần yêu nước, anh hùng của dân tộc anh hùng. Hình thức ngày hội, ngày lễ, ngày kỷ niệm các anh hùng dân tộc thật đúng là điểm rất đặc sắc của dân tộc. hình thức lập đền thờ sùng bái anh hùng, cùng với quan niệm của người Việt Nam coi anh hùng là con người mẫu mực trong xã hội mà mọi người trân trọng, phấn đấu học tập xây dựng Đạo Việt Nam, đạo anh hùng mà phẩm chất cao nhất của con người anh hùng là lòng yêu nước nồng nàn, là khí phách hơn người, dám nghĩ, dám nói, dám làm. Nội dung các ngày hội, lễ kỷ niệm các anh hùng dân tộc khá phong phú, đặc sắc nhất là có các hình thức “hèm”, diễn lại các sinh hoạt cụ thể nói lên cá tính, đặc điểm của nhân vật được thờ cúng trong ngày hội, song nội dung về nghi trượng nghi lễ cần phải được gạn lọc những ảnh hưởng Trung Quốc. Nếu ta biết kết hợp hội lễ với hội mùa thì chắc chắn hội nước hay hội làng sẽ trở nên phong phú hơn nhiều, vui thú, hấp dẫn hơn nhiều. Chẳng hạn hội nước mùa xuân là hội đền Hùng, giỗ quốc tổ (10 tháng 3 âm lịch), hoặc hội đền Hai Bà Trưng (6 tháng 2 âm lịch), hoặc hội Tây Sơn, giỗ trận Đống Đa (5 tháng giêng âm lịch). Còn hội mùa thu là hội đền Kiếp Bạc, giỗ Đại Thánh Trần Hưng Đạo. Nếu mọi nghi trượng, nghi thức, nghi trang, lễ vật, âm nhạc các trò chơi đều gạn lọc ảnh hưởng của ngoại nhập, đậm đà tính dân tộc thì ngày hội nước, hội làng (cộng đồng) trở thành một ngày sinh hoạt văn hóa đậm đà tính dân tộc vô song, phong phú hấp dẫn biết bao, nếu ta biến hội mùa thu giỗ Đại Thánh Trần thành “ngày hội võ truyền thống”, diễn lại “trận thủy chiến trên sông” hoặc nếu ta biến “hôi giỗ Hai Bà” thành “ngày hội phụ nữ truyền thống” diễn lại cảnh sinh hoạt phụ nữ thời xưa hoặc cảnh “tập luyện tướng sĩ của Hai Bà Trưng” hoặc nếu ta biến hội “giỗ trận Đống Đa” thành “hội tất chiến thắng”, diễn lại “cảnh đánh trận voi, ngựa” của vua Quang Trung, hoặc nếu ta biến hội mùa xuân giỗ quốc tổ thành ngày quốc khánh, ngày đại đoàn kết dân tộc, diễn lại cảnh truyện truyền thuyết thời đại Hùng Vương.
Hội nhà là ngày giỗ tiên tổ, ông bà cha mẹ, hoặc là ngày vui của gia đình, gia tộc như lễ mừng thọ của ông bà, cha mẹ. Hội nhà cũng là điểm đặc sắc của dân tộc ta. Chính nhờ những ngày giỗ, ngày tết, ngày vui của gia đình, gia tộc, tình anh em họ hàng thân thiết hơn, là dịp tết anh em họ hàng sum họp, nhận anh em họ hàng. Cỗ bàn phí phạm thì thật không nên. Song thiếu nó, ngày hội thiếu hào hứng, thiếu lôi cuốn họp mặt đông đảo, nhất là trẻ em rất cần có mặt để giáo dục, tạo cho chúng những ấn tượng sâu sắc, những kỉ niệm đẹp thời thơ ấu về gia đình, gia tộc. Còn quá chú trọng đến cỗ bàn thì ngày hội nhà lại mất hết ý nghĩa. Cần nghiên cứu, xây dựng nghi lễ giản dị, song trang nghiêm, gạn lọc những ảnh hưởng ngoại lai, thêm vào nội dung tốt, đậm nét dân tộc và hợp với thời đại mới. Tỉ như bàn thờ tổ tiên có thể được thiết trí lai, bỏ thần chủ đề bằng chữ Hán, thay thế bằng hình ảnh, thêm trang trí hoa văn tượng trưng quốc tổ, thời đại Hùng Vương, bỏ những câu đối, lời khấn bằng chữ Hán, thay thế bằng những câu đối, lời khấn tiếng Việt, thêm phần âm thanh kỉ niệm như tiếng chiêng trống, tiếng sáo kỉ niệm hoặc ca nhạc, ngâm thơ, đọc gia phả, phổ trang, sự nghiệp người đã khuất để con cháu ghi nhớ công đức tiên tổ khiến ý nghĩa ngày kị thêm phần sâu sắc.
Đã là ngày hội thì phải vui, nhộn nhịp. Thật vui như ngày trẩy hội. Phải náo nức hồn nhiên, thoải mái tự nguyện chứ không áp đặt bó buộc. Tính quần chúng nhân dân phải thật cao, đâu cần diễn từ phát biểu của các cấp chính quyền mà chỉ cần bản thân hình thức, nội dung có cái gì lôi cuốn hấp dẫn và đủ thời gian tạo nền nếp, truyền thống, đồng thời cảnh vật nơi tổ chức hội, nhất là hội nước, hội làng cũng rất quan trọng. Hội có tính cách tôn giáo hoặc chính quyền thì nước nào cũng có, chỉ có hội nước, hội làng, hội nhà mang tính quần chúng nhân dân có từ xưa như trên ở nước ta mới độc đáo mà thôi. Ước mong rằng rồi đây sẽ được người mình phát huy những nét độc đáo đầy tình tự dân tộc ấy.
Tiêu biểu thứ hai ở cách ăn mặc, ở của người Việt Nam. Hôm nay, sự giao lưu văn hóa quốc tế rất dễ dàng và nhanh chóng, cho nên ở đâu cũng lẫn lộn cách ăn, mặc, ở của nhau giữa các dân tộc trên thế giới. Ở Việt Nam cách ăn, mặc, ở chịu ảnh hưởng nhiều nhất của Âu Mỹ và Tàu, Nhật nhất là ở thành thị. Dù cá thể có người theo Tây hơn Tây, Tàu hơn Tàu, song tập thể vẫn có bản sắc riêng, mang tính dân tộc bàng bạc hay đậm nét. Tục ngữ Việt Nam có câu: “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”. như thế rõ ràng cơm Tàu, nhà Tây, phụ nữ Nhật đã có sắc thái riêng biệt rõ nét. Văn hóa, phong tục Tàu Tây Nhật đã có cá tính dân tộc rõ ràng khó mà lẫn lộn. còn Việt Nam ta chưa thật rõ nét, thường bị người nước ngoài lẫn lộn với người Trung Hoa vì thế cho nên, chúng ta cần phải định hình, hệ thống, tô đậm, phát huy văn hóa, phong tục Việt Nam để có bản sắc riêng thật rõ nét, không còn lẫn lộn với Tàu, Nhật.
Dân tộc ta có cá tính ưa thực tế, thích hòa đồng, dung hợp, cân bằng, không thiên lệch, thái quá, cực đoan, hiếu học thông minh song ham mô phỏng bắt chước; bền bỉ, tỉ mỉ, chịu đựng giỏi; lạc quan, thích châm biếm; giàu lòng yêu nước, anh hùng… cá tính dân tộc ấy đã ít nhiều ảnh hưởng đến cách ăn mặc ở của người Việt Nam chúng ta.
Phải nói ngay rằng cách ăn uống của người Việt Nam rất phong phú, đặc sắc, mang nhiều sắc thái dân tộc. Song rất tiếc, nước ta chưa có Hàn lâm viện, nghiên cứu về ăn uống để thấy hết cái hay, cái đặc sắc mà phát huy. Ở thành thị chưa ai chịu quan tâm đến việc thay thế món ăn uống Việt Nam trong các cửa hàng kinh doanh tiệc cưới tiệc mừng mà dễ dãi theo thói quen tổ chức ăn tiệc ở cửa hàng Tàu, vốn người Tàu có tài kinh doanh, lại được người Pháp nâng đỡ từ thời Pháp thuộc. Khác với các món ăn Tàu nhiều mỡ, khó tiêu, cầu kỳ, các món ăn Việt Nam thanh hơn, dễ tiêu, nhiều hương vị, hài hòa màu sắc dung hợp các vị cay, chua, mặn, ngọt, kết hợp cùng với mềm, đơn sơ, cố giữ nguyên trạng tự nhiên, vừa ngon vừa bổ, vừa rẻ. Tiêu biểu như món chả giò, phở, gỏi, các loại mắm… Mắm là món ăn rất Việt Nam, đặc sắc và phong phú. Ngoài nước mắm chấm còn có các loại mắm sống như mắm tôm, mắm ruốc, mắm tôm điềm (tôm chua), mắm rươi, mắm nêm, mắm thái… Giò chả cũng thế, ngon thơm, dễ ăn, dễ tiêu như giò lụa, giò mỡ, chả quế, chả cá, chả tôm… các loại bánh cũng đặc biệt, phần lớn làm bằng bột gạo như bánh chưng, bánh tét, bánh ít, bánh lá, bánh nếp, bánh đa, bánh đúc, bánh cốm, bánh cuốn, bánh gai… các món nấu, dấm, canh cũng vậy hết sức phong phú, ngon bổ rẻ như canh chua, dấm cua…
Về mặc, đặc sắc nhất là chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam, đẹp duyên dáng, thướt tha, hợp với thân hình người phụ nữ Việt Nam, mảnh mai, cân đối. Ngoài ra giày dép, guốc, nón, các đồ trang sức của người phụ nữ Việt Nam cũng có nhiều đặc sắc. Riêng trang phục, giày dép đàn ông nhất là lễ phục chưa định hình, còn vay mượn Tàu, Tây. Các nhà nghiên cứu nên dày công định hình để đàn ông Việt Nam có lễ phục riêng. Có ý kiến lấy mẫu áo “bà ba” phát huy thành một kiểu áo mặc với quần tây thành lễ phục cho đàn ông Việt Nam. Đa số người Việt thích màu đen, trắng, nâu, vàng. Màu nâu, đen đã có thời kỳ rất phổ biến ở nông thôn Việt Nam. Gần đây người Việt Nam mới hay mặc quần áo Hoa, song cũng ít sặc sỡ, diêm dúa. Người Việt Nam thích màu sắc gần với thiên nhiên hơn. Tỉ như màu trắng như bông vải, màu xanh lá cây, xanh da trời, xanh nước biển, xanh rêu, "cứt ngựa", xanh lá mạ hoặc đỏ huyết dụ, đỏ cánh kiến, đỏ màu máu hoặc vàng nghệ, vàng da cam… thời xưa, người Việt Nam ít mặc quần áo màu xanh đỏ sặc sỡ ngoài các bà đồng cốt, thường mặc quần áo màu trắng, vàng, ngà nếu là người phong lưu, còn phần lớn mặc quần áo màu nâu, đen. Thời nay, người Việt Nam mặc đủ thứ màu song phần lớn vẫn thích màu trắng, màu đen, hoặc các loại màu nhạt và thường thích các loại vải lụa.
Về nhà ở, chúng ta chưa thấy sắc thái riêng độc đáo, thật rõ nét, nhất là về nét kiến trúc. Tỉ như ngoài các hình thức mái cong, mái vòm, mái bằng hình chữ nhật, vuông của người ngoài, nhà cửa chúng ta có thể sáng tạo thêm hình thức mái hình nón lá, nón thúng quai thao có khả năng thích ứng với một xứ có nhiều bão lụt, để thoáng thấy mọi người có thể nhận ra loại nhà kiểu Việt Nam. Chúng ta cũng cần nghiên cứu những đặc điểm kiến trúc cung điện cũng như nhà cổ ở Huế cũng như một số nơi khác nhất là kiến trúc mặt tiền, mái gẫy khúc… để phát huy thành sắc thái độc đáo của kiến trúc Việt Nam. Màu sắc mái ngói, cột, tường cũng thế, cũng cần định hình xem màu sắc chủ yếu, mang tính Việt Nam! Còn nhà cửa thời xưa cũng như ở nông thôn hiện nay cũng có sắc thái riêng, song phần lớn do điều kiện còn nghèo, nên sắc thái mang tính vụn vặt, lạc hậu, khó tồn tại nếu đất nước phát triển, tỉ như nhà tranh vách đất, một hay nhiều gian 2 trái, dùng kèo cột thay vì tường làm chỗ tựa chính cho mái nhà, thường có sân sau, vườn rau ao cá giáp nhà, làm nhà hướng nam (Miền Bắc)…. Chúng ta có ngói mũi hài thời Lê còn dấu vết các đình đền ở Miền Bắc mà lại không dùng, lại thích ngói âm dương của Trung Hoa hay ngói Tây... Tại sao vậy? Có phải tại giáo dục? Đó là chúng ta cũng có nhiều kiến trúc độc đáo như Chùa Một cột hay Khuê Văn Các vừa là cổng vừa là lầu tọa lạc ở các công viên...
Tiêu biểu thứ ba ở cách chào hỏi. giao tế của người Việt Nam. Hiếu khách là đặc điểm của người Việt Nam. Mỗi dân tộc có một lối chào riêng. Hiện nay, người Việt Nam bắt chước lối bắt tay của Tây Phương và lối “ôm hôn thắm thiết” kiểu Bôn-Sê-Vich (Bolshevik). Kiểu chào chắp tay trước ngực, đầu gật, tay vái truyền thống xưa hầu như ít được dùng tới. Ta thử nghiên cứu xem kiểu chào truyền thống ấy có đáng được bảo lưu hay không? Lối chào truyền thống ấy có thật lịch sự, thân thiết, nhiều ý nghĩa sâu sắc mang cá tính Việt Nam đậm đà hay không? Nếu có thì tại sao ta lại không bảo lưu, để mất đi có phải uổng hay không? “Miếng trầu là đầu câu chuyện” phải được thay thế, biến tướng ra làm sao? Pha trà đãi khách phải như thế nào mang cung cách Việt Nam. Phòng khách, tiếp khách phải như thế nào? Phép lịch sự về tiếp khách, đãi khách phải như thế nào? Tất cả hình như vẫn còn bàng bạc, chưa thật rõ nét sắc thái Việt Nam.
Phần viết bổ sung sau:
(Kính thưa Bác Nhất Thanh,
Bây giờ tôi viết tiếp Lá thư chưa gửi thì Bác đã ra người thiên cổ. Tôi xin khóc Bác, người nhất định coi tôi là bạn vong niên. Tôi còn nhớ những buổi cuối cùng gặp Bác cùng đàm đạo với người con gái của cụ Đề Thám mới ở Pháp về và Bác đã đưa cho tôi bản thảo của Bác còn viết dở dang. Nhũng ý tưởng còn nhiều chưa kịp viết tiếp. Song ngần ấy cũng tạm đủ để tôi đặt vấn đề cho giới học thuật trong tương lai, biết đâu ở thế kỷ này hay thế kỷ tới, các chính quyền, giới học thuật văn hóa giáo dục Việt Nam sẽ quan tâm giải quyết. Tôi thiển nghĩ đã đến lúc khi Đất nước hiện có quá nhiều nguy cơ kể cả nguy cơ trở thành thuộc quốc, khi lòng người mất cả niềm tin, mất cả lương tri, chỉ vì khác nhau chính kiến hay tư lợi, sẵn sàng coi nhau là thù địch, mặc tình đạp đổ, bôi nhọ nhau, tôi quyết công bố Lá thư viết cho Bác dở dang này.
“Tôi từng nói tay phải tôi là làm giáo dục, vì tôi có duyên may học từ sư phạm tiểu học tại Trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn, khóa cấp tốc (1961-1962), Đại Học Sư phạm Sài Gòn (1962-1965), Cao học Giáo dục (Khóa 1) rồi phụ trách Trưởng Ban Nghiên cứu Giáo dục tại trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức - Đại học Sư phạm Sài Gòn; Tổ trưởng phương pháp dạy học lịch sử tại trường Cao đẳng Sư phạm Tp.HCM gần 20 năm; sáng lập và tham gia quản lý Đại học Hùng Vương... muốn đóng góp nhiều cho giáo dục nước nhà mà không được, luôn bị chụp mũ, hất hủi. Trong nước bị chụp mũ là “có ý đồ xây dựng lực lượng”, “sau Đại học Hùng Vương là Mỹ”, ngoài nước chụp mũ là “nằm vùng, đi kiều vận”. Nhờ những người thân, học trò hay ngay cả những người chỉ quen trên mạng thương mến, cho ăn ở, tổ chức nói chuyện mà không ít lần đã rơi lệ mà vẫn bị chụp mũ, không tha... Dĩ nhiên nhiều mũ thì làm sao tôi đội được một lúc được. Song Bác Nhất Thanh ạ, sự thật chỉ có một, tôi đâu có sợ và tôi lúc nào cũng là tôi, một người thầy, một tấm gương cho các học trò: tôi sẽ suy nghĩ và hành động mà lương tri tôi cho là đúng.
Nếu Bác linh thiêng cũng xin phù hộ tôi tiếp tục như thế và Cổng thông tin mới ra mắt www.hannguyennguyennha.com của Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã và cổng thông tin cũ www.amthuc.net.vn sẽ là nơi chúng ta cùng nhau. Một mình tôi là hạt cát chẳng làm gì được.
Dù có quá nhiều khó khăn cả về tài chánh, song với phù hộ của Bác và bao nhiêu người đã khuất, cũng như hàng ngàn học trò của tôi dù đã được tôi dạy hay chưa từng vào lớp học tôi dạy, vẫn xin gọi tôi là thầy ở trong nước và ở nhiều nước rất hiểu biết tôi, sẵn sàng giúp tôi vượt qua và cùng nhau suy nghĩ và hành động ít ra bốn chương trình đã nghiên cứu từ hàng chục năm, chính thức nêu ra trong Cổng thông tìn www.hannguyennguyennha.com:
1. Cùng nhau quảng bá ra thế giới sự thật lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa với hơn 500 trang bằng Tiếng Anh.
2. Cùng nhau quảng bá ẩm thực Việt - phở Việt ra thế giới. Trước mắt xây dựng chuỗi nhà hàng, quán đạt chuẩn từ thực phẩm sạch đến bếp sạch với những món ăn thuần Việt, có cả không gian thuần Việt, nghe cả nhạc Việt, âm nhạc dân tộc, thúc đẩy phục dựng ẩm thực cung đình Huế về an toàn thực phẩm để cứu người Việt Nam chết vì thực phẩm độc do dùng chất thích thích tăng trưởng, chất hóa học độc bảo quản...
3. Cùng nhau đem âm nhạc dân tộc, dân ca, hát thơ (một loại hình nghệ thuật thi ca độc đáo của dân tộc mà GSTS. Trần Văn Khê cho là tuyệt vời nếu được quần chúng chấp nhận) vào trường để giữ hồn dân tộc giới trẻ, thúc đẩy lòng tự hào dân tộc, xây dựng nội lực đất nước hùng cường để thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc quốc.
4. Cùng nhau khởi xướng chương trình "Ngàn thanh niên thế kỷ XXI" có đề án để đời xây dựng đất nước hùng cường, nhất là có kỹ năng sống yêu nước như thanh niên Nhật Bản, kỹ năng sống tư duy sáng tạo, vượt khó như thanh niên Do Thái...
Phải cùng nhau thôi, nói ít, làm nhiều, phải làm thật không được gian dối, không được phá nhau nữa!
Thư bất tận ngôn,
Mong Bác phù hộ - ngày 18/4/2014
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã,)