BBT: Bức thứ thứ nhất Nguyễn Nhã gửi cho nhà sử học, nhà nghiên cứu văn học Hoàng Xuân Hãn, nguyên Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục, Chính phủ Trần Trọng Kim, năm 1945 nằm trong loạt bài "Những bức thư xây dựng chân dung người thầy giáo Việt Nam thế kỷ XX".
Ngày 10 tháng 6 năm 1985
Thưa Bác Hãn kính mến,
Gần đây, nhân có người bạn đến sưu tầm thư biết chữ ký các nhân vật tiếng tăm, trong đó có Bác, tôi lục tìm và đọc lại hầu hết những bức thư của Bác gửi cho tôi trong thời gian 10 năm ấn hành Tập San Sử Địa. Tôi bồi hồi xúc động đọc những dòng chữ quen thuộc của Bác, từ bức thư đầu tiên đề ngày 30.9.1965 đến bức thư cuối cùng đề ngày 10.2.1975, kèm theo bài thơ khai bút đầu năm Ất Mão mà Bác đề tặng tôi, trong đó có câu:
“Chúc nhau phúc lộc thọ khang
Chúc cho đất nước trở sang thái bình
Chúc cho nhà vượng người vinh
Chúng nhau Nam Bắc một tình yêu thương
Chúng ta kiều ngụ tha phương
Đồng tâm ta thắp nén hương khẩn nguyền.
Năm này đại cát nguyên niên.”
Chẳng ngờ ý Bác trong thờ lại phần nào ứng nghiệm. Nam Bắc thống nhất một nhà, một trang sử mới lại bắt đầu. Song chỉ có thế thôi, còn những điều khác thì chưa thấy ứng nghiệm.
Vì thời cuộc, thư từ giữa Bác với tôi đột nhiên ngừng hẳn. Tuy vậy, tôi vẫn luôn hỏi thăm tin tức, vẫn biết Bác vẫn bình an, tôi cũng rất mừng. Tôi cũng xin cám ơn Bác hồi tháng 05/1975, Bác đã quan tâm, có nhắn ông Hoàng Xuân Bình, người em ruột của Bác lúc bấy giờ tham gia tiếp quản đài truyền hình ở Sài Gòn, đến hỏi thăm tình hình tôi ra sao. Thế rồi, đúng mười năm sau, nhân buổi họp mặt tiếp tân xem chiếu phim kỷ niệm ngày Đồng Minh chiến thắng Phát xít Đức vào tháng 05/1965. Tại trung tâm Văn hóa Pháp Sài Gòn, tôi lại gặp đươc ông Hoàng Xuân Bình và ông Lê Văn Sáu, chủ nhiệm khoa Sử trường Đại học Sư phạm, mới từ Pháp về. Tôi rất xúc động được ông Sáu cho biết Bác có gửi thư hỏi thăm tôi. Sau đó, tôi đã nhận được tấm danh thiếp ghi ít hàng của Bác. Thật cám ơn Bác nhiều lắm.
Hiện nay, tôi vẫn đi dạy học ở trường Cao đẳng Sư phạm, khoa sử, tôi vẫn đem hết công sức dạy dỗ học trò, dù vô cùng khó khăn, chán nản, nhất là tình trạng học trò kém cỏi, không muốn học hành Bác Hãn ạ. Hồi năm 1976-1977, trong đợt xét vào biến chế các giáo chức cũ, Ban Giám hiệu trường Đại học Sư phạm cần hiểu rõ, yêu cầu tôi trình bày về quá trình làm Tập san Sử Địa. Trong một buổi trao đổi riêng với hiệu trưởng, họ có phê bình Tập san Sử Địa chịu ảnh hưởng của Bác nhất trong số 26, kỷ niệm 300 năm ngưng chiến Nam Bắc thời Trịnh Nguyễn, họ không chấp nhận người trí thức không chịu dấn thân, mà họ nói là đứng ngoài, đứng trên dân tộc, họ cũng phê bình chủ trương một vài số báo chủ đề như số đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, mà họ cho là phục vụ âm mưu chính trị của bọn đế quốc. Trước đó, tôi có viết trong bản trần tình về quá trình hoạt động chủ biên Tập san Sử Địa, có đoạn như sau: “Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về đường lối và việc làm tốt hay xấu của Tập san Sử Địa. Và thực tế, dù trên bìa báo có in đông đảo những người cộng tác, ban chủ biên, ban trị sự, nhưng tất cả không ai tham gia vào việc bàn định đường lối, chủ trương hay mọi tổ chức của Tập san. Nhìn lại quá trình hoạt động của Tập san Sử Địa, tôi chưa mãn nguyện với những thành quả nhất là có nhiều điều hạn chế dưới quan điểm cách mạng xã hội, những tôi rất hài lòng về tôi, đã đem hết thành tâm thiện chí, đem hết sức lực trái tim và trí óc để làm việc không bê tha, sa đọa, làm đúng theo lương tri mà lúc bấy giờ tôi nghĩ là đúng. Tôi vẫn tự hào về cuộc sống trong sạch, không để ai mua chuộc trong một xã hội có nhiều cám dỗ và sa đọa. Đến nay, hoàn cảnh xã hội đã đổi khác cho phép tôi có những nhận thức mới, những tình cảm mới đối với cách mạng, tôi sẽ làm đúng theo lương tri mà hoàn cảnh xã hội mới đang cho phép, tôi ý thức và hành động”.
Thế là cả một buổi chiều trao đổi riêng, họ phê phán thái độ này, cho rằng hiện vẫn cho việc làm trước đây là đúng lương tri và vẫn còn tiếp tục như thế thì rất nguy hiểm!
Bác Hãn ạ, càng ngày thực tế lịch sử càng chứng tỏ sự đúng đắn về thái độ, về việc làm trên của người trí thức Việt Nam. Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm hay bất cứ những người trí thức tương tự chắc chắn sẽ chẳng được các chính quyền đương thời hài lòng, song lịch sử thì rất công minh. Không hiểu hồi bác viết cuốn “La Sơn Phu Tử” có dự kiến hay gửi gắm tâm sự gì hay không. Theo tôi, ẩn sĩ Nguyễn Thiếp khi xưa dù sao cũng đã gặp thời, tuy thời gian làm việc quá ngắn. Còn người ẩn sỹ thời nay không những không có cái may mắn ấy mà người ta không để yên làm như thế. Nếu thực sự nghiêm túc tổng kết được gì, mất gì cho những người đã từng dấn thân tích cực vào thời cuộc thế mới thấy rằng thà không dấn thân còn hơn. Đến bây giờ, tôi lại càng khâm phục sự trông xa nhìn rộng của Bác.
Bác Hãn ạ, trong một bức thư viết cho tôi, Bác có viết rằng: “Không hiểu sao tự nhiên Bác thấy cảm mến nhóm chủ trương Tập san Sử Địa”. Chắc là “Đồng thanh, đồng khí” đấy! Tôi cũng vậy, tự nhiên quý trọng Bác vô cùng, biệt hiệu của tôi mà tôi ưa thích nhất là Hãn Nguyên. Tôi vẫn thương nói với các thân hữu rằng: “Hoàng Xuân Hãn là một nhà nghiên cứu văn, sử học tiêu biểu nhất thời đại chúng ta, vừa nghiêm túc, cẩn trọng, khoa học, vừa công phu, tinh tế, nhiều khám phá mới lạ, rất xứng đáng là ngôi sao bắc đẩu của giới văn, sử học nước nhà. Công trình sử học như cuốn Lý Thương Kiệt thì thật là tuyệt, mẫu mực!”
Sự đóng góp của Bác vào Tập san Sử Địa rất to lớn, một phần lớn có Bác mà giá trị của Tập san Sử Địa mới được khẳng định. Bây giờ thì đúng như bác đã viết trong tấm danh thiếp gửi cho tôi: “Ngày nay mọi người đều nhận rằng Sử Địa có giá trị” trong bài phát biểu của ông Lê Quang Chánh, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp.HCM tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập 3 ngành xuất bản, in ấn và phát hành được đăng lại trong giai phẩm Xuân Quý Hợi 1982. Tổng kết hội thi, hội thao, hội diễn ngành in thành phố 1982, trang 24 có ghi như sau: “Trong nội thành Sài Gòn, Chợ Lớn ta vận động và gây ảnh hưởng, đưa quan điểm của cuộc cách mạng vào nội dung các báo công khai, hợp pháp như: Tiếng Chuông, Buổi Sáng, Tin Mai, Nhân Loại, Sài Gòn Mới, ta còn tăng cường tuyên truyền đối thoại thông qua báo chí nước ngoài do giáo sư Nguyễn Văn Hiếu viết bài cho “Tribune de Nation” bút danh là N.V, đăng báo Pháp gửi về Sài Gòn để vận động trí thức Việt Nam. Chúng ta còn sử dụng khả năng hoạt động công khai, hợp pháp đưa nội dung tiến bộ và cách mạng vào các tờ báo “Tin Sáng”, “Tiếng nói dân tộc”, “Đất Tổ”, và các tạp chí “Đối Diện” và tạp chí “Sử Địa”.
Tài thật, vận động khéo léo như thế nào mà tôi chẳng hay. Dù sao, thì Tập san Sử Địa đã được thừa nhận có nội dung tiến bộ và cách mạng. Tuy vậy, vào cuối năm 1982, chợ sách cũ ở Thành phố bắt đầu không được phép bán Sử Địa vì hoàn cảnh đã khác đi, lưu hành phải hạn chế.
Bác Hãn ạ, nhân dịp 10 năm, xin Bác đánh giá toàn bộ Tập san Sử Địa, những gì đã làm được, những gì chưa làm được để đời sau tiếp tục. Tôi cũng khẩn khoản xin Bác hỗ trợ thêm một lần chót. Nguyên tôi đang tiến hành thực hiện tác phẩm “Tâm sự người thầy giáo Việt Nam cuối thế kỷ XX”, bao gồm các lá thư dài trao đổi giữa tôi với học trò cũng như trao đổi với các đồng nghiệp nhất là giữa một số nhà giáo tiêu biểu đáng kính khác, viết thế nào để trở thành "Hội chứng giáo dục Việt Nam Thế ký XX". Tôi đã nghĩ đến Bác, một nhà văn hóa, một nhà giáo dục tiêu biểu nhất giữa thế kỷ XX. Tôi khẩn khoản mong Bác sau khi đọc xong bức thư này, hãy viết dưới dạng thư trả lời, về tâm sự cuộc đời hoạt động văn hóa, giáo dục của Bác theo đề cương, xin được mạo muội đề nghị dưới đây sau. Mỗi bức thư gửi và trả lời viết theo một chuyên đề, được coi như một mục của tác phẩm. Mục tôi đề nghị trao đổi với Bác là: “Đối thoại với nhà giáo Việt Nam tiêu biểu giữa thế kỷ XX Hoàng Xuân Hãn” và những vấn đề mà tôi muốn đối thoại ấy là:
- Chân dung nhà giáo Việt Nam
- Hội chứng giáo dục Việt Nam từ đầu thế kỷ đến nay (ngày xưa đi học, đi dạy và việc soạn chương trình học, chuyển Việt ngữ đầu tiên của Hoàng Xuân Hãn).
- Hội chứng lịch sử, xã hội Việt Nam (bối cảnh lịch sử, xã hội, thái độ của người trí thức Việt Nam)
Về chân dung người thầy giáo Việt Nam, như đã viết trong bức thư chung gửi cho các học trò của tôi từ 20 năm qua, tôi đã cố gắng đi tìm chân dung đích thực người thầy giáo Việt Nam bằng nghiên cứu và thực hành.
Phát xuất từ suy nghĩ, từ hàng ngàn năm đến nay, nước ta chưa thực sự độc lập, tự chủ về văn hóa, tư tưởng, tuy đã có hàng ngàn năm độc lập, tự chủ về chính trị, kinh tế, các nhà cầm quyền, các trí thức nhất là các nhà giáo Việt Nam phải chịu trach nhiệm nặng nề về tình trạng này, hầu như dạy tư tưởng văn hóa Tàu, tổ chức dạy học theo lối dạy Tàu, dạy bằng chữ Tàu, thậm chí học thi Hương, thi Hội, chỉ học Bắc Sử, đến thời Pháp thuộc mới cho học Nam Sử. Thậm chí có triều đại như thời Trịnh Cương, năm 1718, còn cấm khắc in, lưu hành, tàng trữ các truyện chữ Nôm. Ách nô lệ văn hóa tư tưởng nặng nề đến nỗi giải phóng được đất nước rồi mà Nguyễn Trãi phải viết Bình Ngô Đại Cáo bằng chữ Hán. Văn Tài sử dụng chữ Nôm đến mức tuyệt vời rồi mà Nguyễn Du còn phải dùng điển tích Tàu gần như mỗi câu thơ. Tuy bị dòng văn hóa, tư tưởng ngoại lai kìm hãm đến mức tối đa, song dòng văn hóa tư tưởng dân gian vẫn phát triển, có sức mạnh vô biên. Qua thời Pháp thuộc thì ách nô lệ văn hóa tư tưởng này được thay thế, cũng nặng nề không kém cho đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, những biến động không ngừng rồi chiến tranh thế giới thứ hai đến nay đã khiến cho nhiều người trong đó có tôi nhẹ bớt ách nô lệ văn hóa, tư tưởng ngoại lai, song việc định hình, phát huy bản sắc Việt Nam trong tư tưởng văn hóa cũng như trong giáo dục, còn rất nhiều hạn chế. Dù sao việc định hình, phát huy những bản sắc Việt Nam trên rất cần thiết, nếu không nói là cấp bách.
Tôi thường nghĩ rằng so sánh với các dân tộc khác từ Đông sang Tây, cách xưng hô trong gia đình rồi ngoài xã hội, học đường, rõ ràng phản ánh nét đặc trưng độc đáo của người Việt Nam. Rõ ràng cách xưng hô trong gia đình Việt Nam rất thân thiết đặc biệt và có nhiều mức độ thân thiết khác nhiều cách xưng hô ở học đường, xã hội Việt Nam rõ ràng phản ảnh khuynh hướng gia đình hóa xã hội, một đặc trưng của dân tộc Việt Nam, cách xưng hô thầy (cô), em (con) ở học đường Việt Nam rõ ràng phản ánh mối quan hệ đặc biệt, có tính cách gia đình, coi nhà trường, xã hội cũng là mái ấm thứ hai, một đại gia đình. Nét đặc trưng độc đáo của người thầy giáo Việt Nam là coi trường học như một gia đình của mình, coi học trò như con, em mình, mà người thầy giáo là người cha, người đàn anh có nhiệm vụ dẫn dắt cho thế hệ con em thân yêu của mình. Trên cơ sở tình cảm đặc biệt này, biện pháp giáo dục chủ yếu là cảm hóa bằng tình cảm, nhẹ về biện pháp hành chánh. Kỷ luật là kỷ luật tự giác. Người thầy giáo Việt Nam cần tấm gương sáng để dạy có hiệu quả. Người thầy giáo Việt Nam cần phải có những đức tính chủ yếu: Hiền, nhiệt tình, hay (giỏi), nhẫn nại, kiên trì và phải làm gương (mẫu mực). Đó là những nhận định rút ra từ kinh nghiệm bản thân cũng như từ quan sát thực tế giáo dục ở Việt Nam. Trong một dịp nào khác, tôi sẽ xin phân tích rõ ràng hơn. Kinh nghiệm cho tôi hay rằng nếu phấn đấu thực hiện như trên thì công tác giáo dục tỏ ra có hiệu quả cao hơn.
Tôi cũng thường suy nghĩ về những tư tưởng truyền thống chủ đạo xuyên suốt các thời đại cho nền giáo dục Việt Nam, làm kim chỉ nam cho đạo lý truyền thống mà người thầy giáo Việt Nam đã ra công đào tạo. Tôi cũng từng suy nghĩ về mẫu người của nền giáo dục truyền thống. Dĩ nhiên, mỗi thời đại như Nho học, Tây học, Mác học đều có những tư tưởng chủ đạo, đạo lý, mẫu người riêng cho từng thời đại và cũng có những cái chung nhất cho mọi thời đại.
Dựa vào cơ sở truyền thống qua ca dao tục ngữ và nếp sống từ lâu đời còn có giá trị đến nay, tôi thấy tư tưởng chủ đạo truyền thống của người thầy giáo Việt Nam qua các thời đại là “Nhân chủ đại hòa”. Tư tưởng “đại hòa” dựa trên cơ sở tư tưởng truyền thống “bầu ơi thương lấy bí cùng; tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, hoặc “thương người như thể thương thân” hoặc truyền thống “tam giáo đồng nguyên” hòa đồng tôn giáo biểu hiện qua các tôn giáo phát sinh tại Việt Nam như Cao Đài, Đạo Dừa… Đại hòa còn là yêu cầu bức thiết của thời đại hạt nhân đầy đe dọa tự hủy diệt loài người. Trong khí cơ sở của tư tưởng Nhân chủ dựa trên truyền thống tu thân sửa mình của nền giáo dục truyền thống, một phần của sự làm chủ bản thân hiện nay, nhân chủ không những bao gồm làm chủ bản thân mà còn làm chủ tập thể, làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên. Nhưng Nhân chủ không những cần thiết cho thời đại xưa mà còn là yêu cầu của thời đại khoa học phát triển.
Tư tưởng truyền thống “Nhân chủ đại hòa” là kim chỉ nam cho nền đạo lý truyền thống, đạo lý làm người của Việt Nam. Đạo lý ấy là nhân, dũng, tiến, tín. Qua các thời đại, các khái niệm nhân, dũng, tiến, tín đã biến đổi, còn đọng lại những tinh túy có giá trị cho mọi thời đại. Nhân là nhân từ, biết yêu thương người, yêu cha mẹ, thầy cô, anh em, bạn bè, biết yêu tổ quốc, yêu đồng bào, yêu thiên nhiên, yêu nhân loại, yêu loài vật… lòng nhân người Việt Nam rất rộng rãi, không những yêu người mà yêu cả vật, mà yêu người như yêu bản thân mình, “thương người như thể thương thân”. Dũng là dũng khí, có can đảm, khí phách, dám nghĩ, dám nói, dám làm. Tiến là tiến bộ, hướng đi lên về trí thức khoa học mà còn tịnh tiến về mặt đạo đức tinh thần. Tín có nghĩa là tín nghĩa, là tin cậy, chung thủy, trung thành, không dối trá bội phản. Như thế, rõ ràng các khái niệm “nhân, dũng, tiến, tín” trên đây vẫn còn những giá trị cho thời nay và muôn đời sau.
Mẫu người của nền giáo dục truyền thống Việt Nam là người anh hùng, tiến, dũng hơn người, có tài năng và khí phách hơn người. Người anh hùng luôn được mọi người Việt Nam ở mọi thời đại ngưỡng mộ, tôn sùng, thờ kính. Khắp nơi có các đền thờ anh hùng dân tộc, khiến có người cho rằng đạo Việt Nam là đạo anh hùng.
Trên đây là vài nét phác họa chân dung người thầy giáo Việt Nam ấy, tôi đã cố gắng thử nghiệm xem chân dung lý thuyết ấy có tồn tại trong thực tế, thích hợp với môi trường học đường Việt Nam hay không. Thì hai mươi năm qua, dù thay đổi thể chế chính trị xã hội, tôi vẫn thấy con người thầy giáo Việt Nam ấy vẫn có một chỗ đứng, vẫn có tác dụng rất tốt đối với học trò, đối với nhà trường Việt Nam. Tôi hiện rất tâm đắc vì những nét phác họa về chân dung người thầy giáo Việt Nam trên và đang phấn đấu thể hiện bằng thực tế hành động để càng ngày càng làm rõ nét chân dung ấy. Tuy nhiên tôi chưa thật mãn nguyện mà còn tiếp tục cố gắng nghiên cứu, thử nghiệm. Tôi rất mong được sự đối thoại, tiếp tay của các nhà nghiên cứu, các nhà giáo dục Việt Nam, nhất là Bác là một nhà giáo dục lớn, tiêu biểu ở giữa thế kỷ này, mong Bác chỉ dạy, cho biết những nhận định, góp phần vào việc đình hình sắc thái Việt Nam về người thầy giáo, để đi tìm chân dung đích thực người thầy giáo Việt Nam.
Tiếp đến vấn đề hội chứng giáo dục Việt Nam từ đầu thế kỷ đến nay, theo thiển ý tôi, Bác là người tiêu biểu nhất, có thẩm quyền nhất, vừa là nhân chứng, vừa là người trong cuộc có thẩm quyền trong ngành giáo dục Việt Nam, mong Bác ghi lại những chuyển biến mọi mặt, những gì Bác nghe, Bác thấy và Bác làm. Từ việc ngày xưa Bác đi học ra sao, những tình tiết đổi mới từ chương trình, tổ chức, phương pháp… khi nào xuất hiện phấn trắng, bảng đen, học cụ, giấy bút kiểu Tây phương; khi nào bắt đầu có tổ chức lớp học, tiết bài theo kiểu Tây phương… Xin Bác miêu tả những biến đổi ấy. Tại sao Bác tiếp thu được những tinh túy của Tây học như trí thức, phương pháp mà vẫn giữ được tinh túy cổ truyền dân tộc, vẫn trong quốc học, tích cực bảo vệ quốc học? Còn những người khác thì sao, thực trạng ra sao? Xin Bác kể cho biết ngày xưa Bác đi dạy thế nào? Bác thấy có những chuyển biến nào về con người thầy giáo Việt Nam. Hoàn cảnh nào, động lực nào, mục tiêu nào khi Bác chủ trương soạn chương trình học chuyển Việt ngữ đầu tiên của nước ta. Xin bác ghi lại quá trình xây dựng, những khó khăn, thuận lợi xây dựng chương trình học ấy. Bác thử tổng kết, đánh giá toàn bộ chương trình ấy. Như trước đây, trong Tập san Sử Địa, số 27 và 28, tôi đã cho đăng một bài có tính cách thăm dò, “Tạp chí khoa học là vật liệu để xây dựng chương trình giáo dục bằng Việt ngữ đầu tiên ở Việt Nam”. Hồi ấy tôi dự định sẽ viết thư nhờ Bác viết bút ký về việc làm ấy. Song thời cuộc đã làm bỏ dở. Nay xin Bác ghi lại trong bức thư hồi âm để đem vào tác phẩm “Tâm sự người thày giáo Việt Nam cuối thế kỷ XX” thì thật vô cùng quý giá.
Còn về hội chứng lịch sử, xã hội Việt Nam, xin Bác ghi lại bối cảnh lịch sử, xã hội Việt Nam qua việc trao đổi hai phần “chân dung thầy giáo”, “hội chứng giáo dục Việt Nam” trên, đồng thời cũng xin Bác ghi lại thái độ của người trí thức Việt Nam, đặc biệt thái độ bản thân Bác trong bối cảnh lịch sử xã hội từ năm 1945 đến nay. Chẳng hay Bác có đọc được Hồi ký Phan Khắc Hòe: “Từ Triều Đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”, năm 1983 hay chưa? Trong tập hồi ký ấy có vài đoạn đề cập đến Bác như đoạn kể truyện của các nhân sỹ bị Pháp bắt ở Hỏa Lò Hà Nội, trang 163-164:
“Sáng hôm sau, 23, có thêm hai người nữa là bác sỹ Bảy và bác sỹ Thuần, nhưng hai ông này chỉ bị giữ lại có một buổi thôi. Trong hai ngày 24 và 25, “phòng nhân sĩ” lại lần lượt đốn thêm ba “thượng khách” nữa là giáo sư Hoàng Xuân Hán, nguyên bộ trưởng Bộ giáo dục và Mỹ thuật, luật sư Vũ Văn Hiền, nguyên bộ trưởng bộ Tài chính của chính phủ Trần Trọng Kim, và bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, lãnh tụ đảng Đại Việt. thế là đủ “một mâm” sáu người, hàng ngày ngoài hai bữa cơm muối, chỉ ngồi nằm thảo luận thời sự mà trọng tâm là hai vấn đề. Một là: Ai đánh thức, Ta hay Tây? Hai là: cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt mau hay lâu và chấm dứt như thế nào?/ trang 164. Ngày 30 tháng 12, Pi – nhông, cố vấn chính trị của Đắc-Giăng-li-ơ vào Hỏa lò thăm chúng tôi. Với một thái độ nhã nhặn, hắn nói:
- Sở dĩ nhà chức trách Pháp phải đưa các ông vào đây là để bảo đảm an toàn cho các ông. Nhưng đối với ông Hoàng Xuân Hán thì ngay từ hôm nay đã có thể ra ngoài. Tôi sẽ thân hành đưa ông về ăn Tết Tây với gia đình.
“Câu nói sau cũng của Pi-nhông làm cho anh Hãn tỏ ra lúng túng, rồi nói:
- Tôi cũng muốn ở lại đây với các anh cho vui, nhưng tôi nghĩ rằng tôi với sự nghiệp chung của tổ quốc, có lẽ lúc này sự có mặt của tôi ở ngoài có lợi hơn. Vậy xin chúc các anh vui khỏe. thế nào chúng ta cũng sẽ mau được gặp nhau lại”.
Một đoạn hồi ký khác đề cập đến cảnh đối thoại giữa tác giả với cụ Trần Trọng Kim, bàn đến một giải pháp chính trị, trang 221-222
“Hôm trước, tôi [TTK] bi quan vì nhiều phía nào cũng thấy bế tắc cả. hôm nay, Pi-nhông đã nói với tôi chắc chắc là ông Hoàng Xuân Hãn sắp vào, nên tôi đã tìm thấy một lối thoát như thế này:
- Nay mai ông Hãn vào, ông Hãn và tôi sẽ bàn với Pi-nhông hãy xếp cho hai chúng tôi và cả ông nữa là ba người đi sang Hồng Kông đón Cựu Hoàng về. Nhưng một khi đã đến Hồng Kông, thì ông Hãn và tôi sẽ ở lại bên cạnh Cựu Hoàng, còn ông sẽ về Việt Bắc báo cáo với Cụ Hồ để xin cụ vạch ra cho đường lối chủ trương vận động tranh thủ sự giúp đỡ của các nước Anh, Mỹ, Tàu, Ý… rồi giao lưu cho Cựu Hoàng với tư cách là cố vấn, cùng tôi và ông Hãn tiến hành. Đại ý như vậy, ông có ý kiến gì không?
- Tôi hoan nghênh cụ đã thay đổi ý kiến theo chiều hướng tốt hơn trước, nhưng theo tôi, thì kế hoạch của cụ giản đơn quá và Cụ vẫn cứ cả tin vào bọn thực dân phản động. Về mặt đường lối thực dân, Pi-nhông cũng như Cút-Xô cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người cả thôi. Hôm nay, tôi định đến chào Cụ để ngày mai đi Đà Lạt, không ngờ lại được Cụ cho biết một chủ trương có những khía cạnh khá hấp dẫn. nhưng tôi không tin là Pi-nhông dám để cho tôi cùng Cụ và anh Hãn qua Hồng Kong. Nếu cụ thuyết phục được Pi-nhông thì khi nào sắp đi, cụ cứ đánh điện cho tôi, tôi sẽ xuống ngay”.
Ở phần cuối cùng của Tập Hồi ký viết (trang 270 – 271):
“Khoảng một tháng sau, một đồng chí công an tên là Kỳ đến gặp tôi với một công văn của đồng chí Nguyễn Văn Trân, chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu XI (tức Hà Nội) chỉ thị cho công an Quận 6 tìm hiểu xem có nhân sĩ trí thức nào muốn ra vùng tự do thì tổ chức ra một lần với ông Hòe luôn. Tôi bèn nêu vấn đề với anh Hoàng Xuân Hãn và hai anh em đồng ý mời anh Đăng Phúc Thông và anh Vũ Văn Hiền đến họp bàn / trang 271. Trong cuộc bàn này, anh Đặng Phúc Thông đề nghị tổ chức cho cả hai anh chị cùng ra với cha con tôi. Còn hai anh Hoàng Xuân Hãn và Vũ Văn Hiền thì cho rằng với hoàn cảnh và cương vị xã hội của hai anh, hai anh nên ở lại làm cơ sở cho kháng chiến trong lòng địch sẽ có lợi hơn. Tôi liền thông báo kết quả cuộc họp cho đồng chí Kỳ đang nằm chờ trên một gác xép ở nhà anh Hãn từ chiều hôm trước.
- Hình như ông Nguyễn Mạnh Hà, cũng có dự họp. Vậy ý kiến của ông là như thế nào? Anh Kỳ hỏi.
- Ông Nguyễn Mạnh Hà đến thăm ông Hãn thì chúng tôi vừa họp xong. Chúng tôi không mời và cũng không cho ông Hà biết chuyện gì cả.”
Ngoài ra còn một số đoạn viết về thời kỳ hoạt động chính phủ Trần Trọng Kim và một số chi tiết khác không mấy quan trọng mà Tập Hồi ký trên đã đề cập đến Bác.
Trong tập Hồi ký Phạm Khắc Hòe trên cũng đã ghi lại lời Ủy viên Cộng hòa To-ren ở Sài Gòn, mà tôi thấy có nhiều ý đáng cho ta suy ngẫm như đoạn trong trang 184:
“Tôi [To-ren] biết hôm nay ông nói chuyện với tôi không phải với tư cách là một ông quan, mà là một người cách mạng, một nhà hoạt động chính trị. Tất nhiên, cách mạng là xóa bỏ cái cũ, xây dựng cái mới. nhưng làm chính trị thì phải nhìn xa thấy rộng. Khổng Tử nói: “Dục tốc bất đạt”. Thế xưa nay ông nhảy từ chế độ Phong kiến sang chế độ Cộng Sản thì có phiêu lưu quá không? Theo tôi, thì đó là một bước nhảy vô cùng nguy hiểm. Nó sẽ phá hoại xã hội Việt Nam đến tận gốc, đưa dân tộc Việt Nam đến diệt vong! Nước Pháp không thể để cho một dân tộc có nhiều truyền thống quý báu, nhiều đức tính tốt đẹp như dân tộc Việt Nam phải chịu một tai họa khủng khiếp như vậy”.
Sự thực ra sao, thực tế như thế nào thì chắc ông Phạm Khắc Hòe phải nhận thấy.
Bác Hãn ạ, trong bối cảnh lịch sử hết sức phức tạp, các cuộc chiến tranh nối tiếp cũng hết sức phức tạp, không thuần là chiến tranh giải phóng dân tộc, sự thực trắng đen, khó phân biệt, ranh giới bạn thù cũng thế, có lẽ hiện thời đã phần nào thuận lợi nhiều lại toàn cục để mà đánh giá, phê phán, giúp cho người viết sử thấy sự thực. Nếu Bác không chịu khó ghi lại thì thật uổng. Nếu được Bác thương ghi lại như hồi Bác viết bài “Một vài Ký vàng về hội nghị trù bị Đà Lạt” thì thật quý hóa vô cùng, đó là hạnh phúc, là phần thưởng vô giá cho riêng bản thân tôi cũng như cho giới nghiên cứu lịch sử.
Tôi hiện đang rất trông thư hồi âm của Bác. Có gì cũng xin Bác sớm cho biết trước. Trường hợp Bác nhận lời viết, thì mong Bác sao lại cho một bản gởi cho người bạn thân của tôi, trước là Giám Đốc Văn Khố (Sài Gòn), hiện nay cũng đang làm công tác Văn Khố ở Paris tên là Nguyễn Ứng Long, 61 Maubeuge, Paris. Hầu phòng khi bản gởi về cho tôi vì lý do nào đó bị thất lạc, anh Long sẽ bảo lưu bức thư quí giá ấy.
Việc trao đổi thư từ khó khăn, nên không biết viết như thế nào để Bác hiểu cho để chỉ cần nhận bức thư này, Bác sẽ không nỡ từ chối lời khẩn khoản yêu cầu này của tôi, yêu cầu Bác hỗ trợ một lần cuối cùng.
Kính chúc Bác và gia đình được an khang hạnh phúc.
Rất mong được hồi âm.
Nguyễn Nhã ký
Đ/c: Nguyễn Nhã
158/227 Phạm Văn Hai (Thoại Ngọc Hầu cũ), Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh