* Bài viết của Hãn Nguyên Nguyễn Nhã nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh (1895-2015) và 32 năm ngày mất (1983-2015) của nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải và khánh thành Công trình Trùng tu Á Nam Lưu niệm đường
Nhân kỷ niệm 32 năm ngày mất (1983-2015) Nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải và khánh thành Công trình Trùng tu Á Nam Lưu Niệm Đường do Nhà thơ Lan Hinh đứng ra tổ chức, với tinh cách Nhà sử học, tôi xin được ghi nhận vài cảm nhận của tôi.
Rằng “Dòng Thơ Yêu nước” Á Nam Trần Tuấn Khải đầu thế kỷ XX thật sự như là ngọn lửa hồng đốt sáng làm bừng cháy lòng yêu nước trào dâng trong tâm tư người Việt nhất là hun đúc bao thế hệ thanh niên lòng yêu nước quyết đi theo con đường cách mạng cứu nước bùng lên chưa từng có vào thập niên 30, 40 thế kỷ XX.
Không kể những nhạc sĩ như Nguyễn Văn Tý, Văn Cao, Phạm Duy, Tô Vũ, Lưu Hữu Phước… mà còn nhiều nhà thơ như Xuân Diệu đã viết: “Tôi không quên lúc học tập lớp nhì, 14 tuổi, tôi mượn được quyển “Bút Quan Hoài”; cái tuổi ấy bắt lấy những lý tưởng lớn lao yêu nước, thương nòi, nghĩa khí làm người, như đầu bắt lửa. Tôi có một quyển vở mới, bèn tinh tươm đem chép một số đoạn thơ thích nhất, kể cả mấy câu châm ngôn của Á nam đặt ở các đầu mục: “Linh hồn ta là linh hồn của non sông nòi giống; thân ta là thân của non sông nòi giống; ta không tự làm càn, không được tự bỏ liều, không được thiện tiện ủy khúc theo ai, mà không ai có quyền gì áp chế được”!
Và ngay những lớp đào tạo cách mạng tại Hoàng Phố năm 1927 của Nguyễn Ái Quốc, ông Nguyễn Tư Hồng bút hiệu Đông Tùng quê ở Nghệ An cũng đã cho tôi biết khi ông tham dự lớp đào tạo làm cách mạng ấy, đã được học nhưng vần thơ yêu nước của Á Nam Trần Tuấn Khải.
Thơ yêu nước của Thi sĩ Á Nam đã bắt đầu cho ra đời từ năm 1921 với “Duyên Nợ Phù Sinh I”. Sau 2 năm, năm 1923 ra đời “Duyên Nợ Phù Sinh II”, rồi 1924 với “Bút Quan Hoài I” và “Hồn Tự Lập I”. Và 7 năm sau, năm 1927 với “Bút Quan Hoài II” và “ồn Tự Lập II”. Năm 1936, “Sơn Hà I”; năm 1949, với “Sơn Hà II”.
Với chàng thanh niên 32 tuổi, hậu duệ của Trần Quốc Tuấn đã có sự nghiệp làm thơ yêu nước lẫy lừng, lúc công khai, lúc bí mật lưu truyền dòng thơ yêu nước khi bị chính quyền Thực dân Pháp cấm đoán. Càng cấm thì người Việt lại truyền tay nhau đọc rất nhiều. Đây cũng là một nghịch lý và lại rất có hiệu quả nung đúc lòng yêu nước vì lời thơ, văn rất giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người khi mà một thời ảnh hưởng thơ bác học, thơ Đường chỉ được các nhà nho, học thức tiếp cận. Còn thơ truyền thống của Việt Nam với lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể có thể hát được rất nhiều làn điệu dân ca, ca cổ. Đặc biệt thơ của nhà thơ yêu nước Á Nam lại sáng tác ra làn điệu hát mới: “Điệu nhạc Dân tộc Anh Khóa”.
Có thể nói tôi là một người chịu ảnh hưởng dòng thơ yêu nước của Cụ Á Nam, trong đó có những vần thơ “Hai chữ nước nhà” mà tôi đã từng nghe Đêm kịch Thơ hồi Kháng chiến Chống Pháp với những lời Nguyễn Phi Khánh dặn con là Nguyễn Trãi khi Nguyễn Trãi tiễn Cha lên cửa ải:”
“Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi Trời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bề hổ thét chim kêu,
Đoái nom phong cảnh như khêu bất bình
Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước
Chút thân tàn lần bước dậm khơi;
Trông con tầm tã châu rơi,
Con ơi, con nhớ lấy lời cha khuyên…”
Chỉ cần nghe lời mở đầu đã biết lời cha khuyên yêu nước thế nào rồi.
Với lục bát biến thể, điệu Anh Khóa nghe sao vừa da diết vừa hùng hồn khôn tả, từ bài “Tiễn chân Anh Khóa” trong quyển “Duyên Nợ Phù Sinh I”, năm 1921, đến “Duyên Nợ Phù Sinh II”, năm 1923 có bài “Mong Anh Khóa”; tới năm 1924, “Bút Quan Hoài I” có bài “Gửi Thư cho Anh Khóa”:
“Anh Khóa ơi! Cái cuộc phân li thấm thoát đã mấy năm rồi;
Em mong, em nhớ, em ngồi em nghĩ lại thương anh
Trông bốn phương non nước những mông mênh
Giời Âu, bể Á, một chiếc thuyền tình anh biết ghé nơi nao?;
Anh Khóa ơi! Em nghĩ thương Anh cũng bậc anh hào, Ngang Giời dọc Đất dể anh nào đã có chịu thua ai?
Chỉ tiếc thay cho anh sinh chẳng gặp thời
Để tang bồng nặng gánh, anh phải ngậm ngùi mà bước chân ra….”
Anh Khóa tượng trưng cho các thanh niên có học thức, loại anh hào, tài ba, có chí lớn, gặp cảnh vận nước không may, ngọn gió duy tân dào dạt Năm châu, người con gái tiễn chân người yêu nặng tình với nước non vừa căn dặn, nhắn nhủ, đốc thúc anh khóa, chàng trai nghĩ đến nước đến nhà làm nên sự nghiệp lớn xoay quả địa cầu hay xoay vận đất nước…
Ai đọc những vần thơ này hẳn sẽ phấn chấn, cũng muốn làm một cái gì như lời nhắn nhủ anh Khóa.
Tôi rất tiếc trường học hiện nay không đưa những vần thơ yêu nước mà giảng dạy cho các thế hệ trẻ có lòng yêu nước chân chính, nhất là thời kỳ xây dựng Đất nước đang bị tụt hậu như hiện nay.
Hiện nay lòng yêu nước trong chiến tranh hình như hơi nhàm chán vì bị chính trị hóa quá đi!
Lòng yêu nước trên căn bản dân Tộc phải trên hết, nhất là yêu nước trong xây dựng hiện nay quá mờ nhạt!
Hồn dân Tộc không được nuôi dưỡng, trong khi “Hồn Quốc tế” đang tràn ngập thì nguy cơ mất nước và lệ thuộc là có thật như Tướng Phạm Văn Dỹ đã nói.
Chưa bao giờ người Việt cứ vô tư để “đèn lồng Trung Quốc”, “nước tương Trung Quốc” tràn lan thay thế cả đèn Việt như chiếc nón, cái nơm giản dị hay bát nước mắm không còn nữa ở hầu hết các nhà hàng lớn mà là các bát nước tương tầu vị yểu ngự trị; rồi cả các con linh thú lạ đang tràn ngập các đền chùa!
Tại sao những người già chúng tôi thích nghe các làn điệu dân ca, chỉ vì trước đây khi còn nhỏ được nghe các lời mẹ ru. Ở những nước có nền giáo dục hồn dân tộc nước họ như Thái Lan chẳng hạn, ngay tại các trường tiểu học đã để các nhạc cụ dân tộc cho giới trẻ tiếp cận; còn Việt Nam chúng ta thì đừng hòng, các đàn “organ” mà thôi!!! Những chuyện nhỏ như thế chẳng ai quan tâm. Người ta quan tâm đến những chuyện lớn cơ! Chả vậy mà gần đây, Tôi và NSUT Hồng Vân đến dạy hát dân ca tại một trường học rất nổi tiếng, được bà Chủ tịch Hội đồng Quản trị rất hoan nghênh, song ông Hiệu trưởng lại ít quan tâm, học sinh chịu khó học không nhiều. Tôi muốn phổ biến đĩa học hát dân ca “Việc nhỏ chuyện lớn như nhặt rác cho người mới quăng, xếp hàng thứ tự, vệ sinh an toàn thực phẩm” thì ông hiệu trưởng lại không cho dạy hát lời có giáo dục cụ ithể như thế lấy cớ là chưa có chủ trương hát dân ca lời mới cụ thể như thế, mặc dù biết tôi là Chủ nhiệm “CLB Âm nhạc Dân tộc Hương Sắc Ba Miền” của Trung tâm Văn hóa TP.Hồ Chí Minh.
Tôi xin báo động tình trạng rất nhiều nguy cơ trở thành thuộc quốc kể cả thuộc quốc văn hóa. Tôi đề nghị những vần thơ yêu nước của nhà thơ yêu nước vốn dĩ có thể hát được rất nhiều làn điệu dân ca ca cổ ba miền của nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải sẽ được chính thức được đưa vào các trường học. Trước mắt đề nghị các trường chủ động đưa thơ Á Nam trong hoạt động ngoại khóa của từng trường.
Không nhẽ những vần thơ yêu nước ấy đã hun đúc lòng yêu nước và hoạt động cách mạng của bao thế hệ cha anh đầu thế kỷ XX nhất là thế hê 30. 40 thế kỷ trước lại bị lãng quên một cách dễ dàng! Đó cũng do trách nhiệm của cả chúng ta, giới văn hóa giáo dục, văn học nghệ thuật chưa làm tốt.
Chắc chắn rồi đấy Đất nước có bề gì thì các thế hệ sau này sẽ không thể không chê trách chúng ta sống hiện nay là vô trách nhiệm với Đất nước.
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã