Ngày 22-5, tại tọa đàm “Doanh nhân chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” do Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức, các doanh nhân đã có dịp chia sẻ thông tin về tình hình đang diễn ra trên biển Đông.
Tham dự tọa đàm có đại diện cảnh sát biển Vùng 3, tiến sĩ Nguyễn Nhã cùng hơn 60 doanh nghiệp.
Cuộc đấu trí, đấu lý căng thẳng
Những thông tin từ biển Đông của đại tá Đỗ Hồng Đó, chính ủy cảnh sát biển Vùng 3, mang đến buổi tọa đàm thu hút nhiều sự quan tâm. Theo đại tá Đó, những ngày qua diễn biến tại hiện trường khu vực giàn khoan Hải Dương 981 vẫn vô cùng căng thẳng, phức tạp.
Từ 58 tàu Trung Quốc đã tăng lên 135 tàu và đến chiều 21-5 còn 95 tàu. Nhưng về lực lượng thì họ tăng cường hoạt động của máy bay với tầm bay rất thấp phía trên các tàu. Hoạt động truy đuổi, ngăn cản tàu Việt Nam tiếp cận giàn khoan vẫn rất ráo riết.
“Cuộc đấu trí diễn ra từng giờ từng phút. Trên từng tàu của ta có hệ thống thông tin hình ảnh truyền về sở chỉ huy nhằm kịp thời nhận chỉ đạo trực tiếp. Những ngày sau, khi Trung Quốc tiếp tục điều nhiều tàu ra với thái độ hung hăng thì chúng ta với sự ủng hộ của dư luận quốc tế nên tàu của ta đã tiến sâu hơn về phía giàn khoan được 4-5 hải lý” - đại tá Đó cho biết.
Vừa trở về sau chuyến đi cùng tàu kiểm ngư ra Hoàng Sa, phóng viên Viễn Sự (báo Tuổi Trẻ) cung cấp thêm nhiều thông tin nóng: “Ban ngày, Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng, đâm va, uy hiếp bằng máy bay. Ban đêm họ dùng đèn pha cường độ cực mạnh rọi thẳng vào cabin để người trên tàu không thể nhìn được bằng mắt thường hoặc dùng loa có tần suất cao để phát ra âm thanh khiến chúng ta mất ăn mất ngủ. Khi phun nước, họ cũng chủ ý xịt vào ống khói để làm tê liệt máy, xịt vào hệ thống ăngten để cắt đứt liên lạc của tàu Việt Nam”.
Cho đến giờ phút này, các tàu Việt Nam đã ra hiện trường hơn 20 ngày. “Đến ngày các phóng viên trở về thì trên tàu đã cạn rau xanh” - anh Viễn Sự thông tin.
Đại tá Đó cũng cho biết trên mỗi tàu, lượng nước ngọt dự trữ chỉ đủ đảm bảo cho nhu cầu nấu ăn và rửa mặt. Một tuần các chiến sĩ mới được tắm một lần.
Đấu tranh trên ba mặt trận
“Khi trình chiếu video clip của phóng viên Tuổi Trẻ quay từ hiện trường, thú thật tôi chỉ xem được đoạn đầu và không dám xem tiếp vì cảm thấy quá đau lòng” - chị Lê Thị Thúy Loan, giám đốc điều hành Công ty TNHH Loan Lê, xúc động nói.
Tuy nhiên, ngay sau đó chị Loan khẳng định: “Thời điểm này chúng ta phải là những doanh nhân hành động, đừng để cảm xúc chi phối”.
Theo chị Loan, việc cần làm là các doanh nghiệp chúng ta phải đoàn kết để tránh tình trạng kinh doanh manh mún, đồng thời hỗ trợ nguồn lực cho nhau. Và ngay từ bây giờ Nhà nước hãy cùng các doanh nghiệp xây dựng nền công nghiệp phụ trợ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, giám đốc Công ty Smart World Technology, chia sẻ: “Đây là cơ hội lịch sử để thay đổi. Đến bây giờ tăm xỉa răng và bông ngoáy tai còn nhập của Trung Quốc thì khó mà chấp nhận. Dĩ nhiên, để giảm sự phụ thuộc sẽ khó khăn, không phải một sớm một chiều nhưng phải có quyết tâm” - chị Thủy nói.
Có cùng trăn trở, giám đốc điều hành Công ty TNHH truyền thông Ngọc Nam Phương - chị Phan Thị Ngọc Diễm, góp ý: “Trong tình hình này, doanh nhân cũng là chiến sĩ và ta nên xác định đâu là mặt trận chúng ta có thể đóng góp. Theo tôi, có ba mặt trận là mặt trận ngoại giao, mặt trận truyền thông và mặt trận kinh tế”.
Chị Diễm cho rằng doanh nhân có thể trực tiếp chia sẻ thông tin, truyền thông điệp cho khách hàng, cho đối tác. Một mặt cần có những động thái để trấn an nhà đầu tư, kêu gọi họ hãy có niềm tin vào Việt Nam.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp nên có hỗ trợ cho những doanh nghiệp đã bị thiệt hại trong vụ gây rối, bạo động vừa qua. “Ngay bây giờ, chúng ta hãy bắt tay vào việc này tại chính đơn vị của mình” - chị Diễm quyết liệt.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa, đúc kết: “Khi chúng ta đã hùng cường thì khó ai bắt nạt chúng ta. Khi đất nước có hàng ngàn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp mạnh thì khó ai có thể chi phối được mình”.
Anh Trần Hữu Phúc Tiến (Công ty Hợp Điểm) cho rằng: “Doanh nhân có hàng ngàn website, có hàng ngàn Facebook, chúng ta có thể viết bằng tiếng Anh, tiếng Hoa. Một cái loa của cảnh sát biển không thể bằng hàng ngàn, hàng triệu “cái loa” của Internet, của các mạng xã hội. Hãy nói bằng nhiều cách để thế giới hiểu và đồng hành cùng Việt Nam trong vấn đề biển Đông”.
MAI HƯƠNG
Nguồn: http://tuoitre.vn/kinh-te/doanh-nhan/608793/moi-doanh-nhan-la-mot-chien-si.html