TP - 14h ngày 25/9/2014, Thương xá cổ nhất Việt Nam chính thức đóng cửa sau chặng đường tồn tại xuyên 3 thế kỷ. Thương xá Tax (TPHCM) sẽ thành tro bụi trong nay mai để xây dựng khu thương mại mới và phục vụ công trình ga tàu điện ngầm.
Thương xá được xây dựng những năm 80 của thế kỷ 19. Trung tâm thương mại này cùng với Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Nhà hát lớn thành phố, Dinh toàn quyền (nay là Hội trường Thống Nhất), Dinh Xã Tây (nay là UBND TP) chính là bộ mặt của thành phố được Âu hóa.
Người Pháp đánh chiếm Nam bộ trước tiên nên nhiều công trình kiến trúc kiểu Âu ở đây có tuổi đời cổ nhất Việt Nam. Để thực hiện các công trình, Pháp đã phá hủy không biết bao nhiêu kiến trúc lịch sử của người Việt, đặc biệt là Thành Gia Định vốn nằm ở vị trí Thương xá Tax.
Trong các công trình lớn nhất Pháp xây tại Sài Gòn, chỉ Thương xá Tax là khu thương mại, dành cho quảng đại mọi người, còn lại đều là các công trình phục vụ việc cai trị hay tôn giáo, hành chính. Sài Gòn trở thành trung tâm kinh tế, thương mại của đất nước như ngày nay, hẳn phải kể từ khi xuất hiện Thương xá Tax.
Trước kia, thành Gia Định chủ yếu được triều đình phong kiến nước ta thiết kế để phòng thủ phương Nam và dân số khi Pháp chiếm Gia Định mà ghi lại chỉ khoảng 7.000 người, trong lúc năm 1975, quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, theo ghi chép của một nhà báo Đức dân số Sài Gòn đã hơn 5 triệu dân với nhiều phố xá chợ búa sầm uất.
Nhiều năm đạt danh hiệu “Điểm Du lịch đạt chuẩn”, ở vị trí số 1 trong 5 trung tâm thương mại hàng đầu năm 2011, có mặt trong danh sách “Thành phố Hồ Chí Minh – 100 điều thú vị”, người Sài Gòn ít ai nghĩ tới việc thương xá lại bị đập đi để xây dựng các công trình hiện đại.
Một người Sài Gòn buôn bán quần áo nói: “Đời người không ai biết được chữ ngờ! Kiếm được một sạp bán trong Thương xá Tax là điều người Sài Gòn an tâm nhất, nhưng nay hóa ra mọi thứ đều phù du”.
Phút cuối
Người ta đếm ngược từng giờ số phận của thương xá. Tâm trạng mỗi người một khác. Người bán hàng lưu niệm nói rằng họ thậm chí phải giải nghệ, vì những mặt hàng bán ở nơi này phần đông dành cho khách du lịch nước ngoài “đem đi chợ khác bán, ai mà mua?”.“Xung quanh những kiến trúc cổ này, muốn xây các công trình hiện đại cứ xây không ai cấm cản, nhưng đừng phá vỡ một quần thể kiến trúc hơn 100 năm”
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã
Khách nước ngoài tới khá thường xuyên, họ làm việc, sinh sống ở TPHCM, mỗi khi bạn bè khách khứa sang Việt Nam lại đưa vào thương xá mua đồ lưu niệm. Hàng hóa nơi này được làm công phu, nhiều mẫu mã, giá cao hơn nơi khác. Để “giải phóng” hàng, các sạp hạ tới 70%, thậm chí nhẫn cưới cũng hạ giá. Điều chưa từng xảy ra trong lịch sử. Một chủ cửa hàng vàng bảo: “Tìm mặt bằng lúc này không dễ”.
Một cô gái trẻ chủ tiệm quần áo thổ cẩm cứ ôm một đống quần áo đồng bào Tây Nguyên, Tây Bắc còn mới thơm phức mà đi tới đi lui cứ như người mất hồn, đến lúc mệt quá ngồi đổ sụp xuống đất, không nói câu gì.
Đâu mới là bộ mặt thành phố?
Bà Tư năm nay 84 tuổi, bán thuốc lá dạo bên vỉa hè, khuôn mặt sạm nâu, không biết ngày mai buôn bán thế nào. Một chị bán hàng vặt cạnh đó bảo: “Không ai qua lại nữa, chúng tôi bán cho ai”. Tiệm bán máy ảnh gần đó, trước kia tôi thường nhờ anh Phương – một thợ sửa máy ảnh kỳ cựu xem máy, nay vắng đìu hiu.
Những công ty vội vã đón nhân viên trở về, các tiểu thương nhớn nhác chưa biết ngày mai kiếm sống ra sao. Một chị thợ may mừng quá vì “mua cái áo thêu giá 600 ngàn đồng chỉ với giá 300 ngàn”, chị mặc luôn vào người ngay trước cánh cửa thương xá đã đóng lại vĩnh viễn.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người gắn bó với thành phố rất lâu nói: “Những khu phố cổ tương đối nguyên vẹn trên 100 tuổi ở nước ta rất hiếm, chẳng hạn như phố cổ Hà Nội, hay khu trung tâm của Sài Gòn. Người ta không hiểu, hoặc cố tình không hiểu rằng về mặt văn hóa, du lịch, thu hút du khách thì không đâu bằng khu trung tâm Sài Gòn với Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, Thương xá Tax”.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho rằng thành phố lớn nào trên thế giới cũng cố gắng bảo tồn những di tích văn hóa lịch sử của họ, cho dù những di tích này thuộc nhiều thời đại khác nhau. “Không nên nghĩ rằng kiến trúc thời Pháp thuộc thì không giá trị gì chỉ vì lúc đó chúng ta là thuộc địa”.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho biết, ông đã nhiều lần đề nghị thành phố nên giữ những nét kiến trúc cổ kính dọc đường Đồng Khởi, qua khu vực đường Nguyễn Huệ ngày nay, thành một trung tâm du lịch thương mại gắn với văn hóa lịch sử.
Tiến sĩ vẫn muốn thành phố xem lại việc bảo tồn những công trình kiến trúc lịch sử khu trung tâm thành phố, trong đó có Thương xá Tax: “Xung quanh những kiến trúc cổ này, muốn xây các công trình hiện đại cứ xây không ai cấm cản, nhưng đừng phá vỡ một quần thể kiến trúc hơn 100 năm”- Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói.
Nguồn: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/gio-phut-cuoi-cung-voi-thuong-xa-tax-763999.tpo