Không chỉ nổi tiếng với những công trình tâm huyết về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa, tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã còn được biết đến với những công trình đầy chăm chút, công phu của dự án Bếp Việt.
Và tác phẩm mới nhất của ông cùng các cộng sự có thể được coi là một luận án về phở ngập tràn niềm tự hào quốc hồn quốc túy.
Không phải lần đầu tiên món ăn vừa bình dân vừa sang trọng này được đưa vào thơ văn, vào các bài viết của các nhà khoa học, nhưng đúng là lần đầu tiên câu chuyện về phở được kể lại trước bạn đọc một cách hệ thống, rành mạch, kỹ lưỡng đến thế.
Truy nguyên ra nguồn gốc phở từ Nam Trực (Nam Định) và Đan Phượng (Hà Nội), các tác giả đã vẽ lại con đường mà món phở đã đi theo chân người Việt nổi trôi từ các gánh, xe bán rong từ ngoại ô vào Hà Nội, rồi lại theo dòng lịch sử di tản vào Nam, đi ra thế giới... gợi lại một thời hàn vi, từ bát phở “không người lái” cũng là một ước ao đến tô phở ngào ngạt những lát thịt bò “hàng hiệu”...
Ai cũng từng ăn phở, nhưng ít ai từng nghĩ đến việc đọc một bảng phân tích giá trị dinh dưỡng một bát phở. Ở đây, các tác giả còn tặng thêm cho độc giả những bài hát nói, hát thơ “mười thương” món phở, những công thức truyền đời của phở bò, phở gà đã được các đầu bếp trứ danh tuyển chọn...
180 trang sách khổ lớn, in đẹp với những hình ảnh bắt mắt như tô phở đang tỏa khói thơm mang đến cho độc giả những trải nghiệm và khám phá thú vị. Phở quá quen mà bỗng như hóa lạ, bỗng lại gợi lên một cơn thèm được ngồi trước tô phở, thưởng thức một lần nữa, thấm thía một lần nữa rằng vì sao “Phở” lại xứng đáng là một danh từ không cần dịch với cả thế giới.
P.VŨ
Nguồn: http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/611155/niem-tu-hao-pho.html