Một cái duyên hay chính xác hơn là một cơ hội, tôi được gặp anh trong buổi họp mặt thành viên nòng cốt của Cổng thông tin ẩm thực Việt Nam. Thoạt nhìn, đấy là một thanh niên độ ba mươi, nhỏ người, chân chất và gần gũi; không ai có thể nghĩ đây là Siêu đầu bếp tài năng và đình đám trong giới đầu bếp Việt, với sở trường biểu diễn món Việt và biệt tài trang trí - cắt tỉa rau củ nghệ thuật thuộc hàng có một không hai ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc, được tận mắt chứng kiến màn biểu diễn cắt tỉa củ trong chớp mắt, được chiêm ngưỡng 15 giải thưởng danh giá cùng hàng loạt công việc liên quan đến ẩm thực mà anh đã và đang thực hiện, đủ để thuyết phục tôi rằng đây là nhân tài vừa có tâm, vừa có tầm. Nhân vật mà tôi đang giới thiệu chính là siêu đầu bếp Nguyễn Văn Lập với hàng loạt giải thưởng danh giá mà bất cứ đầu bếp nào cũng thèm khát, như giải Siêu đầu bếp Việt Nam 2013, Giải Nghệ nhân xuất sắc nhất cuộc thi Đầu bếp tài năng Việt Nam năm 2011, Huy chương vàng cuộc thi Đầu bếp tài năng Việt Nam năm 2011, Huy chương bạc liên hoan ẩm thực Đất Phương Nam 2012…
Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghề cơ khí, anh Lập sớm nhận ra mình không hợp với kim khí rèn hàn, kinh tế gia đình khó khăn, lại đông anh chị em, không được đến trường nhiều như các bạn cùng trang lứa, tuy nhiên, anh Lập có niềm đam mê và chịu khó. Anh luôn bảo “Cái gì cũng vậy, chỉ cần có niềm đam mê và kiên trì luyện tập thì nhất định sẽ thành công.” Anh đã sớm nhận ra thế mạnh của mình và bỏ công chăm bón, bước đầu, anh đã thu hoạch được những thành quả đáng ngưỡng mộ về cắt tỉa và các món thuần Việt. Anh trở thành Siêu đầu bếp trẻ nhất Việt Nam từ trước đến nay.
Tuy nhiên, để được những thành công như ngày hôm nay, người Siêu đầu bếp trẻ tuổi này đã nổ lực không ngừng bằng tất cả tâm huyết và sức lực của mình. Khi được hỏi về con đường đến với ẩm thực và đặc biệt đến với ngành cắt tỉa, anh Lập chia sẻ:
“Trước khi làm bếp, anh từng làm nghề cơ khí cùng với gia đình, tuy nhiên, anh không tìm thấy hứng thú trong nghề này nên đã vào thành phố Hồ Chí Minh làm thủ kho nhà hàng. Đầu năm 2001, anh làm phụ bếp cho nhà hàng Mùa Hoa Sấu. Cuối năm 2003, trong một lần thử tỉa củ, anh nhận thấy mình tỉa hình gì đều được hình đó. Thế là, anh chú tâm vào nghiên cứu và luyện tập cắt tỉa, trang trí món ăn.”
Ngày đó, kinh tế của anh rất eo hẹp, nên việc sở hữu những cuốn sách về ẩm thực là điều không thể, anh chỉ có chiếc xe đạp cũ làm bạn, vậy nên, sau giờ làm việc, anh tranh thủ đạp xe ra nhà sách Nguyễn Văn Cừ ở quận 5 để đọc sách về ẩm thực và cắt tỉa. Anh còn đi đến các quay bán tượng hay đến các bức tượng, bức phù điêu được đặt ở các vòng xoay để ngắm và nghiên cứu. Anh kể: “Có những lúc anh ngồi hàng giờ trước bức tượng để xem xét, ghi nhớ từng chi tiết, đường nét và phác họa trong trí nhớ của mình để tìm ra những điểm chính tạo nên linh hồn, sức sống của bức tượng. Sau đó, anh thể hiện lại trên các loại củ quả. Tuy nhiên, muốn cắt tỉa đẹp và nhanh thì không phải cứ thể hiện lại những gì mình thấy và lĩnh hội được là đủ, mà còn phải biết sáng tạo và dày công tập luyện. Khi tỉa khuôn mặt người, quan trọng nhất là phải thể hiện được đôi mắt, phải làm sao khi nhìn vào đôi mắt, người xem có thể cảm nhận được cái hồn của bức tượng. Hay khi tỉa hoa, phải luyện tập để đạt được độ thật của hoa...”
Là một Siêu đầu bếp, bận rộn với hàng tá công việc như giảng dạy ở các trường ẩm thực nổi tiếng như Sài Gòn Tourist, Netspace…, làm phim ẩm thực, cộng tác viên dạy nấu ăn thường xuyên của các đài truyền hình, viết bài ẩm thực cho các tờ báo…; nhưng chàng phó chủ nhiệm câu lạc bộ Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn vẫn đang chuẩn bị cho một kế hoạch ẩm thực dài hạn. Khi tham gia vào Cổng thông tin ẩm thực Việt Nam và đăng ký vào chương trình Ngàn thanh niên thế kỷ XXI, anh Lập chia sẻ dự định bảo tồn và phát triển các món thuần Việt, đặc biệt là những món ngon chưa được quảng bá rộng rãi và những món có nguy cơ bị thất truyền. Bên cạnh đó, để thực hiện kế hoạch, cũng như tạo cơ ngơi riêng cho mình, anh Lập dự định sẽ mở một nhà hàng nhỏ, chuyên thực hiện các món thuần Việt chưa được quảng bá rộng rãi hoặc có nguy cơ bị thất truyền.
Xuất thân từ vùng đất Nam Định nhưng chàng trai xứ Bắc này rất nhạy bén trong việc nắm bắt khẩu vị và nguyên liệu từng vùng. Từ đó, anh luôn tìm ra nhiều cách kết hợp mới, tạo ra nhiều món lạ, ngon, lành và đẹp. Anh cho biết “Nhu cầu ẩm thực hiện nay không chỉ đơn giản là ăn uống ngon mà còn là thưởng thức”. Hiện nay, anh Lập đang xây dựng một đội biểu diễn ẩm thực và đề án đào tạo ngàn thanh niên đầu bếp giỏi thế kỷ XXI. Anh luôn mong ước, sẽ đào tạo được một lực lượng đầu bếp vừa có tâm, vừa có tầm để ẩm thực Việt Nam có thể vươn xa hơn và có vị thế tốt hơn trong trường ẩm thực thế giới.
Điều đáng ngưỡng mộ ở chàng trai thành viên của Ngàn thanh niên thế kỷ XXI này không chỉ là tài năng bậc thầy về món Việt và nghệ thuật cắt tỉa – trang trí mà chính là sự gần gũi và yêu nghề. “Hiện nay, anh khá bận rộn với việc giảng dạy nhưng sắp tới anh sẽ đi làm đầu bếp trở lại chứ không được vào bếp thường xuyên, anh thấy nhớ lắm.” – anh cười hiền, chia sẻ.
Tôi tin rằng, Việt Nam có nhiều hơn ngàn thanh niên thế kỷ XXI có tâm và có tầm như anh Lập, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam trở thành cường quốc biển và cường quốc văn hóa của thế kỷ XXI và mãi về sau. Đây cũng là mục tiêu của chương trình Ngàn thanh niên thế kỷ XXI và của dự án Cổng thông tin ẩm thực Việt mà Siêu đầu bếp Nguyễn Văn Lập đang tham gia thực hiện.
Đinh Khánh Trinh