• Hình động trên cùng 1

Đây là kho tư liệu quý hiếm về lịch sử văn hóa độc đáo của Việt Nam, không phải là trang “web” bình thường; hiện có hàng trăm tư liệu quý chưa đưa lên mạng. Xin thử coi vào mục “tưởng niệm”, hiện đã có những phim phỏng vấn những người nổi tiếng như Văn Cao, Phùng Quán, Phạm Duy, Trần Văn Khê và sẽ tiếp tục đưa lên nhiều tư liệu quý nữa. Hay thử coi mục “Giáo dục” đã thử đưa lên một vài bài về nghiên cứu giáo dục từ “phương pháp dạy và học” đến “Chân dung người thầy thế kỷ XX”, nhất là về “lương sư hưng quốc”. Cũng nên quan tâm đến bốn chương trình cùng nhau: "Cùng nhau quảng bá sự thật lịch sử chủ quyền ra thế giới"; "Cùng nhau quảng bá Bếp Việt ra thế giới"; "Cùng nhau đem dân ca - hát thơ vào trường học" và cùng nhau xây dựng chương trình "Ngàn thanh niên thế kỷ XXI", mỗi người một kế hoạch nhỏ góp phần xây dựng Việt Nam thành cường quốc biển.

Trang mạng này đang cần nhiều sự hỗ trợ về tài chánh và nhân lực để đưa lên nhiều tài liệu quý vốn đã có cũng như cho “Quỹ Văn hóa Giáo dục” có nhiều học bổng khuyến học về “Hoàng Sa học” cũng như làm luận văn, luận án tiến sĩ…

QUỸ VĂN HÓA GIÁO DỤC HÃN NGUYÊN NGUYỄN NHÃ ĐỒNG HÀNH CÙNG HIỆP HỘI ẨM THỰC VÀ DU LỊCH VIỆT NAM VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN NGHỆ NHÂN ẨM THỰC DÂN GIAN VIỆT NAM THAM GIA ĐẠI HỘI ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ THẾ GIỚI - CHI TIẾT TẠI AMTHUC.NET.VN

Thứ tư, 05 Tháng 3 2014 00:02
User Rating: / 4
PoorBest 
Share on Facebook

Tham luận (1) của Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, tiến sĩ sử học tham gia Hội thảo tại Dinh thống Nhất năm 2005.

VIẾT THỰC LỤC

Tôi đã có lần hỏi ông Dương Trung Quốc khi ông vào thăm Tp.HCM rằng liệu chúng ta có thể soạn bộ sử thực lục như người xưa đã từng soạn được không? Ông Quốc trả lời hiện nay rất khó.

Có thể hiện nay ta chưa có cơ chế của một Quốc Sử Quán như thời xưa trong đó tập trung những người chuyên môn viết sử. Hoặc chưa có thể tập trung tất cả các văn bản đã được phép giải mật để các nhà viết sử sử dụng.Ta cũng chưa có luật giải mật các tư liệu…

Trong khi sự kiện lịch sử xảy ra ngày 30 tháng 4 năm 1975, mới xảy ra hơn 30 năm, những nhân chứng còn sống mà việc chép sử vẫn có sự khác biệt, không biết sự thực ra sao.

Một trong cách viết sử thực lục là phải đi tìm những sử liệu, những nhân chứng lịch sử có thẩm quyền về sự xác thực. Đó phải là những tư liệu gốc, những văn bản hay những nhân chứng thực sự có mặt đang lúc xảy ra sự kiện, chứ không phải chỉ nghe nói hay kể lại. Ngay cả tư liệu gốc, văn bản gốc, nhân chứng thực sự khi sự kiện xảy ra, cũng phải kiểm tra xem còn có điều đáng hồ nghi không. Nếu kiểm tra không còn điều gì hồ nghi thì người viết sử sẽ chép thực lục. Nói thì dễ song làm mới khó, ngay những bộ thực lục xưa cũng không phải tất cả các sự kiện đều thật chính xác. Song chắc chắn không có sự sai lầm nghiêm trọng mà phần lớn không viết ra thật rõ mà thôi.

Với trách nhiệm của nhà sử học, tôi thử đi tìm những văn bản, hồi ký, những nhân chứng có mặt hay có thẩm quyền nói lên những sự thực như Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, cựu Chủ tịch Tổng hội sinh viên Nguyễn Hữu Thái, ông Lý Quý Chung, các nhà tình báo chiến lược Sáu Trí, Tư Cang hay các ông Triệu Quốc Mạnh, Nguyễn Đình Đầu…

Viết thực lục thì sử rất hấp dẫn, không chán học sử.

CUỘC THÁO CHẠY TÁN LOẠN

Từ tàu sân bay Hancok đậu ngoài khơi, đợt đầu 36 chiếc trực thăng trong số 81 chiếc nhắm hướng Sài Gòn bay tới. Một đoàn máy bay phản lực từ căn cứ Takhli ở Thái Lan bay đến bảo vệ đoàn trực thăng làm nhiệm vụ di tản người Mỹ và người Việt cộng tác với họ chen lẫn nhau tại sứ quán Mỹ và các toà cao ốc nằm rải rác trong trung tâm thành phố. Họ đã thực hiện một cuộc trực thăng vận lớn nhất từ trước đến nay, gồm 132 chuyến bay, di tản được 6236 người gồm cả 816 binh lính thủy quân lục chiến Mỹ thuộc lực lượng đổ bộ bảo vệ an ninh cho cuộc di tản. Người Mỹ đánh giá đây là cuộc di tản thành công tốt đẹp, tuy cuộc di tản diễn ra trong làn đạn của binh lính Việt Nam Cộng hòa bất mãn những đồng minh đã bỏ rơi họ.

Một sĩ quan cao cấp của quân Giải phóng sau này cho biết rằng vào lúc đó họ được lệnh để yên không bắn lên các đoàn máy bay Mỹ di tản.

Sứ quán Mỹ hỗn loạn vào lúc chiều tối có thêm hàng trăm người không di tản bằng ngả Tân Sơn Nhất ùn ùn kéo về. Họ vất tung đồ đạc, vũ khí, trèo lên tường vào sân trong sứ quán. Báng súng của thủy quân lục chiến Mỹ không ngăn chặn họ nổi. Trung tá Stu Herrington trong Đoàn Quân sự bốn bên thi hành hiệp định Paris, nói được tiếng Việt rành rẽ ra trấn an họ: “Không ai sẽ bị bỏ lại.” Nhưng cuối cùng ông ta cũng được lệnh tháo chạy. Ông ta than thở: “Không có một lời nào có thể diễn tả được nỗi nhục của bản thân tôi trên chuyến bay rút chạy đó”.

Toán bảo vệ sứ quán của Thiếu tá James Kean được tăng cường thêm 3 trung đội thủy quân lục chiến cũng không ngăn nổi làn sóng người tràn vào, đành rút nhanh vào toà nhà chính, phá hủy các thiết bị truyền tin. Họ phải tung lựu đạn khói ngăn chặn người Việt tràn vào. Chốt chặn cửa cũng vội vã rút lên lầu trên, cuối cùng tập trung ở trên nóc tòa nhà. Bên trong các nhân viên sứ quán còn tiếp tục hủy hồ sơ mật và các máy móc điện tử công nghệ cao không thể để lọt vào tay đối phương.

Vào lúc 4g40 sáng ngày 30/04/1975 chiếc trực thăng CH - 46 mang tên Lady Ace 09 do đại úy Gerry chỉ huy đáp xuống nóc sứ quán Mỹ, được lệnh không nhận người di tản. Viên chỉ huy đích thân cầm cờ lệnh của Tổng thống Mỹ mang bí số “Tiger-Tiger-Tiger” chuyển cho Đại sứ Martin chỉ thị cho ông ta rời Việt Nam ngay. Đến 4g58, chiếc máy bay mới bốc được Đại sứ Martin. Martin tay xách chiếc cặp da, dáng bộ mệt mỏi và thiểu não cùng Bộ Tham mưu bay ra tàu USS Blueridge đang ở Biển Đông. Đại sứ Martin vội báo cáo ngay cho Bộ Ngoại giao về cuộc di tản cuối cùng của người Mỹ rời Sài Gòn.

Sáng sớm ngày 30/04/1975, viên chỉ huy đội thủy quân lục chiến bảo vệ sứ quán là thiếu tá James Kean ra đi từ một trong các chiếc trực thăng cuối cùng rời sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Ông ta cay đắng nhớ lại: “Tôi đã bật khóc, rõ ràng là do quá hổ thẹn. Làm sao mà Hoa Kỳ lại để cho mình rơi vào tình trạng tồi tệ làm chúng tôi phải cụp đuôi bỏ chạy nhục nhã như thế này?”

Tuy vậy trung sĩ Valdey mới là người lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam vào lúc 7g33 sáng.

Chuyến bay cuối cùng dành cho 15 người nay phải nhét đến 24 người. Máy bay cất cánh hướng ra biển Đông, anh còn thấy nhiều đoàn quân xa quân giải phóng mở đèn sáng choang trên các quốc lộ dồn dập tiến về Sài Gòn.

(Xem thêm Nguyễn Hữu Thái (2), Những điều còn chưa nói hết về ngày sụp đổ và giải phóng Sài Gòn, 30/04/1975, 30 năm sau nhìn lại từ nhiều phía).

TỔNG THỐNG DƯƠNG VĂN MINH CHUẨN BỊ BÀN GIAO CHÍNH QUYỀN

Suốt trong buổi chiều ngày 29-4-1975 Đài phát thanh Sài Gòn cứ phát đi phát lại thông báo của chính phủ Vũ Văn Mẫu yêu cầu phái đoàn DAO, cố vấn quân sự Mỹ phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 24giờ. Những bài ca hòa giải hòa hợp dân tộc, thống nhất: "Huế Sài Gòn Hà Nội…" “Không kể Bắc không kể Nam”… Trong khi đó đến 7g tối Đài phát thanh Sài Gòn còn vang lên nhật lệnh của Tổng Tham mưu Trưởng Trung tướng Vĩnh Lộc: “Từ giờ trở đi tôi sẽ sát cánh cùng anh em chiến đấu…”

Rạng sáng ngày 30-4-1975 sau khi nghe Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh báo cáo tình hình quân sự, Trung tướng Vĩnh Lộc đổi sắc mặt vội cầm điện thoại báo cáo với ông Dương Văn Minh. Sau đó tướng Vĩnh Lộc bắt tay chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh rồi đi gặp Tổng thống Dương Văn Minh (Đến 8g sáng ngày 30/04/1975, tướng Vĩnh Lộc đã cùng gia đình di tản bằng đường thủy).

Hồi 6g sáng ngày 30-4-1975, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (3) cùng Trung tướng Nguyễn Hữu Có đến nhà ông Dương Văn Minh tại số 3 Trần Quý Cáp. Tướng Có cũng lại báo cáo toàn bộ tình hình quân sự như đã báo cáo với Tướng TTMT Vĩnh Lộc: “Phía sân bay Tân Sơn Nhất: hai bên đã chạm súng, có thể họ giữ nổi nhưng phải chịu thiệt hại nhiều về người và vật chất; phía Biên Hoà và Bình Dương quân đoàn 3 không còn, Trung tướng Toàn đã bỏ chạy. Sư đoàn 18 và lữ đoàn 5 thiết giáp kẹt ở tuyến sông Đồng Nai. Hướng Bình Dương bị bỏ ngỏ. Một đoàn chiến xa địch đang tiến về Sài Gòn và đã đi ngang qua Búng. Mặt trận này đúng là không có quân xung kích mà chỉ có lực lượng phòng thủ. Tôi e ngại trong một thời gian ngắn nữa chúng ta không thể đỡ gạt nổi."

Tổng thống Dương Văn Minh nghe Trung tướng Nguyễn Hữu Có báo cáo tình hình quân sự như trên. Tổng thống Dương Văn Minh trầm ngâm suy nghĩ, nhân lúc đó Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh nói thêm: “Thưa Đại Tướng, quyền chính trị là quyền của Đại Tướng, riêng về quân sự thì Đại Tướng phải giải quyết gấp, tình hình quá nguy ngập, không cho phép chúng ta chậm trễ.”

Tổng thống Dương Văn Minh suy nghĩ trầm ngâm một hồi rồi nói: “Thôi để tôi đi bàn với ông Huyền và ông Mẫu, các ‘Toa’ ngồi đây đợi”, song chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đề nghị được đi theo, Tổng thống Dương Văn Minh đồng ý.

Theo lời kể của Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Tổng thống Dương Văn Minh đã đến Phủ Thủ tướng – số 7 đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), trên đường đi thấy dân chúng khăn gói hối hả lên xuống tấp nập, ngang qua tòa đại sứ Mỹ thấy nhiều kẻ xấu đang hôi của. Đến Phủ thủ tướng thì Thủ tướng Mẫu vừa về nhà, Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu cho xe đi rước ông Huyền và ông Mẫu. Chiếc xe riêng của ông Minh đến rước ông Nguyễn Đình Đầu để cùng đi đến rước ông Nguyễn Văn Huyền. Ông Đầu thuật lại: “Trên đường đi đến số 7 Thống Nhất, ông Huyền có nói với ông Đầu một câu bằng tiếng Pháp ‘Il faut se rendre’, phải đầu hàng”.

Đến 8g sáng ngày 30/04/1975 các nhân vật dự kiến trong tân nội các tập trung tại Phủ thủ tướng, tuy số người rất hạn chế.

Theo lời kể của ông Lý Quý Chung (4) trong Hồi ký, tình hình diễn biến như sau:

“Tổng thống Dương Văn Minh mở đầu buổi họp bằng việc trình bày tình hình quân sự nói chung và Sài Gòn nói riêng là không còn cứu gỡ. Cũng không nên nghĩ tới một cuộc thương thuyết chính trị với Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam và Hà Nội qua trung gian Chính phủ Pháp. Trong khi đó, tình hình an ninh của Sài Gòn rất nguy ngập, hỗn loạn và cướp bóc có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng chính phủ hoàn toàn không có khả năng kiểm soát. Và Tổng thống Dương Văn Minh kết luận: “Để tránh cho người dân Sài Gòn những tai hoạ đã xảy ra như tại Đà Nẵng, mà có thể còn tồi tệ hơn, tôi quyết định trao quyền cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam.”

“Phòng họp yên lặng, không có ai phản đối, kể cả những vị mới biết được quyết định này.

Được sự đồng ý của những thành viên chính yếu của chính phủ, ông Minh ra lệnh cho tôi với tư cách tổng trưởng thông tin cho gọi các nhân viên kỹ thuật của đài truyền hình và đài phát thanh đến để thu âm bài tuyên bố. Tôi bước ra khỏi phòng và truyền lệnh cho anh Dương Văn Ba, thứ trưởng thông tin, với lời dặn: nói với anh em rằng đã có thỏa hiệp ngưng bắn và hòa bình rồi, anh em đến để thu lời tuyên bố của Tổng thống nói chuyện với đồng bào. Tôi dặn như thế để anh em phấn khởi sẵn sàng làm nhiệm vụ mà không bỏ trốn. Bởi lúc bấy giờ rất ít công sở còn nhân viên đi làm. “Khoảng 15 phút sau, anh em kỹ thuật viên đến vì Đài truyền hình rất gần phủ Thủ tướng. Và cuộc thu âm bài tuyên bố giao quyền của Tổng thống Dương Văn Minh bắt đầu, chỉ thu tiếng chứ không có điều kiện thu hình. Lần thu đầu tiên, ông Minh cho dừng lại vì có đoạn ông đọc vấp. Lần thứ hai cũng hỏng vì có người đẩy cửa vào gây tiếng động. Đến lần thứ ba mới thu hoàn chỉnh. “Khi tôi bước ra phòng họp cùng anh em kỹ thuật viên thì gặp chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ tá Tổng tham mưu trưởng, giờ đây có quyền hành như Tổng tham mưu trưởng vì trung tướng Vĩnh Lộc cùng Trung tướng Trần Văn Trung chạy khỏi Sài Gòn bằng tàu hải quân sáng 30 tháng 4. Chuẩn tướng Hạnh nói với ông Dương Văn Minh: “Xin để tôi trực tiếp mang đi cho chắc ăn. Nhưng theo tôi, ngoài bản tuyên bố của tổng thống cho dân chúng, cần có một nhật lệnh của tổng tham mưu trưởng ra lệnh trực tiếp cho quân đội không được nổ súng nữa...”. Ông Minh tán đồng đề xuất của anh Hạnh và yêu cầu anh thảo luôn nhật lệnh. “Tướng Hạnh cầm cuộn băng và bản nhật lệnh đi đến đài. Anh nói với tôi: anh sẽ đọc và thu bản nhật lệnh tại đài. Nhớ lại chi tiết này, tôi thấy đóng góp của anh Nguyễn Hữu Hạnh vào lúc này thật ý nghĩa và thiết thực.”

Nội dung Lời tuyên bố của Tổng thống Dương Văn Minh như sau:

“Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chánh phủ Cách Mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chánh phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận Lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh đổ máu vô ích của đồng bào” (Dương Văn Minh).

Và nội dung nhật lệnh của Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh:

“Thưa quý vị Tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn, Quân binh chủng, Địa phương quân, Nghĩa quân, Nhân dân tự vệ,

Tôi Chuẩn tướng Nguyễn Hũu Hạnh, Phụ tá Tổng tham Mưu trưởng, thay mặt Trung tướng Vĩnh Lộc (Tổng tham Mưu trưởng vắng mặt) yêu cầu tất cả quý vị Tướng lãnh và quân nhân các cấp hãy triệt để thi hành lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa về ngưng bắn. Các cấp chỉ huy quân lực Việt Nam Cộng hòa hãy sẵn sàng liên lạc với các cấp chỉ huy quân đội của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để thực hiện cuộc ngưng bắn một cách không đổ máu” (Nguyễn Hữu Hạnh).

Ông Lý Quí Chung tiếp tục kể: “Trước khi phiên họp kết thúc, ông Minh nói: “Bắt đầu từ giờ phút này sự ràng buộc giữa anh em chúng ta không còn nữa. Mỗi người hoàn toàn tự do quyết định sự lựa chọn của mình: Đi hay ở lại. Tôi xin thông báo cho anh em nào muốn đi: hiện chiếc tàu Việt Nam Thương Tín (VNTT) vẫn còn đậu ở Cảng...”. Ông Minh thông báo rõ cổng số mấy, bến số mấy, để lên tàu VNTT, chiếc tàu thủy viễn dương lớn nhất của Sài Gòn lúc bấy giờ. Trước đó khoảng một tiếng đồng hồ, dân biểu Nguyễn Hữu Chung điện thoại cho ông Minh nói rõ tàu VNTT đang chờ ở đâu để những thành viên nào trong chính phủ muốn ra đi thì đến đó. Chính một người của anh Nguyễn Hữu Chung lái chiếc tàu này. Tàu có giấy phép của chính phủ cho rời bến với lý do chính thức là “để tránh pháo kích của Cộng quân”. Nhưng thực sự đây là một giấy phép trá hình cho tàu được di tản. Trong khi liên lạc điện thoại với ông Minh, Nguyễn Hữu Chung còn tỏ ý chờ bà Dương Văn Minh sẽ ra đi theo con gái, con rể và hai cháu ngoại (đã đi trước đó hai ngày). Nhưng ông Minh sau khi hỏi ý kiến vợ đã trả lời rằng bà Minh không đi. Những người có mặt trong phòng họp cũng không ai đi. Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, một luật sư công giáo, nói dứt khoát ông ở lại. Còn thủ tướng Vũ Văn Mẫu cho biết ông không đi trong những điều kiện như thế này. Nếu sau này Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam cho ra đi chính thức thì ông sẽ đi. Có lẽ người duy nhất có ý định ra đi là giáo sư Bùi Tường Huân, được dự kiến làm Tổng trưởng Quốc phòng. Anh Huân hỏi lại ông Minh: “Tôi về nhà sắp xếp để vợ con cùng đi còn kịp không?”. Ông Minh trả lời là tàu VNTT không thể chờ đợi lâu. Nếu quyết định đi là phải đi ngay. Thế là giáo sư Huân quyết định không đi nữa. Anh không hay rằng vợ anh, con cái của anh đã di tản chiều hôm qua với gia đình bên vợ (chị vợ của anh Huân là ca sĩ Hà Thanh). Tối hôm qua, anh cùng một số thành viên khác ngủ lại ở phủ thủ tướng nên không hay chuyện ra đi của gia đình. Khi anh trở về nhà thì trong nhà chẳng còn thứ gì giá trị vì nhà anh đã bị cướp sạch. Anh Hồ Văn Minh cũng nói dứt khoát không đi. “Lúc này tôi ngồi kế bên ông Minh. Ông quay sang nói nhỏ với tôi: “Chung, “toa” nên đi. “Toa” có con đông”. Ông nghĩ đến 5 đứa con của tôi. Thỉnh thoảng khi thân mật ông Minh vẫn xưng hô “toa, moa” với tôi. Tôi trả lời:

“Đại tướng không đi phải không? Tôi cũng không đi”. Ông lặp lại đến hai lần lời khuyên đó nhưng vẫn thấy tôi tỏ ra rất dứt khoát nên ông không thuyết phục nữa. Khi từ chối chuyện ra đi, lúc đó tôi chẳng phải suy nghĩ gì nhiều. Ý nghĩ ra đi chẳng bao giờ xuất hiện trong đầu tôi. Ở lại, với tôi, là tất yếu, là cái tiếp theo lô gích của những chọn lựa và thái độ chính trị của tôi trước đó. Vợ chồng tôi chưa bao giờ đem chuyện “đi hay ở” ra bàn với nhau. Quỳnh Nga, vợ tôi cũng không hề băn khoăn về chuyện này. Trước đó mấy ngày, khi một người Mỹ (dạy Anh văn cho tôi) đến nhà gặp vợ tôi, đưa ra giấy ưu tiên đi bằng máy bay của Mỹ cho cả gia đình tôi (gồm bảy người) – tôi không có ở nhà - vợ tôi đã tự quyết định từ chối.

“Sau khi mọi người có mặt đều quyết định không đi, phòng họp lại im lặng.

“Bỗng có người vào báo cáo có một khách người Pháp muốn gặp tổng thống Dương Văn Minh. Tôi cùng ông bước ra. Đó là cựu tướng Pháp Vanuxem đã từng thất trận ở cuộc chiến tranh Đông Dương thời thực dân Pháp. Gần đây ông trở qua Việt Nam đóng vai trò cố vấn quân sự cho chính phủ Thiệu như kiểu chuyên gia chiến tranh du kích người Anh Sir Robert Thompson mang những kinh nghiệm chống cộng ở Mã Lai sang làm cố vấn cho hai anh em Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu trong những năm đầu của chế độ Đệ nhất Cộng hòa! Nhưng Vanuxem không được ông Thiệu tin dùng. Ông Minh bắt tay Vanuxem.

“Vanuxem cho biết ông muốn hiến kế cho ông Minh để cứu vãn tình hình tuyệt vọng của chế độ Sài Gòn. Theo Vanuxem, nên lên tiếng kêu gọi sự can thiệp của một cường quốc, và chỉ cần có một yêu cầu chính thức của chính quyền miền Nam là cường quốc này sẽ can thiệp ngay. Ông Minh cười chua chát: “Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay sai cho Pháp rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai...”.

“Đứng xớ rớ một lúc, Vanuxem biến lúc nào tôi không nhớ. “Cũng đúng lúc này có điện thoại từ chùa Ấn Quang của sinh viên đấu tranh Nguyễn Hữu Thái. Tôi không rõ Thái rời khỏi chỗ ẩn náu tại nhà tôi từ một năm qua, vào lúc nào. Lúc này Thái đang có mặt tại chùa Ấn Quang, anh cho biết thượng tọa Thích Trí Quang muốn nói chuyện trực tiếp với ông Minh. Cuộc nói chuyện kéo dài khoảng hai phút. Sau đó Thượng tọa Trí Quang nói chuyện với giáo sư Vũ Văn Mẫu. Tôi được biết nội dung hai cuộc điện đàm này của thượng tọa Thích Trí Quang nhằm thuyết phục Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng. Nhưng tôi lại e ngại, nếu đầu hàng chính thức đơn phương thì sẽ ra sao? Vì nhiều đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hòa vẫn còn đó, có khả năng sẽ phản ứng điên cuồng.

“Khoảng 10 giờ, tổng thống Minh lên ô tô đi đến Dinh Độc Lập. Các thành viên khác của chính phủ và một số dân biểu nghị sĩ cũng lên xe mình đến Dinh Độc Lập. Tôi cùng ngồi xe của Tổng thống Minh. Lúc này toàn bộ các mô tô cảnh sát danh dự, gồm tám chiếc còn đầy đủ, vẫn đi theo bảo vệ xe tổng thống. Đoàn xe tổng thống đi ngang qua tòa đại sứ Mỹ trên đại lộ Thống Nhất, ông Minh nhìn thấy trước mắt cảnh tòa đại sứ Mỹ đang bị dân chúng ùa vào “làm thịt”: từng đoàn người từ trong sứ quán hối hả đi ra, khuân vác nào là máy đánh chữ, ti vi, ghế, tủ, bàn v.v...

“Từ trên lầu sứ quán, những tấm thảm cắt ra từng miếng dài khoảng 5-6 mét được ném xuống sân... Thế là nơi tượng trưng cho quyền lực nước Mỹ, tưởng như bất khả xâm phạm giờ đây tan tác... như một đống rác khổng lồ! “Đoàn xe của Tổng Thống Minh đi trên đại lộ Thống Nhất vắng tanh người - ngoại trừ đoạn đường trước sứ quán Mỹ. Phần đông dân Sài Gòn đều rút vào nhà. Số người tiếp tục nuôi ý định ra đi kéo nhau xuống bến Bạch Đằng với hy vọng gặp được chuyến tàu nào đó chưa kịp rời bến. Một số người khác dùng mọi phương tiện chạy về hướng miền Tây tìm đường ra biển. “Ngồi trong xe bên cạnh ông Minh đi đến Dinh Độc Lập, chưa bao giờ tôi thấy gần gũi và gắn bó với ông như lúc này. Trong đời ông trải qua nhiều giây phút lịch sử nhưng có lẽ những giây phút này là trọng đại nhất. Nhưng tôi vẫn thấy ông điềm tĩnh một cách lạ lùng. Ông chẳng nói gì cả, nét mặt bình thản. Ông vốn không thích dùng nhiều lời lẽ rườm rà và hoa mỹ để giải thích các quyết định của mình. “Tôi lên tiếng để phá vỡ sự im lặng: “Nếu cả chính phủ Sài Gòn sau này buộc phải đi “an trí”, tôi sẽ yêu cầu được quản thúc chung với Đại tướng. Để chi, Đại tướng biết không?”. Ông quay nhìn tôi: “Để chi?” – “Để Đại tướng và tôi có thể tiếp tục nói chuyện tennis với nhau!” Ông Minh vỗ đùi tôi, cười. Tôi cùng ông Minh đi đến Dinh Độc Lập mà trong lòng chẳng có một đắn đo nào. Thật lạ lùng làm sao. Sau này khi nhớ lại thời điểm đó tôi cố gắng nhớ lại trong đầu mình lúc đó nghĩ gì. Nhưng không làm sao nhớ ra bởi thật sự lúc đó tôi như người bị cuốn hút về một hướng đã định sẵn từ một hai năm trước rồi. Dinh Độc Lập, nơi đoàn quân Giải phóng sẽ đến, vào lúc này, đúng là điểm hẹn của Lịch sử. Ông Dương Văn Minh đi đến đó mà không hề bị ai bắt buộc.

“Chiếc xe của tổng thống Minh và đoàn mô tô bảo vệ đến Dinh Độc Lập khoảng 9 giờ 30 sáng. Ở cửa chính vẫn còn lính gác. Ông Nguyễn Văn Hảo, phó thủ tướng của nội các Nguyễn Bá Cẩn, nội các cuối cùng của chính phủ Thiệu, có mặt ở phòng họp chính. Theo chương trình đã định trước thì phó thủ tướng Hảo sẽ đại diện cho nội các cũ thực hiện cuộc bàn giao cho nội các mới của ông Dương Văn Minh. Nhưng cuộc bàn giao giữa hai nội các cũ và mới đã không xảy ra. “Các thành viên chính của chính phủ Dương Văn Minh tập hợp trong phòng làm việc trước đây của Nguyễn Văn Thiệu. Trong lúc chờ quân giải phóng đến, tôi chợt nhớ binh lính bảo vệ Dinh Độc Lập chưa nhận được lệnh không nổ súng. Tôi đề nghị ông Minh nên ra lệnh tất cả các binh lính bảo vệ dinh phải nộp vũ khí, bởi chỉ cần một người lính nào đó điên cuồng bóp cò thì hậu quả không thể nào lường được. Tổng thống Minh giao cho thiếu tá Hoa Hải Đường thực hiện lệnh của ông. Lúc này tôi không thấy đại tá Đẩu có mặt ở dinh. Đại tướng Minh có hai tùy viên quân sự là đại tá Đẩu và thiếu tá Đường. Đại tá Đẩu vừa được thăng cấp cách đây không lâu và là cấp cao nhất trong văn phòng của đại tướng Minh. Còn thiếu tá Đường là con của ông Hoa Văn Mùi, đã từng là giám đốc cảnh sát thời Ngô Đình Diệm rồi Đổng lý văn phòng một bộ (nhân vật thứ ba trong bộ đứng sau bộ trưởng và thứ trưởng), nhưng lại được nhiều người biết tiếng khi ông là cầu thủ đội tuyển bóng đá miền Nam thập niên 40. Luật sư, nghị sĩ Nguyễn Văn Huyền được ông Minh chọn làm Phó Tổng thống, lúc đầu có mặt tại Dinh Độc Lập nhưng sau đó lại về nhà riêng. Luật sư, nghị sĩ Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng chính phủ vẫn có mặt tại Dinh vào thời điểm này...”

Khi Chuẩn tướng Hạnh từ Đài phát thanh trở về Dinh Độc Lập, gia đình Tổng thống Dương Văn Minh từ tư gia cũng đã vào trong Dinh, cửa chính đã mở toang, không có lính gác. Đến thềm Dinh thì đã thấy một xe Jeep và một xe GMC đầy lính Biệt động quân thuộc Tiểu đoàn Lôi Hổ phụ trách phòng thủ phi trường Tân Sơn Nhất. Khi Chuẩn tướng Hạnh gặp Tổng thống Dương Văn Minh xin cho xe đưa về Bộ TTM, Ông Minh không cho và giữ Tướng Hạnh ở lại Dinh Độc Lập. Trong khi đó điện thoại tại phòng làm việc của Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu nói chuyện với Chuẩn tướng Hạnh. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Lôi Hổ hỏi Chuẩn tướng Hạnh: “Chuẩn tướng bảo chúng tôi buông súng làm sao? Tôi không đầu hàng đâu, chúng tôi đã bắn cháy 3 xe tăng. Chuẩn tướng Hạnh giải thích và khuyên: “Thiếu tá không nên để cho máu đổ ở giờ thứ hai muơi lăm”. Tiểu đoàn trưởng Lôi Hổ này yêu cầu nói chuyện với TT DVM, Chuẩn tướng Hạnh mời Ông Minh đến nói chuyện. Câu chuyện chưa xong thì xe tăng đã vào Dinh Độc Lập. Ông Minh nói: “Quân Giải phóng đã vào tới Dinh rồi, Thôi “cúp”.

TỔNG THỐNG DƯƠNG VĂN MINH TUYÊN BỐ ĐẦU HÀNG

Ông Lý Qúy Chung kể tiếp trong Hồi ký của Ông: “Khoảng 11 giờ 30 sáng, chiếc tăng đầu tiên loại T-54 của quân Giải phóng xuất hiện từ đầu kia đại lộ Thống Nhất, phía Thảo cầm viên. Tổng thống Minh và các thành viên chính phủ cùng một số dân biểu, nghị sĩ, ra đứng tại tiền đình của Dinh Độc Lập để chuẩn bị cuộc đón tiếp. Chiếc tăng to lớn tiến gần, đến khoảng ngang nhà thờ Đức Bà thì đột ngột nổ liền hai phát nhưng không nhắm vào Dinh Độc Lập. Nhưng tiếng nổ của hai phát đại bác đã gây hoảng hốt cho tất cả những người đang đứng chờ ở tiền đình. Thế là tất cả lui vào phòng làm việc của ông Thiệu và lo lắng chờ. “Sau này các tài liệu viết rằng chiếc tăng đi đầu đã ủi sập cửa sắt ở cánh cổng còn đóng của Dinh Độc Lập. Vậy là lính gác ở dinh không chấp hành lệnh chăng? Vì tôi nhớ rất rõ ông Minh đã ra lệnh cho lính gác ở dinh mở sẵn cổng chính trước rồi. Chỉ ít phút sau, tiếng chân người vang dội trong sảnh, có cả tiếng khua vũ khí và tiếng đạn lên nòng. Rồi tiếng hô to từ phía đại sảnh: “Mọi người đi ra khỏi phòng ngay!” Sau này có nhiều nhà báo nước ngoài trở lại sự kiện 30-4 này hỏi tôi lúc đó có lo sợ không? – Tôi không chối cãi mình có lo sợ. Một phần vì tôi chưa từng đối diện với quân Giải phóng. Những suy nghĩ riêng và niềm tin trong lòng của mình về họ, chưa qua thực tế, không đủ để trấn an tôi hoàn toàn vào giây phút này. Mặt khác hoàn toàn không thể đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra nếu có hỗn loạn... “ Người bước ra khỏi phòng trước tiên là Tổng thống Dương Văn Minh. Đi sát bên ông Minh là thiếu tá Hoa Hải Đường. Tiếp theo là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Ông Minh và ông Mẫu đều rất bình tĩnh, sự bình tĩnh của hai ông cũng truyền sang tôi... Chúng tôi vừa bước ra hành lang để đi đến đại sảnh thì ở đầu kia thấy có nhiều bộ đội cầm súng và hô to: “Mọi người giơ tay lên!”. Ông Minh, ông Mẫu và tôi cùng mọi người đi phía sau đều nhất loạt giơ tay. Ra đến đại sảnh, tôi thấy có nhiều người mặc thường phục cũng có mặt lẫn với bộ đội. Tôi nhận ra một số gương mặt quen thuộc, đã từng hoạt động báo chí hoặc trong các phong trào đấu tranh học sinh sinh viên. Tôi nhớ hình như có các anh Nguyễn Vạn Hồng (tức Cung Văn), Triệu Bình, Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Bá Thành, Huỳnh Văn Tòng... Ai đó, tôi không nhớ rõ, chạy đến ôm tôi nâng lên khỏi mặt đất và nói to trong sự mừng rỡ tột cùng: “Mình thắng rồi!”, trong lúc hai tay tôi vẫn giơ cao trong tư thế của người đầu hàng. Nước mắt tôi trào ra, tôi khóc vì quá sung sướng thấy cuộc chiến tranh kéo dài triền miên trên quê hương mình đã kết thúc... Một người bộ đội (tôi không rõ quân hàm) nói với Tổng thống Minh: “Anh chỉ cho tôi đường đi lên để hạ cờ ngụy quyền”. Ông Minh quay sang tôi đang đứng bên cạnh: “Chung, “toa” hướng dẫn cho người này lên sân thượng”. Sau này tôi biết đó là người chỉ huy chiếc tăng ký hiệu 843 tên là Bùi Quang Thận lúc đó mang hàm đại úy. “Trong một bài báo kỷ niệm ngày 30-4-1975 của một tác giả đã đăng vào dịp tháng 4-2003, có ghi lại lời kể của ông Thận khi gặp ông Minh: Ông yêu cầu ông Minh chỉ đường lên hạ cờ ngụy quyền thì ông Minh liền nói với người đứng kế bên thực hiện lời yêu cầu này. Người đứng kế bên ông Minh chính là tôi. “Xem lại các bức ảnh ghi lại giây phút lịch sử này, tôi thấy ngoài lá cờ được đại úy Bùi Quang Thận treo cao trên nóc Dinh Độc Lập - cột cờ chính thức của Dinh – còn thấy xuất hiện hai hay ba chiến sĩ bộ đội đứng phất cờ tại bao lơn (balcon) ở tầng một”...

Trong khi từ 11g, nhà báo Tây Đức Borries Gallasch (5) đi bộ đến dinh Độc lập đã thấy cảnh ngổn ngang những mũ sắt, quân phục, súng ống thậm chí cả lựu đạn và một khẩu súng chống tăng, súng máy ngay tại sân cỏ. Nhà báo này tường thuật trong cuốn sách “Thành Phố Hồ Chí Minh”, mục Sàigòn 30 tháng 4 năm 1975 , nhà xuất bản Rowhlt Verlag, 1975 như sau:

“Mặc dù tôi sợ đến run cả hai đầu gối nhưng tôi vẫn đi bộ đến trước Dinh Độc Lập vào lúc 11g sáng ngày chủ nhật hôm ấy. Tôi đã đứng một mình trước cửa Dinh mà xung quanh im lặng như một bảo tàng… ngổn ngang những mũ sắt, quân phục, súng ống thậm chí cả lựu đạn và một khẩu súng chống tăng, súng máy ngay tại bãi cỏ.”

“Không có một bóng người nào ở đó, những tiếng nổ từ kho đạn của sân bay Tân Sơn Nhất còn vọng lại. Gallasch bước qua cánh cổng sắt mở hé. Một thiếu tá bước sát ngay bên cạnh nhưng làm như có vẻ không nhìn thấy nhà báo phương Tây này. Gallasch băng ngang qua bãi cỏ và nghĩ rằng có thể bị ai đó bắn bất cứ lúc nào. Ngay trên những bậc thang dẫn đến lối vào chính có những người lính đang cãi vã. Một chiếc xe màu đen, bên trong là ông Nguyễn Văn Huyền, Phó Tổng thống của một chính thể không còn tồn tại nữa nói: “Chúng tôi đang chờ phái đoàn Mặt trận Giải phóng vào đây ngay tại Dinh, anh có thể đợi nếu anh muốn.” Những người lính đội cận vệ Tổng thống thậm chí đã không thèm chào khi nhân vật quan trọng thứ hai của quốc gia được chở ra bằng cổng sau.

“Gallasch hít một hơi thật sâu rồi bước tiếp lên những bậc tam cấp đi vào cửa chính qua tiền sảnh rồi đi lên lầu một. Tại đây Gallasch gặp Hà Huy Đỉnh, một luật sư Sài Gòn người nhỏ bé và cũng là học trò của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu.

“Trong khoảnh khắc ấy khi Gallasch đang đứng giữa sảnh thì cửa thang máy bật mở, bước ra là Tổng thống Minh, Thủ tướng Mẫu, và một vài người đi lên từ dưới hầm trú ẩn. Ông Minh nói: “Thật tốt khi anh có mặt ở đây, anh sẽ chứng kiến sự chuyển đổi vận mệnh của đất nước tôi vào tay những người xứng đáng hơn tôi”

“Trong lúc những nhân viên của ông Minh đi đi lại lại đầy lo âu, thì ông Minh vẫn đứng nguyên im lặng giữa sảnh và phóng tia mắt nhìn qua cửa sổ phía trước của Dinh hướng về Nhà thờ. Bỗng nhiên những tiếng nổ inh tai của súng, lựu đạn, súng máy vang lên. Gallasch phải nằm rạp xuống sàn tìm kiếm sự che chắn đằng sau cột xi măng. Phút cuối cùng của cuộc nổi dậy, một cuộc đánh chiếm dinh?

“Không có tấm kính nào bị vỡ, ông Minh vẫn còn đứng nguyên chỗ cũ, to lớn như một bức tượng bên cạnh ông Thủ tướng thấp bé. Rồi trước mặt bỗng hiện ra một cảnh tượng không thể tin được: ba chiếc xe tăng treo cờ Mặt trận Giải phóng tiến qua cổng sắt hướng thẳng về bồn hoa trước Dinh. Súng bắn loạn xạ lên không trung, những phát súng của niềm vui dàn giao hưởng của chiến thắng, giai điệu của vinh quang. Chiếc tăng đầu tiên húc cánh cổng lăn xích lên bãi cỏ nhắm hướng Dinh lao tới. Hai chiếc còn lại vòng qua hai bên trái và phải rồi tất cả đều dừng trước mặt tiền của Dinh. Khoảng 20 tới 30 phát súng khác được bắn lên.

“Gallasch chạy ra ban công chụp ảnh.Thật là một cảnh ngoạn mục. Và rồi người chỉ huy của chiếc tăng dẫn đầu với khẩu súng bên tay trái và một lá cờ bên tay phải xông lên cầu thang, suýt xô ngã Gallasch. Hai chiến sĩ Giải phóng khác chiếm lấy vị trí bên phải và bên trái của cầu thang.Đầu tiên không ai nhận thấy Ông Minh và những người khác đang chờ họ ở phía bên kia ở phòng khách.

“Người chỉ huy xe tăng đứng ngay trước mặt Gallasch, hét đi hét lại mà Gallasch không hiểu. Hà Huy Đỉnh hét giải thích cho Gallasch là mở cửa ra ban công. Gallasch mở cánh cửa kính ra vào . Người này lướt qua kéo cờ lên và vẫy đi vẫy lại.

“Ở phía dưới nhiều chiếc xe tăng tiếp tục tiến vào, và tất cả đều bắn lên không trung. Một vài nhà báo chạy vào qua bãi cỏ.

“Là một người châu Âu duy nhất, là một nhà báo duy nhất, Gallasch chứng kiến Ông Minh, Tổng thống của VNCH đã bị bắt bởi Phạm Xuân Thệ, chỉ huy của Trung đoàn bộ binh 66 của Quân đội Giải phóng. Tay cầm súng ngắn đã lên đạn, một khẩu K55 của Nga, Thệ rất phấn khích la lớn: “Ông Minh, chúng tôi muốn ông đi ngay ra Đài phát thanh với chúng tôi để tránh đổ máu, để ông ra lệnh cho quân đội Ông đầu hàng”.

“Nhưng Ông Minh đã không muốn đi. Ông ta đề nghị rằng bài nói của ông phải được thu âm vào máy thu ở trong Dinh. Họ tranh luận việc đó. Càng lúc càng nhiều người lính Cách mạng chạy vào. Rồi họ bắt đầu tìm máy thu - nhưng không có kết quả.

“Giống như nhiều trường hợp của Sàigòn, những nhân viên ở đây không những chỉ bỏ chạy mà có thể lấy đi tất cả những gì lấy được. Không có một cái máy ghi âm nào trong Dinh cả…”

Lý Quí Chung tiếp tục kể trong Hồi ký:

“Ông Minh và ông Mẫu được đưa đến Đài phát thanh Sài Gòn trên chiếc xe Jeep của bộ đội. Còn tôi đi theo trên một chiếc xe Jeep khác của nhà báo Đức. Khi tôi đến đài phát thanh thì hai ông Minh và ông Mẫu đã vào bên trong. Tôi vừa bước vào sân thì anh Nguyễn Hữu Thái và một hai thanh niên khác đứng ở cổng nói với tôi “Anh về đi, khi nào có bộ phận chính trị vào sẽ liên lạc lại”. Lúc này thật khó biết ai là ai, ai có đủ thẩm quyền quyết định chuyện này chuyện nọ. “Nghe thế tôi lại đi trở ra. Sau này được biết, khi hai ông Minh và ông Mẫu vào bên trong Đài phát thanh thì không còn nhân viên kỹ thuật nào ở đó để làm công việc thu băng. Sinh viên Nguyễn Hữu Thái phải mất hai tiếng mới tìm ra nhân viên kỹ thuật. Bản tuyên bố đầu hàng do chính trị viên Bùi Văn Tùng thảo. Ông Minh đọc và đài phát vào lúc 13 giờ 30. Sau đó hai ông Minh và ông Mẫu được đưa trở lại Dinh Độc Lập...”

Chứng kiến cảnh này, Ông Tư Cang (6) vừa tới Dinh bằng cửa đường Nguyễn Du đã kể lại chuyện như sau:

“Nhìn thấy dân chúng bắt đầu tràn vào nhiều, tôi quay vào nhìn thấy một số bộ đội ta đang vây nhóm D V Minh, Mẫu. Tôi chạy lại đứng sát bên Diệp và Minh thì vừa lúc đ/c chỉ huy đẩy chuẩn tướng Hạnh ra và la “không có bàn giao gì hết, xếp hàng hai lại, nhanh lên!”

Tôi giơ tay trái xin nói thì cũng không được luôn và bị la:

- “Xếp hàng lại!” Anh em vẫn đứng yên, tôi lại nói: “Không, tôi là người Mặt Trận, Đoàn 22 của Tướng Ba Trần, bộ đội Tiền phương” thì được đ/c đội nón cối có huy hiệu Sao vàng trợn mắt nói: “Anh muốn gì nào?” thì tôi lập tức tuôn ra:

- “Tôi chỉ muốn các anh bộ đội áp dụng đúng chính sách đối với tù binh hàng binh…” Đ/c ấy hỏi gặn: “Chính sách thế nào? Chúng tôi được lệnh tấn công Dinh Độc lập và bắt làm tù binh tất cả! Xếp hàng ngay!”.

- “Tôi biết các đồng chí bận hành quân, không có nghe lời Tuyên bố đầu hàng của Tướng Minh lúc 9g30 sáng, tôi xin bảo đảm là có tuyên bố rồi, mà từ lúc vào đây cũng không có ai chống cự, tất cả đều sẵn sàng đón bộ đội vào, nên tôi yêu cầu các đ/c áp dụng đúng chính sách đối với hàng binh”… Cả nhóm người theo tôi vào phòng lớn phía trái, vừa tới cửa dừng lại, chưa chi thì thấy người to con từ phía cầu thang giữa chạy lại: “Minh Huyền Mẫu đâu? Minh đây hả, lôi cổ nó ra đây!” Vừa la vừa nắm cổ áo. Tôi đứng cạnh, lấy tay gạt phắt, đẩy anh bộ đội ra, và nói với đồng chí chỉ huy thiết giáp: “Yêu cầu các đ/c giữ kỷ luật, giữ trật tự”. Xin mời vào văn phòng và đóng cửa lại. Vào trong cửa, đ/c đưa tay bắt tay Tướng Minh và nói: “Nhân danh quân đội nhân dân, tôi xin tiếp thu Dinh Độc lập”. Tướng Minh chậm rãi nói: “Nhân danh tôi và các bạn hữu, xin có lời khen các anh bộ đội Giải phóng… các anh thật là những người anh hùng!”. Đ/c chỉ huy thiết giáp lại thắc mắc: “Ngoài đường còn lộn xộn lắm, chúng tôi chưa được nghe tuyên bố đầu hàng, chắc còn đánh nhau ngoài đường phố!” Lúc đó chúng tôi mới đề nghị với anh Minh tuyên bố lại, nhưng anh Minh không chịu, nói là đã có tuyên bố xong rồi. Tôi cố gắng nói: “Lúc nãy là tuyên bố đầu hàng mà chưa tiếp xúc với bộ đội giải phóng, còn bây giờ thì đã gặp nhau rồi nên tuyên bố rõ như vậy” thì anh Minh đồng ý, nhưng tìm kiếm Lý Qúy Chung để lấy máy thu băng thì không thấy Chung ở đâu, gọi mãi thì thấy Chung ở góc trái ló ra. Kêu chạy lại thì lắc đầu nói không nhớ để máy chỗ nào. Tôi bèn đề nghị đ/c chỉ huy cho mượn xe “command car”, rồi cả ba người Minh, Mẫu, Chung xuống lầu ra Đài phát thanh. Khi thấy không khí còn căng thẳng, tôi đâm lo mới gọi một đạo hữu chùa Ấn Quang đang có mặt trong đám quần chúng và dặn là: “Ráng đừng để sự việc đáng tiếc xảy ra, để tôi chạy “tìm thầy tìm thuốc”. Rồi kéo Giầu chạy xuống lầu, lên xe LaDalat chạy thẳng vào Chợ Thiếc, lên nhà anh Ba Lễ để báo cáo với anh Sáu Trí diễn biến tình hình từ sáng tới giờ (khoảng 1 giờ trưa) và yêu cầu anh Sáu Trí cùng vào Dinh. Anh Sáu Trí và anh Ba Lễ xuống đi ngay…”

Gallasch lại kể tiếp:

“Sự hoang mang chấm dứt khi người chỉ huy của Quân Giải phóng được giao nhiệm vụ của việc bàn giao chính quyền, Chính Ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện. Ngay lúc đó, một nhóm đông người tập trung lại và được đưa vào phòng tiếp khách của tầng thứ nhất. Ở đó chúng tôi đã chờ đợi. Những nhà báo khác tham gia với những người lính Quân Giải Phóng, Minh, Mẫu và người Chính ủy

“Sau một vài phút, Minh, Mẫu và Tùng rời khỏi phòng, theo sau là những người đã có mặt tại đây. Chúng tôi bước xuống cầu thang ra bãi cỏ, đến ngang chỗ vòi phun nước Minh và Mẫu leo lên một chiếc xe Jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải phóng. Chính Ủy Tùng và một người lính khác lên chiếc xe thứ hai. Tôi đang đứng ngay cạnh chiếc xe Jeep nói chuyện với ông Chính uỷ bằng tiếng Pháp, cố gắng xin ông ta để được lên xe. Ông gật đầu đồng ý. Ông luật sư Đỉnh với bộ râu giống như của Ông Hồ Chí Minh cũng leo lên chiếc xe Jeep này và chúng tôi lái đi. Chỉ có hai chiếc xe này của chúng tôi chạy giữa thành phố lúc ấy - một thành phố đã từng sôi sục mà nay sự sợ hãi bỗng nhiên được làm dịu đi - đi qua tòa Đại sứ Mỹ trống hoắc đến một khu phụ của Đài phát thanh nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm .

“Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một. Những kỹ thuật viên đã kéo chân dung của Thiệu từ trên tường xuống và ném qua cửa sổ ra sân. Chúng tôi ngồi bất động một lát Mẫu quạt khuôn mặt ông bằng một quyển sách. Minh và Tùng ngồi trên hai chiếc ghế và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ trong lúc Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy mầu xanh.

“Vũ Văn Mẫu trông có vẻ hài lòng - Ông tỏ ra như thể chiến thắng này là chiến thắng của riêng ông, Người thành lập và phát ngôn cho Lực lượng thứ ba mà mới tuần trước đã giải thích cho tôi tại sao Nhóm trung lập của ông ấy sẽ là một nhân tố cần thiết cho bất cứ một tương lai chính trị nào ở Nam Việt Nam, nay ông ấy không có một chút xấu hổ nào khi tuyên bố rằng: “Không còn lực lượng thứ nhất nữa nên chúng ta không còn cần đến lực lượng thứ ba, hòa giải dân tộc diễn ra sớm hơn dự định. Bây giờ dù muốn hay không chúng ta cũng làm việc cho nhân dân ta .” “Không phân biệt chính kiến?” . “Đúng , chúng ta có khác nhau về quan điểm nhưng những điểm khác nhau đó chỉ hướng chúng ta đi đến một mục đích chung.

“Chính ủy Tùng rất khó viết. Ông ngồi bất động trong khi thảo ra được một từ rồi đến từ nữa rồi lại thay thế bằng những từ khác. Sau 30 năm chiến đấu cho một mục đích, thật là khó để biết phải viết gì .

“Trong lúc đấy mọi người dường như đang thư giãn và giảm phấn khích hơn so với một giờ trước. Chỉ huy Phạm Xuân Thệ, người đã bắt Minh trong Dinh vẫn còn lăm lăm khẩu súng trong tay Ông ta nhắc đi nhắc lại với Minh: “Anh Minh, Anh không cần phải sợ, chúng ta chiến đấu cho nhân dân. Chúng ta chiến đấu chống lại kẻ thù của chúng ta. Hãy nói trên đài để máu không đổ thêm nữa. Bây giờ chúng tôi đã ở đây không ai có thể đụng đến Anh”.

“Minh đã im lặng. Dưới những chiếc mũ cối, những người lính bộ đội nhìn Minh với vẻ tò mò. Họ vây quanh ông ta trong lúc phía bên kia vẫn còn nghe những tiếng nổ. Những người chiến thắng đã thể hiện sự vui mừng không kìm nén được.

“Cuối cùng Ông Minh cũng đã lên tiếng, người đã lật đổ Diệm năm 1963 và cứu Sàigòn khỏi sự phá hủy bởi việc chấp nhận đầu hàng đúng lúc, ông đã hỏi một người lính: “Em trai của tôi hiện nay ra sao? Khi nào tôi có thể gặp chú ấy?”

“Chỉ huy Thệ im lặng. Tất cả mọi người bỗng nhiên im lặng và anh bạn Đỉnh của tôi nói với tôi bằng tiếng Anh: “Người bị thua muốn được hòa giải”.

“Cuối cùng mọi người đã sẵn sàng nhưng không ai trong số người này biết sử dụng máy ghi âm. Chính ủy Tùng hướng dẫn rất rõ ràng cho tôi những việc tôi phải làm: Mình cần phải đọc lại bản tuyên bố vào máy ghi âm của tôi, việc này được lập đi lập lại 3 lần. Lần đầu tiên Minh chần chừ bởi vì ông được yêu cầu phải đọc là: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho quân đội hạ vũ khí đầu hàng“. Họ tranh luận qua lại và cuối cùng đi đến thỏa thuận, không nhượng bộ Ông Minh. Ông Minh đã phải nói: ‘Tôi, Đại Tướng Dương Văn Minh, Tổng Thống của chính quyền Sài gòn”.

“Nhưng Minh không đọc được bản viết tay của Chinh ủy và nói sai nhiều lần. Tất cả mọi thứ lại phải đọc lại từ đầu.

“Cuối cùng đã xong. Ông Minh kết thúc âm giọng chính xác “Miền Nam! Việt Nam! (toàn Việt Nam! Nam Việt Nam).

“Tôi cũng ghi âm lời phát biểu của ông Mẫu và ông Chính ủy - và rồi chúng tôi đi vào tòa nhà phụ nhỏ vào phòng thu thanh. Tôi ngồi ngay phía trước “Micro” và bật băng của ba bài phát biểu. Minh ngồi bên tay trái tôi, Chính ủy , Mẫu và vị chỉ huy… đứng đằng sau chúng tôi. Kỹ thuật viên ngồi phía bên kia của kính ngăn yêu cầu bật máy lại, lần này để máy lại gần “Micro” hơn và không quá to.

“Lúc này mọi sự đều tốt đẹp. Người Chính ủy đã cám ơn tôi và nói những gì với tôi mà tôi không hiểu. Hà Huy Đỉnh dịch lại cho tôi. Tôi đã được Ông cám ơn về sự giúp đỡ của tôi và cho phép tôi chở Ông về lại Dinh Độc lập trên chiếc xe Jeep. Chúng tôi rời khỏi tòa nhà. Tôi ngồi sau tay lái và ông Chính ủy ngồi ghế bên.

“Tôi đã không thể nổ máy chiếc xe. Người lái xe của Chính ủy đã không vui vẻ lắm khi thấy tôi làm công việc của anh ấy nên đã từ chối chỉ cách nổ máy xe cho tôi. Lúc ấy ông Chính ủy đã trở nên sốt ruột và chúng tôi đã đi sang một chiếc xe khác, nơi tôi lại ngồi băng ghế sau.

“Chúng tôi lại đi qua những con đường của Việt Nam. Lúc ấy vào khoảng 2 giờ chiều, những người lính của Mặt trận Giải phóng đã đứng gác tại tất cả các ngã tư và trên những con đường đã rất đông người. Chúng tôi đã đi mà không có bảo vệ. Sàigòn, và nay là thành phố Hồ Chí Minh đã chắc chắn ở trong tay của Chính quyền Cách mang, không gặp sự kháng cự nào. Tôi đã nhìn thấy xác chết của một người lính Cộng Hòa tại một góc đường. Một người lái xe đặt xác anh ta vào sàn một chiếc xích lô và chở đi, đầu và chân của xác chết đập qua đập lại trên mặt đường. Thật là một cảnh tượng kinh khủn.

“Tại Dinh tôi đã nhẩy ra khỏi xe. Trên khuôn mặt bình thản của Chính ủy Tùng dấu một nụ cười. Rồi ông nói với tôi bằng một câu tiếng Đức mà ông biết: ”Danke” (cám ơn).

Trong khi Nguyễn Hữu Thái có mặt tại Dinh Độc Lập vào thời điểm lịch sử này đã kể lại như sau:

“Tại Dinh Độc Lập, một số bộ binh, công binh và đơn vị đặc công phối hợp đã án ngữ các cửa lớn. Các chiến sĩ Toàn, Nguyên, Đô đã canh giữ phòng nội các. Ban chỉ huy lữ đoàn xe tăng cũng kịp đến. Chỉ huy Nguyễn Tất Tài lệnh cho các chiếc tăng còn lại vây quanh Dinh phòng địch phản kích. Chính ủy Bùi Văn Tùng và chủ nhiệm chính trị Lê Minh xuống xe thiết giáp bước vội vào sảnh Dinh. Đại đội trưởng đơn vị đặc công Phạm Duy Đô chạy đến: "Báo cáo, anh em đang giữ Dương Văn Minh và cả nội các ngụy ngồi trong đó. Mời thủ trưởng đến giải quyết". Suốt một đời trận mạc tưởng đã quen với mọi đổi thay, những biến cố to tát, vậy mà lúc đó chính ủy Tùng đã sững sờ. Chân đi dép cao su đang bước lên nền Dinh lát đá cẩm thạch bóng loáng, ông bỗng sững lại giây lát, hơi choáng váng. Rồi những lời dặn dò của tư lệnh quân đoàn Nguyễn Hữu An khi còn ở Rừng Lá giúp ông bình tâm lại. Tướng An giao mọi việc trong Dinh Độc Lập phải do ông trách nhiệm giải quyết. Ông đường hoàng bước vào phòng lớn, nhìn thấy một nhóm người có vẻ buồn bã, cam chịu đang ngồi im lặng ở giữa căn phòng bài trí cực kỳ sang trọng. Thấy các cấp chỉ huy bộ đội vào, một người cao lớn, mang kính trắng đứng lên : “Thưa ông, chúng tôi đang chờ các ông vào để bàn giao.”Chính ủy Tùng cố gắng nén sự khó chịu trước hai tiếng 'bàn giao', cố không to tiếng: “Các anh chẳng còn gì để mà giao”. “Thưa ông…” “Các ông chỉ có đầu hàng vô điều kiện”. Chính ủy Tùng nghĩ ngay đến việc phải buộc họ tuyên bố đầu hàng sớm để đỡ đổ máu. Sài Gòn vẫn còn vang tiếng súng, miền Tây Nam Bộ và các hải đảo vẫn chưa được giải phóng. Ông quay sang hỏi Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (đang đảm nhiệm chức vụ 'quyền Tổng tham mưu tưởng quân lực VNCH' và cũng là một cơ sở Cách mạng) hỏi: "Đường dây đến đài phát thanh còn hoạt động không?". Ông ta nói không sử dụng được nữa. Chính ủy Tùng nói: Ngay bây giờ, yêu cầu ông Minh đến đài phát thanh công bố điều đó trước nhân dân, trước thế giới”.Tướng Minh nhẫn nhục im lặng. Sau đó, ông quay sang trao đổi nho nhỏ với người đứng cạnh là tướng Hạnh. Người này hướng về chính ủy Tùng: “Thưa ông, Đại tướng ra ngoài lúc này sợ phe đối lập ám hại, vì họ biết ông Minh đi tuyên bố đầu hàng”. Chính ủy Tùng nói ngay: “Đi với tôi, ông Minh khỏi lo. Quân giải phóng đã hoàn toàn chiếm lĩnh thành phố, chúng tôi bảo đảm an toàn”. Ông Minh đồng ý.

“Phạm Xuân Thệ, đại úy trung đoàn phó trung đoàn 66 hộ tống tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, Tổng trưởng thông tin Lý Quý Chung lên xe jeep thứ nhất. Nhà báo Tây Đức Von Borries Gallasch với nào là các máy ảnh, ghi hình, ghi âm đeo lỉnh kỉnh quanh người có mặt ở đó, xin chính ủy Tùng cho đi theo và hứa sẽ viết bài có lợi cho cách mạng. Ông hỏi xin nói tiếng Pháp có được không vì chắc rằng những người ở lớp tuổi chính ủy Tùng (năm đó ông Tùng 45 tuổi) còn nói được tiếng Pháp. Chính ủy Tùng trả lời: "Peut-être (có thể)". Như vậy là cả Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Văn Tòng cùng các nhà báo Gallasch, Hà Huy Đỉnh tháp tùng theo xe chính ủy Tùng ra đài phát thanh. Ở đài phát thanh, sinh viên và bộ đội đang loay hoay chưa biết làm gì thì bỗng dưng có hai chiếc xe jeep chở đầy người chạy vào khuôn viên đài phát thanh. Rất nhiều bộ đội cùng dân sự bước xuống và họ nhận ra ngay hai ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu, Tổng thống và Thủ tướng mới nhậm chức của chính quyền Sài Gòn. Một trong hai người chỉ huy yêu cầu sinh viên tìm cách cho tướng Minh đọc lời đầu hàng trên đài phát thanh. Ông nói xong, kéo cả đoàn người mới đến lên lầu một, vào phòng khách theo hướng dẫn của sinh viên. Trong lúc đó, một sinh viên chạy đi tìm nhân viên đài. Tại phòng khách, ngoài hai ông Minh-Mẫu, hai chỉ huy bộ đội (sau này họ mới biết là chính ủy Bùi Văn Tùng và đại úy Phạm Xuân Thệ) và vài anh bộ đội còn có hai người dân sự nữa là anh Nguyễn Hữu Thái và một nhà báo nước ngoài.Nhà báo Đức cho mượn chiếc cát -xét thu lời đầu hàng của tướng Minh và lời chấp nhận đầu hàng của chính ủy Tùng. Tướng Minh nhìn thấy Nguyễn Hữu Thái trong đám người này có vẻ cũng yên lòng. Trông ông mệt mõi và không mấy vui. Thân hình ông vẫn to lớn nhưng mặt ông hốc hác.

“Chính ủy Tùng nhớ lại: "Tôi lúng túng không biết làm sao thảo một văn kiện đầu hàng. Từ bé đi học, lớn lên là anh bộ đội Cụ Hồ đã mấy chục năm, chưa có ai chỉ vẽ cho tôi cách soạn thảo văn bản đầu hàng cho đối phương cả. Mặt khác tôi cũng chưa kịp xin ý kiến cấp trên. Viết sao đây?... A phải rồi, với cách mạng chỉ có hai vấn đề cơ bản nhất: chính quyền và quân đội. Khi mất chính quyền thì quân đội không còn. Và ngược lại, không có quân đội thì chính quyền không thể tồn tại. Vậy thì…" Sẵn tập giấy pơ-luya trên bàn, suy nghĩ mấy phút, tôi viết lời đầu hàng của tướng Minh. Ông Minh đề nghị thay vì 'tổng thống' xin dùng chữ 'đại tướng', dân chúng có cảm tình hơn. Tôi nghĩ rằng tướng Minh phải đầu hàng ở cương vị tổng thống, vì dẫu sao ông cũng ở cương vị này 3 ngày rồi, mới ra lệnh được cho cả dân sự lẫn quân sự. Nghe lời phân tích có lý lẽ, tướng Minh gật đầu: Dạ, tôi xin nghe quý ông. Chính ủy Tùng suy nghĩ tiếp: có người đầu hàng thì cũng phải có người chấp nhận đầu hàng, nếu không, có thể nhiều người lầm tưởng ông Minh có thiện chí. Và ông thảo luôn lời chấp nhận đầu hàng. Pin máy cát - xét quá yếu, anh em sinh viên chạy đi tìm pin thay thế. Họ cũng đi tìm ngay kỹ thuật viên cho đài phát sóng lại. Tất cả đều nhờ anh em sinh viên lo liệu. “Chính ủy Tùng xác nhận: "Không có các cậu sinh viên giúp phát đi lời đầu hàng của tướng Dương Văn Minh thì thật là gay go". Họ tìm được anh Trần Văn Bảng kỹ thuật viên phát sóng trú ngụ ngay gần đấy. Anh còn lên tiếng gọi thêm mấy người khác đến giúp vận hành đài. Thu băng lời tướng Minh phải thử đi thử lại mấy lần mới xong. Lời phát biểu của Thủ tướng Mẫu thì ông được nói trực tiếp. Đài phát thanh Sài Gòn phát đi lời đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh. Chính ủy Bùi Văn Tùng nhìn đồng hồ, lúc này là 1 giờ 20 phút chiều (giờ Hà Nội, sớm hơn giờ Sài Gòn vào thời đó một giờ). Như vậy là loay hoay khá lâu, đài phát thanh Sài Gòn mới vận hành được và phát đi tiếng nói Cách mạng đầu tiên, vào lúc trên 2 giờ chiều, giờ Sài Gòn…”

Vào năm 2002, tác giả bài viết này đã đưa cho KTS Nguyễn Hữu Thái cuốn băng “cassette” (7) sang lại băng gốc hiệu CHERRY 90ph. Băng được trực tiếp thu bằng máy Radio - Cassette Hitachi khi tác giả đang tản cư ở trường học bên cạnh nhà thờ Tân Định để tránh pháo vì rạng sáng ngày 29-4, cách khoảng 15m nhà ở 158/227 Thoại Ngọc Hầu bây giờ là Phạm Văn Hai, bị hỏa tiễn rơi lạc. Chính nhờ vậy toàn văn truyên bố và diễn tiến phát thanh trên Đài Phát thanh được ghi lại chính xác 100%. Các Lời Tuyên Bố Đầu hàng của Ông Dương Văn Minh, GS Vũ Văn Mẫu và lời chấp nhận đầu hàng của Đại diện Quân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam đã được thu bằng máy thu của phóng viên Tây Đức Borries Gallasch. Nội dung các lời tuyến bố như sau:

Lời của tướng Dương Văn Minh: "Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam".

Và lời chấp nhận đầu hàng của chính ủy Bùi Văn Tùng: "Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn".

Giáo sư Vũ Văn Mẫu phát biểu trực tiếp tiếp theo: "Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chánh quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính quyền Cách mạng".

Các lời Tuyên bố ấy cứ được phát đi phát lại nhiều lần, xen kẽ là những tiếng nhạc cải lương, nhạc cách mạng, tiếng người bàn nói với nhau, có cả tiếng Anh người nước ngoài (phóng viên Tây Đức Borries Gallasch) và tiếng của Anh Nguyễn Hữu Thái trao đổi trước khi tự phát biểu mộc mạc, không được sửa soạn trước.

Có lúc Anh Thái tự giới thiệu: "Chúng tôi là những người đại diện cho các Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới dinh Độc Lập trước 12 giờ và đã cùng anh em quân đội giải phóng cắm cờ trên dinh Độc Lập. Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái. Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng… Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này". Hoặc “Đây là tiếng nói của các Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, chúng tôi yêu cầu tất cả các đồng bào và anh chị em nhất là các anh em nhân viên các nhà đèn và các nhà nước cùng các anh em sinh viên học sinh sẽ tụ họp lại mà có cuộc điều động của các UBNDCM do Thành Đoàn chúng tôi điều khiển…” Hay là “Chúng tôi là những đại diện của các Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Chúng tôi kêu gọi đại diện tất cả các đoàn thể nghề nghiệp, tôn giáo, sinh viên, học sinh, thanh niên, các công nhân, quân nhân sinh hoạt bình thường và xin các vị đó đến tất cả các nhiệm sở của mình để điều khiển công việc sinh hoạt bình thường, giúp đỡ cấp thời việc ổn định tình thế. Chúng tôi xin kêu gọi tất cả các đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn – Gia Định xin bình tĩnh và sinh hoạt bình thường”… Hoặc “Chúng tôi xin kêu gọi đồng bào Sài Gòn Chợ Lớn và tất cả công chức quân nhân và tất cả đến nhiệm sở…”

Sau đó anh Nguyễn Hữu Thái lần lượt giới thiệu từng người phát biểu trên Đài. Có đại diện các giới nhà báo (Kỳ Nhân), chuyên viên Đài phát thanh (Trần Văn Bảng), nghệ sĩ (Hữu Đức), lực lượng Cách mạng Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn (Huỳnh Văn Tòng) , công nhân (Nguyễn Văn Quang)… Những tiếng nói quen thuộc đối với dân Sài Gòn lúc ấy đang hoảng loạn, kêu gọi bình tĩnh, cuộc sống trở lại bình thường về mặt tâm lý có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân Sài Gòn cũng như với dân ở Miền Nam lúc bấy giờ.

Anh Nguyễn Hữu Thái viết: “Phải chăng những khoảnh khắc, những tuyên bố đó đã chấn động lòng người, làm nước mắt trào ra từ nhiều đường rừng, mặt trận và cả ở miền Bắc nước ta. Người ta mừng rỡ, hồi hộp và lắng nghe từ xa. Sáng 30/4, trong chiến khu miền Đông, nhà báo Đinh Phong không dám rời chiếc radio nhỏ đeo bên mình. Các anh em đã xuất quân hết vào sáng 29/4. Trước khi đi anh Hai Khuynh (Nguyễn Huy Khánh) trong ban biên tập báo Giải Phóng nói nhỏ với anh: "Phải bám chặt đất Sài Gòn suốt đêm ngày". Gần trưa đài phát thanh Sài Gòn mất sóng. Anh nghĩ thầm: Chắc là có chuyện rồi. Hồi Tết Mậu Thân năm 1968, mình cũng chờ mãi như thế. Thì ra ta đã chiếm được Đài phát thanh Sài Gòn rồi nhưng không vận hành được!“ Khoảng trưa thì có tiếng rọt rẹt. Tất cả anh em đều bỏ ăn cơm ngồi bên chiếc radio chờ đợi. Bỗng có tiếng nói, giọng nam còn trẻ: "Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái". Tiếp đó là lời đầu hàng của tướng Dương Văn Minh. Cả cơ quan reo hò tung chén dĩa, mũ nón. Biết tôi là người theo dõi phong trào đô thị, anh em quây lại hỏi: "-Huỳnh Văn Tòng và Nguyễn Hữu Thái là ai?“ Nhà báo Đinh Phong chỉ biết tên Nguyễn Hữu Thái qua phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn, biết anh là chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn khóa 1963-64 buổi phát thanh ấy, đọc thêm Bản công bố của Cách mạng đối với vùng mới giải phóng, mượn của một chính trị viên. Thái và Tòng cố tình xưng tên tuổi mình là nhắm tạo tâm lý trấn an nhân dân Sài Gòn. Gần đây, nhân dân phía Nam từng bị guồng máy tâm lý chiến của Mỹ và Sài Gòn ra rả tung tin thất thiệt, mô tả nào cảnh tắm máu khi bộ đội đến miền Trung làm dân Sài Gòn sợ điếng hồn. Mọi người thực sự đang kinh hoàng, chỉ mong tìm đường tháo chạy thoát thân với bất cứ giá nào! Hy vọng khi nghe được tên tuổi Thái, Tòng họ sẽ nghĩ: "À, nếu mấy tên tư sản kiểu như Tòng, Thái mà còn đó thì chắc cũng không đến nỗi nào!". Về sau nghe nói có nhiều người lấy tàu chạy ra biển xa đã quay lại và bị bắt đi học tập hoặc bị giam giữ đã trách cứ Thái, Tòng lừa gạt họ! Nhóm sinh viên chủ động tự biên tự diễn chương trình phát thanh, chủ yếu làm sao đưa ra được lời tuyên bố đầu hàng của tướng Minh, thông báo chính sách của chính quyền cách mạng lâm thời về vùng mới giải phóng và trấn an dư luận dân chúng Sài Gòn, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các hải đảo. Xen kẽ vào các lời ghi âm sẵn phát đi phát lại nêu trên, họ tranh thủ kêu gọi đại diện đồng bào các giới đến lên tiếng trên làn sóng phát thanh. Thấy trong đám đông ùa đến đài có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sinh viên Huỳnh Ngọc Chênh đưa anh vào và tất cả cùng anh hát vang bài "Nối vòng tay lớn". Không có đàn trống, chúng tôi vỗ tay, gõ nhịp lên bàn cùng nhau hát vang. "Bài hát đã có tác động làm chùng tay súng. Một ngày, một giờ mà sinh mệnh của hàng triệu con người nằm trên đường tơ kẽ tóc, một sự kiện như thế thật quá trọng đại!"

Chú thích

(1) Tham luận tham gia Hội thảo tại Dinh thống Nhất năm 2005, được viết với văn phong khách quan rất khó được chấp nhận trong hoàn cảnh năm 2005, sau này lại là điều rất bình thường.

(2) Nguyễn Hữu Thái, năm 1963 là chủ tịch Tổng Hội Sinh viên Sàigòn, Kiến trúc sư; 1966 tham gia Phong Trào Phật Giáo Miền Trung chống nội các chiến tranh Nguyễn Cao Kỳ.

(3) Nguyễn Hữu Hạnh, chuẩn tướng về hưu quân đội VNCH, nguyên Tham mưu trưởng Chiến dịch Hoàng Diệu ,Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu.

(4) Lý Quý Chung, dân biểu đối lập, Chủ nhiệm Báo Tiếng nói Dân tộc (1967), Chủ bút Báo Điện Tín (1970).

(5) Borries Gallasch, Phóng viên người Đức (Báo Tấm Gương (Đức), thường trú tại miền Nam VN.

(6) Tư Cang tức Trần Văn Quang, kỹ sư, cha người Hoa bị Pháp bắt giết năm 1952, mẹ người Việt, tham gia Cách mạng năm 1945, nhập ngũ ngành quân báo từ năm 1949. Tập kết rồi về Nam hoạt động. Đầu tiên làm công tác trí vận ở thế hợp pháp công khai và bán công khai đến năm 1967. Tháng 5-1968, chuyển sang công tác An Ninh T4 và công tác tình báo trong Cụm Đinh Sơn Đường tự Hai Thắng, phụ trách chủ yếu trong Nhóm Lực Lượng thứ 3, tiếp cận với nhóm Dương Văn Minh qua Trần Ngọc Liễng, Nguyễn Hữu Chung nhất là Nguyễn Văn Diệp. Nguyên Trung tá Phó Chánh Ủy Phòng Tình báo Miền Nam, nguyên Chánh Ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động thuộc Bộ Tư lệnh Miền, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, nghỉ hưu năm 1982 với quân hàm Thượng tá. Có bản báo cáo viết tay 7 trang về Công tác địch tình trong Chiến thắng 30-4-75 và về công tác bảo vệ Thành phố Sàigòn trong Chiến dịch HCM.

(7) Cuốn Băng Thu Âm Ngày 30-4-1975, Tiếng nói đầu tiên về sự Đổi Đời trên làn sóng điện của Đài Phát thanh Sài Gòn

• Người thu: Nguyễn Nhã, Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút Tập San Sử Địa (Đại Học Sư Phạm Sài Gòn)

• Máy thu : Radio Cassette HITACHI( khoảng hơn 40cm X 30cm)

• Băng thu: Băng cassette hiệu CHERRY 90phút, băng nhạc cũ

• Nơi thu: Nơi tạm trú tránh đạn lạc, Trường học kế Nhà thờ Tân Định, Sàigòn

• Thời gian âm được thu :Khoảng 20ph không liên tục .

• Thời gian thu: Buổi chiều Ngày 30-4-1975

Thường các cuốn băng cassette được tôi bảo quản rất kỹ. Năm 2002, tình cờ gặp Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái than phiền không làm sao có được ai thu về tiếng nói của Anh ấty trong ngày 30-4-1975. Tôi cho biết tôi có thu âm và hứa sẽ sang cho anh một bản.

Trong 20 phút bắt đầu là Lời Tuyên Bố Đầu hàng của Ông Dương Văn Minh, GS Vũ Văn Mẫu và lời chấp nhận đầu hàng cùa Đại diện Quân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Các lời Tuyên bố ấy cứ được phát đi phát lại nhiều lần, xen kẽ là những tiếng nhạc cải lương, nhạc cách mạng, tiếng người bàn nói với nhau, có cả tiếng Anh người nước ngoài và tiếng của Anh Nguyễn Hữu Thái trao đổi mỗi khi yêu cầu ai phát biểu. Có đại diện các giới sinh viên học sinh, trí thức, nhà báo, nhà văn, nhà đèn, công nhân… Những tiếng nói quen thuộc đối với dân Sài gòn lúc ấy đang hoảng loạn, kêu gọi bình tĩnh, cuộc sống trở lại bình thường về mặt tâm lý có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân Sài Gòn cũng như với dân ở Miền Nam lúc bấy giờ.

Lắng nghe các bài hát được phổ nhạc trích từ "Trường ca Giáo dục Gia đình và Văn hóa Quốc đạo"

Tải về HN3Portal
(ứng dụng di động miễn phí dành cho Android)

Tải về ứng dụng di độngTải về ứng dụng di động

để luôn cập nhật thông tin về Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã mọi lúc mọi nơi.

Số lượng truy cập

We have 218 guests and no members online

931813
TodayToday57
YesterdayYesterday158
This WeekThis Week281
This MonthThis Month3350
All DaysAll Days931813
Highest 02-01-2024 : 4228

Free counters!