* Bài viết của GS Ngô Gia Hy đăng trong Tập tin Xuân Kỷ Mão 99 của trường Đại học Hùng Vương (trang 5).
Trong giáo dục, mục tiêu là cơ sở chủ yếu cho đào tạo. Nếu không xác định rõ ràng mục tiêu thì bể học mênh mông, sẽ biết đi về đâu và đi đường nào. Tuy nhiên mục tiêu phải xác định bằng các công việc mà sinh viên một khi tốt nghiệp sẽ làm được, theo đòi hỏi của thực tế chứ không phải bằng những kiến thức và hiểu biết. Bởi vì biết mà không làm được thì chỉ là lý thuyết suông. Hòn đá thử vàng phải là công việc chứ không là lời và ý.
Mục tiêu của đại học là phát triển bốn mặt của con người. Trong những thập niên trước đây, các nhà giáo dục chỉ nói về kiến thức, về kỹ năng, mặt hành vi mà coi nhẹ hay không nói đến mặt nhân cách.
- Mặt kiến thức là hiểu sâu, biết rộng vượt khỏi vòng chữ nghĩa để đi đến tìm sự thật.
- Mặt kỹ năng là khéo léo và tinh xảo để đi đến sáng tạo.
- Mặt hành vi là quyết tâm, bền chí để đi đến say mê và hoà mình vào xã hội.
Nhưng thiếu nhân cách tức thiếu sự biết mình và phát triển các đức tính hay nói cho rõ hơn là thiếu đạo đức thì kiến thức, kỹ năng, hành vi chỉ thoả mãn tham vọng cá nhân và đôi khi là tai hoạ cho xã hội. Lịch sử nhân loại và những việc đang xảy ở một số vùng trên thế giới đã nói lên điều này. Do đó xin đề nghị:
Trong mỗi khoa cần xác định rõ ràng những mục tiêu tổng quát và những mục tiêu riêng biệt:
1. Mục tiêu tổng quát là mục tiêu đào tạo của Khoa theo từng mặt của con người như đã trình bày ở trên.
2. Mục tiêu riêng biệt gồm:
a) Mục tiêu các bộ môn
b) Mục tiêu của bài giảng và bài thực tập
Hai loại mục tiêu này sẽ hướng vào mục tiêu chung.
NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO VÀ BIỆN PHÁP ĐỀ NGHỊ QUYẾT ĐỊNH
I. Nhân tố chính: Là quá trình đào tạo với hai loại yếu tố: yếu tố vòng ngoài và yếu tố vòng trong.
1. Yếu tố vòng ngoài: là cơ sở phương tiện và quản lý
2. Yếu tố vòng trong : là dạy và học theo một chương trình và có phương pháp, tức là thầy và trò trong mối liên hệ hai chiều qua lại.
Trong hai loại yếu tố thì yếu tố vòng trong tức là dạy và học là then chốt nhưng với trò là chủ thể và là yếu tố quyết định chung cục.
Như vậy bài toán được đặt ra cho mỗi trường là bằng mọi giá thực hiện được những nhân tố nói trên, trong đó nhân tố vòng trong là chủ chốt. Nói một cách khác, chất lượng đào tạo đại học phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng dạy và chất lượng học tức thầy và trò.
Chất lượng của thầy là:
- Giỏi và nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học
- Tận tâm và thương trò
- Say mê với sự nghiệp, coi sự nghiệp là lẽ sống
- Có phương pháp giảng dạy.
Chất lượng của trò là:
- kiên trì, khiêm tốn và trung thực.
- Có phương pháp học tập và nhất là tự học(thư viện, sách giáo khoa, tạp chí, sinh hoạt)
II. Nhân tố phụ: nhân tố phụ là đầu vào và đầu ra
1. Đầu vào: để nâng cao chất lượng đầu vào, đề nghị:
- Tại trung học phổ thông hoàn chỉnh việc sửa soạn cho sinh viên vào đại học
- Giảng dạy phương pháp học tập đại học
- Sĩ số lấy vào phù hợp với đội ngũ thầy cô, nhất là thầy cơ hữu, cơ sở, phương tiện , điều kiện của trường.
2. Đầu ra: Đánh giá đầu ra phải dựa vào mục tiêu. Muốn nâng cao chất lượng đầu ra, trong quá trình đào tạo sẽ:
- Kết hợp chặt chẽ giữa trường và các đơn vị sản xuất, kinh doanh, khoa học…bởi vì đây là những trường học có giá ttrị thực tiễn với những thành công và thất bại mà một khi ra trường, sinh viên sẽ phải trực tiếp đối đầu. Một đại học khép kín thiếu bài học của thực tiễn thì sẽ không đảm bảo được mục tiêu đào tạo và giảm chất lượng đầu ra. Trên quan điểm này, cần mời các chủ xí nghiệp và cơ sở khoa học tham gia vào quá trình đào tạo.
- Theo dõi sát quá trình học tập của mỗi sinh viên và kiểm tra thường xuyên (cá nhân hoá đào tạo)
- Mở rộng giao lưu quốc tế để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi.
KẾT LUẬN
Chất lượng đào tạo của một đại học là một kết quả mà mọi thành phần, mọi tổ chức của đại học đều tham gia nhưng cuối cùng thì thầy và trò là những yếu tố can hệ nhất.