Bài giới thiệu của Trần Đình Thẩm Tú về chương trình phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Kỳ về xây dựng thương hiệu quốc gia ẩm thực du lịch Việt Nam.
Chắc hẳn không một ai nghiên cứu sâu rộng về nền ẩm thực Việt Nam lại có thể phủ nhận giá trị văn hóa cốt lõi và sự gắn bó sâu sắc của nó đối với đời sống người Việt Nam. Những giá trị ấy ban đầu vốn được biểu hiện sinh động qua những bữa ăn hằng ngày của chúng ta để rồi thăng hoa hơn nữa.
Trong suốt chiều dài lịch sử của văn hóa Việt Nam, ẩm thực đã vươn ra ngoài phạm vi của những bữa ăn hàng ngày, mà trở thành giá trị văn hóa nổi bật với những nét rất riêng. Ngày nay, với sự phát triển và hội nhập không ngừng, ẩm thực Việt cũng đã có những bước đi mới vượt ra khỏi khuôn khổ địa lý và văn hóa, chiếm được cảm tình và sự yêu thích của du khách quốc tế khi đến với Việt Nam.
Với sự nhạy bén của những doanh nhân có tầm nhìn xa cũng như có tâm huyết đóng góp cho đất nước, họ đang từng bước nỗ lực phát triển ngành du lịch Việt Nam thông qua quảng bá thương hiệu ẩm thực Việt ra thế giới. Đại diện cho những con người nhạy bén đó chúng tôi xin được đơn cử ở đây là ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám Đốc của công ty Vietravel – một trong những đơn vị hàng đầu về hoạt động kinh doanh du lịch.
Vietravel là đơn vị được Tổng cục du lịch Việt Nam giao cho soạn đề án “Xây dựng thương hiệu Du lịch Việt Nam thông qua ẩm thực”. Chắc hẳn đây không chỉ là trăn trở riêng của những doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, mà còn là trăn trở chung của những nhà nghiên cứu về văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Mỗi quốc gia có ngành du lịch phát triển thì đều có một thương hiệu nổi tiếng để định vị trên bản đồ du lịch thế giới, Việt Nam có nhiều tiềm năng song chưa có một thương hiệu nào cụ thể cho ngành du lịch. Với văn hóa ẩm thực nổi tiếng thế giới, liệu ẩm thực có giúp xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam ? – Để trả lời cho câu hỏi này, Chương trình “45 phút” trên kênh HTV9 đã có một buổi phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Kỳ về vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia về ẩm thực du lịch.
Trong bài trả lời phỏng vấn, ông Kỳ đã phân tích những lý do Việt Nam nên chọn nền ẩm thực làm đại diện thương hiệu trong muôn vàn những giá trị văn hóa khác, đồng thời ông cũng nêu bật lên được những yếu tố cốt lõi giúp đưa ẩm thực Việt Nam trở thành “Bếp ăn của thế giới” như nhận định của nhà tiếp thị lừng danh người Mỹ Philip Kotler.
Trước đây, người Thái từng có ý định biến Thái Lan thành nhà bếp của thế giới – “Kitchen of the World”, nhưng ý định vẫn chỉ là ý định, còn trong một cuộc hội thảo marketing diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, vị giáo sư người Mỹ Philip Kotler - người được coi là sáng lập ra trường phái marketing hiện đại của thế giới, đã từng có gợi ý : “Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới thì Việt Nam hãy nên là nhà bếp của thế giới”. Khi nói điều này, Philip Kotler đã biết cố gắng của Thái Lan nhưng quan trọng hơn, ông cũng biết rất rõ sức hấp dẫn kỳ lạ của ẩm thực Việt. “Biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới” có nghĩa là : Ẩm thực là con đường ngắn nhất, hấp dẫn nhất để làm cho du lịch Việt Nam phát triển.
Từ ý tưởng đó, Vietravel cũng như các nhà hoạt động du lịch đầy tâm huyết đã đưa ra sáng kiến chủ động đề xuất với Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về Du Lịch, Bộ Văn Hóa Du Lịch và Tổng Cục Du Lịch về sự cần thiết phải định vị thương hiệu quốc gia cho ngành du lịch Việt Nam.
Theo ông Kỳ, câu nói của Philip Kotler nhằm giúp chúng ta định vị lại thế mạnh cạnh tranh quốc gia, tiếp đó, xuất phát từ thực tiễn, ông nhận thấy : “Đã đến lúc ngành du lịch Việt Nam cần phải xác định lại thương hiệu du lịch của chúng ta là gì ?”. Bởi vì thương hiệu của một quốc gia đảm bảo cho quốc gia đó phát triển một cách bền vững, tập trung nguồn lực và đầu tư một cách có hiệu quả nhất.
Trong video chuyên đề này, ngoài những câu hỏi phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Kỳ còn có ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về văn hóa ẩm thực như : cố Giáo sư Trần Văn Khê, chuyên gia ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh, Tiến sĩ Nguyễn Nhã...
Theo bà Hồ Thị Hoàng Anh, xu hướng của ẩm thực thế giới hiện nay người ta hạn chế ăn thịt và các chất béo, thay vào đó họ thích ăn cá và rau quả nhiều hơn. Ẩm thực Việt Nam phần nhiều được chế biến từ cá và rau cỏ, còn thịt động vật được hạn chế sử dụng. Ngoài ra, bà cho biết : “Việt Nam có một vị thế về địa lý rất đặc biệt, nó như một cửa ngõ của châu Á nên ở đó từng có sự giao thoa về các nền văn hóa của các nước khác nhau, trong đó đặc biệt là giao thoa về ẩm thực. Chính vì điều này mà khẩu vị của món ăn Việt Nam không quá là khó ăn, không quá là khó chấp nhận mà nó rất là hài hòa và phù hợp với đa số khách nước ngoài. Vì thế ẩm thực Việt Nam rất dễ phù hợp với xu hướng ẩm thực của thế giới.”
Nhưng để phát triển nền ẩm thực Việt Nam trở thành một thương hiệu đại diện cho quốc gia, theo Tiến sĩ Nguyễn Nhã Việt Nam cần phải có một chiến lược cụ thể về truy tầm nguồn gốc món ăn, chuẩn hóa về chế biến cũng như đào tạo lớp người kế thừa phát triển : “Tinh hoa của ẩm thực Việt Nam nằm trong sinh hoạt gia đình, nhiều món ăn nếu mình sưu tầm được sẽ đạt được nhiều cái chuẩn cái hay. Theo tôi một trong những cái quan trọng mình cần sưu tầm ngay cả trong ẩm thực cung đình, hiện nay người ta làm chưa hoàn toàn đúng, nếu mình làm đúng nó sẽ có giá trị lắm, không thua kém bất cứ một nền ẩm thực nào trên thế giới. Làm thế nào để những món tinh hoa trong gia đình và dân dã bây giờ được đưa dần ra các trường đào tạo, mà theo tôi là phải chuẩn hóa cho nó tốt từ nguyên vật liệu, ước lượng như thế nào… đó là điều rất quan trọng để nó thể hiện đúng vị ngon đó hay không?! Hai nữa là cách nấu đồng thời là cách trình bày cũng thế”. Ông còn cho biết thêm : “Rất nhiều món ăn truyền thống vừa ngon vừa lành, phải biết cách chế biến và cả cách ăn thế nào để cho nó tốt nữa. Ví dụ như món chả giò muốn ăn sao cho lành thì chúng ta kết hợp ăn với rau và cả bún nữa, như thế từ món ăn chơi có thể trở thành một bữa ăn hoàn chỉnh thơm ngon bổ dưỡng và lành tính.”
Qua những ý kiến đánh giá trên, chúng ta thấy còn rất nhiều điều phải làm để hoàn thành đề án đưa ẩm thực du lịch trở thành thương hiệu quốc gia. Có lẽ cần thời gian tính bằng thập kỷ để đưa Việt Nam trở thành cường quốc về ẩm thực… nhưng theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, đây là con đường ngắn nhất, nhanh nhất, ít tốn chi phí nhất mà du lịch dùng ẩm thực để đem danh tiếng quốc gia ra bên ngoài – yếu tố đó chính là yếu tố quảng bá văn hóa.
Để xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, nhóm soạn thảo đề án đã có một sự khái quát cao để cho thấy rằng ẩm thực Việt Nam mang tính văn hóa, biểu hiện sâu sắc sắc thái văn hóa đặc biệt của người Việt : ẩm thực Việt Nam mang trong mình sắc thái của giá trị văn hóa từ cổ chí kim – “trong cả kho tàng giá trị văn hóa chúng ta có thì ẩm thực cũng là một giá trị văn hóa. Giá trị văn hóa này đã truyền từ nghìn đời. Từ thời Vua Hùng với bánh chưng bánh dày, đến ẩm thực dân gian, rồi ẩm thực cung đình… nó là cả một dòng chảy văn hóa về ẩm thực. Đã đến lúc chúng ta cần hệ thống lại để đánh giá, định vị, xây dựng ẩm thực trở thành giá trị văn hóa thực sự” (Ông Nguyễn Quốc Kỳ).
Hy vọng rằng với đường hướng chiến lược đúng đắn cùng những sáng tạo không ngừng của những đơn vị, những con người có tầm nhìn nhạy bén cùng với tâm huyết dành cho phát triển đất nước giàu đẹp, trong một tương lai không xa, người Việt Nam có quyền tự hào về một nền ẩm thực sánh vai với các nền ẩm thực lừng danh và lâu đời khác trên thương trường thế giới.
Và với những ai có lý tưởng biến Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới thì xin đừng bỏ qua video clip chuyên đề phỏng vấn “Thương hiệu quốc gia Ẩm thực Du lịch” này để khám phá sâu hơn về nét đẹp cũng như những lợi ích tiềm tàng của “con rồng đang say ngủ” là nền ẩm thực đầy phong phú của đất nước chúng ta.
Trần Đình Thẩm Tú