• Hình động trên cùng 1

Đây là kho tư liệu quý hiếm về lịch sử văn hóa độc đáo của Việt Nam, không phải là trang “web” bình thường; hiện có hàng trăm tư liệu quý chưa đưa lên mạng. Xin thử coi vào mục “tưởng niệm”, hiện đã có những phim phỏng vấn những người nổi tiếng như Văn Cao, Phùng Quán, Phạm Duy, Trần Văn Khê và sẽ tiếp tục đưa lên nhiều tư liệu quý nữa. Hay thử coi mục “Giáo dục” đã thử đưa lên một vài bài về nghiên cứu giáo dục từ “phương pháp dạy và học” đến “Chân dung người thầy thế kỷ XX”, nhất là về “lương sư hưng quốc”. Cũng nên quan tâm đến bốn chương trình cùng nhau: "Cùng nhau quảng bá sự thật lịch sử chủ quyền ra thế giới"; "Cùng nhau quảng bá Bếp Việt ra thế giới"; "Cùng nhau đem dân ca - hát thơ vào trường học" và cùng nhau xây dựng chương trình "Ngàn thanh niên thế kỷ XXI", mỗi người một kế hoạch nhỏ góp phần xây dựng Việt Nam thành cường quốc biển.

Trang mạng này đang cần nhiều sự hỗ trợ về tài chánh và nhân lực để đưa lên nhiều tài liệu quý vốn đã có cũng như cho “Quỹ Văn hóa Giáo dục” có nhiều học bổng khuyến học về “Hoàng Sa học” cũng như làm luận văn, luận án tiến sĩ…

QUỸ VĂN HÓA GIÁO DỤC HÃN NGUYÊN NGUYỄN NHÃ ĐỒNG HÀNH CÙNG HIỆP HỘI ẨM THỰC VÀ DU LỊCH VIỆT NAM VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN NGHỆ NHÂN ẨM THỰC DÂN GIAN VIỆT NAM THAM GIA ĐẠI HỘI ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ THẾ GIỚI - CHI TIẾT TẠI AMTHUC.NET.VN

Thứ ba, 04 Tháng 3 2014 10:29
User Rating: / 2
PoorBest 
Share on Facebook

Bài nói chuyện tại Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy ngày 08/03/2014 của Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ sử học (Nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam, Trưởng Đề án Bếp Việt – Bếp của Thế giới)

caphethubay 20140308

I. Những yêu cầu cần và đủ của thương hiệu quốc gia

Thương hiệu quốc gia rất cần cho sự phát triển đất nước. Thương hiệu là bảng hiệu của doanh nhân.

Thương hiệu quốc gia là bảng hiệu doanh thương của cả quốc gia, là mặt mạnh nhất của quốc gia, có khả năng vượt trội so với các nước khác trên thế giới, phải mang tính tiêu biểu, độc đáo, bản sắc dân tộc mà các quốc gia khác không có hay khó có được như nước đó, tạo nên sự tự hào dân tộc. Thương hiệu quốc gia càng được nhiều người trên thế giới tiếp cận, biết tới yêu thích, càng có giá trị, tạo động lực lớn lao cho phát triển đất nước.

Như thế thương hiệu quốc gia cần những yêu cầu sau đây:

1. Thương hiệu quốc gia phải mang tính kính tế cao song cũng mang tính bản sắc văn hóa dân tộc cao, là niềm tự hào của dân tộc, tạo động lực phát triển đất nước.

2. Thương hiệu quốc gia phải mang tính cạnh tranh cao so với các nước khác, mang tính quảng bá lan tỏa rộng rãi ra thế giới, thế giới hoan nghênh tiếp cận, không tẩy chay mà còn hợp tác cùng phát triển.

3. Thương hiệu quốc gia cần có sự đồng thuận cao trong nước, cùng nhau đóng góp phát triển từ nhà nước đến người dân, nhất là giới doanh nghiệp, song phải có sự đóng góp của giới nghiên cứu, học thuật về văn hóa lịch sử.

4. Thương hiệu quốc gia phải được dễ dàng biểu hiện sức mạnh tinh thần cũng như vật chất của một quốc gia khiến quốc gia phát triển.

5. Thương hiệu quốc gia dễ dàng biểu hiện một logo hoàn hảo, dễ nhận, dễ biết để quảng bá đất nước ra thế giới.

Theo ông Philip Kotler, “việc xây dựng thương hiệu quốc gia cần có sự chủ trương của Chính phủ nhưng các doanh nghiệp cũng phải góp sức vào. Vì doanh nghiệp sẽ thụ hưởng nhiều từ thương hiệu đó và sau khi xây dựng thương hiệu quốc gia thì chính doanh nghiệp, khi đưa sản phẩm của mình ra thế giới cũng góp phần bảo vệ (hay hủy hoại) thương hiệu đó. Không thể không có sự hợp tác gắn bó giữa doanh nghiệp và nhà nước để cùng nhau xây dựng thương hiệu quốc gia”. (Kotler bàn về thương hiệu quốc gia, Sài Gòn Tiếp thị)

Nếu không có hình ảnh (bảng hiệu) tốt về quốc gia thì dù có sản phẩm tốt đến đâu cũng khó tạo sự tín nhiệm của khách hàng trên thế giới. Hình ảnh đẹp của Việt Nam, thương hiệu quốc gia Việt Nam phải hiện diện trong tâm trí của người tiêu dùng quốc tế trước khi sản phẩm Việt Nam đến với họ thì sẽ thuận lợi hơn.

Theo ông Nguyễn Thành Trung - Ủy viên Ban thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, trong bài viết "Hiểu thế nào về thương hiệu quốc gia?", Thời báo Kinh tế Sài Gòn điện tử ngày 13/07/2008: 

"Hưởng ứng sự vận động các chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia của các nước kể từ Diễn đàn Kinh tế do Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) trực thuộc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tổ chức vào năm 1999, nhiều nước đã bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu quốc gia trên cơ sở tham khảo các mô hình thành công do ITC giới thiệu. Tại Việt Nam, các cuộc tranh luận về thương hiệu bắt đầu từ khi Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) đưa dự thảo đề án xây dựng một chương trình quốc gia về thương hiệu để lấy ý kiến công chúng vào cuối năm 2001.

Một số học giả Việt Nam lúc đó nói rằng không có thương hiệu quốc gia mà chỉ có thương hiệu sản phẩm, điển hình là quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung, thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (2002). Một số tác giả khác lại cho rằng thương hiệu quốc gia chính là hình ảnh quốc gia. Chẳng hạn, PGS.TS. Trần Đình Thiên, thuộc Viện Kinh tế học, cho rằng xây dựng thương hiệu quốc gia là xây dựng hình ảnh Việt Nam dựa trên việc phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội theo các trục đồng đại và lịch đại (2006). Trong chuyến thăm Việt Nam, trao đổi trực tuyến trên Vietnamnet, Giáo sư Jack Welch - Phó hiệu trưởng Đại học Harvard - cũng nói rõ việc xây dựng thương hiệu quốc gia phải gắn liền với việc xây dựng hình ảnh quốc gia (2006).

Về mặt lý luận, để phục vụ cho việc tiếp thị hình ảnh địa phương và xây dựng thương hiệu quốc gia, Philip Kotler - cha đẻ của tiếp thị hiện đại - đã trình bày một cách có hệ thống các lý luận và thực tiễn về vấn đề này trong hai tác phẩm Tiếp thị địa phương (Marketing Places, 1993) và Tiếp thị quốc gia (The marketing of nations, 1997). Về thực tiễn, từ năm 2005, Simon Anholt - chuyên gia tư vấn cho Chính phủ Anh về xây dựng thương hiệu quốc gia, đã phối hợp với GMI đánh giá và công bố xếp hạng thương hiệu quốc gia (www.nationbrandindex.com) cho hơn 35 quốc gia trên thế giới.

Như vậy, thương hiệu quốc gia tồn tại ở cả phương diện thực tiễn và lý luận. Nhiều nước trên thế giới đang và sẽ tiếp tục triển khai việc xây dựng và tiếp thị thương hiệu quốc gia. Trong bối cảnh đó, đang và sẽ có những cách hiểu khác nhau về thương hiệu quốc gia, chủ yếu do góc độ tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, cũng có một đặc điểm chung là thương hiệu quốc gia được hiểu gắn liền với hình ảnh quốc gia.

Có nhiều cách hiểu về thương hiệu quốc gia. Dựa trên cách tiếp cận đối tượng mục tiêu của quốc gia, khi một đối tượng nghĩ về quốc gia đó, người ta nghĩ về điều gì? Hình ảnh quốc gia có trong nhận thức của đối tượng mục tiêu đó sẽ được gọi là thương hiệu quốc gia. Cách tiếp cận này hạn chế ở chỗ nhận thức là về các dữ liệu quá khứ và hình ảnh này là hình ảnh quá khứ, không thể hiện được sự vận động và định hướng hay hình ảnh mong ước của quốc gia trong tương lai.

Dựa trên cách tiếp cận về kinh nghiệm thực tiễn, Simon Anholt cho rằng thương hiệu quốc gia được cấu thành từ hình ảnh của sáu nhóm nhân tố có tác động qua lại với nhau. Ông gọi đó là sáu chiều kích của thương hiệu quốc gia, bao gồm văn hóa và truyền thống; xuất khẩu; du lịch; đầu tư và di trú; con người và năng lực điều hành của nhà nước.

Chương trình Thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tham vấn các chuyên gia tư vấn hàng đầu thế giới, các công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường nổi tiếng như WPP, O&M, Interbrand, TNS, GFK, tiếp xúc và làm việc với các trường đại học, viện nghiên cứu, các hiệp hội kinh doanh và các học giả trong và ngoài nước để thống nhất các khái niệm cũng như định danh của chương trình.

Trên nền tảng đó, Chương trình Thương hiệu quốc gia hiểu khái niệm thương hiệu quốc gia là “tập hợp các liên tưởng của cộng đồng về bản sắc và hình ảnh của quốc gia thông qua các đối tượng mà quốc gia đó sở hữu như lịch sử, sự phát triển về kinh tế - xã hội, con người, điều kiện địa lý đặc thù, điểm đến, môi trường kinh doanh, sự vận động và năng động của quốc gia, các giá trị như thân thiện, chất lượng, sáng tạo... Trong đó, hình ảnh quốc gia là nhận thức của cộng đồng về các dữ liệu quá khứ của quốc gia còn bản sắc quốc gia là nhận thức của cộng đồng về định hướng hình ảnh mong ước của quốc gia đó trong tương lai”. 

2. Tại sao chọn “Ẩm thực- Phở Việt” là thương hiệu quốc gia

2.1. Nhiều người đã phát biểu

Ông Philip Kotler, “cha đẻ” của marketing hiện đại, đã gợi ý “bếp ăn của thế giới” như là một trong những chọn lựa của Việt Nam khi xây dựng thương hiệu quốc gia. Khi đề cập việc xây dựng Việt Nam là “bếp ăn của thế giới”, ông Philip Kotler chỉ mới đưa ra một gợi ý nhẹ nhàng chứ chưa phải là một khẳng định dựa trên những hiểu biết và phân tích của ông về nội lực và tiềm năng của Việt Nam.

Sau cuộc nói chuyện của "huyền thoại tiếp thị" Philip Kotler tại TP.HCM vào ngày 17.8.2007, hai từ "thương hiệu" có dịp được nhắc đến nhiều trên các báo.

Ông Ðặng Lê Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc Cà phê Trung Nguyên, người đang ấp ủ xây dựng một thiên đường cà phê ở Việt Nam, cho rằng, thương hiệu của chúng ta sẽ là cà phê (Ðây là điều mà Cà phê Trung Nguyên đang cố gắng chứng minh). Giáo sư Tương Lai mở rộng khái niệm thương hiệu vượt ra ngoài phạm vi kinh doanh và cho rằng: "Ðó là hình ảnh nổi bật về đất nước mình, để thế giới biết và hiểu mình, rồi thích và đến với mình". Xét từ khía cạnh đó, Giáo sư khẳng định: "Chúng ta đã từng có một thương hiệu được thế giới công nhận đó là Lương tâm của thời đại". Ðây là "thương hiệu" bạn bè quốc tế phong tặng cho Việt Nam, một dân tộc anh hùng đã chiến thắng chủ nghĩa thực dân mới, giành độc lập tự do và đang trên đường hiện đại hóa đất nước.

Nhưng những người có mặt tại cuộc nói chuyện trên lại được nghe những lời khuyên khác của ông Kotler. Một trong những lời khuyên của ông là Việt Nam cần tìm ra thế mạnh của mình để xây dựng một hình ảnh riêng trên trường quốc tế. Ông ví dụ, khi nói đến Trung Quốc ngày nay, người ta thường nói đến hình ảnh một "công xưởng của thế giới" với hàng hóa đa dạng, nhân công rẻ và năng động. Hay khi nói đến Ấn Ðộ, người ta liên tưởng đến một "văn phòng của thế giới". Với sự phát triển của công nghệ thông tin, người Ấn Ðộ ngày nay xử lý công việc cho các công ty nước ngoài cách nửa vòng trái đất chỉ cần một máy vi tính được nối mạng. Người ta gọi đó là gia công (outsourcing).

Việt Nam - Nhà bếp của thế giới?

Vậy hình ảnh nào cho Việt Nam trên trường quốc tế? Ông Philip Kotler cho rằng, có một hình ảnh rất hấp dẫn: "nhà bếp của thế giới". Thoạt nghe, chắc nhiều người thấy lạ, thậm chí có thể tự ái. Bởi người Việt Nam có thói quen cho rằng, "miếng ăn là miếng tồi tàn" và nhà bếp không phải là nơi được coi trọng. Ông bà ta có câu: "Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp". Nhưng quả thực, có đi ra bên ngoài mới thấy hết giá trị và sự hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam đối với bạn bè thế giới.

Trong một buổi giao lưu bàn tròn do Báo điện tử Vietnamnet tổ chức với chủ đề "Làm thế nào để giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài?", cũng có người đã đề cập đến ẩm thực Việt Nam và đề nghị nên lấy đó làm mũi nhọn. Quả thực, hiện chưa có sản phẩm nào khi nhắc đến, người nước ngoài phải tìm ngay "made in Vietnam". Ông Kotler nói: "Khi hỏi người Mỹ: "Việt Nam là gì?", hầu hết đều không có câu trả lời cụ thể".

Một trong những lý do là Việt Nam vẫn chưa có được một sản phẩm nào do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất được thế giới biết đến.

Nhưng có một thứ mà khi nhắc đến ai cũng phải trầm trồ thán phục, đó là ẩm thực Việt Nam. Thậm chí những từ như "nem", "phở" đã trở thành danh từ chung trong ngôn ngữ của nhiều quốc gia.

Trong các loại hình văn hóa, Văn hóa ẩm thực là loại hình văn hóa mạnh nhất của Việt Nam, có thể sánh với các nền văn hóa ẩm thực có bề dày như ẩm thực Trung Quốc hay ẩm thực Pháp, nhất là khi các nền ẩm thực có bề dày ấy có quá nhiều thịt, quá nhiều dầu mỡ, quá dư dinh dưỡng, sinh ra nhiều bệnh tật hiện đại như tim mạch, béo phì, bệnh gút, ung thư… Trong khi ẩm thực Việt Nam lấy tự nhiên làm gốc, vừa ngon vừa lành, rất ít mỡ, ít thịt, nhiều rau, gia vị tự nhiên. Các nguyên vật liệu rau củ quả, cá là chính, rất tươi sống. Cách chế biến chủ yếu là luộc, hấp, tươi sống là chính vẫn giữ được hương vị tự nhiên. Các món ăn như phở, gỏi cuốn, chả giò… lại rất nhiều chất, nhiều vị, có thể ăn thêm nhất là rau sống hay bớt mỡ, bánh, thịt... dễ hợp với các khẩu vị khác nhau và sức khỏe của nhiều người. Từ đó các món ăn, cách ăn Việt rất lợi cho sức khỏe của mỗi người.

2.2. Sau đó cũng đã có nhiều người lên tiếng như:

+ Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, chủ tịch hội đồng sáng lập dự án Đại học Trí Việt tại Bà Rịa - Vũng Tàu:

“Quá khứ là một phần của thương hiệu quốc gia. Nếu ngay bây giờ hỏi tôi rằng Việt Nam nên chọn cái gì để đại diện cho mình khi quảng bá hình ảnh thì tôi không thể trả lời ngay lập tức, bởi câu trả lời chỉ thật sự có được sau một quá trình nghiên cứu với sự đóng góp từ nhiều phía, nhiều đối tượng rộng rãi. Chỉ riêng chuyện ra đầu bài thế nào cũng là vấn đề cần bàn. Chẳng hạn khi phác họa hình ảnh đất nước có nên đưa quá khứ vào hay không? Sẽ có ý kiến cho rằng không nên, vì cái chúng ta muốn nhấn mạnh và hướng đến chính là hiện tại và tương lai.

Ngược lại, nhiều người (trong đó có tôi) lại bảo vệ quan điểm rằng Việt Nam có quá khứ đặc biệt, có thể làm cho đất nước trở nên có lợi thế hơn trong việc quảng bá. Rồi hình ảnh mới của VN nên nặng về kinh tế hay về văn hóa; còn chính trị thì sao, nên kết hợp cân bằng giữa ba yếu tố này như thế nào? Rõ ràng cần có một hội đồng ghi nhận tất cả ý kiến, khoanh lại và cuối cùng chọn ra nét nổi bật nhất, đúc kết vào logo, slogan và phim quảng cáo.

Vấn đề là ai sẽ là người đứng ra đảm đương nhiệm vụ này? Đương nhiên là Chính phủ, nhưng theo tôi, nếu lập thêm một đơn vị thuộc một bộ nào đó để điều phối sẽ khó hiệu quả vì các bộ có quá nhiều ưu tiên khác. Điều chúng ta cần làm là thành lập một đơn vị độc lập nằm bên ngoài, tập hợp được những “bộ óc” marketing giỏi nhất để phối hợp với các bộ nhằm soạn thảo một chương trình hành động cụ thể với sự đầu tư về tài chính nghiêm túc của Chính phủ."

+ Ông Nguyễn Trung Thẳng, tổng giám đốc Masso Group:

“Đưa thông điệp về một Việt Nam thay đổi hằng ngày. Khi đề cập việc xây dựng Việt Nam là “bếp ăn của thế giới”, ông Philip Kotler chỉ mới đưa ra một gợi ý nhẹ nhàng chứ chưa phải là một khẳng định dựa trên những hiểu biết và phân tích của ông về nội lực và tiềm năng của VN. Vì thế, tôi cho rằng chỉ nên ghi nhận lời phát biểu của ông Kotler ở mức ông nhắc nhở Việt Nam đang “bỏ quên” trách nhiệm làm thương hiệu quốc gia. Thêm một lần được “nhắc nhở” cũng là cơ hội để Việt Nam lưu tâm và đầu tư nhiều công sức hơn cho chiến dịch này.

Xây dựng thương hiệu quốc gia phải là một lựa chọn chiến lược dựa trên sự phân tích thế mạnh hiện có, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác cũng như tiềm năng để phát triển về sau. Lúc này đây, những thứ mà thế giới có thể nhắc đến khi nói về Việt Nam là gì: dệt may, tiêu, điều, phở... hay là một cái gì mang giá trị cao hơn? Bất kỳ hình ảnh nào được chọn, tôi cho rằng phải chuyển tải được một Việt Nam đang bứt phá và thay đổi hằng ngày, đặc biệt phải khắc họa được một Việt Nam đang xác lập một vị trí mới trong phát triển kinh tế bên cạnh việc giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa đã thuộc về bản sắc."

+ Ông Paul Stoll, tổng giám đốc Công ty tư vấn du lịch quốc tế Celadon:

“Dùng tiềm năng du lịch để quảng bá đất nước. Theo tôi, Việt Nam hãy dùng tiềm năng du lịch để marketing cho đất nước. Du lịch Việt Nam có tiềm năng tuyệt vời nhưng phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có một ngành du lịch chất lượng trong bối cảnh khu vực châu Á đã có những điểm đến dần dần định hình trên bản đồ du lịch thế giới. Việt Nam phải xây dựng hình ảnh của riêng mình, những chương trình quảng bá, xúc tiến mà các quốc gia láng giềng đã làm chỉ để tham khảo, chứ không nên bắt chước.

Du lịch Việt Nam cần phát triển một hình thái du lịch bốn sao linh động để có thể đáp ứng được những nhu cầu của du khách ở tầm trung lưu trở lên. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này và còn nhiều tiềm năng để quảng bá những món ăn rất ngon và đặc sắc của Việt Nam, âm nhạc, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thời trang, con người thân thiện, phong cảnh đẹp... Tất cả những gì Việt Nam đang sở hữu cần phải được quảng bá với kinh phí được đầu tư hẳn hoi.

Những người thực hiện phương thức marketing cho Việt Nam phải thay đổi ý niệm về marketing thật đúng là giới thiệu cho du khách chứ không phải cho chính bản thân họ. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, vì vậy cần phải có một qui hoạch tổng thể trong phát triển và qui hoạch này phải thật rõ ràng cho từng thành phố, tỉnh thành. Và chỉ khi các sản phẩm du lịch có sự kết hợp của nguồn lực tài chính, con người với những chuẩn mực chung thì lúc đó marketing Việt Nam sẽ thật hiệu quả”.

+ Ông Lý Quý Trung, tổng giám đốc hệ thống nhà hàng Nam An và Phở 24:

“Cường quốc ẩm thực là chuyện trong tầm tay! Thái Lan đang có tham vọng trở thành cường quốc ẩm thực, Việt Nam tại sao không? Xét về món ăn, Việt Nam phong phú hơn nhiều. Đâu chỉ có phở, chả giò, gỏi cuốn hay những món ăn Huế, Việt Nam còn rất nhiều món thú vị mà chúng ta chưa phát hiện và đánh giá hết. Món ăn Việt Nam ngon vì không quá nhiều dầu mỡ, không quá cay lại rất nhiều rau, đầy dinh dưỡng. Vấn đề là chúng ta làm thế nào để quảng bá, chọn món nào tiêu biểu để giới thiệu với thế giới.

Tôi rất lấy làm tiếc là ẩm thực chưa được chọn là mũi nhọn trong lĩnh vực du lịch. Tôi nghĩ cần phải lập ngay một ban nghiên cứu về ẩm thực Việt Nam, chọn món ăn, chọn một mô hình chuẩn và đặc trưng cho nhà hàng Việt để xuất khẩu . Đã qua rồi cái thời “hữu xạ tự nhiên hương” mà chúng ta hãy bắt tay vào làm công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá thật cụ thể, bài bản và dài hơi. Nhà nước phải có định hướng chiến lược rõ ràng, xây dựng khung pháp lý, chính sách ưu đãi, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp..." (Theo NHƯ HẰNG - LÊ NAM - MINH NHẬT ghi, Xây dựng thương hiệu quốc gia: Việt Nam, “bếp ăn của thế giới”?, báo Tuổi Trẻ điện tử ngày 21/08/2007)

2.3. Những cơ sở vững chắc khiến không thể không lựa chọn Ẩm thực - Phở Việt là thương hiệu quốc gia:

2.3.1. Những sản phẩm liên quan đến ẩm thực hiện đang có vai trò quan trọng tạo sự tín nhiệm quốc gia:

+ Gạo xuất khẩu nhất nhì thế giới: Thống kê năm 2011 Việt Nam xuất khẩu đứng thứ nhì (7 triệu tấn) sau Thái Lan (8,5 triệu tấn). Năm 2012 Việt Nam tuy sản xuất không tăng, song đã qua mặt Thái Lan, xuất khẩu đứng đầu thế giới do Thái Lan xuất khẩu giảm sút.

+ Hạt điều xuất cảng nhất thế giới: Thống kê từ năm 2000 đến năm 2011 Việt Nam xuất khẩu cứ mỗi năm mỗi tăng; năm 2011 xuất khẩu 178,5 nghìn tấn, cao gấp 5,2 lần so với năm 2000, giá hơn 1 tỷ USD đứng thứ nhất thế giới.

+ Cà phê xuất cảng nhất nhì thế giới: Thống kê từ năm 2002, trong số 17 nước xuất khẩu cà phê, Việt Nam luôn đứng thứ nhì sau Brasil và cũng như Brasil, Việt Nam đều xuất khẩu cả hai loại Arabica và Robusta, song Robusta vẫn chủ yếu.

+ Các sản phẩm sành sứ chén bát, đũa có nhiều triển vọng xuất cảng

+ Các loại con nuôi ăn thịt như gà, bò có tiềm năng sản xuất xuất cảng, song tôm cá như cá tra đã được xuất khẩu.

+ Các gia vị như hành, gừng... có khả năng xuất cảng trong tương lai nếu ẩm thực Việt Nam trong đó có phở quảng bá rộng rãi trên thế giới

2.3.2. Những sản phẩm có thể trưng bày, biểu diễn tại các nhà hàng, quán à phê, quán trà Việt:

+ Các loại tranh, ảnh nghệ thuật thuần Việt

+ Các loại ca nhạc truyền thống phục vụ trong các nhà hàng Việt

+ Các tà áo dài độc đáo của người phụ nữ Việt Nam…

2.3.3. Những món ăn, nhà hàng Việt đã tạo ấn tượng tại nhiều quốc gia từ Mỹ, Pháp, Đức, Đông Âu, Úc, Đại Hàn...

+ Những món ăn được CNN bình bầu năm 2011 nằm trong 50 món ngon thế giới và khắp nơi nhiều nhà hàng đều có 3 món ngon như: Phở, Gỏi cuốn, Chả giò…

+ Nhiều nhà hàng Phở có bán hàng trăm món ăn Việt

2.3.4. Dịch vụ liên quan đến ẩm thực hiện đang có vai trò quan trọng về thu hút nhân lực, thu nhập vào hàng đầu trong nước. Kinh tế dịch vụ liên quan đến nhà hàng, quán ăn ngay tại trong nước đã thu hút nhân lực cũng như mức thu nhập rất quan trọng

2.3.5. Dịch vụ liên quan đến ẩm thực sẽ giữ vai trò quan trọng tạo uy tín quốc gia từ văn hóa đến kinh tế trên thế giới

Khi các nhà hàng Việt được trang trí không gian thuần Việt, món ăn Việt sẽ thể hiện văn hóa Việt tạo lòng tự hào dân tộc, nhất là được người nước ngoài ưa chuộng, sẽ là hình ảnh đẹp của quốc gia. Từ đó cũng là sự phát triển kinh tế dịch vụ trực tiếp, cùng kéo theo kinh tế sản xuất nữa ở trong nước cũng như sự cung cấp lao động xuất khẩu…

Dù chọn gì chăng nữa thì quán cà phê hay quán trà Việt đều có thể kèm các món ăn Việt. Song chọn Ẩm thực - Phở Việt thì tính văn hóa Việt sẽ cao hơn, mang bản sắc Việt Nam hơn, độc đáo hơn, tạo lòng tự hào dân tộc mạnh mẽ hơn, giúp Việt Nam phát triển hùng cường nhanh hơn.

(Đón xem cuốn sách Phở Việt sắp xuất bản tôn vinh  những độc đáo, độc nhất vô nhị trên thế giới về Văn hóa Phở và đón nghe hát thơ vinh danh ẩm thực Việt- Phở Việt)

III. Quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới

Xây dựng thương hiệu quốc gia là vấn đề đang được chú ý trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu quốc gia như thế nào để Việt Nam vươn lên, xứng tầm với các nước trong khu vực và thế giới thì rất cần sự góp sức của tất cả các thành phần trong xã hội. Và quan trọng hơn là phải có một nhạc trưởng tài ba!

Các nhà hàng Việt Nam, các nhà hàng phở, các quán cà phê, các quán trà Việt đều đan xen giữa thực và ẩm và trưng bày tranh, ảnh nghệ thuật Việt, nghe âm nhạc Việt, sử dụng nhân công Việt nhất là với phụ nữ mặc áo dài sẽ có một không gian rất Việt thể hiện nền văn hóa lúa nước (lúa gạo) tại bất cứ nơi đâu, sẽ quảng bá hiệu quả hình ảnh Việt Nam khắp thế giới và cũng là kinh tế dịch vụ phát triển hàng đầu thế giới!

Muốn được như thế cần phải chuẩn hóa các món ăn, chuẩn hóa các nhà hàng, chuẩn hóa đào tạo nhân viên đầu bếp và du lịch (vai trò các chuyên gia ẩm thực, chuyên gia thực phẩm, an toàn thực phẩm, các giảng viên, các đầu bếp Việt giỏi).

Cần xây dựng mẫu làm thật chuỗi nhà hàng từ thực phẩm sạch đến bếp sạch qua CLB Văn hóa Ẩm thực Việt Nam kết nối trực tiếp, tự thân vân động tạo thương hiệu có uy tín.

Cần xây dựng các công ty phát triển các nhà hàng đạt chuẩn được quốc tế thừa nhận quảng bá ra thế giới.

(Mong từ hôm nay manh nha xuất hiện các công ty nhà nước và tư nhân phát triển các nhà hàng đạt chuẩn dựa trên lý luận của các chuyên gia nghiên cứu từ hàng chục năm nay, nhất là chuẩn bị một phái đoàn doanh nhân đi Paris, một nơi phát triển du lịch bền vững, ẩm thực Pháp đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại...Ẩm thực cung đình - dân dã Huế rồi tới ẩm thực Việt Nam thế nào?)

Sự kết hợp kinh tế với văn hóa , kết hợp ẩm thực với du lịch sẽ là yếu tố thành công của thương hiệu quốc gia: “Ẩm thực Việt – Phở Việt” hay Ẩm thực Việt – cà phê Việt hay Ẩm thực Việt - Trà Việt.

Biểu trưng Thương hiệu quốc gia Việt là cái bát hay cái nồi có đôi đũa cả hình chữ V (Việt Nam) được bao bởi nửa vòng tròn tượng trưng cho Trái đất hay mặt trăng dựa trên cái đế có dòng chữ của các thương hiệu của “Ẩm thực Việt – Phở Việt” hay Ẩm thực Việt – cà phê Việt hay Ẩm thực Việt - Trà Việt…

+ Các chuyên gia, các doanh nhân vào cuộc làm thí điểm

+ Nhà nước và nhân dân cùng làm

 
Lắng nghe các bài hát được phổ nhạc trích từ "Trường ca Giáo dục Gia đình và Văn hóa Quốc đạo"

Tải về HN3Portal
(ứng dụng di động miễn phí dành cho Android)

Tải về ứng dụng di độngTải về ứng dụng di động

để luôn cập nhật thông tin về Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã mọi lúc mọi nơi.

Số lượng truy cập

We have 108 guests and no members online

905325
TodayToday344
YesterdayYesterday170
This WeekThis Week467
This MonthThis Month5802
All DaysAll Days905325
Highest 02-01-2024 : 4228

Free counters!