Những vấn thơ do TS. Hãn Nguyên Nguyễn Nhã sáng tác tối ngày 08/08/2015 và được hát bằng các làn điệu dân ca ba miền trong chương trình hát thơ mừng đại thọ nhạc sư Vĩnh Bảo tại Nhà lưu niệm nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Mùi ngày 25/08/2015.
1. Nhạc sư Vĩnh Bảo còn đây
Chúc mừng đại thọ tràn đầy niềm vui
Cây đại thụ nhạc hẳn rồi
Lại còn chế tác tuyệt vời đàn tranh
2. Đàn tranh Việt hóa đàn tranh
Thay vì mười sáu dây thành nhiều hơn
Đàn tranh âm sắc giữ hồn
Giữ hồn Dân tộc tâm hồn Việt Nam
3. Đàn tranh Châu Á nhiều đàn
Đàn Tàu đàn Nhật đàn Hàn khác xa
Ngay từ biểu diễn khác ta
Tay trái hoa lá, khác xa tuyệt trần
4. Trần Văn Khê bạn tri âm
Trước khi nhắm mắt nghe đàn tri âm
Mới hay tình nghĩa bạn vàng
Tri âm tri kỷ tiếng đàn quý thay
5. Nhạc sư Vĩnh Bảo người thầy
Biết bao thế hệ trò hay trò tài
Âm nhạc truyền thống quý thay
Lương sư hưng quốc có ngày hiểu ra
6. Mấy đời mới có thế a
Dễ gì có được, thầy là quý thay
Quốc gia bảo vật người thầy
Phải cần trân trọng sau này noi gương
7. Người thầy tâm huyết thân thương
Người thầy sáng tạo, quê hương tuyệt vời
Thanh niên nước Việt ta ơi,
Giữ hồn dân tộc ta thời dựng xây
8. Dựng xây đất nước hôm nay
Trở thành cường quốc một ngày không xa
Nguy cơ thuộc quốc lùi xa
Chủ quyền biển đảo nước ta an toàn
---
TIỂU SỬ NHẠC SƯ NGUYỄN VĨNH BẢO
Sinh năm 1918, quê làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), trong một gia đình có truyền thống âm nhạc.
Năm lên 6, đã biết đàn một số bài vắn đờn kìm và cò. Năm 10 tuổi, học đờn với nhạc sĩ Hai Lòng (Vĩnh Long) sử dụng được đờn kìm, tranh, cò, gáo. Lên 18 tuổi, ông học thêm đờn tranh với các nhạc sĩ Sáu Tý, Năm Nghĩa (Trà Ôn). Năm 20 tuổi, ông cùng đệm đờn gáo cho cô Hai Thiệt ca 20 câu vọng cổ thu vào đĩa hát BéKa.
Sau khi học Trường trung học Lycée Sisowath (Nam Vang), ông đi làm ở hãng lúa gạo Đông Dương. Được 2 năm, ông đi dạy tiếng Pháp, tiếng Anh ở các trường tư thục ở Sài Gòn.
Năm 1955, Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn thành lập, ông được maời dạy đờn tranh và được cử làm Trưởng ban cổ nhạc miền Nam. Ngón đờn “phong phú, bay bướm, sâu sắc” của ông được giới nghệ sĩ phong tặng Đệ nhất danh cầm. Trong thời gian giảng dạy, nhạc sĩ Vĩnh Bảo được mời tham dự hội nghị âm nhạc châu Á năm 1963 tại Tân Gia Ba; đài Truyền hình NHK Nhật Bản mời sang Đông Kinh nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam (năm 1969) và Trường Đại học Southern Illinois University – Hoa Kỳ mời sang giảng dạy âm nhạc Việt Nam với tư cách giáo sư biệt thỉnh (1970 -1972).
Năm 1972, ông được Trung tâm nghiên cứu âm nhạc Đông Phương tại Pháp mời sang cùng tiến sĩ vật lý Émile Leipp, nhà chuyên môn đóng đờn Violon và Guitare nghiên cứu nghệ thuật đóng đờn. Ở đây, ông được Viện Nghệ thuật và khảo cổ mời nói chuyện và biểu diễn nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Tiếng đờn của nhạc sĩ Vĩnh Bảo và giáo sư Trần Văn Khê được thu vào đĩa hát nhạc tài tử Nam Bộ cho hãng Ocora và hãng Philips, UNESCO v.v. để phổ biến và làm tư liệu. Năm 1970, ông thực hiện 2 băng nhạc Nam Bình 1 và 2.
Từ năm 1955, ông nghiên cứu cải tiến hình dạng, kích thước cây đờn tranh từ 16 dây lên 17 dây rồi 19, 21 dây thuận tiện cho việc thể hiện các “hơi, điệu” mà không cần sửa dây, lên nhạn. Ông còn là nhà nghệ thuật nhận đóng đờn tranh, bầu, kìm, gáo v.v. nổi tiếng, được người trong nghề đặt mua, quý trọng vì chất lượng cao.
Những năm 1960 – 1970, với vốn văn hóa sâu rộng và biết nhiều ngoại ngữ Anh, Hoa, Nhật Pháp, ông từng đi thuyết trình giới thiệu và biểu diễn âm nhạc dân tộc Việt Nam ở Trung tâm văn hóa Pháp, Đức, Hội Việt – Mỹ ở Sài Gòn và nước ngoài. Từ sau ngày miền Nam giải phóng, dù tuổi cao, nhưng ông vẫn say mê dạy đờn tại nhà, dạy trực tiếp hoặc hàm thụ qua băng, đĩa cho rất nhiều nhạc sinh nước ngoài, như Úc, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Canada, Việt Kiều v.v.. Năm 1998, 1999, Trường Colette thuộc Tổng lãnh sự Pháp tại thành Phố Hồ Chí Minh mời nhạc sĩ Vĩnh Bảo dạy âm nhạc dân tộc Việt Nam cho con em người Pháp đang sinh sống, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1998, hai anh em Eric (nhạc sĩ Guitare) và Laurent (nhà quay phim truyền hình) từ Pháp sang học đờn tranh với nhạc sĩ Vĩnh Bảo. Ông còn dành thời gian viết báo và soạn các quyển sách Tự học đờn tranh dày hơn 800 trang bằng hai thứ tiếng Pháp, Anh phổ biến cho người nước ngoài về Lịch sử âm nhạc, Nghệ thuật đóng đờn dân tộc.
Năm 2006, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được vinh danh tại Hội thảo Dân tộc nhạc học thế giới tổ chức tại Mỹ. Hội thảo có đến 800 thành viên thực hiện việc tuyển chọn và vinh danh 5 người thuộc dạng “quốc gia chi bảo”, có những đóng góp to lớn trong việc giữ gìn nghệ thuật cổ truyền dân tộc các nước. Bên cạnh Việt Nam là các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Năm 2008, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vinh dự được Bộ Văn hóa Pháp trao tặng Huy chương Văn học nghệ thuật.
Giáo sư Trần Văn Khê – người bạn tri âm của nhạc sư Vĩnh Bảo, chia sẻ: “Dù nhạc sư Vĩnh Bảo đã 93 tuổi, nhưng ngón đờn của anh vẫn y như thời trẻ, bay bướm, giản dị nhưng sâu sắc như đưa khán giả vào cõi mộng. Anh còn là người khiêm tốn, thích dạy học, nói và viết cả tiếng Anh, tiếng Pháp, còn tài đóng đàn của anh thật tuyệt vời. Tôi rất hạnh phúc khi có được người bạn tri kỷ, tài hoa như anh!”