Thứ tư, 18 Tháng 12 2013 04:15
Ủng hộ lập trường của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
User Rating: / 0
PoorBest 
Share on Facebook

(27/11/2013)

Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã là người đã dày công nghiên cứu lịch sử và có nhiều công trình nghiên cứu, sách viết về chủ quyền đối với 2 quần đảo (QĐ) Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ông cũng là người liên tục có các buổi thuyết trình, nói chuyện về vấn đề này ở trong và ngoài nước. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Biên phòng sau chuyến đi châu Âu, ông khẳng định: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với QĐ Hoàng Sa và Trường Sa"

TS Nguyễn Nhã (bên phải) trao đổi về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa với Giáo sư Ivo Vasiljev

 TS Nguyễn Nhã (bên phải) trao đổi về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa với Giáo sư Ivo Vasiljev

 

PV: Được biết, ông vừa có chuyến đi thuyết trình về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa tại các nước châu Âu. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình sau chuyến đi?
TS Nguyễn Nhã: Chuyến đi đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Tôi đã tới Đức, Tiệp Khắc và Pháp, gặp gỡ rất nhiều người, trong đó có các chuyên gia, học giả. Tôi rất vui vì được mọi người nhiệt tình đón tiếp, lắng nghe tôi nói. Những buổi thuyết trình ở Nuremberg, Praha, Plzen, Berlin, Paris... là kỷ niệm khó quên đối với tôi. Có những người bạn chỉ quen trên mạng thôi cũng tới dự hay đứng ra tổ chức buổi nói chuyện. Có thể nói, những người tham dự các buổi thuyết trình của tôi về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa đều rất ủng hộ lập trường của Việt Nam. Cũng có nhiều người thắc mắc về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa... Tôi đã trả lời một cách thuyết phục những thắc mắc đó.
Tại Tiệp Khắc, tôi gặp Giáo sư Ivo Vasiljev và chúng tôi đã trao đổi với nhau nhiều thông tin. Giáo sư Ivo Vasiljev biết đọc, nói tiếng Việt. Khi tôi tặng ông quyển sách "Những bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam", ông ấy chia sẻ rằng, sẽ đọc và dịch sang tiếng Tiệp. Điều này khiến tôi rất phấn khởi vì nếu được dịch ra tiếng Tiệp Khắc, sẽ có thêm nhiều người của đất nước này có thêm cơ hội biết thêm thông tin về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
PV: Qua các buổi tiếp xúc, ông thấy kiều bào ta hiểu biết về vùng biển đảo nước ta như thế nào?
TS Nguyễn Nhã: Những người tới dự các buổi nói chuyện của tôi phần lớn đều có hiểu biết nhất định về tình hình Biển Đông qua các thông tin trên mạng Internet. Kiều bào ta rất quan tâm tới vấn đề Biển Đông.
PV: Các học giả phương Tây có đánh giá như thế nào về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam?
TS Nguyễn Nhã: Các học giả nước ngoài thường quan tâm tới địa lý chính trị Biển Đông, nhất là tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Trong chuyến đi vừa rồi, tôi đã tới thăm Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Quốc phòng Pháp. Họ rất quan tâm đến Biển Đông. Tôi không ngờ ông Đô Đốc, Tổng Thư ký của Viện đã đến Việt Nam 10 lần rồi. Họ hỏi tôi rất nhiều câu hỏi về Biển Đông.
PV: Nói một cách khái quát nhất, chủ quyền của Việt Nam đối với QĐ Hoàng Sa và Trường Sa thể hiện ở những mảng tư liệu nào, thưa ông?
TS Nguyễn Nhã: Những văn bản Nhà nước, chính sử, sách địa chí qua các thời kỳ, trong đó, các Châu bản có tầm quan trọng mang tính Nhà nước rất rõ ràng chứ không phải suy diễn, không đúng sự thật lịch sử như phía Trung Quốc dẫn chứng.
Trong các văn bản như Châu bản trên cũng như chính sử ngay thời Lê-Trịnh, sách địa chí cùng các tài liệu của phương Tây mà riêng tập Hồ sơ tư liệu bằng tiếng Anh tôi đem đi thuyết trình có tới 37 tài liệu đã ghi rất rõ Paracels tức Cát (Kát) Vàng hay Hoàng Sa đã có chủ. Việt Nam đã từng sai thủy quân với sự hỗ trợ của dân binh Hoàng Sa từ năm 1816, nhất là từ năm 1836, đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền thành lệ hằng năm.
Tôi có thể khẳng định ngay rằng không có nước nào có nhiều văn bản chỉ đạo việc đi cắm mốc chủ quyền nhiều như Việt Nam. Trong sách điển chế "Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ" có đoạn viết: Năm 1836, vua Minh Mạng sai xuất đội thủy quân do Phạm Hữu Nhật chỉ huy đi cắm cột mốc ở Hoàng Sa. Trong đó ghi rõ, việc cắm mốc từ đó thành lệ hằng năm. Riêng sự kiện này, trong sách "Đại Nam thực lục chính biên" cũng ghi rõ, chưa kể đến các sách khác.
Sau đó, tấm bản đồ "An Nam đại quốc bản đồ" của Giám mục Taberd xuất bản năm 1838 đã ghi, vẽ quần đảo Paracels Cát Vàng tức Hoàng Sa thuộc Việt Nam. Không có bản đồ nào ghi, vẽ Paracels là Xisha (Tây Sa) của Trung Quốc cả.
Ngay cả tài liệu của Trung Quốc "Hải ngoại kỷ sự" của nhà sư Thích Đại Sán viết năm 1696 sau chuyến thăm Phú Xuân năm 1695, theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, đã ghi các hoạt động đi tìm kiếm các sản vật của đội Hoàng Sa tại Vạn Lý Trường Sa tức là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đây là tư liệu cổ chứng tỏ hoạt động thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai QĐ Hoàng Sa và Trường Sa đã được người nước ngoài biết đến, trong đó có người Trung Quốc và các bản đồ hành chính của Trung Quốc qua các thời trước 1909 đều ghi cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.

TS Nguyễn Nhã trao tặng bản đồ Việt Nam cho Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Quốc phòng Pháp. Ảnh: N.N.

 TS Nguyễn Nhã trao tặng bản đồ Việt Nam cho Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Quốc phòng Pháp. Ảnh: N.N.

 

PV: Được biết, ông mới xuất bản cuốn sách "Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai QĐ Hoàng Sa, Trường Sa", ông có thể giới thiệu vài nét về cuốn sách này?
TS Nguyễn Nhã: Cuốn sách này do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành. Qua cuốn sách, người đọc có thể dễ dàng nhận biết chủ quyền của Việt Nam đối với 2 QĐ Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Nó thể hiện ở các bằng chứng lịch sử cả của Việt Nam và các nước phương Tây cũng như Trung Quốc, quá trình quản lý hành chính liên tục của Việt Nam đối với 2 QĐ này...
PV: Ông muốn gửi gắm điều gì tới độc giả thông qua cuốn sách này?
TS Nguyễn Nhã: Tôi muốn khẳng định rằng, với những bằng chứng rõ ràng không ai có thể mơ hồ về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 QĐ Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là sự thật lịch sử không thể tranh cãi. Và sự thật luôn đi với lẽ phải. Việc tranh chấp giữa các quốc gia đều phải giải quyết theo pháp luật quốc tế, không nước nào được coi thường.
PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!./.

Theo bienphong.com.vn