Thứ bảy, 14 Tháng 12 2013 02:20
Tiến sĩ Nguyễn Nhã trình bày tài liêu lịch sử chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam tại Viện Đại Học New South Wales ở Sydney Australia
User Rating: / 0
PoorBest 
Share on Facebook

VOA Vietnamese Sydney Report Monday 02 Dec 2013

Synopsis: Dr. Nguyễn Nhã, one of Vietnam’s best known historians on the issue of sovereignty over Paracel and Spratly archipelagos, presents his research findings at a seminar at the University of New South Wales, Sydney Australia

Tiến sĩ Nguyễn Nhã trình bày tài liêu lịch sử chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam tại Viện Đại Học New South Wales ở Sydney Australia.


Ngọc Hân:

Kính thưa quí vị thinh giả,

Vào cuối tuần, Tiến sĩ Nguyễn Nhã trình bày tài liệu lịch sử chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam tại một buổi hội thảo ở Viện Đại Học New South Wales, Sydney Australia. Diễn giả thứ nhì tại buổi hội thảo nầy là Tiến sĩ Carl Thayer, một chuyên gia về vấn đề chính trị Việt Nam và Đông Nam Á, với đề tài “Giải Quyết Tranh Chấp Biển Hoa Nam – Các Định Chế Pháp Lý và Thực Tế Chính Trị (Resolving the South China Sea Dispute: Legal Regimes and Realpolitik)

Trong vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, Tiến sĩ Nguyễn Nhã là một sử gia tên tuổi trong nước cũng như ngoài nước. Ông là nhà giáo chuyên nghiệp trong gần nửa thế kỷ, sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn năm 1965. Vào năm 1973, Ông đạt học vị Cao Học / Thạc sĩ Giáo Dục và bảo vệ thành công Luận Án Tiến sĩ Sử Học vào năm 2003 tại Viện Đại Học Quốc Gia Việt Nam ở thành phố mà ông đã hấp thụ nền giáo dục nhân bản, với chủ đề “ Quá Trình Xác Lập Chủ Quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa”. Ông còn được biết đến như là Chủ Bút Tập San Sử Địa của Trường Đại Học Sư Phạm, Viện Đại Học Sài Gòn, mà số cuối cùng xuất bản vào đầu năm 1975 chuyên khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi Bắc Kinh đã chiếm đoạt Hoàng Sa bằng võ lực trong cuộc chiến ngắn với Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà ngày 19 tháng 1 năm 1974.

Ts Nguyễn Nhã đã thăm viếng và thuyết trình về vấn đề chủ quyền Hoàng sa – Trường Sa tại nhiều nơi ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Đây là chuyến thăm viếng Australia đầu tiên của Ông Bà Nguyễn Nhã. Trong suốt tháng 12-2013, ngoài thành phố Sydney, Ts Nguyễn Nhã cũng sẽ đến Adelaide, thủ phủ Tiểu bang Nam Úc và Melbourne, thủ phủ Tiểu bang Victoria.

Vào chiều ngày Thứ Bảy 30-11-2013, tại Viện Đại Học NSW ở Sydney, Ts Nguyễn Nhã đã bắt đầu buổi Hội Thảo bằng cách trao tặng Ban Tổ Chức và Ts Carl Thayer phiên bản của An Nam Đại Quốc Họa Đồ của Giám Mục Taberd được xuất bản năm 1838 khẳng định “Paracel hay là Cát Vàng tức là Hoàng Sa nằm trong Vùng Biển của Việt Nam”.

Trong phần trình bày bằng chứng lịch sử, Ts Nguyễ́n Nhã đã đưa ra bốn nhận định về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, nhìn từ góc cạnh chính sử Việt Nam, văn bản chính quyền trung ương và địa phương Việt Nam, tư liệu phương Tây Thế kỷ thứ 19 và bản đồ phương Tây Thế kỷ thứ 19.

Ngọc Hân: Kính chào Ts Nguyễn Nhã

Ts Nguyễn Nhã: Tôi là Ts Sử Học Nguyễn Nhã, xin chào Cô Ngọc Hân.

Ngọc Hân: Thưa Ts Nguyễn Nhã. Nhìn từ quan điểm chính sử trong vấn đề chủ quyền Hoàng sa và Trường Sa, kết luận của Ông là như thế nào?

Ts Nguyễn Nhã: “ Chưa hề có nước nào như ở Việt Nam, chính sử, sách điển chế, sách địa lý ghi rõ việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng sa và Trường Sa”

luận vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa ngày 01 tháng 12 năm 2013 tại Đài VietFace TV Australia- Từ trái: Ts Nguyễn Đức Hiệp, Ts Phạm Quang Tuấn, Ls Lưu Tường Quang, Ts Nguyễn Nhã, Ts Trần Nam Bình và Nhà báo Lưu Dân (Photo credit: VietFace TV Australia)

 Thảo luận vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa ngày 01 tháng 12 năm 2013 tại Đài VietFace TV Australia- Từ trái: Ts Nguyễn Đức Hiệp, Ts Phạm Quang Tuấn, Ls Lưu Tường Quang, Ts Nguyễn Nhã, Ts Trần Nam Bình và Nhà báo Lưu Dân (Photo credit: VietFace TV Australia)

 

Tất nhiên, Ts Nguyễn Nhã trưng bày nhiều chứng cớ mà sử liệu lâu đời nhất là trích dẫn sau đây từ Đại Việt Sử Ký tục biên năm 1775 hay Hậu Lê thời sự kỷ lược (1676-1789) do các sứ thần thời Lê Trịnh biên soạn theo lệnh của Chúa Trịnh Sâm năm 1775:

“Tám người thuộc Đội Hoàng Sa, Xã An Vĩnh, Huyện Bình Sơn, Phủ Quảng Ngãi đi thuyền nhỏ vào bãi Hoàng Sa giữa hải đảo tìm thấy hóa vật, bị gió dạt vào cửa Sông Thanh Lan, huyện Văn Xương, phủ Lô Châu (nước Thanh). Quan địa phương đó xét hỏi đúng sự thực rồi đưa về nguyên quán. Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng đế ta (theo nguyên văn, nhưng Nguyễn Phúc Khoát mới đúng) sai Cai bạ Thuận Hóa là Thức
Lượng hầu viết thư đáp lại nước Thanh” [hết trích dẫn]

Ts Nguyễn Nhã cũng trích dẫn Phủ Biên Tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn, và Địa Dư Chí (1821) của Phan Huy Chú trong Triều Đại Nhà Nguyễn.

Về mặt văn bản chính quyền, Ts Nguyễn Nhã nói rằng tài liệu quý giá là châu bản triều Nguyễn (thế kỷ 19) – là các văn bản của triều đình Nhà Nguyễn trước kia được giữ tại Đà Lạt rồi được lưu trữ chính thức tại Văn Khố Quốc Gia ở Sài Gòn, nhưng nay được di chuyển về Kho Lưu Trữ trung ương 1 tại Hà Nội. Ở đó, người ta tìm thấy những bản tấu, phúc tấu của các đình thần các bộ như Bộ Công, và các cơ quan khác hay những Dụ của các vua về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn như việc vãng thám đo đạc, vẽ họa đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc...

Một trong những thí dụ cụ thể được trích dẫn là Phúc Tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) trong tập châu bản Minh Mạng 55, trang 336 ghi lời châu phê của Vua Minh Mạng như sau: “ Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ ‘Năm Bính Thân Minh Mạng thứ 17’ , họ tên cai đội thủy quân phụng mệnh đi đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu”. Vua cũng phê rằng thuyền đi đâu phải cắm cột mốc đến đó để lưu dấu. Phúc tấu cũng còn ghi chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật được phái từ Thuận An vào Quảng Ngãi để đi công tác Hoàng Sa. [hết trích dẫn]

Ngọc Hân: Ts Nguyễn Nhã kết luận:

Actualities: “Chưa hề có ở nước nào như ở Việt Nam, qua châu bản, văn bản chính quyền từ trung ương đến địa phương thế kỷ thứ 19 ghi rõ việc xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa”

Tài liệu phương Tây thế kỷ thứ 19 cũng rất phong phú – chẳng hạn như Nhật ký trên Tàu Amphitrite năm 1701 sau được ghi lại vào đầu thế kỷ thứ 19 xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam.

Tác phẩm ‘Le Mémoire sur la Cochinchine’ của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long và hoàn tất năm 1820, đã khẳng ̣định năm 1816 Vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels.

Tác phẩm của Giám Mục Taberd (Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes) xuất bản năm 1833 cũng xác nhận rằng Hoàng đế Gia Long đã chính thức khẳng định chủ quyền trên đảo Hoàng Sa năm1816.

Ts Nguyễ́n Nhã nói thêm rằng gần đây, người ta còn phát hiện gần trăm đầu sách địa lý, bản đồ ghi rõ Paracels thuộc ‘Vương Quốc An Nam’ của phương Tây từ Tiếng Italy, Tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan vào tiền bán thế kỷ thứ 19. Ông còn đặc biệt nhấn mạnh đến sự thiếu vắng quan trọng trong những tài liệu của Trung Quốc về chủ quyền của nước nầy trong các tài liệu có trước năm 1909. Trước thời điểm nầy, các bản đồ do Trung Quốc vẽ đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc và các quần đảo Tây Sa, Nam Sa đã không hề được ghi.

Ngọc Hân: Ts Nguyễn Nhã kết luận:

Actualities: “ Chưa hề có nước nào như ở Việt Nam, lại có nhiều tư liệu phương Tây trong thế kỷ 19 ghi rõ việc xác lập và hành xử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.”

Sau cùng, một cách cụ thể, Ts Nguyễn Nhã nhắc lại tầm quan trọng và tín lực của bản đồ Taberd xuất bản năm 1833 gọi là An Nam Đại Quốc Họa Đồ khẳng định Paracels hay là Cát Vàng tức là Hoàng Sa nằm trong vùng biển của Việt Nam. Và Ông nhận xét:

Actualities: “ Chưa hề có nước nào như ở Việt Nam được người phương Tây ở thế kỷ thứ 19 vẽ bản đồ xác định rất rõ là Hoàng Sa thuộc Xứ Đàng Trong của Vương Quốc An Nam tức là Việt Nam”

Ts Nguyễn Nhã kết luận rằng Việt Nam luôn luôn xác định chủ quyền không chối cãi tại Hoàng Sa và Trường Sa và “cái gì của César phải trở về với César”.

Giới trẻ Việt Nam ngày nay và vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngọc Hân: Thưa Ts Nguyễn Nhã – Anh có kỳ vọng gì đối với giới trẻ Việt Nam ngày nay trong nước cũng như ngoài nước?

Ts Nguyễn Nhã: “Như tôi nói, Hoàng Sa là chất men yêu nước. Nếu giới trẻ mà quan tâm đến Hoàng Sa thì có lòng yêu nước, nhưng yêu nước không phải chỉ như vậy mà yêu nước là phải làm gì? Tôi nghĩ rằng giới trẻ quan tâm đến điều mà tôi ước mong là chương trình ‘Ngàn Thanh Niên Thế kỷ 21’ tức là mỗi người có một đề án, một kế hoạch nhỏ để xây dựng đất nước hùng cường”

Ngọc Hân tường trình Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA từ Sydney Australia.

Nguồn:(Transcript – Source: Đài VOA, Chương trình Tiếng Việt, Thứ Hai 02 Tháng 12 năm 2013 lúc 10 giờ tối)