Thứ tư, 15 Tháng 5 2013 04:31
Thư ngỏ kính gửi Tổng thống Mỹ
User Rating: / 0
PoorBest 
Share on Facebook

Thư ngỏ của Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã ở Việt Nam kính gửi Tổng thống Mỹ Obama, Quý lãnh đạo các nước trên thế giới cùng nhân dân thành phố Boston và nhân dân thế giới trong đó có nước Mỹ.

Tôi vốn là người nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam, đã từng theo dõi rất kỹ qua truyền thông hiện đại của thế giới diễn biến sự kiện khủng bố ngày 11-9 tại trung tâm tài chánh lớn nhất thế giới New York và sự kiện khủng bố tại giải Marathon lớn nhất thế giới ở thành phố Boston, được coi thành phố trí thức hàng đầu của Mỹ cũng như của thế giới.

Tôi có suy nghĩ kỹ về những nguyên nhân nào đã khiến xảy ra bi kịch kể trên mà tôi cho không những là bi kịch lớn của nước Mỹ mà có nguy cơ trở thành bi kịch lớn của cả thế giới, của cả nhân loại.

Tôi cũng suy nghĩ kỹ về cách giải quyết nào có khả năng chấm dứt những bi kịch tương tự có khả năng sẽ xảy ra và không để gây ra những di lụy cho tất cả mọi người không riêng ở nước Mỹ mà cho cả nhân loại.

Trước khi trình bày những suy nghĩ của tôi về hai vấn đề trên, tôi xin được trình bày những xúc cảm của tôi về sự kiện khủng bố vừa qua tại Boston mà ngày 16 tháng 6 năm 2012 vừa qua tôi có dịp đến thăm thành phố này cùng phụ cận đã có tới 200 trường đại học và tôi có dịp nói chuyện tại Đại Học Harvard mà tôi rất quý trọng.
Thật sự tôi rất ngỡ ngàng được chứng kiến tận mắt qua các phương tiện truyền thông hiện đại diễn biến từ 2 quả bom nổ với hình ảnh những vận động viện vô tội ngã quỵ, những người dân lành vô tội hoảng loạn, bị thương, bị chết; cảnh những người hùng cùng các nhân viên an ninh cứu nạn; hình ảnh hai nghi can khủng bố đến hình ảnh phát biểu của Tổng thống, các viên chức khác cùng những hình ảnh trong quá trình truy đuổi 2 nghi can với kết cục một người anh có gương mặt tuấn tú bị giết và gương mặt người em cũng tuấn tú, đẹp trai bị bắt cùng cảnh dân Boston ra đường hết sức vui mừng khi được tin những kẻ đánh bom bị giết và bị bắt.
Tôi tự hỏi có bao nhiêu người trên thế giới đã chứng kiến tận mắt biến cố này và có những cảm xúc như tôi hay khác tôi. Có bao nhiêu người trên thế giới không được biết hay không quan tâm đến tấn bi kịch này. Chắc chắn có nhiều người trên thế giới có lương tri được thấy tận mắt sẽ quan ngại về bi kịch có nguy cơ lớn cho cả nhân loại như tôi. Song cũng chắc chắn có ai đấy kể cả lãnh đạo một nơi nào ghét Mỹ lại thấy vui khi thấy thảm kịch trên, song chắc trong lòng cũng thầm thán phục người Mỹ đã giải quyết nhanh chóng, có hiệu quả kể cả sử dụng các phương tiện hiện đại như thế.

Tôi cũng có suy nghĩ trên thế gian này có quá nhiều nghịch lý kể cả nghịch lý của sự phát triển khoa học kỹ thuật, của tự do, của luật pháp… luôn có mặt tích cực song luôn có mặt tiêu cực mà tôi thấy ngay ở Mỹ là nước tiêu biểu nhất, khiến đáng cho loài người phải suy nghĩ lại.

Khoa học kỹ thuật phát triển lên tới đỉnh cao khiến người dân Mỹ hưởng rất nhiều tiện nghi hiện đại, nước Mỹ giầu có, hùng mạnh. Song chính sự phát triển lên tới đỉnh cao về khoa học kỹ thuật ấy, kể cả về tự do, luật pháp lại hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp đưa tới những hệ lụy lớn lao cho chính người Mỹ cũng như cho cả nhân loại. Tôi chỉ xin lấy một tỷ dụ nhỏ về sự tự do mua súng đạn, chất nổ mà luật pháp Mỹ cho phép nên 2 kẻ khủng bố và biết bao kẻ khác mới dễ dàng hành động khủng bố như đã và sẽ xảy ra ở nước Mỹ và có nguy cơ sẽ có kẻ bắt chước ở các nước khác trong tương lai với những lý do khác nhau đang tiềm tàng khắp nơi. Tôi cũng thử ví dụ một ngày nào đó có thể xa, hàng loạt các lò hạt nhân hay các kho vũ khí hạt nhân hay các vũ khí hủy diệt hàng loạt nào đó ở Mỹ hay ở Nga, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ… vì bất cứ lý do nào đó mà ngoài ý muốn hay ngoài mọi sự dự phòng mà nổ tung hoặc vào tay vài kẻ ngông cuồng, bởi chẳng có gì là tuyệt đối kể các các dự phòng tốt nhất của nhân loại; mọi sự vẫn có thể xảy ra, thì phóng xạ hay sự tàn phá của các vũ khí hủy diệt hàng loạt ấy... đâu chỉ có ảnh hưởng nước đó mà cả trái đất này sao tránh khỏi. Chẳng nói đâu xa rành rành ai cũng biết vụ nổ nhả máy phân bón vừa xảy ra ở Texas hay sự phát triển công nghệ hóa học, khí thải… đã và tiếp tục xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau cùng với hiện tượng khí hậu trái đất biến đổi từng ngày và có nguy cơ nhấn chìm một phần trái đất trong đó có Việt Nam chúng tôi. Như thế ai là người có trách nhiệm?

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, rõ ràng hiện nay trái đất rất nhỏ hẹp, bất cứ những gì xảy ra quan trọng của một nơi nào đó đều chỉ trong khoảnh khắc cả thế giới biết đến và cũng dễ dàng ảnh hưởng tới. Nhiều nguy cơ xảy ra không hay cho cả thế giới kể cả hủy diệt trái đất, nhấn chìm trái đất hay nguy cơ tận thế là có thật, có khi chỉ do sự ngông cuồng của một số người nhất là những người có trách nhiệm lãnh đạo đất nước hay lãnh đạo tinh thần nào đó có thể dẫn tới những hậu quả rất bi thảm cho trái đất, cho loài người.

Con người thời nào cũng vậy luôn có mặt thiện, mặt ác, những mặt tốt và mặt không tốt, xấu xí; có người thiện có người ác. Con người thời nào cũng có nhiều người ham quyền lực, ham lợi danh dễ làm mờ đi lý trí, đạo đức và rất khôn ngoan vin vào những lý tưởng, chính nghĩa của cộng đồng, quốc gia để làm những điều ác. Con người dễ có sự ganh tỵ, ghen ghét nhau. Chính vì vậy các tôn giáo ra đời nhiều ngàn năm nay vẫn lấy tình yêu, bác ái, từ bi… cũng chưa ngăn cản được chiều hướng các ác, cái xấu lấn át cái thiện; cái xấu cứ càng ngày càng gia tăng…

Những suy nghĩ trên đây tuy trình bày vắn tắt cũng đủ để trả lời cho trước hết nguyên nhân nào khiến xảy ra bi kịch vừa qua tại Boston.

Nguyên nhân sâu xa chính là sự phát triển của nước Mỹ nhất là về khoa học kỹ thuật, về trí thức mà Boston là tượng trưng hay phát triển kinh tế mà New York là tiêu biểu và cũng do bản chất con người vừa có cái thiện, cái ác mà cái ác toàn cầu đang có chiều hướng gia tăng.

Nguyên nhân trực tiếp là con người khủng bố, nạn nhân chịu những ảnh hưởng bên ngoài tác động khiến có những hành động gây tội ác mà vẫn cho có lý do, lý tưởng chính đáng.

Cũng có thể còn do những nguyên nhân cụ thể hơn do kết quả điều tra của cơ quan an ninh.

Về giải pháp thật khó giải pháp nào có khả năng chấm dứt ngay những bi kịch tương tự. Song sau đây có thể là những giải pháp có khả năng làm giảm dần:

1. Nước Mỹ nên cảnh giác hơn nhất là các cơ quan an ninh không nên chủ quan bất cứ tin tức nào thấy có manh nha, nguy cơ dù chưa rõ ràng, cần theo dõi và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

2. Nước Mỹ cần đoàn kết, yêu nước hơn và mỗi lần xảy ra bi kịch, nước Mỹ không sợ hãi, bình tĩnh giải quyết và sau đó nước Mỹ lại càng phát triển, tốt hơn trước khiến mọi mưu toan làm hại nước Mỹ phải nản lòng.

3. Những vụ ám hại không quan trọng đừng làm rùm beng lên, cũng đừng nêu tên danh tính để nản lòng kẻ nào muốn được nổi tiếng bằng hành động gây tội ác của mình.

4. Tranh thủ các nước lớn coi khủng bố là nguy cơ chung của thế giới, của loài người.

5. Tiến tới Luật công ước Liên hiệp quốc về tội phạm khủng bố, tội ác của nhân loại, âm mưu hủy diệt trái đất, loài người…

6. Nước Mỹ đi đầu trong công tác gíáo dục chống khủng bố các thế hệ trẻ tại nước Mỹ và trên thế giới trong trường học từ phổ thông đến đại học và qua các phương tiện truyền thông hiện đại cho quảng đại quần chúng, trước hết bằng những hình ảnh tích cực của vụ khủng bố tại Boston…

7. Nước Mỹ nên đi đầu tinh thần “win - win” (“cùng thắng”) trong tất cả các lãnh vực, hoạt động trong nội bộ nước Mỹ cũng như với các đối tác, đối thủ.

8. Đề nghị các lãnh đạo các nước trên thế giới nghiêm chỉnh quan tâm đến những hệ quả khôn lường, sẽ xảy ra tương tự tại đất nước mình nếu không quan tâm đến hợp tác cùng nước Mỹ ngăn chặn nạn khủng bố.

9. Ngoài ra khuyến khích trong nước và ngoài nước có những sáng kiến mới về các giải pháp chống khủng bố toàn cầu.

Và cũng mong nước Mỹ tiếp tục ứng xử tốt với vụ việc Boston, nhất là đối với các can phạm để thế giới khâm phục và không cho nhen nhúm bất cứ oán thù, thù ghét nào nữa với nước Mỹ.

Người Việt chúng tôi thường nằm lòng câu ca dao:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Một giàn đây là một cộng đồng, một quốc gia, song tôi đề nghị giàn đây còn là giàn trái đất nhỏ bé này của nhân loại chúng ta nữa.

Kính chuyển thư ngỏ này tới quý vị đã nêu trên và mong sớm được hồi âm.

Trân trọng,

Nguyễn Nhã, Tiến sĩ Sử học

(Trưởng Đề án Bếp Việt - Bếp của Thế giới)

JLIB_HTML_CLOAKING
(Kính nhờ các phương tiện truyền thông dịch ra các thứ tiếng và kính chuyển thư ngỏ này tới các địa chỉ nêu trên với lòng biết ơn vô hạn)