Thứ hai, 17 Tháng 2 2014 11:52
Một cuộc chiến không thể lãng quên
User Rating: / 0
PoorBest 
Share on Facebook

Là một người nghiên cứu về thông sử Việt Nam, nhân kỷ niệm 35 năm cuộc chiến 1979 tôi thấy có trách nhiệm phải lên tiếng về nguy cơ đánh mất cơ hội tìm hiểu đâu là sự thật vì sự lãng quên quá đáng về cuộc chiến này.

nguyen-nha-va-sinh-vien-tphcm

Theo tôi, trước hết phải sơ bộ nhận định rằng:

Một là đây là một cuộc chiến chống xâm lược. Bất kể từ nguyên nhân nào, bất kể thời gian bao lâu, khi một quân đội với một lực lượng hùng hậu hàng trăm ngàn người của một nước ngoài ồ ạt đến xâm phạm lãnh thổ một nước khác một cách qui mô trên diện rộng toàn biên giới hàng trăm cây số, thì đây rõ ràng là một cuộc chiến xâm lược và cuộc đề kháng của nước vừa mới thống nhất, lòng người bị ly tán, bị xâm lược. Không thể nói khác.

Đã xâm lược vào một nước khác bất cứ lý do nào mà không đem lại bất cứ lợi ích nào cho nước ấy cho nhân dân ấy thì khó mà biện minh cho lý do của cuộc chiến có chánh nghĩa.

Về phía nước bị xâm lược đã đề kháng ra sao, sẽ được đánh giá một cách khách quan. Những người tham gia cuộc đề kháng ấy, đương nhiên phải được xét đến công trạng tốt, chưa tốt hay không tốt. Nếu đã hy sinh đương nhiên phải được Tổ quốc ghi công và có khi được nhân dân hay nhà nước lập đền thờ như Đền Vệ Quốc ở Thăng Long Hà Nội xưa từ thời Lý .

Hai là về phía chính quyền cả hai nước xâm lược và bị xâm lược cũng còn giữ sự im lặng. Nếu vì lý do chính trị ngoại giao phải làm thế thì ta cũng thông cảm hiểu cho họ. Song về học thuật, giáo dục không thể im lặng, vì bài học lịch sử chỉ có giá trị cho cả các bên khi phải tìm hiểu thật chính xác đâu là sự thật. Dĩ nhiên bản thân việc im lặng như thế thì đó là có vấn đề rồi. Thường thì khi việc làm không tốt ít khi người ta muốn nhắc lại làm gì!

Về phía Việt Nam, theo tôi là nước bị xâm lược đương nhiên chống lại sự xâm lược là phải có chính nghĩa, nên không sợ gì đi tìm sự thật, nhất là về bài học lịch sử để lại đời sau, hun đúc lòng yêu nước của các thế hệ trẻ, nhất là đứng trước những nguy cơ hiện nay lớn lao chưa từng có từ hàng ngàn năm nay ở Biển Đông và trước những ý đồ thao túng, lũng đoạn về kinh tế văn hóa chính trị không còn mơ hồ gì nữa, trong khi lòng người chia rẽ, ơ hờ với công cuộc xây dựng đất nước hùng cường, chỉ chăm chăm lo lợi ích phe nhóm hay chính kiến khác biệt chỉ mong muốn đấu đá, hủy diệt lẫn nhau; vì thế mà người ta cho là thời cơ hiếm có cho họ!

Hiện nay những người lãnh đạo cuộc chiến của cả các bên không còn nữa là điều kiện tốt để chúng ta tìm hiểu một cách khách quan, công bằng.

Ba là sự thật lịch sử chỉ có một và sự công bằng của lịch sử là điều thiết yếu.

Vừa qua tôi đi nói chuyện tại các nước Đông Âu, gặp nhiều người từng tham gia cuộc chiến năm 1979, họ rất bức xúc . Hình như chúng ta chưa đối xử tương xứng với những người đã hy sinh, có nhiều công trạng trong cuộc chiến 1979.

Nếu ta làm ngay khi mới xảy ra thì là chuyện nghĩa tình bình thường, song dù sao cũng mang tính chính trị.

Sau hơn 30 năm thì phần nào cuộc chiến đã đi vào lịch sử. Việc làm cho lịch sử là việc đương nhiên, và hiện nay lại là điều quan trọng chứng tỏ Việt Nam đang ở thời kỳ độc lập tự chủ.

Bởi như thời Pháp thuộc, chính quyền không cho phép những việc làm ghi công chống Pháp. Tuy nhiên nhân dân Việt Nam vẫn âm thầm lập đền thờ tưởng nhớ như đền thờ Nguyễn Trung Trực, Trương Định, Thiên Hộ Dương… chỉ không có công khai cho giặc biết mà thôi. Ngay ở Thăng Long xưa kia nhiều người không ưa gì Nguyễn Huệ, song tại Chùa Bộc, nhân dân vẫn để thờ Tượng Quang Trung trên đầu có chữ “Tâm”.

Cũng khi đi thăm bảo tàng Đức quốc xã ở Nuremberg ( Đức), tôi thấy người Đức rất công bằng, tôn trọng sự thật lịch sử.

Tôi thấy người Việt Nam có khác, các sử quan của các triều đại luôn viết theo chỉ đạo, tôn sùng triều đại của mình. Song vẫn thấy các sử thần nhà Lê như Lê Quí Đôn vẫn viết khen những công việc của Nhà Mạc, những sự thật việc làm của họ Nguyễn như ở Hoàng Sa hay tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê Nhất Thống Chí cũng không tiếc lời khen Nguyễn Huệ.

Hoặc dù coi Tây Sơn là Ngụy nhưng Đại Nam Liệt truyện tiền Biên của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn cũng vẫn chép về Tây Sơn một cách khách quan, hay Tây Sơn Thuật Lược chép khen Nguyễn Huệ.

Bốn là việc khẩn cấp đi tìm sự thật lịch sử qua các nhân chứng, tài liệu còn để lại sau hơn 30 năm trải qua.

Sự hy sinh xương máu của quân và dân là sự hy sinh cao nhất, đáng quí nhất, cần phải đối xử tương xứng. Thường thì phải lập bia, đền thờ Tổ quốc ghi công. Từng cá nhân phải được cứu xét chính sách cho gia đình các liệt sĩ hy sinh. Những người có công trạng lớn cũng được ghi công viết tỉểu sử công trạng vinh danh, có khi phải đặt tên đường tên trường học… để các thế hệ sau tưởng nhớ.

Thế kỷ XX, tôi vẫn cho là thế kỷ của Việt Nam trong lịch sử thế giới. “Thế kỷ Việt Nam” phải sao tương xứng phải có những tác phẩm lịch sử, văn chương ngang tầm ở Việt nam hay về Việt Nam. Mong vậy thay!

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ Sử học