Thứ hai, 11 Tháng 11 2013 22:35
Quan niệm về đại học tư - cái khó và cái dễ
User Rating: / 1
PoorBest 
Share on Facebook

 * Bài viết của GS. Ngô Gia Hy đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 10/08/1993.

Ở một số nước, từ lâu đã có hai hệ thống đại học công và tư song song cùng phát triển. Ở miền Nam trước năm 1975 cũng có một số kinh nghiệm. Gọi là tư khi nào không phải nhà nước thành lập và điều hành. Tư ở đây có thể là một người, một nhóm người hay một tập thể có uy tín, có điều kiện vật chất và được tín nhiệm đứng lên mở trường và tự quản. Tự quản có thể thành công hay thất bại, một phần là do khả năng quản lý, nhưng phần chính là do chất lượng đào tạo thấp hay cao (mà suy cho cùng cũng do khả năng quản lý). Cao thì dân tin, thấp thì dân bỏ, hay Nhà Nước bắt đóng cửa và giải tán. Bởi vậy có những đại học tư nổi tiếng như Đại Học Harvard ở Hoa Kỳ đã đào tạo được những nhà bác học và những nhân tài. Những cũng ở Hoa Kỳ đã có những đại học tư sụp đổ sau một thời gian ngắn hoạt động. Đầu thế kỷ này đã có gần 100 đại học y khoa tư ở Hoa Kỳ phải đóng cửa sau bản phúc trình của Flexner vì chất lượng đào tạo quá kém, kỷ luật không nghiêm và nhất là vì theo đuổi lợi nhuận.

Thiết nghĩ đây là một bài học đáng giá cho những ai muốn mở đại học tư, vì đại học tư là một sự nghiệp chứ không phải là một xí nghiệp. Mà đã là một sự nghiệp thì phải có lý tưởng để theo đuổi và triết lý để chỉ đạo.
Đại học không có bờ bến, chỉ có trước mà không có sau, chỉ có dưới mà không có trên, bởi vì cái biết thì có giới hạn, mà cái không biết thì khôn cùng.

Đại học là mở rộng cửa đón nhận bất cứ ai, không hạn kỳ tuổi muốn bước vào ngưỡng cửa, miễn là đạt tiêu chuẩn yêu cầu và không khép kín (khép kín đối với nội bộ và khép kín đối với bên ngoài). Đại học có nhiệm vụ tìm hiểu những nhu cầu của đát nước và là nơi mà vị nguyên thủ đến trình bày và trao đổi những vấn đề quan trọng của đất nước. Đại học không chỉ dạy nghề mà còn đào tạo con người với bản chất đa năng và những gì cao đẹp của nó. Điều này chỉ thực hiện được trong một khuôn viên viện đại học rộng lớn tổ chức và sinh hoạt để đạt được mục tiêu trên. Trong khuôn viên này, không còn có sự xa cách giữa trường này và trường nọ, khoa này với khoa khác, giữa thầy và trò. Sinh viên ở đây không chỉ được học chữ và học nghề, mà còn học tất cả những gì mình thích, học ăn học nói, học võ thuật, nghệ thuật và học lãnh đạo, nói tóm lại là học làm người. Họ còn tìm thấy ở đây những điều kiện để sống tự túc, họ sẽ là người trông nom thư viện, thư quán, phục dịch trong quán ăn… ngoài giờ học tập. Ơ đây là gia đình của họ, một đại gia đình sống trong tình thương và giúp đỡ. Khuôn viên đại học là một xã hội thu nhỏ, một "làng" theo nếp sống của Việt Nam.

Quan niệm như vậy thì ngoài yếu tố nhân sự, cơ sở, chương trình kế hoạch, tài chánh, phương tiện, quản trị, để thành công đại học cần thêm yếu tố đường hướng và phương pháp đào tạo. Yếu tố này thể hiện tinh thần của một trường đại học và phản ánh một văn hoá dân tộc.

Đi từ không đến có, từ hai bàn tay trắng xây dựng sự nghiệp thì chắc chắn phải khó, mà nghĩ cho cùng, ở đời việc gì lớn mà không khó. Nhưng khó sẽ vượt qua và thành dễ, nếu người chủ trương thành lập đại học làm cho người chứ không phải cho mình. Lúc đó sẽ có hàng ngàn, hàng triệu bàn tay nâng đỡ, bởi vì như vậy là trực tiếp hay gián tiếp cùng xây dựng tương lai cho con cháu và đất nước. Nhờ vậy mà thành công. Vả chăng, đại học tư hiện thời là một nhu cầu và một thử thách. Nhu cầu vì sự hiếu học của người mình trong khi đại học công có giới hạn. Thử thách vì nếu thành công, chứng tỏ nền kinh tế quốc gia vững mạnh, dân trí cao. Nó còn thể hiện tinh thần đùm bọc của một mẹ đẻ ra trăm trứng, trong cùng một bào thai, và ý nghĩa nuôi dưỡng trăm họ của bánh chưng bánh dày. Nói như thế để quan niệm rằng đại học tư không phải chỉ là một công cuộc của một người hay một nhóm người, mà là của tất cả những ai tha thiết xây dựng cho con cháu mai sau.