Thứ hai, 11 Tháng 11 2013 22:33
Rèn luyện và nhân cách sinh viên
User Rating: / 0
PoorBest 
Share on Facebook

*Bài viết của GS.TS.Nguyễn Chung Tú in trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Sinh viên với vấn đề giáo dục và rèn luyện nhân cách, Đại học Hùng Vương, tháng 4/2001.

Giáo dục sinh viên ngày nay nên lấy vấn đề nhân cách là ưu tiên số 1, vì đó là cái thiếu thốn nhất hiện nay. Nhân cách là tính nết con người (Personnnalité), khiến ta có thể phân biêt con người này với con người khác. Nó gồm những ưu điểm của một người hay, cũng như những nhược điểm của một người dở.

Bắt đầu bằng một ưu diểm nhỏ nhoi, tưởng là trẻ con nhưng thực ra hậu quả của nó rất lớn. Mà trẻ con thật vì cha mẹ, thầy cô đòi hỏi ở một thiếu nhi từ khi mới cắp sách tới trường: ấy là sự đúng giờ (exactitude).

“Xuân đi học coi người hớn hở,
Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng.
Hỏi rằng: “Sao đã vội vàng,
Trống chưa nghe đánh đến tràng làm chi”
Thu đáp lại: “Dẫu giờ còn sớm,
Cũng nên đi kẻo chậm làm sao?
Nếu chờ khi trống đánh vào,
Dẫu ta rảo bước tài nào kịp cho
Trễ giờ ta phải nên lo””.

Thủy Tinh ngày xưa tới trễ mà mất vợ. Huyền thoại này chính là một bài học về sự đúng giờ. Vua Louis XIV đã từng tuyên bố: "Đúng giờ là sự lễ phép của vua chúa”. Trong trận đánh cuối cùng của binh nghiệp Napoléon ở Waterloo, ngày đầu Napoléon thắng, nhưng hôm sau, quân Anh phản công và Napoléon có vẻ túng thế. Ông sai người mang thư gọi Grouchy đang đóng quân tại Đức về để cứu nguy gấp. Nhưng Grouchy về trễ quá, sau Blucher, tướng Đức. Sự thất trận này đưa Napoléon tới sự lưu đày ở đảo Sainte Hélène giữa Đại Tây Dương.

Ưu điểm thứ hai của một người hay là lao động đều đều (assiduité). Các cụ ngày xưa thường nói: “Trăm hay không bằng tay quen”; ngày nay người ta thường nói: “Hát hay không bằng hay hát”. Tục ngữ có câu: “Lưỡi cày để lâu không dùng sẽ bị hoen rỉ”. Những thi sĩ một thời vang bóng, khi còn là học sinh hay sinh viên , rồi bẵng đi một dạo "đàn treo vách" (theo cách nói của Thạc sĩ (agrégé) Sử Địa Phạm Huy Thông, đến khi cầm lại cây đàn thì "đàn cầm khéo ngẩn ngơ dây" (Kiều)). Các vận động viên bóng đá hằng ngày phải tập thể dục và tập… đá bóng! Các nghệ nhân trong rạp xiếc trước khi trình diễn với công chúng, phải tập luyện chương trình của mình hằng trăm lần. Pierre Boileau, nhà phê bình văn học, trong tác phẩm bất hủ từ ba trăm năm nay (l'Art poétique) căn dặn:

"Cent fois sur le métier, remettez votre ouvrage"
(Sửa đi sửa lại hàng trăm lần)

Nếu An Dương Vương ngày xưa ngày nào cũng xem cái nỏ thần của mình còn hay mất thì đâu đến nỗi khi giặc tới nơi mới biết nỏ thần đã biến mất. Trước khi đổ bộ lên mặt trăng, các phi hành gia từ Apollo 11 đến Apollo 17 đều phải tập luyện trên mặt đất để thuộc lòng từng động tác sẽ thực hiện trên mặt trăng, bằng cách nhắc đi nhắc lại từ A đến Z các động tác chi tiết, cái nào cũng hàng trăm lần. Vì thế mà vô tình hay cố ý - có người cho rằng các phi hành gia từ Apollo 11 đến Apopllo 17 không hề lên mặt trăng bao giờ, các cuốn phim tưởng chừng là được thu hình trên đất chị Hằng, thực ra đã được nguỵ tạo ở hành tinh này!

Đặc điểm thứ ba của một người có nhân cách là trân trọng lời hứa (honorer la promesse). Một thí dụ đơn giản: một người gọi điện thoại muốn nói chuyện với ông A trong một cơ quan; lúc đó ông A đi vắng và người giữ điện thoại hẹn người gọi mười lăm phút sau gọi lại; người gọi đồng ý. Mười lăm phút sau, ông A chờ cú điện thoại nhưng không thấy người gọi gọi lại. Một người tới nhà ông X và tỏ ý muốn gặp ông chủ nhà. Ông này đi vắng và người nhà hẹn người đó 12 giờ trưa quay lại gặp ông X - khách nhận lời. 12 giờ trưa, ông X "mũ cao, áo dài" ngồi đợi nhưng không thấy ông khách quay lại!

Hồi tôi còn đi học, dù ở cấp 1,2,3 hay đại học, thầy không bao giờ nghỉ, bỏ giờ dạy, thậm chí không bao giờ đến trễ (trống vào lớp, học trò xếp hàng trước cửa lớp, thầy tới, ra lệnh vào lớp, chúng tôi mới tới chỗ ngồi).
Tục ngữ Pháp có câu: "Lời hứa là một món nợ" (La promesse est une dette). Ta cũng nói: "Quân tử nhất ngôn", quả thật "tiểu nhân mới đa ngôn" mà rút cuộc không thực thi một "ngôn" nào cả! Làm viêc theo lối tùy tiện, gặp chăng hay chớ, thì không bao giờ tiến hành được, nước không bao giờ khá được.

Một yếu tố hàng đầu trong nhiệm vụ rèn luyện của sinh viên, ấy là tự học. Trong khoảng từ 18 đến 45 tuổi, thanh niên có thể làm việc 8 giờ một ngày (còn lại 8 giờ để ngủ, 8 giờ để ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí). Như vậy một tuần học với thầy cô là 25 giờ, còn 15 giờ còn lại là để tự học.

Thế nào là tự học? Trước hết là đọc giáo trình của thầy cô trước ở nhà, trước khi vào lớp. Như thế cũng hiểu được 70% bài học. Trong giờ học, hết sức chú ý khi thầy cô giảng đến chỗ 30% mà mình chưa hiểu, ghi chép tất cả những gì mình nghe thấy, những gì ghi lên bảng. Hết giờ cũng hiểu được 90% bài học. Sau giờ học, trong vòng một tuần lễ, dùng giáo trình, những điều ghi được trong lớp, sách giáo khoa khác nếu có, để soạn một bài đầy đủ mà bây giờ mình hiểu được 95%. Còn lại 5% có thể hỏi lại các bạn trong những buổi học nhóm, tốt hơn hết là hỏi thầy cô trong những buổi học sau để hiểu được 100%.

Thư viện là một giảng đường thứ hai, thầy cô là các tác giả sách giáo khoa khắp năm châu. Nên tới đó để mà, như Louis de Broglie đã nói: "Suy tư lâu lung trong trầm tư mặc tưởng".

Nhưng muốn tham khảo sách báo trong thư viện, phải thành thạo ít ra là hai ngoại ngữ quốc tế, vì hầu hết các tài liệu không viết bằng tiếng Việt. Một ngoại ngữ quốc tế (thí dụ tiếng Anh) cũng chỉ là khí cụ của một nền văn minh (văn minh Anglo-Saxon) dù nền văn minh này phổ biến tới đâu và phát triển tới đâu. Một ngoại ngữ quốc tế nữa (thí dụ tiếng Pháp) tiêu biểu cho một nền văn minh nữa (văn minh Gréco-Latin) sẽ bao phủ quá nữa nền văn minh nhân loại.

Ngoại ngữ phải học càng sớm càng tốt, khi mà trí nhớ còn trong trắng, sáng suốt. Học càng nhiều giờ càng tốt (ở lớp 10 và lớp 11 tôi được học 6 giờ Anh văn một tuần). Và nên luôn dùng đến, đừng bỏ bẵng đi, lưỡi cày sẽ rỉ. Nếu chỉ để nghiên cứu thì có thể coi một sinh ngữ quốc tế là một tử ngữ, nghĩa là chỉ hiểu được các văn bản viết bằng ngoại ngữ đó thôi, dịch được các bài đó sang tiếng Việt. Nhưng muốn giao lưu quốc tế, tham dự các hội nghị quốc tế, thì phải đọc được sinh ngữ đó, nói được sinh ngữ đó, hiểu được khi nghe người ta nói bằng sinh ngữ đó.

Abstract:
In student education, the personality is the first importance
Personality includes exactitude, assiduity and promise respect
Student must train self - studying and well knowing two foreign languages