Thứ hai, 11 Tháng 11 2013 22:31
Các biện pháp cụ thể nâng cao chất lượng đào tạo
User Rating: / 0
PoorBest 
Share on Facebook

 * Bài viết của TS. Nguyễn Nhã in trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Nâng cao Chất lượng Đại học tháng 6/1997.

I. Vài hiện tượng về thực trạng chất lượng đào tạo tại Đại Học Việt Nam:

Chất lượng đào tạo phù thuộc vào các yếu tố: Thầày, trò (đầu vào), phương tiện dạy học, cơ sở vật chất, chương trình và quản trị. Tùy theo cách nhìn, mỗi người coi yếu tố quan trọng hàng đầu có khác nhau.

Để có cơ sở khoa học, chúng ta phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của các đại học Việt Nam, dĩ nhiên, giữa đại học công và đại học dân lập có sự khác biệt. Thực tế hiện nay ở nước ta, các đại học công có rất nhiều ưu thế về trường sở rộng rãi, khang trang, song phương tiện dạy học rất yếu do cách quản lý chưa tốt. Các đại học công có ưu thế về thu hút hầu hết trò giỏi ở phổ thông, vì các đại học dân lập chưa có đủ thời gian để tạo uy tín cho các học trò giỏi phổ thông tin cậy. Tuy nhiên, các học trò giỏi ở phổ thông chưa chắc đã xuất sắc ở đại học, song dễ dàng trở thành sinh viên học khá. Do chất lượng học tập ở phổ thông kiến thức tổng quát còn nhiều lỗ hổng, chất lượng thấp, hầu hết các học sinh, kể cả học sinh giỏi học theo lối học đối phó, ít có lòng say mê tìm tòi, học hỏi, chưa có thói quen đọc sách, càng không có khả năng đọc sách ngoại văn. Ở phổ thông, học sinh được sự hỗ trợ của phụ huynh, luôn thích học thêm nhiều thầy (học chạy sô), học sinh lười suy nghĩ, sáng tạo, thích học những mánh lới, hoặc đáp án của môn học, rất ít thời giờ tự học, tự tìm tòi, khám phá, luôn có kế hoạch ôn tập (giới hạn chương trình và đề thi ôn tập, một hình thức học tủ với đáp án có sẵn). Lên đại học, cung cách học tập ít thay đổi, sinh viên rất thích thi nhiều trường, học nhiều trường, học loáng thoáng, không chuyên sâu cũng không định hướng rõ ràng, không say mê học một môn gì. Thậm chí, hầu hết học sinh, kể cả học sinh giỏi, gần như kiệt sức cố công thi tuyển vào đại học, thi thật nhiều trường, đến khi đậu vào đại học, có tâm lý nghỉ xả hơi, không còn miệt mài học như ở phổ thông nữa. Sinh viên năm đầu hầu như ít nhiệt tình học, đáp ứng các yêu cầu học tập, nghiên cứu cao của một số các thày giỏi. Hầu hết các học sinh có học lực trung bình thường có phẩm chất rất kém, sẽ là gánh nặng lớn, nếu vì lý do nào đó đậu vào đại học. Hầu hết học sinh phổ thông đều coi thường các môn phụ nhất là các môn khoa học xã hội. Năm 1987, khoa Sử trường Cao đẳng Sư phạm có tới 20 thí sinh trúng tuyển với điểm Sử 1,5. Từ nhiều năm nay, số thí sinh thi môn Sử vào Đại học Sư phạm Tp.HCM chưa bao giờ đạt số điểm từ 5/10 trở lên. Hiện tượng quay cóp gần như phổ biến, rất tự nhiên. Một sinh viên vốn là học sinh trường điểm (trường Lê Hồng Phong) đang học một đại học, tâm sự rằng có bạn trong lớp của trường phổ thông là người lẻ loi không chịu quay cóp; bị hỏi tại sao mọi người quay cóp mà bạn lại không quay. Có một sinh viên học giỏi đã khoe với bạn đã “nghĩa hiệp” thi hộ bạn ở một trường khác. Và cũng có một sinh viên tiết lộ, tại lớp có hiện tượng thi hộ, chính một người nói, một sinh viên quên thẻ sinh viên ở nhà là người rất xa lạ với lớp, đã được phép thi “hộ”. Một số môn thi cho dùng tài liệu lại là giờ thi nghiêm túc, ít coi lẫn nhau. Tôi đã được chứng kiến trong một buổi thi ở học kỳ I, năm 1995-1996, hai giám thị đã không ngớt phát hiện sinh viên quay cóp, trong đó có cả cán bộ lớp.

Hiện nay, các thầy dạy giỏi chưa nhiều, có hiện tượng dạy rất nhiều trường. Nhiều người cho rằng ai dạy nhiều trường như một bằng chứng sáng giá. Các thầy dạy trường đại học công lập chưa được đảm bảo cuộc sống, nên phải tự giải quyết cuộc sống bằng nhiều cách, trong đó có cách dạy thêm các trường đại học dân lập, các trung tâm. Dĩ nhiên, những người ít khả năng hay ít quen biết, khó dạy nhiều trường, song người dạy nhiều trường chưa chắc đã là thầy dạy giỏi. Thế nào là một thầy cô dạy giỏi ở đại học thì thực tế hiện nay khó mà xác định. Tại các đại học tiên tiến trên thế giới, các thầy dạy giỏi, trước hết, phải là những người có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Các thầy ấy là gương sáng về nghiên cứu và sáng tạo, suy nghĩ độc lập để cho sinh viên noi theo, chính bề dày về nghiên cứu, sáng tạo, suy nghĩ độc lập tạo nên uy lực buộc sinh viên phải làm theo yêu cầu của người thầy. Người thầy dạy giỏi có phương pháp hướng dẫn khiến sinh viên biết tự học, tự nghiên cứu, độc lập suy nghĩ và sáng tạo. Có hiện tượng không ít các thầy vẫn theo thói quen ở trường công dạy ôn tập (giới hạn chương trình, một hình thức học tủ), cách dạy như trung học phổ thông. Và do dạy nhiều trường, các thầy giỏi không có thì giờ ra bài tập, gần như rất hiếm các thầy biết trình độ học tập và sự chuyên cần của sinh viên trước khi thi cuối học phần để theo dõi, hướng dẫn sinh viên, nhất là các sinh viên học giỏi hay học yếu.

Tuy các trường đại học dân lập nỗ lực trang bị hiện đại (máy overhead, phim video), song các thầy vẫn chưa tích cực sử dụng và thư viện tuy cố gắng vẫn chưa đáp ứng vì cơ sở chật chội hoặc chưa đủ tiền mua sắm đủ sách báo, chưa kể thầy và trò chưa thật chuyển về việc tự học, tự nghiên cứu.

Chương trình đào tạo các đại học hiện nay, chủ yếu theo chương trình của Bộ, tuy các đại học dân lập có cố gắng xây dựng phần riêng của mình, song hiện nay, chưa có ai thử so sánh chương trình đào tạo tại các đại học Việt Nam với chương trình đào tạo tại các đại học tiên tiến trên thế giới. Đấy là chưa kể chúng ta thiếu hẳn những chuyên viên đội ngũ quản lý và giảng dạy, cập nhật hóa kiến thức của mình so với những tiến bộ hiện nay của thế giới.

Với thực trạng trên cho chúng ta kết luận chưa thể yên tâm về chất lượng đào tạo hiện nay của các đại học ở Việt Nam trong đó có các trường dân lập.

II. Những biện pháp cụ thể nâng cao chất lượng đào tạo tại đại học:

Cần phải có nhiều biện pháp cụ thể, và từng bước thực hiện như sau:

1. Về đầu vào của sinh viên:

Nên nhớ, bất cứ đại học nổi tiếng chất lượng cao trên thế giới đều có chính sách tuyển chọn những sinh viên hết sức kỹ càng, với tiêu chuẩn điểm cao một số các môn ở phổ thông và các trường “college”, hoặc căn cứ trên điểm cao trong kỳ thi, và cũng qua những cuộc tiếp xúc phỏng vấn hay viết tự thuật, thí dụ Applicant Essay của Nguyễn Thị Thanh Trúc (tài liệu 1 đính kèm Kỷ yếu) cho trường Nha, cho biết hoài bão, thành tích và một số khả năng của sinh viên. Các trường dân lập không hy vọng trong những năm đầu tiên thu hút những học sinh giỏi phổ thông của thành phố, song có thể vận động con em những thân hữu hay qua các sinh viên hiện đang học tại trường hoặc vận động tại các trường phổ thông ở các tỉnh, ngoài ra, cách ra đề thi chủ yếu loại những học sinh trình độ tiếp thu thấp, không có khả năng tư duy, không có độc lập suy nghĩ. Tóm lại:

- Vận động thu hút học sinh giỏi (con em thân hữu hay học sinh giỏi các tỉnh).
- Đề thi phát hiện trình độ tiếp thu tốt, độc lập suy nghĩ.
- Phỏng vấn, xét học bạ, bài tự thuật để cứu xét trường hợp vớt (song có tác dụng cụ thể khuyến khích, tạo uy tín cho trường).
- Số lượng đầu vào trong những năm đầu chưa nên nhiều. Càng ít thì chất lượng càng bảo đảm.

2. Đối với thầy nên có chính sách đãi ngộ và mời thầy dạy giỏi.

Cơ chế đại học dân lập cho phép có quyền lựa chọn thầy dạy giỏi. Thầy nào không đạt yêu cầu, có thể không để tiếp tục dạy nữa. Muốn thực hiện chính sách này nên có một cơ chế tuyển dụng hay mời thầy một cách khách quan. Tránh tình trạng vì phe nhóm, quen biết, ảnh hưởng đến chất lượng một cách lâu dài. Không nên để sự quyết định mời hay tuyển dụng nơi một người dù là Khoa Trưởng hay Hiệu Trưởng. Nên có kế hoạch “tầm sư” một cách hiệu quả. Nên có những tiêu chuẩn, yêu cầu rõ ràng. Các thầy Khoa Trưởng có chức năng đề nghị, sau đó một ban đứng đầu là Hiệu Trưởng, cứu xét từng trường hợp, nếu thấy đủ tiêu chuẩn yêu cầu thì chấp nhận. Bộ phận đào tạo phải theo dõi các thầy xem ai hiệu quả, đạt yêu cầu, để sàng lọc. Ngoài tiền thù lao giờ dạy cao để thu hút thầy dạy giỏi, cần có chính sách ân nghĩa, khiến các thầy giỏi không thể bỏ trường, phải tính đến thâm niên dạy cho trường, chứ không tính thâm niên trong ngành giáo dục, để tính tiền thâm niên hoặc các quyền lợi khác như chế độ hưu trí, nghỉ mát, tham quan, quan sát, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Hiện nay, các trường dân lập nên tranh thủ các thầy giỏi sắp hay đang về hưu trí, đồng thời, từng bước xây dựng đội ngũ trẻ không có biên chế ở đại học công mà ở các công ty hay các viện nghiên cứu.

Ngoài bộ phận theo dõi ở Phòng Đào tTạo, Ban Chủ nhiệm Khoa nên có chương trình thăm dò sinh viên một cách khách quan bằng bảng câu hỏi. Bảng câu hỏi này không để tên sinh viên, có thể chỉ để cho thầy biết mà thôi (xem mẫu tài liệu 2 và tài liệu 3 đính kèm Kỷ yếu).

3. Tổ chức kiểm tra thi cử thật nghiêm ngặt, quản lý sinh viên chặt chẽ:

Đây là khâu quan trọng có tính quyết định vào bậc nhất về chất lượng đào tạo. Để tận diệt nạn quay cóp và thi hộ hiện nay, cần áp dụng các biện pháp sau đây:

a. Phòng đào tạo quản lý sinh viên, cùng các thầy dạy bộ môn hướng dẫn kỹ càng qui chế thi cử, kiểm tra, răn đe, kỷ luật nặng nề khi bắt gặp (áp dụng nghiêm khắc).
b. Sắp xếp phòng kiểm tra, thi rộng rãi (từ 1 đến 2 sinh viên ngồi một bàn, nên quay ngược hộc bàn nếu có thể được).
c. Cắt cử người có nghiệp vụ, từng là giáo viên mới làm giám thị (nếu cần nhờ giáo viên phổ thông có kinh nghiệm coi thi).
d. Khi bắt gặp, cần lập biên bản và xử lý nghiêm khắc.

Nhân viên quản lý sinh viên của trường, của khoa, phân công theo dõi, biết mặt biết tên từng sinh viên, phát hiện tức thì trường hợp thi hộ. Nên kiểm tra hình ảnh những trường hợp nghi ngờ, chụp hình trong kỳ thi tuyển sinh.

Có thể ra đề đòi hỏi khả năng tư duy, hệ thống và nghe giảng trên lớp. Cho sử dụng tài liệu, có lớp từ 60% đến 70% không đạt yêu cầu.

4. Cải tiến phương pháp dạy học:

a. Vận động đổi mới phương pháp dạy học:

Hội đồng Khoa học hay Ban Giáo hiệu cần phổ biến những yêu cầu mới thay đổi phương pháp:
• Bãi bỏ việc ra đề ôn tập, thi kiểm tra (giới hạn chương trình học tủ).
• Bãi bỏ phương pháp đọc chép.
• Trước khi dạy, yêu cầu các thầy làm đề cương môn học (mẫu tài liệu 4 và 5 đính kèm Kỷ yếu) nộp cho Phòng Đào tạo.
• Đề cương này được thầy phổ biến trong buổi học đầu tiên (ngoài giáo trình, ít nhất có 2 tài liệu tham khảo chính bắt buộc sinh viên phải tham khảo có thể 1 tài liệu bằng Anh ngữ).
• Thống nhất phương pháp giảng bài trên lớp.
- Yêu cầu sinh viên đọc trước giáo trình, làm tóm tắt từng chương.
- Dành thời giờ trên lớp thầy và trò trao đổi, giải đáp các thắc mắc.
- Thầy chốt lại những vấn đề cốt lõi.
- Hướng dẫn, động viên sinh viên tự học, tự nghiên cứu, đọc sách báo, sử dụng thư viện, liên hệ thực tế.
• Tổ chức học tập nhóm, làm bài tập nghiên cứu, chuyên đề.

b. Xây dựng thư viện trở thành trung tâm học tập của sinh viên:

• Nên xây dựng thư viện theo mô hình hiện đại:
- Dễ dàng sử dụng đọc sách báo (kho mở hay bán mở).
- Đọc CD-ROM và tra cứu bằng vi tính và nối mạng giữa các thư viện trong nước và với nước ngoài trong tương lai.
• Vận động sinh viên tích cực sử dụng thư viện có hiệu quả:
- Phát động phong trào đọc sách (thống kê hàng tháng số người, số lượt đọc sách các lớp), trao giải thưởng hay tuyên dương “kiện tướng đọc sách”.
- Tổ chức hội thảo giới thiệu sách đặc biệt, sách Anh ngữ.

c. Xây dựng các nhóm chất lượng (QC Team):

Các nhóm chất lượng sinh viên từ 3 đến 5 sinh viên được xây dựng với các nhóm "leader members" có kế hoạch phối hợp học tập nhóm, xây dựng tinh thần "teamwork".

5. Tạo động lực cho sinh viên:

a. Khen thưởng: Đòi khen thưởng là nhu cầu tự nhiên song phải khen thưởng đúng và cách khen thưởng phải có hiệu quả.

Thư khen của một trợ lý khoa (Associate Dean for Undergraduate Affairs) của trường Đại Học Irvine, California có nội dụng tác dụng rất cao đối với sự học tập của sinh viên. Sinh viên đạt điểm giỏi (3,5 đến 4) được xếp hạng danh dự (Honor List) của khoa.

- Đủ điều kiện trở thành người trợ giáo, dạy kèm (tutor).
- Đồng thời cho biết điện thoại chương trình trợ giáo, dạy kèm (Tutorial Assitance Program) cùng tên người phụ trách.
- Chương trình không những trả tiền bồi dưỡng (thường do trường trả) mà còn được tính tín chỉ (unit credit) trong chương trình đào tạo song không cộng điểm (xem tài liệu 6 đính kèm Kỷ yếu).

Các hình thức giấy khen hoặc cấp học bổng cũng là hình thức khen thưởng tạo động lực học tập tốt cho sinh viên.

Nên tạo điều kiện nhiều mặt thi đua để sinh viên nào cũng có “mặt” được khen thưởng.

b. Các hoạt động thực tế bộ môn, thực tập cọ sát với thực tế xã hội thấy rõ lợi ích của sự học hỏi trong tương lai.

Trong nền kinh tế thị trường, thành công trong học tập dẫn đến thành công ngoài xã hội, kiếm việc làm có hiệu quả kinh tế cao khiến thúc đẩy động lực học tập của sinh viên. Các hoạt động thực tế bộ môn như tham quan, điều tra nghiên cứu, làm việc bán thời gian, thực tập phụ việc... là phương thức rất hiệu quả tạo sự hứng thú học tập cũng như nhận thức rõ về lợi ích thực tế của các ngành học, môn học.

Các hoạt động Câu lạc bộ như Câu lạc bộ Cung ứng Việc làm (làm thêm hoặc cho sinh viên tốt nghiệp) do chính sinh viên chủ động đứng ra thực hiện, không những khiến sinh viên sớm trưởng thành mà còn tạo động lực học tập các ngành chuyên môn, cọ sát với thực tế ngoài xã hội.

6). Đổi mới quản lý, tăng cường hiệu quả đào tạo.

Trong thời kỳ đại học mới thành lập, qui mô còn nhỏ, nhu cầu tạo sự gắn bó với trường, cung cách “quản lý kiểu gia đình, gia trưởng” có thể còn tác dụng, tuy rất khó khăn, bởi hiện tượng “con yêu, con ghét” dễ xảy ra, hiệu quả quản lý sẽ không cao. Cung cách quản lý kiểu gia đình, qui mô nhỏ sẽ không còn thích hợp, thậm chí là cản trở sự phát triển hay tiến tới sự tiêu vong khi trường ở giai đoạn phát triển.

Cách quản lý cổ điển, quyết định áp đặt từ trên xuống dưới đã trở thành lỗi thời. Xu thế hiện nay, cách quản trị chất lượng đồng bộ (TQM) theo phương pháp Deming, lật ngược trở lại, mọi đề xuất phải từ dưới lên trên, phát huy tính chủ động, tích cực của nhân viên, cải tiến không ngừng, đã được Nhật áp dụng thành công và các nước khác trong đó các nước khối ASEAN đang vận dụng. Mọi người trong trường phải thông suốt đường lối (vision), mục tiêu (objectives) của trường và làm việc theo tinh thần đồng đội (teamwork).

Mỗi bộ phận trong trường, mỗi người, nhất là Ban Giám hiệu, Ban Chủ nhiệm Khoa đều phải có những qui định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, những gì quản lý cấp trường, những gì quản lý cấp khoa. Phải soạn qui chế luân lý chức nghiệp (code ethic) cho từng người, từng bộ phận một cách rành mạch.
Dần dần trường phải ổn định, tránh tình trạng bị động, đối phó.

Nhà trường cũng như từng bộ phận phải có kế hoạch chương trình cụ thể được sớm phổ biến rộng rãi, chẳng hạn kế hoạch thời khóa biểu với tên người giảng dạy đã được phổ biến trước khi tuyển sinh hay ghi danh (tài liệu 7 đính kèm Kỷ yếu).

Cần phải quan tâm đến tính chuyên môn của mỗi người khi bố trí việc làm, trừ trường hợp những chuyên môn lỗi thời cần thay thế. Sự thiếu chuyên môn sẽ đưa tới những sai lầm nghiêm trọng. Chuyên môn nghiệp vụ thi cử, kiểm tra, nghiệp vụ quản lý hồ sơ hành chánh sinh viên, nghiệp vụ quản lý dự án, chương trình nghiệp vụ thư viện, nghiệp vụ hướng dẫn khải đạo sinh viên và cả chuyên môn quản trị đại học. Cần phải có kế hoạch bồi dưỡng nhân sự, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Trên đây chỉ nêu ra một số biện pháp cụ thể về chấp lượng đào tạo.

Vấn đề không phải là biết mà là làm, và phải bắt đầu làm từ đâu, từ biện pháp nào, tùy theo hoàn cảnh cụ thể của mỗi trường. Mọi sự sao chép chưa hẳn đã thành công, song qui luật khách quan cũng rất nghiêm khắc, bất cứ ai sẵn sàng bị đào thải nếu bản thân mỗi người không đáp ứng./.