Thứ bảy, 12 Tháng 9 2015 22:18
Nhân sự việc nhà báo Đỗ Hùng: Việc đánh giá không theo quá trình là một sự sai lầm đáng tiếc
User Rating: / 0
PoorBest 
Share on Facebook

Bài viết của Hãn Nguyên Nguyên Nhã nhân sự kiện nhà báo Đỗ Hùng sau khi viết một bài văn trào phúng trên trang thông tin cá nhân thì bị thôi chức Phó Tổng thư ký Tòa soạn Báo điện tử Thanh Niên.

Nguyên văn nội dung đăng tải trên tài khoản Facebook của nhà báo Đỗ Hùng ngày 2/9/2015. Nguồn ảnh: viet-studies.info

Nhà báo Đỗ Hùng lần đầu tiên sử dụng cách viết toàn dấu sắc là chuyện lạ, ngược đời mà nhà báo này muốn chứng tỏ khả năng viết độc đáo của mình, không phải ai cũng làm được. Cũng là dịp khôi hài để tự mình giảm “stress’" khi công việc bề bộn.

Để giảm "stress", người ta có thể giải quyết bằng nhiều cách hoặc về với cuộc sống gia đình với người thân hoặc tranh thủ nghỉ ngơi hoặc nghe nhạc giải trí…

Tôi không hiểu do đâu nhà báo Đỗ Hùng không làm cách giảm "stress" bình thường mà lại làm cách giảm "stress" vừa qua.

Có thể một trong các lí do, tính cách con người của nhà báo muốn làm những cái khác thường. Tôi còn nhớ một trong cách khác thường đã có lần giúp Hội Địa lý Quốc gia Mỹ phải thay đổi thay vì ghi Paracels là của Trung Quốc, đã khiến đổi là tranh chấp. Khi nhận thư phản đối của nhà báo Đỗ Hùng, Hội Địa lý Quốc gia Mỹ có giám đốc điều hành là ông Nguyễn Duy An, vốn là người Việt, đã cho biết cứ mười năm lại cập nhật thông tin, Hội đã gửi thư các bên trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Việt Nam không trả lời còn Trung Quốc thì phúc đáp ngay xác nhận là quần đảo thuộc về họ và còn mời đoàn Hội Địa lý Quốc gia Mỹ đến thăm Hoàng Sa nữa. Cũng từ đó Việt Nam lần đầu tiên phúc đáp Hội Địa lý Quốc gia Mỹ, cũng từ đó bản đồ đã không còn ghi thuộc Trung Quốc nữa mà ghi là tranh chấp.

Tôi muốn đề cập đến chuyện này và cũng thêm ý kiến tại sao nhà báo Đỗ Hùng lại nói đến chuyện đế quốc thắng phát xít, sao lại không kể cả phe xã hội chủ nghĩa cũng đều thắng phát xít. Sự thật phe xã hội chủ nghĩa hồi đó là Liên Xô thời Stalin cho mình là chiến tranh vệ quốc mà thôi. Sự thật chiến tranh thế giới thứ hai là chiến tranh giữa đế quốc kiểu cũ với nhau, kiểu cá lớn nuốt cá bé và chiến tranh thế giới thứ hai đã thật sự chấm dứt thời đại đế quốc cũ và mở ra thời đại đế quốc mới mà các nước Đông Âu cũng cho Liên Xô là một loại đế quốc mới. Trung Quốc cũng vậy thôi! Thời đại này ra đời Liên Hiệp Quốc kế tục Hội Quốc Liên đã ra đời sau thế chiến thứ nhất. Với Liên Hiệp Quốc mới có luật pháp quốc tế, mới mong chấm dứt tình trạng cá lớn nuốt cá bé! Vì thế việc nhà báo Đỗ Hùng nhắc đến chiến tranh chống phát xít là chiến tranh đế quốc khi Trung Quốc đang chuẩn bị lễ kỷ niệm thắng phát xít rất lớn cũng là cách trào phúng mà thôi!

Có đìều nhà báo dùng từ tục như nhắc từ “đéo“ đến hai lần, theo cách tư duy cũ có thể cảm nhận như nhà báo có thái độ bất kính khi lại nhắc đến “bác Ái Quốc, tướng Gíáp… đánh tới bến”…

Theo thiển nghĩ, nhà báo Đỗ Hùng nên rút kinh nghiệm đừng để xảy ra sự hiểu lầm đáng tiếc nữa và kỷ luật theo tôi nên nhắc nhở để nhà báo này cẩn thận hơn mà thôi.

Theo tôi hiện nay tình trạng giáo dục văn hóa Việt Nam đang có vấn đề mà vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là tình trạng đánh giá không theo quá trình mà đánh giá theo kiểu may rủi rất xưa.

Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 và ngay có kỳ thi chung để vào các trường cao đẳng đại học cũng chỉ để tham khảo, còn các trường xét tuyển vào học theo quá trình học tập, trường lớn quan tâm đến học sinh cũng học trường phổ thông lớn, có uy tín, mà Bộ Giáo dục cũng không cần qui định không cần thiết mà để các trường tự làm lấy, nhất là quan tâm đến sở thích sở trường của học sinh, nên cần có thư tự giới thiệu của học sinh hay thư giới thiệu của các thầy cô. Bởi những môn học ở phổ thông nhất là văn, toán, lý, hóa... có giỏi cũng chẳng ăn nhập với những môn học ở cao đẳng đại học. Những học sinh xuất sắc ở trung học chưa chắc xuất sắc ở cao đẳng đại học, song có thể học trung bình hay khá là chắc. Vì thế cách tuyển chọn học cao đẳng đại học ở nước ta hiện nay hiện đã bỏ sót biết bao người tài về chuyên môn, học thuật.

Đó là chưa kể bất cứ nước nào khuyến khích sự khác thường, ngược đời, mang tính sáng tạo, nhiều khi sẽ có những biến chuyển lớn lao khiến đất nước phát triển, bằng không, coi thường sự khác thường, ngược đời thì đất nước cứ tụt hậu mãi mà thôi.

Vì thế việc đánh giá nhân viên, nhà báo vừa qua không theo quá trình là một sự sai lầm đáng tiếc.

Không kể như ông Nguyễn Tác An, nguyên Giám đốc Hải dương học Nha Trang cho biết hiện nay Trung Quốc có nhiều chiêu rất độc mà nổi cộm nhất là chiêu xúi bậy các cấp kể cả người dân làm bậy.

Tôi vốn là người người nghiên cứu lịch sử và giáo dục, nên thật sự đã quan tâm đến sự kiện này làm đề tài để tìm hiểu, nghiên cứu.

Hãn Nguyễn Nguyễn Nhã, tiến sĩ sử học
(05/09/2015)