Thứ hai, 04 Tháng 8 2014 21:07
Một chủ trương sai lầm: Cổ đông hóa đại học tư, một tổ chức kiểu công ty là thương mại hóa giáo dục, khiến giáo dục đại học Việt Nam mãi mãi tụt hậu
User Rating: / 0
PoorBest 
Share on Facebook

Bài viết của Tiến sĩ Sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (Sáng lập viên, nguyên Ủy viên Thường trực Hội đồng Sáng lập Đại học Dân lập Hùng Vương) nhân sự kiện đại hội cổ đông bất thường của Đại học Hoa Sen ngày 02/08/2014.

Vụ việc Hội nghị vừa qua và đại hội cổ đông Đại Học Hoa Sen tại Tp.HCM ngày 02/08/2014 có thể sẽ bãi nhiệm Hội đồng Quản trị, Ban Giám hiệu của Trường vốn đang hoạt động tốt, lại dám tổ chức hội thảo “bất vụ lợi”, rõ ràng cho thấy các cổ đông hoàn toàn vị lợi ích riêng chứ không vì giáo dục, sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho Đại Học Hoa Sen và cả hệ thống giáo dục đại học tư ở Việt Nam! Dù bên nào sai hay đúng cũng là do hệ lụy của cơ chế một trường đại học được cổ đông hóa.

Điều chắc chắn còn cổ đông hóa sẽ còn tiếp tục những vấn nạn tương tự như thế ở nhiều trường khác nữa. Bất cứ cổ đông theo kiểu công ty, kể cả tôi nếu tham gia đều phải bảo vệ lợi ích của mình được chia lời mà kiểu đại học tư hiện nay ở Việt Nam là hình thức siêu lợi nhuận vì chất lượng đâu có ra gì mà phải tốn kém! Và như thế đại học tư không bao giờ huy động được sự đóng góp của xã hội kể cả đóng góp của cựu sinh viên. Bao nhiêu công ty còn phá sản, lỗ lã chứ đâu như tham gia đại học tư Việt Nam hiện nay dù là lãi ít hay siêu lợi nhuận khi chẳng làm gì nâng cao đáng kể chất lượng giáo dục đại học!

Vì đâu nên nỗi

Thường ở nước ngoài, trường đại học tư với tôn chỉ bất vụ lợi, học phí chỉ chiếm hơn 30% ngân sách hàng năm, còn lại 30% do vận động đóng góp của các công ty và 30% nhà nước hỗ trợ. Bằng không chỉ là trường nghề, chất lượng rất thấp hay chỉ là trường trung học cấp 4 như ở Việt Nam. Tôn chỉ bất vụ lợi là mục tiêu không phải vì lợi nhuận mà là vì phát triển giáo dục.

Có thể lúc đầu Việt Nam chưa có người giàu, tạm thời cho cổ đông hóa thành lập các đại học tư còn có thể chấp nhận, khi muốn đại học đột phá nhanh, song phải trả giá quá cao về chất lượng giáo dục đại học hiện nay vào hàng thấp nhất trên thế giới.

Cũng thường ở nước ngoài, một đại học tư nổi tiếng ban đầu do những nhà sáng lập hiến tặng một khu đất hay một số cơ sở thành lập trường hay một nhóm người nổi tiếng có tâm đóng góp cho giáo dục và rồi một Bản Quy chế Trường được thông qua, như Bản Hiến pháp, cũng có thể dần dần chỉnh sửa và được mọi người tôn trọng. Những người khai sáng Trường phải là những người có tâm, có tầm đóng góp cho giáo dục với mục tiêu đóng góp giáo dục rõ ràng, mời những người nổi tiếng tham gia Hội đồng Quản Trị (Trustees) để huy động sự đóng góp của xã hội. Hội đồng Quản trị sẽ mời, thuê những người quản lý giỏi tham gia Ban Giám hiệu. Viện phó về tài chánh có khi tiền lương cao hơn viện trưởng và phải có hợp đồng cụ thể về yêu cầu phát triển tài năng.

Không đạt yêu cầu hợp đồng đương nhiên có người khác thay, chứ không phải người thân quen.

Quy trình xây dựng đội ngũ giảng viên đại học ngay cả đại học công ở Việt Nam như GS. Ngô Bảo Châu nói đã ngược với quy trình ở các nước. Quy trình thành lập các đại học tư ở Việt Nam cũng thế cũng đi ngược mà nếu có trường nào đi theo quy trình thành lập như các đại học tư nổi tiếng ở nước ngoài như Đại học Hùng Vương thì bị bọn cơ hội dập vùi, chụp mũ chính trị để làm giống với các trường khác hiện có ở trong nước để cùng nhau theo quy trình ngược, đó là theo quy trình cổ đông hóa, thương mại hóa giáo dục đại học.

Có thể có những lập luận rằng Việt Nam khác, không có sẵn những người giàu có như ở nước ngoài. Song họ quên một điều khi đã có các doanh nghiệp như ngân hàng, công ty của nhà nước hay tư nhân đều có thể có chiến lược tiếp thị làm việc thiện nguyện mà đầu tư cho giáo dục đại học là chiến lược tiếp thị rất khôn ngoan vững bền nhất.

Bây giờ ở Việt Nam thiếu gì người giàu. Giàu đến mấy thì ăn tiêu đến mấy cũng chẳng tiêu hết và thường có tâm lý muốn làm cái gì để đời. Bằng không ai cũng phải chết có ai mang theo mình được gì đâu. Chưa kể việc làm thiện nguyện xã hội cũng là phương cách tiếp thị hiện đại dễ giàu thêm như nói ở trên.

Không chịu sửa sai lầm có thể dẫn đến tội ác làm thương mại hóa giáo dục

Sai lầm đã làm tụt hậu giáo dục đại học ở Việt Nam, đã khiến các nhóm cơ hội loại bỏ những người tâm huyết cho giáo dục như đã xảy ra ở Đại học Hùng Vương tại Tp.HCM và tại biết bao đại học khác nữa.

Biết sai lầm mà không chịu sửa chữa thì sẽ gây ra biết bao di hại, chẳng khác nào gây ra tội ác đối với Đất nước trái ngược với mong muốn góp phần thúc đẩy đất nước hùng cường, sánh vai với các nước trong năm châu bốn biển, không còn bị tụt hậu, không còn bị xử ép, làm nhục như hiện nay ở Biển Đông nữa. Bởi giáo duc nhất là giáo dục đại học là yếu tố quan trọng góp phần phát triển đất nước hùng cường.

Vụ việc ở Đại học Hùng Vương và vụ việc ở Đại học Hoa Sen không cần biết ai đúng ai sai và rồi sẽ tiếp những đại học tư khác nếu cứ tiếp tục chủ trương cổ đông hóa, thương mại hóa giáo dục kiểu công ty.

Lịch sử rất nghiêm khắc phê phán những sai lầm liên quan đến sự tồn vong của đất nước này vậy!

(1/8/2014)