Thứ tư, 18 Tháng 1 2017 20:54
Tác hại của việc "bỏ Tết ta": Phải chăng ai đó muốn dẹp bỏ lịch sử, văn hiến ngàn năm của Việt Nam?
User Rating: / 1
PoorBest 
Share on Facebook

Bài viết của Hãn Nguyên Nguyễn Nhã sau việc một vài trang thông tin điện tử đăng ý kiến “Đã đến lúc chúng ta bỏ Tết cổ truyền” gây ra hàng loạt phản ứng mạnh, gay gắt của độc giả lẫn cộng đồng mạng tranh luận xung quanh việc có phải là do sự không hiểu biết của một nhà văn trẻ hay là kế hoạch truyền thông cố tình muốn tạo sự kiện để độc giả biết đến.

Sau ý đồ muốn dẹp môn lịch sử ở trường phổ thông, đến nay không rõ vì vô tình hay cố ý nổi lên ý kiến “bỏ Tết ta” (âm lịch) để nhập vào “Tết Tây (dương lịch), lấy cớ bắt chước Nhật và để "giúp hiệu suất làm việc của người Việt tăng vì ăn Tết ta, nghỉ nhiều quá trong khi thế giới lại đang làm việc và nên tạo dịp người Việt ở nước ngoài được nghỉ Tết dương lịch về quê hương Việt Nam nhiều hơn…"

Theo tôi thiển nghĩ việc bỏ tết ta sẽ gây ra nhiều tai hại cho Việt Nam:

Một là thời điểm hiện nay khác với thời Minh Trị Duy Tân ở Nhật Bản chưa xảy ra toàn cầu hóa hay “Tây Phương hóa” hay “Trung Quốc hóa” hoặc thế lực mạnh hiện đại quốc tế hóa nào đó, khiến Việt Nam nguy cơ mất bản sắc văn hóa Việt, yếu tố quan trọng giúp người Việt tự hào xây dựng đất nước thoát khỏi tụt hậu quá xa, không bị lệ thuộc hay mất nước một kiểu mới.

Hai là Tết ta là thời điểm rất thiêng liêng, sum họp gia đình cả người sống và những người đã khuất, là mở đầu vận hội mới mà mọi người mong, đặc biệt “mùng một tết cha, mùng ba tết thầy”, thể hiện tính thần truyền thống tôn sư trọng đạo, rất cần trong lúc này phải quan tâm đến giáo dục mới khiến đất nước phát triển.

Ba là từ Tết ta mở đầu lịch ta mà xưa kia lịch ta do Vua ta ban ra. Cũng từ lịch ta, ta mới biết ngày giỗ của bố mẹ, ông bà, tổ tiên. Cũng từ đó ta mới biết Ngày Giỗ Quốc tổ Hùng Vương, ngày 10 tháng 3 (AL) mà từ thời Vua Lê Thánh Tông đã trở thành Quốc lễ. Khác với Nhật thờ đa thần không có ngày giỗ Quốc tổ song người Nhật đã định ngày 31 tháng 12 (DL), tất cả các thành viên trong gia đình phải đến bất cứ Đền thờ Thần đạo để thể hiện sự đoàn kết, đại hòa của người Nhật.

Rồi cũng từ những ngày giỗ các anh hùng dân tộc từ Hai Bà Trưng (6 tháng 2 AL), Giỗ Đức Trần Hưng Đạo (20 tháng 8 AL) đã ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông, đế quốc sừng sỏ nhất thế giới thế kỷ 13 mà Nhật chỉ nhờ Thần Phong (Kamikaze) khiến lật đổ các chiến thuyền Mông Cổ không thể đến xâm chiếm nước Nhật. Hoặc "21 Lê Lai", "22 Lê Lợi"… Đặc biệt từ bao lâu này ngày Mùng 5 Tết là ngày Giỗ Đống Đa, cúng cả bên ta và bên địch, kỷ niệm chiến công hiển hách trong lịch sử Việt Nam…

Liệu bỏ Tết ta, người Việt có còn nhớ đến những ngày lịch sử thiêng liêng trên nữa hay không. Sau này có như thế nào thì đừng trách những người nghiên cứu lịch sử văn hóa như tôi đã không lên tiếng nhé…

Bốn là Việt Nam có văn hóa Tết ta rất đặc sắc từ ý nghĩa đến cách ăn tết với mâm cỗ tết ba miền rất phong phú đa dạng với giò nem ninh mọc, bánh chưng, bánh tét, dưa cải muối, dưa món, dưa giá, bản sắc từng vùng miền có khác, song vẫn có nét chung.

Người Việt quan tâm đến ăn tết, về quê ăn tết, ăn lấy hên, rất hiếu khách, lại còn biết “chơi tết” cũng rất phong phú từ cây nêu đến cây đu, võ vật…nhất là lễ hội mùa xuân sẽ thu hút khách du lịch nếu biết cách…

Năm là ông Kotler, người sáng lập ngành tiếp thị (marketing) hiện đại đã phát biểu rằng Việt Nam là "bếp ăn của thế giới". Tôi cũng từng có tham luận xây dựng ẩm thực - phở Việt là thương hiệu quốc gia vì hiện nay Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là thực phẩm như gạo, cà phê, hạt điều, cá …và nổi tiếng nhở các món ăn như phở, gỏi cuốn, chả giò…

Việt Nam lại có tiềm năng về du lịch có vịnh đẹp nhất thế giới, vịnh sâu nhất thế giới, hang động đẹp lớn nhất thế giới, thành phố cảng đẹp nhất thế giới, nhiều bãi biển cát đẹp, giàu ánh nắng mặt trời, song chỉ phục vụ còn kém vào hàng nhất thế giới, lại có nền ẩm thực phong phú nhiều tiềm năng, có nhiều món như món phở được thế giới ưa chuộng, người Nhật lấy ngày 4 tháng 4 là ngày Phở tại Nhật, đài CNN tôn vinh Phở là 1 trong 50 món ngon nhất thế giời, tờ Times tôn vinh Phở là một trong mười món lợi cho sức khỏe nhất thế giới, Phụ nữ Đại Hàn đang ăn phở để chống béo phì…

Nếu Việt Nam biết cách phối hợp ẩm thực với du lịch, Việt Nam sẽ phát triển không ngờ.

Hiện nay du lịch thế giới ngày càng phát triển, người ta đi đến nước nào thấy có sự khác biệt từ xem, ăn có gì khác không để họ khám phá và phải làm sao ai đã đến muốn đến nhiều lần nữa vì chưa có thời gian thưởng thức hết,

Và như thế cách ứng xử, phục vụ quảng bá thế nào cho tốt. Và như thế giáo dục kể cả giáo dục văn hóa là cái cốt lõi cần phải cải thiện để cải thiện hiệu suất cao. Còn văn hóa có khác biệt như văn hóa Tết ta lại là điều hấp dẫn khách du lịch.

Vả lại trong tương lai, thời đại kỹ thuật cao kể cả “robot thông minh” phát triển, đâu cần đến nhân công nhiều.

“Biết mình, biết người”, “trăm trận trăm thắng”. Văn hóa truyền thống trong đó có văn hóa Tết ta rất nhiều cái hay, do thời cuộc làm thay đổi, đang có nhiều nguy cơ mất mát vì có nhiều suy nghĩ sai lầm, nhất là không biết những mặt mạnh của mình, lại vọng ngoại, thích bắt chước người không đúng.

Việc đòi bỏ Tết ta là sự sai lầm, không biết những mặt mạnh của mình, tạo sự tự hào về văn hóa, lịch sử, tạo động lực cho các thế hệ trẻ góp phần xây dựng đất nước hùng cường, đi ngược lại chủ trương phải biết trọng văn hóa của Đất nước mình!

Vì giáo dục quá quan trọng, tôi đã sáng tác tác phẩm từ thơ đến họa, hát dân ca “Thương ca văn hóa” gồm 13 văn hóa: giao thông, đọc, chơi, lễ hội, ăn, mặc, ở, ứng xử, công đồng; chào hỏi, cám ơn xin lỗi; ước mơ Việt Nam thành cường quốc biển... và Học hát dân ca, bé ơi việc nhỏ chuyện lớn: nhặt rác cho người mới quăng, xếp hàng, vệ sinh an toàn, văn minh đô thị…

Cùng đĩa hát thơ “Thầy trò phải làm gì xây dựng Đất nước hùng cường”. Rất mong được nhiều người chia sẻ và cùng nhau đi thôi!